RWB: Trung Quốc đang đe dọa đến tự do báo chí toàn cầu
- Trí Đạt
- •
Theo Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, hôm 25/3, Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders, RWB) – tổ chức giám sát và bảo vệ tự do báo chí toàn cầu, đã công bố báo cáo và cảnh báo thế giới cần chú ý về việc Trung Quốc đang có ý đồ muốn xây dựng “Trật tự mới của truyền thông thế giới”, tạo thành mối đe dọa đến tự do báo chí trên toàn cầu. Tổ chức này cũng kêu gọi các nước dân chủ cần phải đứng lên chống lại ý đồ này của Trung Quốc.
Biển quảng cáo khổng lồ của Tân Hoa Xã đặt gần Quảng trường Thời Đại ở New York (Ảnh từ Getty Images)
Báo cáo của Tổ chức Phóng viên không biên giới nói: Chính quyền Bắc Kinh muốn ngăn chặn những phê bình chỉ trích từ bên trong và bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ quyền truy cập của người dân vào các kênh thông tin, trong đó bao gồm thông qua “Vạn lý tường lửa (Great Fire Wall) để phong tỏa những trang web có nội dung mà họ coi là không “thích hợp”.
Tổ chức Phóng viên không biên giới cho biết, hiện nay ý đồ kiểm soát thông tin của Bắc Kinh không chỉ giới hạn trong nước Trung Quốc, mà còn có cả ở nước ngoài, và họ đang xuất khẩu phương thức thẩm tra và kiểm soát thông tin ra các nước khác. Báo cáo nói: “Trung Quốc thông qua mạng lưới Đại sứ quán và Viện Khổng Tử tuyên truyền văn hóa ngôn ngữ Trung Quốc, lợi dụng thủ đoạn sách nhiễu và đe dọa, áp đặt các từ ngữ được cho là chính xác về ý thức hình thái để che giấu những chương đen tối trong lịch sử.
Mua lại truyền thông ở các nơi trên thế giới
Theo Đài Tiếng nói Đức (Deutsche Welle) đưa tin, bản báo cáo này của Tổ chức Phóng viên không biên giới đã chỉ ra, sau khi xảy ra sự kiện Lục Tứ năm 1989, chính phủ Trung Quốc đã hiểu được rằng, những người Hoa phân bố ở khắp nơi trên thế giới sẽ là trở ngại để Trung Quốc xây dựng hình tượng chính diện, và thế là họ triển khai hành động mua lại các kênh truyền thông. Ví dụ như tờ Sing Sian Yer Pao tại Thái Lan bắt đầu hợp tác với Tập đoàn Truyền thông Phương Nam (Nanfang Daily Media Group); tờ New Zealand Herald tại New Zealand bị Tập đoàn truyền thông Tân Trung (NZC Media Group) của Trung Quốc mua lại; sau khi Tinh Đảo Nhật báo tại Hồng Kông và Nhật báo Trung Quốc tại Đài Loan bị thương nhân thân Trung Quốc mua lại thì lập trường bị thay đổi. Truyền thông sau khi thu hút được vốn của Trung Quốc, nội dung đưa tin không chỉ lấy phần lớn từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, mà các tin tức chính diện về Trung Quốc cũng tăng lên, ngay cả hướng đề tài cũng bị hạn chế.
Tổ chức Phóng viên không biên giới phê bình: Bắc Kinh dùng các loại phương thức khác nhau để ảnh hưởng và vươn ra ngoài biên giới các nước, bao gồm “rải tiền nâng cấp thiết bị truyền hình quốc tế, đầu tư kênh truyền thông nước ngoài, mua quảng cáo của các kênh truyền thông lớn trên quốc tế, mời phóng viên các nước trên thế giới tới thăm Trung Quốc, tất cả các chi phí đều do Bắc Kinh chi trả.”
Đầu tư khoản tiền lớn để tăng cường tuyên truyền ở nước ngoài
Truyền thông nhà nước Trung Quốc sản xuất tin tức hướng tới độc giả, khán thính giả các nơi trên thế giới một cách toàn diện. Mạng truyền hình toàn cầu của Trung Quốc (China Global Television Network, CGTN) phát sóng ở 140 quốc gia, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) đã phá kỷ lục với tiết mục bằng 65 ngôn ngữ, Nhật báo Trung Quốc (China Daily) có khoảng 150 triệu độc giả trên toàn cầu. Từ Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 đến nay, số tiền mà chính phủ Trung Quốc đầu tư để “xây dựng lại hình tượng quốc tế” đã liên tục tăng, con số này lên đến hàng chục tỉ Nhân dân Tệ (khoảng 1,3 tỉ Euro).
Trong đó, những nỗ lực mà Trung Quốc làm tại châu Phi là một ví dụ điển hình. Mạng truyền hình toàn cầu của Trung Quốc tại châu Phi đã sản xuất 3 chương trình truyền hình hàng đầu, nội dung kết hợp đặc sắc quốc tế hóa và những nét thu hút của văn hóa địa phương, nên rất được khán giả chào đón. Bình thường khi đưa tin về tin tức quốc tế, CGTN tại châu Phi lại không có quá nhiều thiên lệch, cũng thường dẫn tin của truyền thông phương Tây như Reuters hoặc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), tuy nhiên khi gặp phải các chủ đề liên quan đến Trung Quốc, thì CGTN đều đồng loạt đưa tin chính diện.
Chính sách “Con ngựa thành Troia”
Báo cáo của Tổ chức Phóng viên không biên giới còn nói chi tiết về sách lược “Con ngựa thành Troia” của Trung Quốc, tức định kỳ mua quảng cáo trên các báo giấy có tiếng trên thế giới, như Wall Street Journal tại Mỹ, Le Figaro tại Pháp và The Daily Telegraph tại Anh Quốc, v.v. Bài viết quảng cáo hoàn toàn do đội ngũ thuộc truyền thông nhà nước Trung Quốc viết, từ đó truyền đạt thông tin của chính quyền Trung Quốc đến các độc giả nước ngoài.
Báo cáo của Tổ chức Phóng viên không biên giới còn đưa ra cảnh báo, hành động của Trung Quốc “tạo thành mối đe dọa trực tiếp không chỉ đối với truyền thông, mà còn đối với các nước dân chủ”.
Christophe Deloire – Tổng thư ký của Tổ chức Phóng viên không biên giới cho biết, ông hy vọng bản báo cáo này giúp khích lệ các nước có hành động. “Nếu các nước dân chủ không phản kháng, tuyên truyền quốc gia kiểu Trung Quốc sẽ từng bước xâm nhập vào truyền thông toàn cầu, đồng thời cạnh tranh với báo chí chân chính.”
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Truyền thông Trung Quốc Tân Hoa Xã công cụ tuyên truyền Trung Quốc