Ông Hồ Tích Tiến bị cấm phát ngôn vì vượt quá lằn ranh đỏ của Chính phủ
- Bình Minh
- •
Ngày 1/8 Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, ông Hồ Tích Tiến – cựu tổng biên tập tờ “Thời báo Hoàn Cầu” do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn – đã bị cấm đăng bài trên mạng xã hội sau khi viết những nhận xét gây tranh cãi về Trung Quốc.
Nguồn tin giấu tên cho biết, các tài khoản của ông Hồ Tích Tiến đã bị đình chỉ, gồm cả tài khoản Weibo, nơi ông có gần 25 triệu người theo dõi. Nguồn tin không nêu rõ thời hạn cấm.
Bài đăng cuối cùng trên Weibo của ông Hồ Tích Tiến là vào thứ Bảy tuần trước (27/7), đánh dấu sự im lặng bất thường đối với một blogger nổi tiếng đã quen với việc đăng nhiều bài viết trên Weibo mỗi ngày.
Người này cho biết, ông Hồ Tích Tiến tin rằng cuộc họp do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì vào tháng trước đã đánh dấu một mốc thay đổi lịch sử, khi đặt các công ty nhà nước và tư nhân ngang hàng với nhau. Nguồn tin nói thêm, lệnh cấm là tín hiệu cho thấy chính quyền muốn hạn chế thảo luận công khai về vấn đề này.
Lằn ranh đỏ nằm ở đâu
Bloomberg cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thu hẹp không gian tranh luận công khai về nền kinh tế. Vì các nhà hoạch định chính sách đang phải vật lộn với tình trạng suy thoái kinh tế, do sự sụt giảm bất động sản ngày càng trầm trọng.
Chính phủ cũng gây áp lực lên các nhà phân tích, nhằm tránh sử dụng những từ ngữ nhạy cảm như “giảm phát“. Các dữ liệu chính thức được cho là không có lợi cho triển vọng kinh tế ngày càng bị che giấu.
Ông Tống Văn Đễ (Wen-Ti Sung), một nhà khoa học chính trị tại Chương trình Nghiên cứu Đài Loan trực thuộc Đại học Quốc gia Úc, cho biết việc cấm một người đã làm việc trong cơ quan truyền thông nhà nước trong 3 thập kỷ và vẫn là “người trong cuộc tuyên truyền” cho Trung Quốc, đã gửi một thông điệp nghiệt ngã.
Ông nói thêm: “Ngay cả ông Hồ Tích Tiến cũng có thể cũng vi phạm lằn ranh đỏ. Điều này cho thấy ở Trung Quốc ngày nay, rất khó để bất kỳ ai tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị công khai biết được lằn ranh đỏ nằm ở đâu.”
Trong tuần này, khi tờ Sing Tao Daily của Hồng Kông hỏi có phải tài khoản của ông ấy đã bị chặn, ông Hồ Tích Tiến không phủ nhận điều đó. Ông nói: “Cá nhân tôi không muốn nói gì cả. Bạn chỉ cứ đọc trên mạng là được. Xin hãy hiểu cho”.
Vài ngày sau khi lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc kết thúc Hội nghị Trung ương lần thứ 3 về cải cách lâu dài, ông Hồ Tích Tiến chỉ ra rằng nghị quyết của cuộc họp đã bỏ qua một khẩu hiệu quan trọng, đó là cam kết duy trì “sở hữu công là trụ cột” của nền kinh tế.
Câu này xuất hiện trong bài đọc của một cuộc họp tương tự vào năm 2013, và luôn vang vọng trong các văn kiện quan trọng của ĐCSTQ kể từ đó. Ông Hồ Tích Tiến cho rằng việc không có câu này cho thấy, các công ty tư nhân giờ đây sẽ có địa vị bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước.
Trong một bài đăng trên Twitter hiện đã bị xóa vào ngày 22/7, ông viết “những thay đổi này chắc chắn mang tính lịch sử”, “tình trạng sở hữu tư nhân và sở hữu công thực sự sẽ bình đẳng”.
Ông nói thêm rằng sự thay đổi trong cách nói này cho thấy, các công ty tư nhân sẽ không còn thiệt thòi so với các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực như đấu thầu dự án và vay vốn ngân hàng.
Bloomberg cho rằng đối với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, việc đặt doanh nghiệp tư nhân và công ngang hàng với ĐCSTQ là một đề xuất đáng lo ngại. Doanh nghiệp nhà nước thường nhận được sự hỗ trợ đáng kể, và đóng vai trò then chốt trong việc duy trì ổn định kinh tế, cũng như đạt được các mục tiêu quốc gia.
Phản ứng trực tuyến dữ dội
Nhận xét của Hồ Tích Tiến ngay lập tức gây ra phản ứng dữ dội. Một số cư dân mạng cáo buộc ông cố tình đánh lừa dư luận, bằng cách giải thích các văn kiện của đảng, chỉ ra rằng câu còn thiếu (công hữu là nội dung chính) trong nghị quyết của Phiên họp toàn thể lần thứ 3 đã được ghi vào Hiến pháp Trung Quốc.
Dù đã nghỉ hưu tại “Thời báo Hoàn Cầu” vào cuối năm 2021, nhưng ông Hồ Tích Tiến vẫn hoạt động tích cực trên các nền tảng truyền thông xã hội với tư cách là người có ảnh hưởng đến dư luận.
Hồ nổi tiếng là người hiếu chiến. Năm 2022, ông đã tweet rằng quân đội Trung Quốc nên bắn hạ máy bay của bà Nancy Pelosi nếu nó bay đến Đài Bắc và được hộ tống bởi máy bay chiến đấu của Mỹ.
Ông thừa nhận tầm ảnh hưởng của lời nói của mình trên mạng xã hội. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 với Bloomberg, Hồ Tích Tiến cho biết, các bài đăng của ông có thể tác động đến thị trường và cho biết sẽ “thận trọng hơn”.
Ông nói: “Nếu những dòng tweet của tôi gây ra thiệt hại tài sản thế chấp và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư Mỹ, thì đó không phải là điều tôi muốn.”
“Hy vọng lớn nhất của tôi là được thể hiện bản thân một cách tự do hơn.”
Ông Trịnh Húc Quang, một nhà bình luận độc lập ở Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự do rằng: “Quyết định của Hội nghị Trung ương 3 của ĐCSTQ nhấn mạnh, rằng tính chủ quan của tư cách pháp nhân phải được đối xử bình đẳng. Đây dường như là một sự trấn an cho nền kinh tế tư nhân.”
Ông cho rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp nhiều khó khăn, bao gồm cả sự sụp đổ của bất động sản và các khoản nợ của chính quyền địa phương. ĐCSTQ có thể thực sự muốn nhấn mạnh vào doanh nghiệp tư nhân, bởi vì doanh nghiệp tư nhân thực sự đã đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là trong nền kinh tế khó khăn hiện nay, và họ có thể đóng vai trò chủ đạo.
Tuy nhiên, một bài báo của tổ chức tư vấn ANBOUND nêu rõ, kinh tế tư nhân chính là kinh tế nhà nước, đồng thời giải thích rằng dù kinh tế tư nhân có lớn đến đâu, thì trên đất Trung Quốc, người dân đều là công dân của nhà nước, và luật pháp đều là Pháp luật của nhà nước, kinh tế đương nhiên là kinh tế của nước, doanh nghiệp cũng là doanh nghiệp của nước.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Hồ Tích Tiến