Tập Cận Bình và 45 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc
- Trần Quân
- •
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 45 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, cũng là kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông, cựu lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Về sự kiện này, truyền thông nhà nước Trung Quốc nêu bật quan điểm của ông Tập Cận Bình về ý nghĩa cải cách mở cửa, đồng thời cũng thúc đẩy tôn sùng cá nhân ông Tập lên ngang tầm với Mao. Tuy nhiên, hãy lưu ý thêm những góc nhìn khác qua tiếng nói bên ngoài bộ máy nhà nước Trung Quốc.
Nhắc lại, ngày 18/12/1978 tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 ĐCSTQ khóa 11, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đã xác lập mục tiêu cải cách mở cửa, sau đó Trung Quốc tận dụng lợi thế dân số đã biến thành ‘công xưởng của thế giới’, và hiện nay trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Gần đây, nhân kỷ niệm 45 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, cơ quan truyền thông Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đã có bài viết nhấn mạnh, mặc dù Hội nghị toàn thể lần 3 ĐCSTQ khóa 11 mở ra một kỷ nguyên mới cải cách và mở cửa của Trung Quốc, nhưng “Hội nghị toàn thể lần 3 ĐCSTQ khóa 18 cũng mang tính bước ngoặt, mở ra bước tiến cải cách toàn diện theo chiều sâu”, đồng thời cho rằng nếu không có quyết tâm cải cách sâu rộng của ông Tập Cận Bình thì nhiều vấn đề quan trọng khó có được, nhấn mạnh “phía sau những cải cách hoành tráng đó là tấm lòng dũng cảm, tấm gương lớn và trách nhiệm lớn lao của người lãnh đạo”. Tân Hoa Xã tung thêm 3 tập video bình luận chính trị, cho rằng ông Tập Cận Bình đã lãnh đạo Trung Quốc đạt được những “cải cách vĩ đại” mới.
Nhưng đối với đa số nhà quan sát bên ngoài và người dân Trung Quốc, cảm giác cải cách và mở cửa có thể không như truyền thông ĐCSTQ rêu rao.
Trong cuốn sách “Trung Quốc hậu Cộng sản”, cố nhà văn Đài Loan Chou Fan cho rằng thời kỳ Trung Quốc kết thúc cải cách mở cửa bắt đầu từ năm 2012 và chấm dứt vào năm 2020. Nguyên nhân chính là do ĐCSTQ không hết tiền, trong khi tiền là “trụ nâng quyền lực toàn trị của ĐCSTQ”. Một số người còn cho rằng cái chết của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là lời cáo từ dứt khoát thời kỳ cải cách và mở cửa của Trung Quốc.
Chia sẻ với VOA, ông Gu ở Quảng Châu làm việc trong ngành truyền thông, cho hay cải cách và mở cửa có thể thực sự khiến một số người trở nên giàu có, nhưng người giàu đó chủ yếu là quan chức thành phố và những người có quyền lực, trong khi cuộc sống của người dân bình thường chỉ được cải thiện đôi chút chứ không thể nói là đã đạt được nhiều tiến bộ như truyền thông nhà nước.
Ngăn chặn?
Ông Gu cho rằng nền kinh tế của các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu thực sự đã được cải thiện rất nhiều nhờ sự gia tăng đột ngột của bất động sản sau cải cách và mở cửa, nhưng cuộc sống ở nhiều khu vực miền núi nghèo khó vẫn như cũ, hãy xem các nơi như vùng núi ở Tứ Xuyên và Vân Nam-Quý Châu… vẫn còn rất nhiều trẻ em ở vùng núi xa xôi không có điều kiện đến trường, cho nên tình hình thực tế đúng như ông Lý Khắc Cường đã nói: Có 600 triệu người ở Trung Quốc thu nhập hàng tháng dưới 1000 nhân dân tệ (~ 3,4 triệu đồng). Ông cho biết trong thời đại giá cả cao như hiện nay thì mức thu nhập 1000 nhân dân tệ phải sống rất khó khăn.
Ông Gu nói: “Trên thực tế, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình chỉ cản trở cải cách và mở cửa, ông ấy không kế thừa di sản của Đặng Tiểu Bình để đẩy mạnh hơn cải cách và mở cửa. Kể từ khi Tập Cận Bình nhậm chức, cải cách và mở cửa của Trung Quốc thực tế đã dừng lại”.
Theo ông chia sẻ, ông Tập Cận Bình thực ra không ưa những người giàu có nên cảnh giác đường lối cải cách mở cửa, cho rằng Trung Quốc nên đi theo con đường của Mao Trạch Đông để chế độ được ổn định, không để người dân trở nên quá giàu sẽ nguy hiểm. Khi còn sống, ông Lý Khắc Cường từng nói: “Cải cách và mở cửa sẽ không dừng lại, sông Dương Tử và sông Hoàng Hà sẽ không chảy ngược”, và “Người đang làm, Trời đang nhìn”…
Chỉnh sửa?
Trong cuộc phỏng vấn với Đài VOA Mỹ, trợ lý giáo sư Hsu Chia-hao tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Đài Loan, cũng cho hay định hướng chính sách của ông Tập Cận Bình không tiếp nối truyền thống cải cách và mở cửa các thời tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, trái lại đã thực hiện một số sửa đổi do ông Tập lo ngại về việc chủ nghĩa tư bản trong nước phát triển quá độ. Theo nghĩa này, ông Tập Cận Bình thực sự hy vọng sẽ quay trở lại truyền thống Mác-Lênin-Mao, để kiềm chế và quản lý vốn tư nhân một cách hợp lý. Do đó, mặc dù bề ngoài ông Tập tuyên bố vẫn đang tiếp tục quá trình cải cách và mở cửa, nhưng thực tế lại đẩy mạnh thu hẹp nguồn lực tư nhân chứ không cho cởi mở liên tục.
Ông Hsu Chia-hao cho biết, sau khi đạt được cái gọi là xóa đói giảm nghèo toàn diện, Trung Quốc thực sự đã bắt đầu tiến tới một giai đoạn mới, nhằm vừa giải quyết vấn đề trong vài thập kỷ qua quá nghiêng về xu thế tư bản hóa trong khi đồng thời có thể vẫn đảm bảo được nền kinh tế trong nước, nhưng câu chuyện này không phải đơn giản. Vấn đề khiến ông nhận định: “Vì vậy, tôi nghĩ Tập Cận Bình thực sự đang uốn nắn lại trên diện rộng đường lối của Đặng Tiểu Bình về cải cách và mở cửa”.
Gặt hái và phá hủy?
Trong phỏng vấn với Đài VOA, nhà nghiên cứu Kung Shan-son tại Viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan nhận định, so với ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình đang “đảo ngược bánh xe” cải cách và mở cửa. Các lĩnh vực nổi lên của Trung Quốc như thương mại điện tử hoặc các ngành công nghiệp mới mới nổi đạt được sự phát triển lớn trong thời kỳ Giang và Hồ, còn dưới thời chính quyền Tập đã “thu hoạch và phá bỏ”: Tăng cường kiểm soát vốn và thu những thành tựu của cải cách và mở cửa trong quá khứ trở về nhà nước, có thể kể tiêu biểu như lĩnh vực mới thành công của Alibaba dần nằm dưới kiểm soát của nhà nước.
Mặc dù truyền thông chính thức của Trung Quốc tuyên bố rằng “niềm tin và ý chí cải cách và mở cửa sẽ không bị lung lay, và cánh cửa mở của Trung Quốc sẽ ngày càng mở rộng hơn”; nhà cầm quyền ĐCSTQ gần đây cũng đã ban hành một số chính sách nhằm nới lỏng đầu tư nước ngoài xuyên biên giới, ví dụ ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ hủy bỏ hoàn toàn các điều kiện cần đối với doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư… cho thấy có vẻ như Trung Quốc đang ngày càng mở cửa rộng hơn với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều phân tích cho rằng việc Trung Quốc mở cửa sau dịch bệnh là một quyết định “chẳng đặng đừng” khi mà kinh tế suy thoái nghiêm trọng do phong tỏa.
Không thể không mở cửa
Theo ông Kung Shan-son, nhìn từ góc độ “không thể không mở cửa”, quá trình mở cửa hiện nay của Trung Quốc có phần giống với tình hình thời kỳ cải cách và mở cửa 45 năm trước. Vào thời điểm đó, những người theo chủ nghĩa cải cách do ông Đặng Tiểu Bình đứng đầu đã đánh bại phe tầm thường của ông Hoa Quốc Phong, do thiếu vốn và công nghệ nên hệ thống kinh tế kế hoạch hóa của Trung Quốc trước đây không còn tìm được đường tồn tại về mặt kinh tế, buộc phải trải qua cải cách và mở cửa. Vì chỉ bằng cách cải cách mở cửa với thế giới bên ngoài mới có thể huy động vốn từ bên ngoài, tiếp thêm sức sống công nghệ và cải thiện tình trạng ứ đọng bên trong Trung Quốc.
Tương tự, sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và chống dịch bệnh bằng ‘Zero COVID’ thì ông Tập Cận Bình rõ ràng đã hứng những hậu quả cay đắng, sự tách biệt về công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã thúc đẩy các ngành công nghiệp chuyển dịch sang Đông Nam Á, Ấn Độ…. , khiến ĐCSTQ phải tìm kiếm mở cửa để thu hút đầu tư trở lại, để doanh nghiệp nước ngoài tái gia nhập. Bởi hiện nay chỉ dựa vào thị trường nội địa của Trung Quốc không thể giúp quay trở lại xu hướng phát triển kinh tế như trước dịch bệnh, cho nên họ đang trong tình trạng “khổ tâm” về việc phải mở cửa.
Trong khi đó, những lo ngại khiến họ ra một số luật như Luật Quan hệ đối ngoại, Luật phản gián và Luật chống trừng phạt nước ngoài, lại khiến người nước ngoài và các công ty ở Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro an toàn cá nhân lớn hơn, điều này lại triệt tiêu mong muốn của Chính phủ Trung Quốc đạt được kết quả mở cửa với thế giới bên ngoài.
Ông Kung Shan-son cho biết: “Vì vậy, khi cả hai vấn đề này kết hợp với nhau, động lực chính là đẩy đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc”.
Vấn đề nâng vị thế lịch sử của Tập Cận Bình
Trên thực tế, ngoài việc nêu bật vị thế của Tập Cận Bình liên quan cải cách và mở cửa, truyền thông Trung Quốc còn có dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông (ngày 26/12). Viện Nghiên cứu Tài liệu và Lịch sử Trung ương ĐCSTQ đăng bài viết tưởng nhớ Mao Trạch Đông trên tạp chí Cầu Thị (Qiushi) cho biết sở dĩ ĐCSTQ đạt được thành tựu lịch sử “lý do cơ bản nhất là Tổng Bí thư Tập Cận Bình là hạt nhân của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”: “Kể từ Đại hội 18 của ĐCSTQ, Đảng ta đã có Tổng Bí thư Tập Cận Bình thành nòng cốt, lãnh đạo nhân dân, tổng tư lệnh quân đội”…
Có phân tích, cơ quan uy quyền của ĐCSTQ trong nghiên cứu lịch sử này nêu bật địa vị của ông Tập Cận Bình với tư cách là một “nhà lãnh đạo” và “chỉ huy”, cho thấy rằng trí thức chính thống ĐCSTQ chính thức có ý định so sánh địa vị của ông Tập Cận Bình và ông Mao Trạch Đông trong lịch sử ĐCSTQ. Một số bình luận còn chỉ ra rằng bài viết dưới chiêu bài kế thừa Mao Trạch Đông để khéo léo nhắc những hạn chế của Mao, từ đó nâng cao “mức độ” tôn sùng cá nhân Tập Cận Bình.
Nhưng ông Hsu Chia-hao nói: “Thành thật mà nói, cho dù giới truyền thông của ĐCSTQ có cố gắng đánh bóng Tập Cận Bình đến đâu, ông ấy cũng sẽ không bao giờ có được sức thu hút của một nhà lãnh đạo như Mao Trạch Đông”.
Khó sánh kịp
Ông Hsu Chia-hao cho rằng Mao Trạch Đông về mặt chính trị là “cha già dân tộc” của nước Trung Quốc mới [thời hiện đại cộng sản], trong khi ông Tập Cận Bình chỉ là lãnh đạo thế hệ thứ 5 của thời này, nên địa vị lịch sử của họ rất khác nhau. Bản thân Mao có khí chất cách mạng – điều này Tập không thể sánh được. Về mặt kinh tế, các quyết sách của Mao lúc đó hoàn toàn dựa trên cân nhắc trong nước, vì vậy mục đích của Đại nhảy vọt, Đại luyện thép, vượt qua Anh, đuổi kịp Mỹ không phải là để trở thành một nước tư bản như Anh và Mỹ, mà nhằm thông qua cơ chế hiện đại hóa công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước.
Nhưng hiện nay tình hình kinh tế mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt phức tạp hơn nhiều, ông Hsu Chia-hao cho rằng việc muốn đuổi kịp địa vị của Mao thực chất khiến Tập Cận Bình cảm thấy rất bất an, cũng khiến ông đặc biệt lo ngại về giữ vị thế quyền lực cá nhân.
Nhà nghiên cứu Hsu Chia-hao tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Quốc gia Đài Loan, cho rằng về thành tích lịch sử thì ông Tập Cận Bình gần như không thể so sánh được với ông Mao Trạch Đông, nhưng vì Tập quá khao khát ngang hàng với Mao nên đề xuất “Tư tưởng Tập Cận Bình” để sánh cùng “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, qua đó lấy hệ tư tưởng này làm vị trí cao nhất để chi phối tư tưởng của toàn Đảng và nhân dân Trung Quốc.
Ông nói: “Tiếp đó Tập Cận Bình lại muốn giống Mao Trạch Đông ở một khía cạnh khác, có thể thấy điểm nhấn đó có lẽ là thúc đẩy cơ chế lãnh đạo suốt đời như của Mao Trạch Đông”.
Nhà nghiên cứu Hsu Chia-hao cho rằng ngoài vấn đề vị thế lịch sử khác nhau, cơ sở cai trị giữa Mao và Tập cũng rất khác nhau. Mao Trạch Đông đi theo đường lối quần chúng rất sâu, từ dưới lên; Tập Cận Bình ủng hộ pháp quyền và nhấn mạnh sự cai trị từ trên xuống dưới của bộ máy ĐCSTQ. Vì vậy, mặc dù ông Tập Cận Bình ngưỡng mộ tinh thần của Mao và muốn theo “kinh nghiệm” cai trị kiểu cho quần chúng đấu nhau, tuy nhiên suy cho cùng thì ông vẫn dựa vào bộ máy Đảng, thậm chí còn sợ quần chúng, sợ họ sẽ đoàn kết lại tạo thành một lực lượng sức mạnh để đấu tranh chống lại hệ thống của ĐCSTQ.
Từ khóa Chính trị Trung Quốc Tập Cận Bình