Ông Tập yêu cầu công ty tư nhân “giàu” mà phải “yêu nước”, gây lo ngại tăng thuế
- Bình Minh
- •
Trong bài phát biểu hôm thứ Hai (6/3), Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh “sự thịnh vượng chung”. Điều này đã làm dấy lên đồn đoán rằng ông Tập có thể sẽ tăng mức áp thuế đối với các công ty tư nhân.
“Sự thịnh vượng chung” của ông Tập luôn làm nản lòng các công ty tư nhân Trung Quốc và công ty nước ngoài. Họ đang chờ đợi thêm thông tin chi tiết từ chính phủ Trung Quốc, về cách chính phủ dự định đạt được “Thịnh vượng chung”, và cách họ muốn các công ty tư nhân đóng góp.
Theo một báo cáo của Tân Hoa Xã, kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, trong khi tham gia cuộc họp nhóm chung của ĐCSTQ hôm thứ Hai (6/3), ông Tập Cận Bình đã yêu cầu các công ty tư nhân và doanh nhân phải “yêu nước”, “giàu mà có trách nhiệm, giàu mà có nghĩa, giàu mà có tình yêu thương”, nhằm nâng cao thịnh vượng trước rồi làm giàu sau.
Cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đều phải gánh vác trách nhiệm xã hội trong việc thúc đẩy “Thịnh vượng chung”.
Các công ty tư nhân có thể phải đối mặt với gánh nặng thuế
Một số nhà phân tích cho biết, khi các chính quyền địa phương đang mắc nợ phải vật lộn vì tăng doanh thu, nhiều doanh nghiệp tư nhân lo ngại rằng lời kêu gọi của ông Tập có thể sẽ chuyển thành việc đánh thuế trong thực tế.
Ông Ngô Mộc Loan (Alfred Wu), một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với Reuters: “Vấn đề với Thịnh vượng chung là nó có thể dẫn đến gánh nặng thuế rất bấp bênh, khác với mức thuế doanh nghiệp chính thức được luật pháp quy định”.
Ông cũng nói rằng thật không công bằng khi mong đợi các công ty tư nhân chia sẻ trách nhiệm xã hội về “sự thịnh vượng chung” với các công ty nhà nước. Những công ty nhà nước được hưởng đặc quyền tiếp cận thị trường và các khoản vay ưu đãi, mà các công ty tư nhân không phải lúc nào cũng được hưởng.
Chuyên gia: “Thịnh vượng chung” là nhiệm vụ bất khả thi
Ông Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh “cần phải ngăn chặn sự bành trướng vô trật tự và tăng trưởng tư bản không kiểm soát.” Năm 2021, ông đề xuất ”Thịnh vượng chung”.
Trước và sau khi ông Tập chính thức đề xuất chính sách này, ĐCSTQ đã tiến hành đàn áp các doanh nghiệp tư nhân trong ngành giáo dục và đào tạo, công ty công nghệ và ngành bất động sản.
Vào thời điểm đó, Alibaba phải chịu mức phạt ngất ngưởng 18,23 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỷ USD). Các công ty như Tencent và Didi cũng bị thẩm tra và bị phạt. Kết quả là cổ phiếu của các công ty này giảm mạnh.
Sau đó, những ‘gã khổng lồ’ công nghệ bị đàn áp đã tuyên bố rằng họ sẽ chấp nhận điều bình thường mới là tăng trưởng chậm lại. Họ tìm cách giảm chi phí vận hành, bắt đầu sa thải quy mô lớn và đóng băng tuyển dụng.
Sau khi đạt mức kỷ lục gần 20% vào tháng 7/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị Trung Quốc từ 16 – 24 tuổi hiện vẫn ở mức cao. Có một câu cửa miệng giữa các sinh viên đại học Trung Quốc rằng “bạn sẽ thất nghiệp khi tốt nghiệp”.
Hơn một năm sau khi ông Tập Cận Bình công bố “Thịnh vượng chung”, bà Nhậm Thục Lê (Shuli Ren), cựu nhân viên ngân hàng đầu tư, kiêm người phụ trách chuyên mục thị trường châu Á của Bloomberg, viết rằng việc ĐCSTQ thúc đẩy “Thịnh vượng chung” đã biến thành “Nghèo đói chung”.
Alibaba và Tencent đã bốc hơi hơn 1.000 tỷ đô la giá trị thị trường. Mặc dù điều này thực sự có thể đã thu hẹp hệ số Gini, thước đo sự bất bình đẳng, nhưng các biện pháp của chính sách này không đạt được mục tiêu cuối cùng của ông Tập, là mở rộng nhóm thu nhập trung bình của Trung Quốc.
Ngày 7/11/2022, thông báo đấu thầu được công bố trên trang web của Chi cục thuế thành phố Thâm Quyến cho biết về dự án xây dựng giai đoạn IV của nền tảng ứng dụng thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, tâm điểm là hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân đối với người thu nhập cao có giá trị ròng cao.
Hiện cơ quan thuế Trung Quốc đã phối hợp với các ngân hàng nâng cấp hệ thống giám sát, bằng cách này “Thuế vàng Giai đoạn IV” có thể giám sát tất cả các tài khoản ngân hàng, Alipay,… của các công ty và cá nhân mà không có lỗ hổng.
Hiện việc kiểm tra những người thu nhập cao và người có giá trị ròng cao đã được thực hiện thí điểm ở nhiều tỉnh thành như Hải Nam, Quảng Đông, Nội Mông, Tứ Xuyên…
Bà Nhậm Thục Lê cho biết, ngược lại trong năm qua, mọi người đều trở nên nghèo hơn. Cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với ngành công nghệ lớn và bất động sản, nhằm mục đích thúc đẩy “Thịnh vượng chung”, đã khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư hoảng sợ.
Bà nói rằng các chính phủ trên khắp thế giới đang phát hiện ra rằng việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo là một nhiệm vụ bất khả thi. Khi các tỷ phú và các tập đoàn lớn hoảng sợ, bản năng đầu tiên của họ là sa thải nhân viên và ngừng tuyển dụng.
Ông trùm công nghệ biến mất, doanh nhân Trung Quốc và nhà đầu tư nước ngoài hoảng sợ
Gần đây nhất, giới doanh nhân Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài lại một lần nữa bàng hoàng trước sự biến mất của ông trùm công nghệ Trung Quốc Bao Phàm (Bao Fan). Công ty của ông Bao Phàm đã công bố một “thông tin nội bộ” ngắn gọn, rằng ông đang hợp tác với một cuộc điều tra của chính quyền ĐCSTQ.
Ông là một nhà đầu tư, kiêm chủ ngân hàng đầu tư người Trung Quốc, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của China Renaissance. Công ty ông thành lập năm 2005. Năm 2015, ông Bao Phàm được giới thiệu trong danh sách 50 Người có ảnh hưởng nhất trên tạp chí Bloomberg Markets, xếp thứ 22. Tháng 2/2023, ông bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ.
Bloomberg chỉ ra rằng “sự biến mất đáng sợ này có thể có tác động tâm lý đối với các doanh nhân Trung Quốc, lớn hơn tất cả những lời động viên từ truyền thông nhà nước.”
“Đây là sự thống trị dựa trên nỗi sợ hãi: Có cảm giác rằng Bắc Kinh có thể tìm bạn tính sổ bất cứ lúc nào.” Bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng về Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết: “Tất nhiên, điều này sẽ khiến khu vực tư nhân thận trọng hơn.”
Bloomberg cho biết, sau khi phỏng vấn hơn chục doanh nhân, nhà đầu tư mạo hiểm và nhà phân tích Trung Quốc, họ nhận thấy rằng nhìn chung họ lo ngại về thái độ của ĐCSTQ đối với các công ty tư nhân.
Sau khi kết thúc chính sách zero-COVID kéo dài 3 năm, ban lãnh đạo của ĐCSTQ dường như đã đưa ra những bình luận vỗ về, trấn an. Nhưng họ vẫn lo ngại rằng lập trường ủng hộ thị trường của Bắc Kinh sẽ không kéo dài.
Từ khóa Doanh nghiệp tư nhân Dòng sự kiện sự thịnh vượng chung Doanh nhân Trung Quốc