Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm, và sự suy giảm kinh tế mạnh đã trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo truyền thông Mỹ, với việc bãi bỏ chính sách phòng chống dịch zero-COVID, ông Tập Cận Bình đã từ một thành viên ủy ban kỷ luật của nền kinh tế Trung Quốc, biến thành một “người cổ vũ” kinh tế.

Tap can binh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh chụp màn hình video)

Ông Tập Cận Bình trở thành người cổ vũ giữa khủng hoảng kinh tế

Tờ New York Times đã đăng một bài bình luận vào ngày 13/1 và chỉ ra rằng trong bài phát biểu chúc mừng năm 2022, ông Tập Cận Bình không đề cập đến kinh tế Trung Quốc, nhưng trong phút đầu tiên của bài phát biểu chúc mừng năm 2023, ông đã khen ngợi nền kinh tế Trung Quốc. Ông Tập nói rằng Trung Quốc “tiếp tục giữ vị thế là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới”, đồng thời nói rằng Chính phủ “áp dụng hàng loạt biện pháp như cắt giảm thuế, giảm phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Cách đây không lâu, ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác tại một cuộc họp để đặt ra các mục tiêu chính sách cho năm 2023, cho biết cần phải thúc đẩy nền kinh tế và cam kết hỗ trợ cho khu vực tư nhân. Sau đó, các quan chức ĐCSTQ cũng bắt đầu thể hiện sự thân thiện với các doanh nghiệp.

Bài viết mô tả rằng cùng với việc bãi bỏ chính sách phòng chống dịch bệnh zero-COVID, ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, bắt đầu chú ý đến nền kinh tế, trở thành “người cổ vũ / hoạt náo viên”.

Trong 3 năm qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chính sách “zero-COVID và phong tỏa” nghiêm ngặt của ĐCSTQ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và sinh kế của người dân Trung Quốc. Thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào tình trạng đóng băng, một số lượng lớn doanh nghiệp tư nhân và cửa hàng đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thanh niên không tìm được công việc có tương lai, tiêu dùng chững lại. Cùng với việc các quỹ của chính quyền địa phương cạn kiệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến sự trỗi dậy của “Phong trào Giấy trắng”, tất cả những điều này đã cũng đã tác động đến địa vị  thống trị của ông Tập Cận Bình.

Bài viết nói rằng giống như việc Trung Quốc đột ngột đảo ngược chính sách zero-COVID một tháng trước, bước ngoặt 180 độ gần đây nhất này tương đương với việc thừa nhận tình trạng mong manh của nền kinh tế Trung Quốc.

Cùng với cuộc chỉnh đốn của ông Tập Cận Bình đối với các công ty tư nhân đang đến giai đoạn cuối, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết trong tuần này rằng họ sẽ nới lỏng các quy định đối với các công ty công nghệ. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn (Liu Kun) nói với truyền thông nhà nước rằng, Trung Quốc dự định mở rộng chi tiêu tài khóa vào năm 2023, sử dụng kết hợp các biện pháp kích thích, trợ cấp và cắt giảm thuế để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng sự thay đổi chính sách kinh tế của ĐCSTQ không thể làm giảm bớt những lo ngại của thị trường. Ông Duncan Clark, chủ tịch của công ty tư vấn đầu tư BDA China Limited có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với New York Times rằng so với trước đây, hiện giờ các công ty coi việc kinh doanh ở Trung Quốc có nhiều rủi ro hơn. “Mọi người hiện không có niềm tin, vấn đề này sẽ không biến mất.”

Nhiều người trong cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy lo ngại về cách làm của ĐCSTQ trong việc ứng phó với dịch bệnh, ảnh hưởng ngày càng tăng của hệ tư tưởng đối với chính sách kinh tế. Các công ty lớn thuộc sở hữu nước ngoài như Apple đã tăng cường nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

Nhà kinh tế Trung Quốc Hướng Tùng Tộ (Xiang Songzuo) nói với New York Times rằng ông không nghĩ rằng đã có sự thay đổi cơ bản trong thái độ đối với doanh nghiệp từ các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, nhưng giọng điệu của họ đã dịu đi do suy thoái kinh tế. Ông Hướng cho rằng Chính phủ nói rằng họ muốn “xoa dịu các công ty tư nhân”, nhưng căng thẳng giữa Chính phủ và doanh nghiệp vẫn tồn tại, bởi vì ĐCSTQ muốn duy trì quyền kiểm soát đối với các công ty tư nhân và sẽ không chuyển trách nhiệm quản lý sang thị trường hoặc luật hiện hành.

Liệu giải cứu kinh tế của ông Tập Cận Bình có hiệu quả?

Một số tổ chức tài chính nổi tiếng quốc tế đang điều chỉnh dự báo về nền kinh tế Trung Quốc, họ cho rằng GDP của Trung Quốc năm 2022 sẽ chỉ ở mức 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức 5,5% dự kiến. Dự báo GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ của Goldman Sachs đã được đẩy lùi cho đến năm 2035.

Ông Trương Tuấn Hoa (Zhang Junhua), một học giả người Đức gốc Hoa, nói với DW (Deutsche Welle) vào ngày 12/1 rằng chỉ có một lý do duy nhất khiến ông Tập Cận Bình chuyển hướng mạnh mẽ trong việc đưa ra chính chính sách mới, đó là cứu nền kinh tế. Bởi vì chỉ có kinh tế mới là nguồn hợp pháp chủ yếu nhất của ĐCSTQ.

Ông Thierry Wolton, một nhà sử học người Pháp, nói với Le Figaro (Pháp) rằng lệnh phong tỏa kéo dài 3 năm đã cô lập Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, dẫn đến thương mại sụp đổ, năng lực sản suất trong nước giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Thêm vào đó là khoản nợ khổng lồ hơn 300 tỷ đô la của bất động sản, và nếu cỗ máy kinh tế vẫn trong trạng thái đình trệ, thì những khoản nợ này sẽ không cách nào ‘tiêu hóa’ được. Nếu nền kinh tế có vấn đề, ĐCSTQ sẽ mất hết tín dụng còn sót lại, vì vậy mọi việc trở nên rất cấp bách đối với ĐCSTQ, và cần phải chuyển hướng gấp, nếu không thì sẽ khiến đất nước chìm vào khủng hoảng.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Lương Kinh (Liang Jing) đã viết một bài phân tích nói rằng: Xu hướng của nền kinh tế của Trung Quốc đã mất sau khi trải qua đại dịch toàn cầu, tức là nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua điểm uốn lịch sử từ thịnh vượng sang suy thoái. Tuy nhiên, vẫn có một số tổ chức quan trọng đưa ra dự báo khá lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vào năm 2023, và họ không thể không biết rằng ngay cả các chuyên gia hàng đầu trong thể chế của ĐCSTQ cũng đã đưa ra chẩn đoán tồi tệ về nền kinh tế Trung Quốc.

Bài viết cho rằng xét về triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2023, yếu tố rủi ro lớn nhất không phải là bản thân nền kinh tế, mà là việc sắp xếp nhân sự của ông Tập Cận Bình vẫn chưa xong, còn gần hai tháng nữa mới diễn ra “lưỡng hội”. Trong 2 tháng này, liệu cao tầng của ĐCSTQ có xảy ra biến đổi lớn hay không, đây là vấn đề mà tất cả những nhà phân tích về kinh tế Trung Quốc đều không thể né tránh. Liên quan trực tiếp đến điều này là việc chuyển giao quyền lực có suôn sẻ hay không. Một thách thức có thể hình dung là các quan chức cấp cao sắp mãn nhiệm không dám đưa ra các đề xuất chính sách lớn, mặc dù họ có hiểu biết toàn diện và sâu sắc hơn về các rủi ro thực tế so với các quan chức mới sắp nhậm chức. Trong hoàn cảnh như vậy, ông Tập Cận Bình muốn nhúng tay vào cũng khó, nhưng chỉ cần ông ấy hễ can thiệp, rủi ro khi ra quyết định sẽ tăng lên rất nhiều, bởi vì ông ấy thực sự không có khả năng nắm bắt rủi ro của nền kinh tế Trung Quốc, giống như ông ấy không thể nắm bắt được các nguy cơ của dịch bệnh.

Bài viết cho rằng hiện nay, một lối suy nghĩ chính về việc giải cứu kinh tế Trung Quốc là khích lệ các doanh nghiệp tư nhân, điều này hoàn toàn là để phô trương, bởi vì ông Tập Cận Bình đã hoàn toàn không có uy tín. Một lối suy nghĩ khác là cứu thị trường bất động sản, điều này thực sự rất khó đạt được hiệu quả.