Ông Hồ Xuân Hoa đi về hướng nào sau thất bại vào Ban Thường vụ?
- Tuyết Mai
- •
Sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cùng với tình hình nhân sự cấp cao liên tục được điều chỉnh, cựu Bí thư tỉnh Quảng Đông và Ủy viên Bộ Chính trị Hồ Xuân Hoa có thể sẽ bổ sung vào chỗ trống mà ông Uông Dương để lại, thăng cấp vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, nhậm chức Phó Thủ tướng.
Ngày 28/10, ba ngày sau Hội nghị toàn thể lần thứ nhất ĐCSTQ Khóa 19, ông Hồ Xuân Hoa tiếp tục vị trí Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng miễn nhiệm khỏi vị trí Bí thư tỉnh Quảng Đông, chức vụ này do thân tín của ông Tập Cận Bình là ông Lý Hy (Li Hi) tiếp quản. Cùng ngày, ông Vưu Quyền, người mới nhậm chức Bí thư Ban Bí thư Trung ương miễn nhiệm vị trí Bí thư tỉnh Phúc Kiến.
Giới quan sát từng chỉ ra, ông Hồ Xuân Hoa là nhân vật đại diện của “phái Đoàn” (Đoàn Thanh niên Cộng sản), có thể có ba hướng đi: một là phó chủ tịch Chính Hiệp kiêm Trưởng ban Mặt trận thống nhất Trung ương, hai là phó thủ tướng chính phủ, ba là phó chủ tịch nước.
Nhưng ngày 7/11, ông Vưu Quyền đã xuất hiện trong vai trò là Trưởng ban Mặt trận thống nhất Trung ương, vì thế hướng đi của ông Hồ Xuân Hoa đã thu hẹp lại.
Về chức vụ phó chủ tịch nước, có thông tin từ truyền thông Hồng Kông cho rằng chức vụ này có thể do “tướng đả hổ” cũ của ông Tập Cận Bình là ông Vương Kỳ Sơn nắm giữ, cũng có phân tích cho rằng có thể do tân Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh kiêm nhiệm.
Vì tuy ông Vương Kỳ Sơn không còn giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, nhưng tiếng nói của ông Vương lại thường xuyên xuất hiện trên truyền thông. Truyền thông Hồng Kông đưa tin, không loại trừ hiện tượng này có nguyên nhân vì để chuẩn bị cho ông Vương Kỳ Sơn nhậm chức phó chủ tịch nước vào thời điểm “lưỡng hội” sang năm, giúp ông Tập Cận Bình trong hoạt động ngoại giao.
Ông Vương Hộ Ninh là Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Trung ương, được dự đoán sẽ thay chỗ ông Lưu Vân Sơn thuộc phái Giang Trạch Dân, phụ trách hệ thống tuyên truyền. Có phân tích cho rằng, ông Vương Hộ Ninh là Bí thư Thường trực Ban Bí thư Trung ương vẫn có thể kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch nước, vì người của ông Tập Cận Bình giữ chức vụ này trước đó cũng kiêm nhiệm như vậy.
Hiện nay, có bốn Phó Thủ tướng Chính phủ, gồm Trương Cao Lệ, Lưu Diên Đông, Uông Dương và Mã Khải. Nhưng ngoài ông Uông Dương vào Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị thì ba người còn lại đã quá tuổi, không được vào Ủy ban Trung ương và Bộ Chính trị khóa mới. Theo danh sách Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới, Ủy viên mới Hàn Chính xếp thứ 7, theo lệ thì sẽ thay ông Trương Cao Lệ làm Phó Thủ tướng Thường trực. Ba người còn lại đến tuổi nên sang năm sẽ nghỉ hưu; như vậy sẽ có ba ghế trống Phó Thủ tướng.
Nhiều thông tin chỉ ra, có thể ông Hồ Xuân Hoa và Tôn Xuân Lan sẽ nhậm chức Phó Thủ tướng, hoặc trường hợp khác là hai ông Ủy viên Bộ Chính trị mới là Lưu Hạc và Dương Khiết Trì sẽ nhậm chức Phó Thủ tướng.
Nhưng có thông tin tờ Epoch Times và truyền thông Hồng Kông chỉ ra, ông Lưu Hạc sẽ nhậm chức Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương thay chức vụ trước đó của ông Vương Hộ Ninh.
Đồng thời, những dấu hiệu gần đây cho thấy Lưu Hạc có thể nhậm chức Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương. Vì trong hoạt động đối ngoại gần đây, ông Tập Cận Bình thường đi cùng ông Lưu Hạc và ông Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đinh Tiết Tường. Trước đó, tháp tùng ông Tập Cận Bình trong các hoạt động đối ngoại thường là Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương.
Đa số giới quan sát cho rằng, theo thông lệ thì ông Hồ Xuân Hoa từng làm Bí thư tỉnh Quảng Đông sẽ nhậm chức Phó Thủ tướng. Trước đó hai cựu Bí thư Quảng Đông là ông Trương Đức Giang (từ 2002 – 2007) và Uông Dương (từ 2007 – 2013) đều nhậm chức Phó Thủ tướng.
Đại hội 18 ĐCSTQ, ông Uông Dương được cho là nhân vật nóng sẽ vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng cuối cùng chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị, và tháng 3/2013 được nhậm chức Phó Thủ tướng. Còn ông Hồ Xuân Hoa cũng là ứng viên nóng vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19, nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị. Giới quan sát cho rằng, nếu tháng Ba sang năm ông Hồ Xuân Hoa nhậm chức Phó Thủ tướng thì đi đúng với logic đường đi của ông Uông Dương.
Ông Hồ Xuân Hoa hiện mới 54 tuổi, được cho là nhân vật đại diện phái Đoàn, cùng với ông Tôn Chính Tài được xem là “người kế nhiệm” đời thứ sáu ĐCSTQ, sẽ lên thay ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường tại Đại hội 20.
Nhưng hơn hai tháng trước Đại hội 19, ông Tôn Chính Tài (được cho là người thừa kế quyền lực phái Giang) bất ngờ “ngã ngựa”, đồng thời là tình cảnh không khả quan của ông Hồ Xuân Hoa. Có thông tin cho rằng, vì ông Hồ Xuân Hoa từng “chủ động lên lớp” với Trung ương, không muốn làm ứng viên “chỉ định kế nhiệm cách khóa”. Có thông tin thì cho rằng, ông Hồ Xuân Hoa từng phát biểu trong một cuộc họp nội bộ rằng, bản thân sức khỏe không tốt, không muốn tiếp tục thăng tiến.
Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng, việc ông Hồ Xuân Hoa và ông Trần Mẫn Nhĩ cùng không vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị cho thấy ông Tập Cận Bình đã hủy bỏ triệt để quy tắc “chỉ định người kế nhiệm” theo thông lệ, có thể đến Đại hội 20 sẽ đưa ra vấn đề cải cách theo chế độ chủ tịch đảng, thậm chí có thể là cải cách mạnh mẽ hơn nữa.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Đại hội 19 Hồ Xuân Hoa Tập Cận Bình