Ông Joerg Wuttke: ‘Zero COVID’ của Trung Quốc gây hoang mang hơn thảm sát Thiên An Môn
- Vương Quân
- •
Về chính sách phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), gần đây chuyên gia thương mại châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke đã thẳng thắn so sánh với một số biến cố từng gây ra tác động sâu sắc đến xã hội Trung Quốc.
So sánh của ông Joerg Wuttke được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Đài VOA (Mỹ). Theo đó, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc này cho biết cách làm của ĐCSTQ không chỉ gây tổn hại nền kinh tế Trung Quốc mà còn khiến mọi người ngày càng bất an đối với hệ thống độc tài của họ, cảm giác khủng hoảng này thậm chí còn lớn hơn biến cố thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, hoặc cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS).
Wuttke nói rằng ông đã chứng kiến Sự cố ngày 4/6/1989, dịch SARS và Khủng hoảng Tài chính châu Á 1997, nhưng đều không thể bằng cuộc khủng hoảng vì phong tỏa lây lan COVID-19 hiện tại, cuộc khủng hoảng này gây nỗi sợ hãi kinh khủng nhất đối với thể chế toàn trị ở Trung Quốc.
Ông Wuttke, người đã sống ở Trung Quốc 33 năm, trước đây đã viết chung một lá thư với nhiều công ty châu Âu yêu cầu chính quyền ĐCSTQ điều chỉnh chính sách ‘Zero COVID’ vì cách tiếp cận này không chỉ không bền vững mà thậm chí gây thiệt hại không thể đảo ngược đối với nền kinh tế Trung Quốc, thiệt hại lâu dài này sẽ ăn sâu vào các mắt xích nền kinh tế Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng nếu ĐCSTQ không thay đổi chính sách phong tỏa này thì chuỗi cung ứng sẽ dần tách khỏi Trung Quốc, bởi vì các công ty khó có thể chịu đựng được thực trạng bấp bênh do việc Trung Quốc phong tỏa.
Ông nhấn mạnh chính sách ‘Zero COVID’ của Trung Quốc sẽ có tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Một nhà lắp ráp ô tô luôn cần hàng ngàn linh kiện, nhưng chỉ cần một loại linh kiện như phanh xe mà cũng không thể cách nào vận chuyển được đến thì cả chiếc xe cũng như bỏ không bán được, vì không thể nào bán xe mà không có phanh.
Chuyên gia thương mại châu Âu này cho biết các biện pháp phòng chống dịch của ĐCSTQ cần có vùng đệm và cái gốc vấn đề là tiêm chủng vắc-xin, nhưng người dân Trung Quốc hiện đang xếp hàng để xét nghiệm axit nucleic chứ không phải tiêm chủng vắc-xin.
Ông không né tránh nói rằng các biện pháp thúc đẩy kinh tế gần đây mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra sẽ không bao giờ cải thiện niềm tin của các công ty nước ngoài, bởi vì chúng chỉ là công cụ để đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế thông thường, thiếu cầu hay suy thoái kinh tế, trong khi vấn đề của Trung Quốc hiện nay là “khủng hoảng niềm tin”. Mặc dù các công ty châu Âu vẫn chưa rút khỏi Trung Quốc, nhưng họ đã xem xét chuyển các kế hoạch đầu tư mới sang các nước khác.
Ngoài ra về tương lai chính trị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông khẳng định ông Tập sẽ tại nhiệm Tổng Bí thư tại Đại hội 20 và Bộ Chính trị ĐCSTQ sẽ có một diện mạo mới, theo đó chính sách “không khoan nhượng” đối với COVID-19 cũng sẽ hủy bỏ.
Theo báo cáo chính thức của Trung Quốc, vào ngày 15/5 toàn Trung Quốc có thêm 1159 trường hợp mới nhiễm COVID-19 (bao gồm cả các trường hợp nhiễm trùng không có triệu chứng), trong đó có 938 trường hợp ở Thượng Hải và 4 trường hợp tử vong cũng đến từ Thượng Hải, nhưng mức lây lan dịch bệnh tại đây đã dần thuyên giảm. Theo thông báo chính thức tại Thượng Hải, từ ngày 16/5 công tác phòng chống dịch COVID-19 Thượng Hải sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn, dự kiến trong thời gian nửa đầu tháng 6 trật tự cuộc sống bình thường sẽ được lập lại hoàn toàn. Mặc dù có vẻ như việc ở bỏ phong tỏa đang bắt đầu, nhưng ông giám đốc Ma Xiaowei của Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ tuyên bố rằng Thượng Hải đang tính việc quy hoạch dài hạn đối với các bệnh viện dã chiến cũng như cơ chế “lấy mẫu axit nucleic trong 15 phút”, theo đó sẽ định kỳ xét nghiệm hàng tuần và các nhóm người trọng điểm sẽ phải bị tăng cường tần suất kiểm tra. Như vậy cho thấy rõ ý định phong tỏa thành phố Thượng Hải vẫn luôn treo lơ lửng.
Theo Bloomberg, mặc dù Bắc Kinh không có ý thực hiện việc phong tỏa theo kiểu Thượng Hải, nhưng tình hình thực tế thì ngược lại, có thể thấy cảnh đường phố Bắc Kinh cũng vắng vẻ không khác gì Thượng Hải khi phong tỏa. Hầu hết mọi người ở Bắc Kinh vẫn có thể đi ra ngoài, nhưng những nơi như trường học, phòng tập thể dục và các điểm du lịch đã bị đóng cửa, các nhà hàng bị đình chỉ vô thời hạn, vì vậy những nơi thực tế để người ta có thể đi lại được tại Bắc Kinh là rất hạn chế.
Từ khóa Zero COVID Thảm sát Thiên An Môn Thượng Hải Dòng sự kiện phong tỏa Dịch bệnh ở Trung Quốc