Quan điểm “đả hổ” mới khiến ông Triệu Lạc Tế khó phát huy bản sắc cá nhân?
- Tuyết Mai
- •
Phiên họp Toàn thể lần thứ hai của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đã hạ màn vào ngày 13/1, thông cáo về phiên họp đã tiết lộ xu hướng chống tham nhũng mới của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ngày 13/1/2018, Phiên họp Toàn thể lần thứ hai CCDI khóa 19 Trung Quốc đã bế mạc. Phiên họp đã xác định công tác kiểm tra kỷ luật năm 2018, cũng yêu cầu công tác cần tập trung vào lập trường chính trị, nguyên tắc chính trị, trách nhiệm chính trị và kỷ luật chính trị, tăng cường giám sát kỷ luật.
Ngày 14/1, báo mạng Xinnet của nhà nước Trung Quốc chỉ ra, năm 2018 CCDI tập trung vào sáu loại quan chức: thứ nhất là loại người hai mặt, các quan chức hai mặt; thứ hai là loại quan chức tuyên bố hùng hồn nhưng hành động hiệu quả kém; thứ ba là quan chức không ‘thu kiếm’ kể từ sau Đại hội 18; thứ tư là quan chức kéo kết bè phái hình thành nhóm lợi ích liên quan đến vấn đề chính trị và kinh tế; thứ năm là quan chức hủ bại trong các lĩnh vực trọng điểm như tín dụng tài chính, giám sát phê duyệt; thứ sáu là quan chức cơ sở hủ bại và giới xã hội đen.
Có bình luận cho rằng, bốn loại đầu tiên đã được nhấn mạnh nhiều lần trước đây, không có gì mới. Loại thứ năm và thứ sáu là dựa theo chính sách trung ương mới ban hành. Ngày 8/11 năm ngoái, Trung Quốc chính thức thành lập ‘Ủy ban Ổn định Tài chính Chính phủ’ để thống nhất quản lý và điều phối, chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, tại phiên họp toàn thể lần này ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh cần phải kết hợp chống tham nhũng với đánh đen trừ ác, đánh vào ô dù hỗ trợ phía sau.
Ngày 14/1, Liên hợp Tảo báo (Singapore) dẫn quan điểm của giáo sư Nhậm Kiến Minh (Ren Jianming) thuộc Học viện Quản trị công Đại học Hàng không Bắc Kinh liên quan đến “tính chính trị” của công tác kiểm tra kỷ luật mới này, theo đó ông cho rằng điều này ngụ ý phong cách làm việc của ông Triệu Lạc Tế theo truyền thống và bảo thủ, ông ta có thể bám chặt vào quyết định của trung ương để thực hiện nhiệm vụ, như vậy sẽ không phát huy được nhiều bản sắc hoặc ý tưởng cá nhân.
Ngày 13/1, SCMP (Hồng Kông) ám chỉ đến cuộc họp lần này tập trung hàng đầu vào thảo luận “lòng trung thành và tính kỷ luật”, để đảm bảo “lòng trung thành chính trị” trong quan trường Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018.
Sau Đại hội 19, ông Triệu Lạc Tế rất tích cực “đả hổ”. Sau khi “hổ to” quân đội Phòng Phong Huy bị điều tra, trước ngày khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ hai của CCDI, ngày 10/1, tạp chí Giám sát Kiểm tra Kỷ luật Trung Quốc đã tập trung đăng bài tổng kết số liệu chống tham nhũng năm 2017, phát đi thông điệp “mức độ trừng phạt kẻ hủ bại không thuyên giảm”. Bài viết cho rằng, với việc liên tục có 5 cán bộ thuộc quản lý trung ương “ngã ngựa” sau Đại hội 19 (Lỗ Vĩ, Lưu Cường, Trương Kiệt Huy, Phùng Tân Trụ, Lý Tương Khởi), đã đập tan ảo tưởng của một số người cho rằng công tác “đả hổ” chống tham nhũng đã tạm lắng xuống.
>> Hồ Cẩm Đào và Phòng Phong Huy: Hai lần đối mặt trong “giây phút lịch sử”
Tuy nhiên trước đây Nhật báo Thế giới (World Journal) tại Mỹ từng có phân tích chỉ ra, việc ông Triệu Lạc Tế có dám làm như ông Vương Kỳ Sơn hay không rất đáng quan tâm. Bài viết cho rằng sau thời ông Vương Kỳ Sơn, công tác “đả hổ” có thể không còn như cũ, sẽ chủ yếu đánh vào các quan chức cấp trung và thấp, không còn đánh vào các nguyên lão và lãnh đạo cấp cao.
Tại Đại hội 19, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh vào tính “phục tùng” và “trung thành” của các quan chức. Việc CCDI mới của Trung Quốc có tiếp tục “đả hổ” trong giới chức cấp cao và thậm chí là giới đại nguyên lão và thân tín của họ không, phụ thuộc vào tương quan quyền lực giữa ông Tập Cận Bình và họ như thế nào, phụ thuộc vào lòng dũng cảm của ông Triệu Lạc Tế và độ trung thành đối với ông Tập Cận Bình như thế nào.
Trong thực tế, ngay cả khi ông Vương Kỳ Sơn mạnh miệng tuyên bố chống tham nhũng “không có vùng cấm”, nhưng trước khi giải nhiệm vẫn bỏ ngỏ hàng loạt quan chức cấp cao đương chức cũng như đã về hưu từng gây nhiều vấn đề nghiêm trọng (trong đó bao gồm cả nhân vật hàng đầu là cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân). Hiện tại nhiều quan to liên quan đến hàng loạt vụ bê bối nhưng vẫn điềm nhiên thăng tiến, tiêu biểu như Bí thư thành phố Thiên Tân Lý Hồng Trung (Li Hongzhong), Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Nguyễn Thành Phát (Ruan Chengfa), Phó Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến Lý Đức Kim (Li Dejin), đặc biệt nhất là cựu Bí thư Thượng Hải Hàn Chính bị dân chúng đặt biệt danh là “Hàn Chính bất chính”, nhưng vẫn điềm nhiên vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19.
Ngày 8/1, VOA (Mỹ) dẫn ý kiến của một nhà phê bình cho rằng, còn rất nhiều vấn đề hủ bại trong giới ‘thái tử Đảng’ Trung Quốc đã từ lâu không bị trừng phạt. Đáng kể là việc công khai tài sản của giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc vẫn chưa được thực hiện.
Còn tại Phiên họp Toàn thể lần thứ hai của CCDI này, ông Tập Cận Bình đưa ra quan điểm chỉ đạo rằng “chỉ cần ‘hổ già’ thò đầu ra là đánh, ‘ruồi nhặng’ bay loạn là đập”. Có người bắt bẻ rằng “chỉ cần ‘hổ già’ thò đầu ra là đánh”: vậy thì “hổ già” không thò đầu ra có đánh không? Có đánh “hổ siêu già” đã thoái vị không?”
Có nhận định, trong lời chúc mừng năm mới năm nay, ông Tập Cận Bình đã không còn tập trung nhấn mạnh vào vấn đề “đả hổ” chống tham nhũng như các năm trước, có thể là cố ý né tránh, những ngôn từ như “tên đã rời cung không thể quay lại” không còn được ông Tập Cận Bình nhắc đến, lý do thay đổi này là gì thì phải chờ quan sát.
Giáo sư Mã Nhã Đức (Ma Luode) thuộc Đại học Harvard (Mỹ) chuyên nghiên cứu chính trị Trung Quốc cho rằng hiện nay, chống tham nhũng ở Trung Quốc đối diện tình trạng khó xử. Vì quá nhiều quan chức tham nhũng, không thể nào bắt hết tất cả, đồng thời thực tế công tác quản lý nhà nước của nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ như tờ giấy trắng, chủ yếu giúp giới tinh hoa của chế độ độc tài bùng phát giàu có. Ngoài ra, hiện nay nhà cầm quyền Trung Quốc hàng ngày phải đối mặt các cuộc biểu tình mạnh mẽ chống giới quan chức vô lại, khiến chế độ lâm vào tình cảnh bấp bênh.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Đả hổ diệt ruồi Chống tham nhũng Triệu Lạc Tế