Sự thật gây sốc về hàng triệu bệnh nhân HIV/AIDS ở Trung Quốc
Ngày 1/12 là Ngày thế giới phòng chống AIDS. Có hơn một triệu người đang sống chung với bệnh HIV/AIDS ở Trung Quốc, trong đó, 2 nhóm có tỷ lệ nhiễm cao được quan tâm nhất là học sinh thanh niên và người trên 50 tuổi.
Báo cáo nhà nước Trung Quốc: Hơn 1 triệu người bị nhiễm HIV/AIDS
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) báo cáo rằng tính đến cuối năm 2020, có 1.053.000 người ở Trung Quốc đã bị nhiễm HIV/AIDS và tổng số 351.000 ca tử vong đã được báo cáo. Hiện có hai nhóm có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao ở Trung Quốc đang gây lo ngại, đó là nhóm học sinh thanh niên và những người từ 50 tuổi trở lên.
Gần đây, Văn phòng Dự án Giáo dục và Phòng chống AIDS Thanh niên Trung Quốc và Quỹ Giáo dục Thanh Ái Bắc Kinh đã phát hành sách trắng “Khám phá và thực hành Dự án Tình Yêu Xanh ‘Vắc-xin xã hội trong giáo dục giới tính để ngăn ngừa HIV/AIDS’”. Thống kê cho thấy, năm 2020, Trung Quốc ghi nhận gần 3.000 ca nhiễm thuộc nhóm học sinh thanh niên từ 15-24 tuổi, lây qua đường tình dục chiếm 98,6%, trong đó 81,7% lây từ nam sang nam, và 16,9% lây qua bạn tình khác giới.
Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS ở người từ 50 tuổi trở lên đã tăng lên đáng kể. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, tỷ lệ này đã tăng từ 22% năm 2011 lên 44% năm 2020, tức là đã tăng gấp đôi trong 10 năm. Đồng thời, so sánh một số tỉnh bắt đầu có AIDS sớm nhất, trong số các tỉnh và số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được báo cáo vào năm 2020, các tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên cao nhất chiếm hơn 60%.
Hôm 29/11, Ủy ban Y tế thành phố Bắc Kinh thông báo, từ tháng 1 đến tháng 10/2021, đã có thêm 1.654 ca nhiễm HIV/AIDS tại thành phố này, tăng 17,47% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện tại, có 24.435 người nhiễm HIV/AIDS còn sống ở Bắc Kinh.
Mới đây, cựu Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, bà Margaret Chan (Trần Phùng Phú Trân) đã nhấn mạnh, trong những năm gần đây, báo cáo mới của Trung Quốc đã ghi nhận hàng năm có khoảng 3.000 trường hợp học sinh thanh niên từ 15-24 tuổi bị nhiễm HIV/AIDS, mà nguyên nhân cơ bản là do từng quan hệ tình dục không an toàn, thanh thiếu niên đã trở thành nhóm quan trọng nhất trong công tác phòng chống AIDS của Trung Quốc.
Ngoại giới đặt câu hỏi về tính xác thực của dữ liệu ở Trung Quốc
Mặc dù đã có các báo cáo chính thức về dữ liệu tình hình AIDS của Trung Quốc, ngoại giới vẫn đặt câu hỏi về tính xác thực của những dữ liệu này.
Một bài báo có tiêu đề “Làng Văn Lầu” (Làng AIDS ở huyện Thượng Thái, thành phố Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam) trên trang Bách khoa toàn thư Baidu Baike, cho biết ngôi làng này là một trong những khu vực nhiễm HIV/AIDS đông nhất ở Trung Quốc, với 70% dân làng có người mang AIDS hoặc HIV trong gia đình, có 38 ngôi làng tự nhiên như vậy ở tỉnh Hà Nam.
Bác sĩ Cao Diệu Khiết (Gao Yaojie), hiện đã 95 tuổi, nguyên là giáo sư và bác sĩ chuyên khoa ung thư phụ khoa tại Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Hà Nam, là người đi đầu trong cuộc chiến chống lại căn bệnh AIDS ở Trung Quốc. Tháng 4/1996, lần đầu tiên bà tiếp xúc với những bệnh nhân AIDS bị lây nhiễm qua đường truyền máu, đến tháng 3/2000, bà đến làng AIDS và tự mình vận chuyển thuốc men, hàng hóa, tờ rơi, sách báo.
Bà đã viết nhiều cuốn sách mô tả kết cục bi thảm tan cửa nát nhà của các bệnh nhân AIDS, đồng thời phơi bày sự thật rằng “nền kinh tế huyết tương” do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thúc đẩy đã dẫn đến đại dịch AIDS lan rộng. Bác sĩ Cao Diệu Khiết cũng đã bị đàn áp vì điều này, do đó, bà đã buộc phải chuyển đến New York, Hoa Kỳ vào năm 2009.
Bác sĩ Cao cho biết mong muốn lớn nhất của bà là viết sự thật về sự lây lan rộng rãi của bệnh AIDS ở Trung Quốc, để thế giới có thể biết được nguyên nhân của thảm họa đẫm máu này, từ đó thu hút sự chú ý và giúp đỡ. Bà nói với báo Epoch Times: “Hãy cho mọi người biết rằng vẫn còn rất nhiều bệnh nhân AIDS ở Trung Quốc, và tốt nhất là hãy giúp đỡ họ, nếu chúng ta có thể.”
Năm 2010, bác sĩ Cao Diệu Khiết đã ra mắt cuốn sách “Đi bộ qua các làng AIDS để khám phá sự thật về đại dịch AIDS ở Trung Quốc”. Theo cuốn sách, chưa đến 10% trường hợp mắc bệnh AIDS ở Trung Quốc lây truyền qua đường tình dục. Bác sĩ Cao nói với RFA vào năm 2010: “16 năm đã trôi qua. Ước tính có 10 triệu người mắc bệnh AIDS ở Trung Quốc, nhưng chính phủ đã che đậy họ rất kỹ. Trong cảnh Ôn Gia Bảo bắt tay bệnh nhân AIDS, bệnh nhân là một diễn viên.”
Bà mong muốn dành cả cuộc đời mình để lưu lại lịch sử bệnh AIDS Trung Quốc. Bà nói: “Vấn đề lớn nhất của ĐCSTQ là lừa đảo và dối trá. ĐCSTQ muốn tôi nói dối, tôi có chết cũng sẽ không trở về.”
Em trai của bác sĩ Cao là ông Cao Thế Khiết, người luôn ủng hộ những nỗ lực của chị gái, đã chỉ vào những bức ảnh của bệnh nhân AIDS và nói: “Những người đó, nhìn họ ngày càng tiều tụy, cuối cùng thì họ giống như những bộ xương trong giải phẫu vậy, mỗi người đều như thế. Họ nghèo đến mức cái gì cũng không có, đến cả tiền để nuôi một con gà, một con heo cũng không có. Tôi hy vọng rằng nhiều người hơn có thể hiểu được tình hình thực tế, bởi vì TV luôn nói điều này tốt, điều kia tốt nhưng không báo cáo điều xấu.”
Văn phòng Phòng chống AIDS tỉnh Hà Nam, Trung Quốc báo cáo vào ngày 31/10/2013: “Có tổng cộng 59.000 người bị nhiễm AIDS trong tỉnh.” Ông Cao nói: “50.000? Phải là tăng gấp 10 lần (mới là số thực). Mỗi thôn, mỗi người ở đó đều nghiêm trọng như vậy. Bây giờ họ (chính quyền địa phương) phong tỏa làng, người bên ngoài không thể vào, người bên trong không thể ra ngoài và người dân được yêu cầu hãy tự bảo vệ mình.”
Khi nói về đại dịch AIDS, ngoại giới thường sẽ nghĩ đến tỉnh Hà Nam, tuy nhiên ông Cao cho biết: “Trên thực tế, các tỉnh khác đều có dịch bệnh này. Chị cả của tôi đã đến Sơn Tây, Vân Nam, Quý Châu và ở khắp mọi nơi.”
Những nỗ lực của bác sĩ Cao Diệu Khiết đã được quốc tế tôn trọng. Bà đã giành được “Giải thưởng Nhân quyền và Sức khỏe Thế giới Jonathan Mann” của Liên Hợp Quốc và “Giải thưởng Ramon Magsaysay” thường được gọi là Giải Nobel Châu Á.
“Thời báo kỹ thuật số Trung Quốc” nói về bác sĩ Cao Diệu Khiết, là “người đi đầu ngăn chặn bệnh AIDS ở Trung Quốc”, đã giành được các giải thưởng quốc tế, bao gồm “Giải thưởng Nữ lãnh đạo Toàn cầu”... Bà được Tạp chí Time và Business Weekly vinh danh là “Anh hùng Châu Á” và “Ngôi sao Châu Á”. Năm 2007, Liên minh Thiên văn Quốc tế đã đặt tên cho tiểu hành tinh 38980 là “Cao Diệu Khiết (Gao Yaojie)”.
Mộc Lan (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Bác sĩ Cao Diệu Khiết virus HIV Ngày thế giới phòng chống AIDS AIDS HIV người nhiễm HIV/AIDS