Ông Lý Khắc Cường bị quản thúc tại Thượng Hải sau khi rời nhiệm sở?
- Lý Hoài Quất
- •
Ông Lý Khắc Cường, cựu Thủ tướng Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), được đưa tin qua đời vì bệnh tim ở Thượng Hải vào sáng sớm ngày 27/10, thọ 68 tuổi. Sự việc xảy ra đột ngột và nằm ngoài dự đoán của nhiều người, nên dẫn đến nhiều suy đoán về nguyên nhân cái chết của ông.
Một số nhà phân tích cho rằng không loại trừ bất cứ khả năng nào, có thể là ông ấy chết vì đau tim hoặc bị sát hại. Trong cuộc phỏng vấn với Vision Times, ông Trình Tường, một người làm truyền thông kỳ cựu tại Hồng Kông, đã phân tích rằng ông Lý Khắc Cường hẳn đã rơi vào trạng thái trầm cảm lâu dài, ngay cả khi rời nhiệm sở, ông ấy cũng cũng không có tự do, ra khỏi nhà cũng phải xin chỉ thị của ông Tập Cận Bình, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết đột ngột của ông.
10 năm không có thực quyền, ông Lý Khắc Cường trầm cảm rồi đổ bệnh?
Ông Ngô Văn Hân (Wu Wenxin), giám đốc Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế và là chuyên gia về Trung Quốc tại Đức, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Vision Times rằng hộp đen hoạt động của ĐCSTQ khiến nguyên nhân cái chết của ông Lý Khắc Cường trở thành một bí ẩn. Ông nói, ở các nước phương Tây, khi lãnh đạo có biểu hiện bất thường về thể chất như bệnh tật, nhập viện,… sẽ được công khai. Nhưng ở Trung Quốc, những điều này chính là bí mật. “Cho nên, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Có thể ông Lý Khắc Cường thực sự lên cơn đau tim và chết, hoặc có thể bị mưu sát.”
Ông Ngô Văn Hân cho rằng nếu chết vì đau tim, điều đó có nghĩa là ông Lý Khắc Cường có thể đã phải chịu rất nhiều đả kích, “sau khi một người bị đả kích, rất dễ dẫn đến các vấn đề về tim”, do đó khả năng phát bệnh tim và chết tử vong là có thể xảy ra.
Ông suy đoán rằng ông Lý Khắc Cường có thể đã bị oan khi còn sống, trong 10 năm làm thủ tướng ông không có thực quyền, chán nản và thất vọng. Ví dụ, ông Tập Cận Bình tuyên bố một cách phi thực tế rằng Trung Quốc Đại Lục đã thoát nghèo toàn diện, nhưng ai hiểu một chút về Trung Quốc đều biết rằng ở Trung Quốc Đại Lục có rất nhiều người nghèo. Vì vậy ông Lý Khắc Cường đã phải vạch trần sự thật – Trung Quốc có 600 triệu người có thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ. Đây chỉ là một ví dụ, trên thực tế, nhiều sự việc trong vài năm qua đã phản ánh sự không đồng điệu giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường.
Ông Ngô Văn Hân chỉ ra rằng biểu hiện của các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng cho thấy ông Lý Khắc Cường không hề được coi trọng. Sau cái chết của ông Lý, tiêu đề của CCTV chủ yếu vẫn tuyên truyền ông Tập Cận Bình là chính, trong khi tin tức về cái chết của ông Lý được đặt ở một góc. Không chỉ ông Lý Khắc Cường, mà trên thực tế toàn bộ phe Đoàn Thanh niên đều bị đàn áp, có thể thấy qua việc ông Hồ Cẩm Đào bị đưa ra khỏi hội trường tổ chức Đại hội 20 của ĐCSTQ.
Ông Trình Tường cũng đồng ý với nhận định này, sự chèn ép kéo dài đối với ông Lý Khắc Cường trong 10 năm làm thủ tướng đã dẫn đến tim của ông không khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số người cho rằng ông Lý Khắc Cường phải chịu áp lực rất lớn trong thời gian làm thủ tướng và tim của ông trong thời gian đó đủ mạnh mẽ, nên khả năng bị đau tim sau khi nghỉ hưu sẽ càng thấp hơn.
Trình độ tri thức của ông Tập và ông Lý dẫn đến sự khác biệt trong tư duy
Một nhà bình luận khác ở Hồng Kông là ông Lưu Tế Lương (Simon Lau) chia sẻ quan điểm của mình rằng: Ông Lý Khắc Cường và ông Tập Cận Bình có trình độ học vấn rất khác nhau, một người được nhận vào Đại học Bắc Kinh dựa trên năng lực và phẩm chất thực sự; người còn lại được tiến cử và không có quá nhiều học vấn, dẫn đến sự khác biệt rất lớn trong lối tư duy giữa hai người.
Ông Lưu Tế Lương cho rằng dựa vào trình độ học vấn, lý lịch và tài năng của mình, ông Lý Khắc Cường của phe Đoàn Thanh niên lẽ ra phải là lãnh đạo cao nhất ở Trung Quốc, nhưng phe Giang không muốn phe Đoàn Thanh niên trở nên hùng mạnh hơn nên đã cho phép ông Tập Cận Bình “vượt lên” để trở thành lãnh đạo cao nhất, còn ông Lý Khắc Cường trở thành Thủ tướng của Quốc vụ viện. Ông Tập Cận Bình giống như vớ được món hời lớn mà không cần tốn chút công sức.
Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông tập trung toàn bộ quyền lực vào mình, và vị thủ tướng yếu thế nhất trong lịch sử ĐCSTQ – Lý Khắc Cường – đã xuất hiện. Ông Lưu Tế Lương chỉ ra rằng trong thể chế của ĐCSTQ, người tốt không thể tồn tại, nếu không kéo bè kết phái, hiếu chiến, thì sẽ loại trừ, sẽ bị mất hết quyền lực thực tế. Trường hợp của Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường cũng chính là như vậy. “Một người giữ mình trong sạch, nhưng sẽ chẳng làm được việc gì khi ở trong một thùng thuốc nhuộm lớn.”
Trước Đại hội 20 ĐCSTQ, tin đồn “Tập xuống, Lý lên” liệu có đúng?
Những năm gần đây, hàng loạt chính sách của ông Tập Cận Bình không được lòng dân, ngay từ trước Đại hội 20, tin đồn “Tập xuống, Lý lên” đã lan tràn. Tại Dạ hội mừng “Quốc khánh” vào ngày 1/10 năm nay được tổ chức nhân dịp ĐCSTQ thành lập chính quyền, có thông tin cho rằng trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, ông đã có bài phát biểu ngẫu hứng sau khi đọc bản thảo.
Ông Trình Tường cho rằng bây giờ nhìn lại bài phát biểu của ông Tập, chúng ta có thể thoáng hiểu lý do khiến ông Lý Khắc Cường không vui dẫn đến đột ngột tử vong vì bệnh tim.
Theo tin đồn trên mạng, ông Tập tuyên bố tại Dạ hội “Quốc khánh” tổ chức vào ngày 30/9 rằng việc chuyển giao quyền lực cho Đại hội 20 là một cuộc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, không vi hiến hay vi phạm quy định, xóa bỏ cái gọi là quy tắc “7 lên, 8 xuống” (67 tuổi thì vẫn ở lại, 68 tuổi thì nghỉ hưu), chỉ định người kế nhiệm cách khóa; sự can thiệp của lãnh đạo nghỉ hưu vào chính trị đã trở thành chuyện quá khứ, những người Cộng sản làm quan thì cần phải làm được ‘có thể lên được thì cũng có thể xuống được’, các quy tắc không thể viết ra thành văn bản (quy tắc ngầm) thì đều cần phải bị bãi bỏ.
Ông Trình Tường nói rằng có một quy định bất thành văn trong ĐCSTQ là “7 lên, 8 xuống”, ông Lý Khắc Cường khi nghỉ hưu đã 67 tuổi, lẽ ra ông đã “lên” chức, nhưng ông đã bị đuổi “hạ đài”. Rõ ràng đây là chủ trương của ông Tập Cận Bình và ông ấy không muốn ông Lý Khắc Cường tiếp tục tại vị.
Ông Tập Cận Bình cũng chỉ ra: “Trước Đại hội 20, tôi đã lắng nghe ý kiến và đề xuất của các bên. Các đồng chí Cẩm Đào, Tống Bình, đề nghị để [đồng chí] Lý Khắc Cường và Uông Dương lập thành một nhóm để phục vụ trong một nhiệm kỳ, để tôi làm chủ tịch danh dự của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ.”
“Đây là những kiến nghị của các đồng chí nghỉ hưu. Lúc đó tôi đã gật đầu đồng ý. Sau đó trên Internet ở nước ngoài có điệp khúc ‘Tập xuống, Lý lên’. Điều này rất không tốt. Tôi chỉ trao đổi ý kiến với Khắc Cường và Uông Dương, họ rất thẳng thắn, cho rằng mình không thể hoàn thành sứ mệnh và tin rằng không có nhà lãnh đạo nào dám đánh, dám xông lên phía trước. Nếu không ‘lên thì họ sẽ phải xuống’, để họ làm phó chủ tịch nước giống như ông Hàn Chính, hoặc phó tổng bí thư đảng ĐCSTQ, nhưng họ vẫn kiên quyết không đồng ý.”
Ông Trình Tường cho rằng điều này tiết lộ những đề xuất nhân sự của cấp cao nhất của ĐCSTQ trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20. Ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tống Bình đề nghị ông Lý Khắc Cường và Uông Dương là nòng cốt của ban lãnh đạo mới. Bắt đầu từ thời ông Đặng Tiểu Bình, ĐCSTQ đã chỉ định người kế nhiệm cách khoá, nhưng ông Tập Cận Bình rất không hài lòng với điều này nên đã hủy bỏ quy định này.
Ông Tập Cận Bình nói tiếp: “Các cuộc họp của Ban Thường vụ trong Đại hội 20 đều là những cuộc họp kín. Ngoài những người tham gia Ban Thường vụ, không ai biết quyết sách bí mật của đảng và nhà nước, kể cả đồng chí Cẩm Đào cũng không biết, vì vậy mới có cảnh đồng chí Cẩm Đào có hành vi và cử chỉ không bình thường tại hiện trường bỏ phiếu trong hội nghị, nhưng mọi người đều thấy, các đồng chí trên bục chủ tịch đều bình tĩnh, bởi vì mọi người đều biết nội tình.”
“Sau đó, tôi bảo Khắc Cường đích thân đến nhà giải thích cho ông ấy, tâm trạng của đồng chí Cẩm Đào cũng ổn định lại. Khắc Cường và Uông Dương đều là đồng chí tốt, họ có những suy nghĩ khác với tôi, nhưng họ không tranh không đấu, cho nên họ sẽ không có kết cục như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang.”
Ông Trình Tường cho rằng tại Đại hội 20 của ĐCSTQ, ông Hồ Cẩm Đào đã bị lực lượng an ninh đưa ra khỏi hội trường ngay trước mặt công chúng. Bài phát biểu trên của ông Tập Cận Bình đã tiết lộ toàn bộ câu chuyện, đó là ông Hồ Cẩm Đào đã không biết được về việc sắp xếp nhân sự cho nhiệm kỳ mới.
Ông Lý Khắc Cường bị quản thúc tại Thượng Hải sau khi rời nhiệm sở?
Tập Cận Bình cũng chỉ ra: “Khắc Cường đã đến thăm Đôn Hoàng cách đây không lâu và tâm trạng rất tốt. Ông ấy đã xin phép ra ngoài thăm quan và tôi đã chấp thuận ngay. Tại sao? Bởi vì ông ấy là một đồng chí tốt. Các đồng chí nghỉ hưu như Tống Bình, Cẩm Đào, Khắc Cường, Gia Bảo v.v. đều có thể kiên trì quan điểm của mình, giữ vững quan điểm của mình, không kết bè phái, không tranh đấu, không gây náo loạn thêm cho Trung ương Đảng. Như thế này thì sẽ không dẫn đến chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng”.
Ông Trình Tường cho rằng câu nói này bộc lộ một thông điệp quan trọng, đó là sau khi ông Lý Khắc Cường nghỉ hưu, dù ông ấy đi đâu cũng cần phải nhận được sự chấp thuận của ông Tập Cận Bình. “Rõ ràng là sau khi ông Lý Khắc Cường rời chức vụ, sẽ không có quyền tự do đi lại, điều này rất rõ ràng.”
Ngoại giới nghi ngờ về việc ông Lý Khắc Cường ở Thượng Hải, ông Trình Tường phân tích rằng Trung Quốc có hai trung tâm chính trị, một là Bắc Kinh và một là Thượng Hải. Bắc Kinh là trụ sở của Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) và Thượng Hải là trụ sở của chính phủ bóng tối. Mao Trạch Đông đã phát động Cách mạng Văn hóa ở Thượng Hải và Thượng Hải đã trở thành trung tâm chính trị không chính thức của ĐCSTQ kể từ đó.
Ông Trình Tường đề cập đến một việc khác. Trong phong trào sinh viên năm 1989, ông Vạn Lý (Wan Li), lúc đó là Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân đại) của ĐCSTQ, đang thăm Bắc Mỹ, dư luận kêu gọi ông Vạn Lý trở về Trung Quốc càng sớm càng tốt và triệu tập một cuộc họp của Ủy ban Nhân đại toàn quốc để giải quyết phong trào sinh viên, để ngăn chặn tình hình xấu đi. Ông Vạn Lý và ông Triệu Tử Dương có chung chí hướng, cả hai đều là đại diện của phe tự do. Ông Vạn Lý từng bày tỏ sự thông cảm với các sinh viên biểu tình. Vào tháng 5/1989, khi ông Vạn Lý trở về Trung Quốc, máy bay lẽ ra phải hạ cánh ở Bắc Kinh, nhưng ông Đặng Tiểu Bình đã can thiệp và buộc máy bay hạ cánh ở Thượng Hải, ông Vạn Lý đã bị giam lỏng ngay khi vừa hạ cánh.
Ông Trình Tường cho rằng từ hai trường hợp trên có thể thấy Thượng Hải là một trung tâm chính trị khác của ĐCSTQ.
Vậy tại sao ông Lý Khắc Cường lại tới Thượng Hải? Ông Trình Tường cho rằng các nhà lãnh đạo sau khi rời nhiệm sở sẽ bị quản thúc tại gia, để họ không được phép gây ảnh hưởng chính trị. “Vì lý do chính trị này, ông Lý Khắc Cường cũng phải đến Thượng Hải và không thể ở lại Bắc Kinh. Thực ra ông ấy đã bị giam lỏng. Do đó, ông ấy đến thăm quan Đôn Hoàng cũng phải được sự chấp thuận của ông Tập Cận Bình.”
Ông Trình Tường kết luận rằng bối cảnh của toàn bộ vấn đề là các nhà lãnh đạo cũ hy vọng rằng tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, “Tập xuống, Lý lên”, một thế hệ lãnh đạo mới gồm có ông Lý Khắc Cường và ông Uông Dương sẽ thay thế ông Tập Cận Bình. Nhưng điều này khiến ông Tập Cận Bình không hài lòng. Ngay cả khi ông Lý Khắc Cường mất quyền lực, ông ấy cũng mất tự do cá nhân và trở nên trầm cảm, từ đó rất có thể đã dẫn đến bệnh tim.
Từ khóa Tập Cận Bình Lý Khắc Cường