Tạ Điền: Thứ Trung Quốc vượt qua là ‘cột mốc’ hay gặp ‘trận Waterloo’?
- Tạ Điền
- •
Gần đây, WSJ đưa tin về kinh tế Trung Quốc đã vượt qua một “cột mốc” quan trọng, khiến thế giới đang đối mặt với những rủi ro lớn: Kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa hơn 40 năm trước, mùa thu năm ngoái khối lượng thương mại của nước này với các nước đang phát triển đã vượt tổng khối lượng thương mại với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Một phân tích về dữ liệu kinh tế Trung Quốc của Tạp chí Phố Wall (WSJ) Mỹ cho thấy, các công ty nước ngoài tại Trung Quốc trong 6 quý gần đây nhất (tính đến hết quý 3 năm nay) đã rút lợi nhuận khỏi Trung Quốc với tổng số tiền hơn 160 tỷ USD. Xuất khẩu sụt giảm và lợi nhuận tiếp tục chảy ra nước ngoài khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc âm trong Quý 3, tức là dòng vốn ra lớn hơn dòng vốn vào, dòng vốn ra ròng là 11,8 tỷ USD, trong 25 năm qua đây là lần đầu tiên lên đến con số này. Thông tin từ WSJ chỉ ra một trong những lý do dẫn đến dòng lợi nhuận chảy ra là do lãi suất ở Mỹ tăng cao, khoảng cách giữa lãi suất của Trung Quốc với lãi suất của Mỹ và châu Âu ngày càng lớn, do đó việc tích trữ lợi nhuận ở phương Tây sẽ hấp dẫn hơn. Thực ra trong các nguyên nhân thì đây cũng chỉ là nguyên nhân thứ yếu hơn, nguyên nhân quan trọng là bong bóng bất động sản Trung Quốc vỡ, động cơ kinh tế trì trệ, lạm phát nghiêm trọng, chi phí lao động tăng, thất nghiệp tăng vọt, nền kinh tế rơi vào suy thoái, chuỗi cung ứng quốc tế dịch chuyển ra ngoài, và Mỹ cùng châu Âu giảm thiểu rủi ro và sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Đặc biệt, kể từ cuộc chiến Nga – Ukraine và chiến tranh Israel – Hamas, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đứng về phía đối lập phương Tây trong cuộc chiến và thái độ thù địch của họ đối với châu Âu và Mỹ ngày càng gia tăng, gây ra mối đe dọa lớn cho thế giới phương Tây. Đồng RMB (nhân dân tệ) của Trung Quốc không ngừng sụt giá ở cả thị trường trong và ngoài nước. Tính từ đầu năm đến nay, đồng RMB đã suy yếu 5,7% so với đồng USD và chạm mức thấp nhất một thập kỷ vào tháng 9. Việc các công ty nước ngoài rút lợi nhuận đã làm giảm dự trữ ngoại hối của ĐCSTQ và khiến đồng RMB chịu áp lực mất giá lớn hơn.
Vấn đề nghiêm trọng nữa là xã hội Trung Quốc đang đi lùi với tốc độ cao. Trong những ồn ào lo ngại về mọi thứ được kế hoạch hóa theo nền kinh tế chỉ huy, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình mới nhấn mạnh thúc đẩy “kinh nghiệm” thời Mao Trạch Đông – tăng cường an ninh địa phương, chế độ một người phạm tội cả nhà phải chịu, chế độ bảo giáp (vài nhà thành một giáp, vài giáp thành một bảo) – một kiểu quản trị xã hội được minh chứng khiến người dân cảnh giác thù hận nhau, khiến một lần nữa nguy cơ “chuyên chính quần chúng” thời Mao Trạch Đông và Cách mạng Văn hóa xuất hiện trên đất nước Trung Quốc.
Một thông tin trên tờ WSJ đầu tháng 11 cho rằng Trung Quốc đã vượt qua một “cột mốc” quan trọng, khiến thế giới đang đối mặt với những rủi ro lớn. Thông tin cho biết vào mùa thu năm ngoái Trung Quốc đã vượt qua “cột mốc quan trọng”: lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa hơn 40 năm trước, khối lượng thương mại của nước này với các nước đang phát triển đã vượt tổng khối lượng thương mại với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về thương mại, công nghệ, an ninh và các vấn đề gai góc khác, “Trung Quốc và phương Tây đang đi theo những hướng khác nhau, việc Trung Quốc vượt qua cột mốc này là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất về xu thế chia tách của Trung Quốc với phương Tây ngày càng tăng, khi Washington không ngừng gây áp lực lên Trung Quốc bằng các hạn chế đầu tư và cấm xuất khẩu, khiến Trung Quốc chuyển hướng một phần lớn nền kinh tế từ phương Tây sang các nước đang phát triển”.
Điều WSJ không đề cập hoặc không muốn đề cập là Trung Quốc không cố ý hay tự nguyện “điều chỉnh hướng từ phương Tây sang các nước đang phát triển”. ĐCSTQ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc điều chỉnh hướng đi đó: Chuyển từ phương Tây sang các nước đang phát triển là tình thế miễn cưỡng. Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình được cho là từng nói với các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ rằng tất cả các nước gần gũi và có quan hệ tốt với Mỹ đều trở nên giàu có và phát triển; tất cả các nước có quan hệ xấu và xung đột với Mỹ đều trở nên lạc hậu và kém phát triển.
ĐCSTQ chắc chắn biết lợi ích của việc quan hệ tốt với Mỹ và châu Âu, trong hơn hai thập niên qua đã thu được lợi ích to lớn từ thị trường, công nghệ, quản lý và đầu tư của Mỹ và châu Âu, lẽ dĩ nhiên ĐCSTQ muốn những lợi ích đó sẽ tiếp tục. Nhưng tổ chức toàn trị này phải ân hận vì với tính chất trái nhân tính, phản văn minh và phản hệ giá trị phản phổ quát ngày càng leo thang, thì mô hình phát triển kinh tế dị dạng của Trung Quốc đã đi đến hồi kết, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy thoái, ngày tàn của chế độ toàn trị này ngày càng gia tăng, kéo theo chúng cũng ngày càng trở nên nguy hiểm và hung hãn. Việc chuyển giao các chuỗi công nghiệp ở Mỹ và châu Âu, loại bỏ rủi ro và giảm bớt sự phụ thuộc chỉ là vẻ ngoài của hiện tượng này, còn bản chất vấn đề chính là do đối lập giữa hệ giá trị xã hội tự do và chế độ cộng sản.
Một cuộc khảo sát của Hội đồng Kinh doanh Mỹ -Trung Quốc (U.S. China Business Council) cho thấy, hơn 1/3 các công ty Mỹ cho biết trong năm qua họ đã giảm hoặc đình chỉ các khoản đầu tư theo kế hoạch vào Trung Quốc. Tỷ lệ này cao kỷ lục, cao hơn rất nhiều so với mức 22% của năm ngoái. Các công ty lớn của phương Tây, từ Apple, Stellantis Automobiles đến HP, đều đang tìm cách chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các công ty tài chính như Sequoia Capital đã bắt đầu hạn chế hoặc cách ly các hoạt động của họ tại Trung Quốc. Công ty nghiên cứu thị trường Gallup cũng sắp rời khỏi Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc hiện chủ yếu chảy vào những nơi giàu tài nguyên như Indonesia hay Trung Đông chứ không phải Mỹ, điều này là do ĐCSTQ lo lắng vốn và đầu tư vào Mỹ bất cứ lúc nào cũng có thể có nguy cơ bị tịch thu, giống như trường hợp vàng và dự trữ ngoại hối ở nước ngoài của Nga đều bị châu Âu và Mỹ đóng băng sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Các nhà máy Trung Quốc dùng nguồn hóa chất, phụ tùng và máy móc công cụ từ các đối tác phương Tây đang phải thúc đẩy thay thế bằng sản phẩm từ chính nước họ hoặc từ các nước đang phát triển. Ba năm trước, khối lượng thương mại của Trung Quốc với Đông Nam Á đã vượt khối lượng thương mại với Mỹ; ngày nay, khối lượng thương mại của Trung Quốc với Nga đã vượt khối lượng thương mại với Đức; và chẳng bao lâu nữa, khối lượng thương mại của Trung Quốc với Brazil cũng sẽ vượt khối lượng thương mại với Đức. Tuy nhiên, đây không phải là điều ĐCSTQ hứng thú, chắc chắn họ hy vọng kiếm được đồng tiền cứng euro từ Đức thay vì đồng tiền mềm từ Brazil và Nga vốn không thực sự cần thiết. Vì suy cho cùng thì những thứ mà ĐCSTQ cần có đều rất quan trọng đối với quốc kế dân sinh, bao gồm công nghệ cao, chip, năng lượng, thực phẩm và thiết bị y tế, trong đó có nhiều thứ không thể có được từ Brazil hay Nga, vì vậy ĐCSTQ cần đồng tiền cứng USD hoặc euro để mua được những thứ quan trọng đó từ phương Tây.
Phân tích của WSJ cho rằng giả định không có xung đột quân sự thì “không có khả năng Trung Quốc sẽ hoàn toàn tách rời khỏi phương Tây”. Nhà kinh tế Adam Slater tại Oxford Economics cho biết: “Chúng ta đang ở điểm mấu chốt ở chu kỳ đầu đến giai đoạn tiếp theo. Tách rời [Trung Quốc và phương Tây] hiện đã thành tình thế nhất định, tôi cho rằng vẫn còn chặng đường rất dài”. Nhưng ở các cấp cao nhất của chính phủ, quân đội, tình báo và học thuật Mỹ có xu hướng nhận thức chung rằng khả năng xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng từng ngày. Phân tích của WSJ cũng cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang tăng tốc tách rời. Vào tháng 9, sau khi Chính phủ ĐCSTQ thuyết phục nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi) mời thêm thành viên tham gia bao gồm cả Ai Cập và Iran, ông Tập Cận Bình đã bỏ qua cuộc họp của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20).
Nguyên nhân khiến “Trung Quốc và phương Tây đang đi theo những hướng khác nhau” chính là đối nghịch về bản chất [toàn trị và dân chủ]. Cái gọi là “Trung Quốc đã vượt qua cột mốc này” – tức là lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa hơn 40 năm trước thì khối lượng thương mại của Trung Quốc với các nước đang phát triển đã vượt tổng khối lượng thương mại với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, là do kinh tế Trung Quốc tách khỏi phương Tây, giảm sự phụ thuộc lẫn nhau, và chuẩn bị về mặt kinh tế trước đòn đánh cuối cùng của các nền xã hội tự do nhắm vào Trung Quốc cộng sản. Trung Quốc ngày càng mất thị trường ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và phải quay sang Nga và các nước đang phát triển để giao thương. Đây không phải là sự lựa chọn chủ động của ĐCSTQ mà là kết quả của việc nền kinh tế Trung Quốc đã đi đến giới hạn cuối cùng. Vì vậy, thay vì cho rằng những gì Trung Quốc vượt qua là “cột mốc”, sẽ chính xác hơn khi thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc và hệ thống ĐCSTQ đã gặp “trận Waterloo tự thân”! [Trận Waterloo là trận chiến kết thúc đế chế Napoléon].
Từ khóa Tạ Điền kinh tế Trung quốc