Vì sao Hồ Xuân Hoa và Trần Mẫn Nhĩ không “nhập thường”?
- Minh Ngọc
- •
Ngày 25/10, Ủy an Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã có buổi họp báo đầu tiên ra mắt công chúng. Việc ông Hồ Xuân Hoa và Trần Mẫn Nhĩ không “nhập thường” đã khiến ngoại giới hết sức bất ngờ. Các chuyên gia tin rằng, tín hiệu đằng sau việc này cho thấy, ông Tập Cận Bình đang có ý định triệt để hủy bỏ chế độ người kế nhiệm, điều này cũng có nghĩa là chính trị Trung Quốc sẽ có sự biến đổi to lớn.
Trước Đại hội 19, cả hai ông Hồ Xuân Hoa và Trần Mẫn Nhĩ đều được liệt vào danh sách những ứng cử viên sáng giá “nhâp thường”. Ông Hồ Xuân Hoa thậm chí còn được dự đoán sẽ trở thành “người chỉ định cách khóa”, còn ông Trần Mẫn Nhĩ mới tiếp nhậm Bí thư thành ủy Trùng Khánh cũng được coi như một ngôi sao chính trị mới nổi.
Chế độ chỉ định người kế nhiệm suốt quá trình lịch sử ĐCSTQ đến nay chưa hề bị gián đoạn, sớm nhất là từ thời Mao Trạch Đông, từ sớm thời kỳ Mao Trạch Đông đã 5 lần chỉ định người kế nhiệm, sau cùng chỉ đến năm 1976 mới chỉ định ông Hoa Quốc Phong kế nhiệm vị trí của Mao.
Ông Đặng Tiểu Bình ban đầu cũng chỉ định 3 người kế nhiệm là ông Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương và Giang Trạch Dân. Năm 1992 tại Đại hội đảng lần thứ 14, ông Đặng Tiểu Bình còn chỉ định “người chỉ định cách khóa” là ông Hồ Cẩm Đào, nhưng do ông Hồ không phải là người phe Giang Trạch Dân, vì vậy mà thực quyền của ông Hồ luôn bị những người thân tín tâm phúc của Giang khống chế.
Trước Đại hội 19, ông Tôn Chính Tài, người kế nhiệm thế hệ thứ 6 của ĐCSTQ đột nhiên “ngã ngựa”. Đây là điều không ai có thể nghĩ tới. Tương tự, ngoại giới vốn xưa nay vẫn tin rằng ông Hồ Xuân Hoa sẽ trở thành người kế nhiệm tiếp theo không khỏi bất ngờ với kết quả công bố sau kỳ Đại hội.
Ngày 25/10, sau khi có thông báo chính thức về các ủy viên thường vụ, ông Hồ Xuân Hoa và Trần Mẫn Nhĩ đều không có mặt trong Ủy ban Thường vụ. Về vấn đề này, cho dù là kênh truyền thông Đài Loan hay Đại Lục đều có chung nhận định rằng, đây là một tín hiệu rất rõ ràng cho thấy ông Tập Cận Bình đang muốn hủy bỏ chế độ người kế nhiệm của ĐCSTQ, có thể đến Đại hội 20 ông Tập sẽ đề xuất vấn đề cải cách và chuyển sang chế độ chủ tịch đảng, thậm chí còn có những hành động lớn hơn.
Ông Tăng Kiến Nguyên, phó giáo sư tại Đại học Trung Hoa ở Đài Loan kiêm tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Phát triển của Đại học Quốc gia Đài Loan đã nói với phóng viên Epoch Times, việc hai ông Hồ Xuân Hoa và Trần Mẫn Nhĩ không gia nhập ủy viên thường vụ có 2 nguyên nhân, một là liên quan đến đấu tranh chính trị, hai là liên quan đến giao dịch chính trị.
Ông nói: “Bởi vì ông Hồ Xuân Hoa vốn được coi là người của phe Hồ Cẩm Đào, từng được cho là người kế nhiệm do Hồ Cẩm Đào chỉ định. Nhưng ông Tập Cận Bình lại hy vọng có thể sáng lập ra một trật tự mới, nên khó có thể dung dưỡng bất kỳ nhân vật nào của một phe phái khác.”
Ông cũng nêu lên một giả thuyết khác. Đó chính là nói rằng 2 nhân vật này mới chỉ 60 tuổi, dường như chưa đủ kinh nghiệm cần thiết để có thể đảm trách vị trí lãnh đạo quốc gia. Nhưng như vậy thì cánh cửa cho họ giành được vị thế tại Đại hội 20 cũng không rộng mở. Điều này cho thấy rằng, ông Tập Cận Bình đang phá bỏ các rào cản để mình có thể tiếp tục chấp chính nhiệm kỳ thứ ba.
Bình luận viên chính trị Hồ Bằng gần đây đã phân tích với Epoch Times: “Bởi vì ông Trần Mẫn Nhĩ chỉ là ủy viên trung ương, dựa vào lý lịch mà nói thì việc ‘nhập thường’ tỷ lệ không cao. Tuy nhiên, ngoại giới đều nhận thấy ông Tập Cận Bình đánh giá rất cao ông Trần, nhưng nếu như muốn đặc cách đưa ông Trần vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, vậy sẽ gặp một vấn đề, chính là ông Hồ Xuân Hoa vốn đang là ủy viên Bộ Chính trị, cũng cùng độ tuổi 60 với ông Trần, nếu như không dụng ông Hồ mà dụng ông Trần, tức là dùng một người không phải ủy viên Bộ Chính trị thì là không công bằng. Nếu như ông Tập Cận Bình không muốn để ông Hồ Xuân Hoa đảm nhiệm chức vị người kế nhiệm, thì ông Trần Mẫn Nhĩ cũng khó lòng vượt lên được. Do đó, cả hai người này đều không thể ‘nhập thường’.”
Ông còn nhấn mạnh rằng, trong số các ủy viên thường vụ năm nay, không có người nào dưới 60 tuổi, điều này mang đến cho người ta cảm giác rằng sẽ không có đội ngũ kế nhiệm, cũng có nghĩa là ông Tập Cận Bình không có ý định nghỉ hưu sau Đại hội 20, không hề chỉ định người kế nhiệm. Rõ ràng là ông Tập đang có những bước chuẩn bị thay đổi để dọn đường cho việc tiếp tục nắm quyền lực trong nhiệm kỳ mới của mình.
Chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Quý Đạt cũng nhận định, điểm đáng chú ý nhất tại Đại hội 19 chính là việc ông Tập Cận Bình không chỉ định người kế nhiệm, điều này ngầm thể hiện rằng chính trị Trung Quốc sẽ phát sinh thay đổi to lớn. Ông Tập Cận Bình vẫn đang không ngừng tập trung quyền lực nhằm chuẩn bị bước sau cho mình, chắc chắn sẽ có nhiều điều bất ngờ đang chờ đợi trong chính trường Trung Quốc.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Mao Trạch Đông Hồ Cẩm Đào Đặng Tiểu Bình Trần Mẫn Nhĩ Hồ Xuân Hoa Tôn Chính Tài Kế nhiệm cách khóa Tập Cận Bình Giang Trạch Dân