Tang lễ phu nhân cố lãnh đạo Hồ Diệu Bang khiến giới chức Trung Quốc bất an?
- Hà Thanh
- •
Buổi chiều ngày 11/3 vừa qua, bà Lý Chiêu (Li Zhao), vợ cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Hồ Diệu Bang (1915 – 1989) đã bị bệnh qua đời, nhiều người dân Trung Quốc chia buồn và tưởng nhớ lại sự kiện đàn áp tại Thiên An Môn năm 1989. Nơi tổ chức tang lễ ở nhà cũ của ông Hồ Diệu Bang đã bị lực lượng công an và nhân viên mặc thường phục canh phòng cẩn mật, xe của an ninh đỗ chật kín khu đường phố xung quanh ngôi nhà.
Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin dân vận nhân quyền Trung Quốc (Information center for human rights and democracy), ngày 12/3 con gái của cố Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương là Vương Nhạn Lam (Wang Yanna, tên gốc là Zhao Yanna) đã đến nhà cũ của ông Hồ Diệu Bang để viếng bà Lý Chiêu. Bà Vương Nhạn Lam cho biết, bà Tề Tâm (Qixin), mẹ của ông Tập Cận Bình cũng gửi vòng hoa đến, vòng hoa viết dòng chữ “Thương xót tưởng niệm đồng chí Lý Chiêu, một lòng kính viếng”; ông Lý Nhuệ (Lirui, thư ký xưa của ông Mao Trạch Đông), cựu Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin Quốc gia cũng đến dâng vòng hoa.
Thông tin liên quan bị kiểm duyệt chặt chẽ
Truyền thông Trung Quốc Đại Lục lại khá kín tiếng trong việc đưa tin về cái chết của bà Lý Chiêu. Các báo mạng Bjnew, Sina, Caixin ban đầu có đưa tin, nhưng đã phải gỡ bỏ thông tin ngay trong ngày.
Mạng Sohu đăng lại bài viết cũ vào tháng 6/2016 trên tạp chí “Nhân vật” với tựa đề: “Phu nhân Lý Chiêu của Hồ Diệu Bang: Một phụ nữ không tầm thường”. Đáng chú ý là các kênh thông tin trung ương như Tân Hoa xã và báo Nhân dân Trung Quốc không thấy đưa tin.
Ngược lại với báo chí nhà nước, trên mạng xã hội weixin, cư dân mạng sôi nổi bày tỏ thương tiếc bà Lý Chiêu với những lời nhắn “Vô cùng thương tiếc phu nhân Lý Chiêu của lương tâm chế độ Hồ Diệu Bang”.. Tuy nhiên những lời bình luận về cái chết của bà Lý Chiêu và sự kiện ông Hồ Diệu Bang qua đời trước đây cũng đã nhanh chóng bị kiểm duyệt gỡ bỏ.
Cái chết của Hồ Diệu Bang gián tiếp dẫn đến sự kiện Thiên An Môn
Năm 1989, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang qua đời, giới sinh viên học sinh đã tổ chức tưởng niệm quy mô lớn, được xem là mồi lửa của sự kiện đàn áp giết sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm đó.
Năm 1987, ông Hồ Diệu Bang bị ép phải từ bỏ chức vụ Tổng Bí thư vì bị cho là “vi phạm những sai lầm trong các vấn đề liên quan tới những nguyên tắc chính trị quan trọng”, ông Triệu Tử Dương được chọn lên thay thế.
Theo thông tin, ngày 15/1/1987, ông Bạc Nhất Ba (cha của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã “ngã ngựa”) đại diện các nguyên lão chủ trì Hội nghị Đời sống, tại hội nghị ông Hồ Diệu Bang đã bị một nhóm nguyên lão tập trung công kích, ông Bạc Nhất Ba là người tiên phong, thậm chí còn quy ông Hồ Diệu Bang phạm 6 tội trạng. Sau đó đến Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị, ông Đặng Tiểu Bình đã thông qua vấn đề tội trạng của ông Hồ Diệu Bang.
Tại Hội nghị Bộ Chính trị ĐCSTQ ngày 8/4/1989, ông Hồ Diệu Bang phát bệnh tim, một tuần sau (ngày 15/4) ông Hồ Diệu Bang qua đời, thọ 74 tuổi.
Ngay hôm ông Hồ Diệu Bang qua đời, phong trào phúng viếng Hồ Diệu Bang đã bùng nổ trong các trường học, tiêu biểu như Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa… Sau đó hoạt động tự diễn biến thành phong trào kháng nghị thị uy, rồi lại tiếp tục phát triển thành phong trào yêu nước, kêu gọi quyền tự do dân chủ và chống tham nhũng của sinh viên, công nhân viên và dân chúng trên toàn Trung Quốc.
Ngày 4/6/1989, lãnh đạo chính quyền Trung Quốc triển khai tàn sát sinh viên tay không tấc sắt, số người thiệt mạng từ vài trăm đến cả ngàn người. Vì ông Triệu Tử Dương ủng hộ phong trào nên bị cách chức và giam lỏng hơn chục năm. Sau đó những thông tin liên quan đến ông Hồ Diệu Bang và ông Triệu Tử Dương trở thành tin cấm kỵ của chính quyền Trung Quốc.
Bầu không khí chính trị khẩn trương
Theo Đài VOA, trong «Thời đại Đặng Tiểu Bình», nhà Hán học người Mỹ Ezra F. Vogel đã cho biết, sau sự kiện đàn áp tại Thiên An Môn, trong lễ truy điệu ông Hồ Diệu Bang năm 1989, bà Lý Chiêu đã cự tuyệt bắt tay ông Đặng Tiểu Bình, bà nói: “Tất cả chỉ vì đám các người”.
Khi phu nhân của ông Đặng Tiểu Bình, bà Trác Lâm vừa bắt tay bà Lý Chiêu vừa nhắn nhủ “Bảo trọng thân thể”, bà Lý Chiêu đáp lại: “Tiểu Bình cần bảo trọng hơn, con người ai cũng phải chết, đây là quy luật!”.
Sau khi ông Hồ Diệu Bang qua đời, người nhà ông Hồ Diệu Bang đã không cho phép ông Bạc Nhất Ba được tham dự lễ truy điệu, vì cho rằng ông Bạc Nhất Ba là kẻ vong ơn bội nghĩa. Theo sách «Kể chuyện Hồ Diệu Bang», trong thời Cách mạng Văn hóa, ông Bạc Nhất Ba bị liệt vào “thành viên tập đoàn phản bội 61 người”, chính ông Hồ Diệu Bang đã giúp sửa lại án oan sai và bố trí công việc cho ông Bạc Nhất Ba.
Nhà bình luận chính sự Hoa Pha (Huapo) cho biết, cái chết của bà Lý Chiêu lại khiến người ta tập trung nhìn lại sự kiện Thiên An Môn, trên mạng xã hội ngập tràn những lời bàn tán, vì vấn đề xảy ra ngay trong thời khắc nhạy cảm khi lưỡng hội đang diễn ra làm cho chính quyền căng thẳng đề phòng:
“Chính quyền vẫn e ngại cái chết của bà ấy làm mọi người tưởng nhớ lại ông Hồ Diệu Bang, tưởng nhớ lại sự kiện Thiên An Môn, đặc biệt trong thời điểm lưỡng hội đang cử hành và vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad đang lên men cùng bối cảnh chính trị đấu đá loạn lạc, sự kiện tang lễ của bà Lý Chiêu khiến chính quyền đề cao cảnh giác, bầu không khí cho thấy khá căng thẳng khẩn trương, rõ ràng Trung Quốc ngày nay đang ở trong tình cảnh rất bất an”.
Hà Thanh (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa Hồ Diệu Bang Bạc Nhất Ba Thảm sát Thiên An Môn Đặng Tiểu Bình