Thiếu trầm trọng thuốc trị COVID khi dịch bệnh ở vùng Đông Bắc Trung Quốc đạt đỉnh
- Bình Minh
- •
Có khoảng 900 triệu người đã nhiễm COVID tại Trung Quốc. Tuy nhiên, 3 tỉnh Đông Bắc với nguồn lực y tế tương đối lạc hậu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc trầm trọng, các bác sĩ tại đây mô tả “như thể ra trận mà không có vũ khí”. Bác sĩ tại một số bệnh viện tuyến huyện còn không biết sử dụng máy thở.
Sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc vào đầu tháng 12/2023, dữ liệu chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho thấy nước này với dân số 1,4 tỷ người, có khoảng 900 triệu người đã nhiễm COVID.
Ngày 15/1 China Newsweek đưa tin, Tết cổ truyền của Trung Quốc đang cận kề, mặc dù đỉnh điểm của các ca nhiễm bệnh và ca bệnh nặng ở vùng Đông Bắc rộng lớn và lạnh giá diễn ra gần như cùng lúc với Bắc Kinh, nhưng ít người chú ý.
Giám đốc khoa cấp cứu của một bệnh viện hạng 3 ở tỉnh Cát Lâm cho biết, số ca nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tại Cát Lâm bắt đầu tăng mạnh vào đầu tháng 12/2022.
Từ ngày 15 – 16/12/2022, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.300 bệnh nhân mỗi ngày, kể từ đó luôn duy trì ở mức khoảng 800 – 1.100 người. Đây là lần đầu tiên bệnh viện này đón đỉnh điểm các ca COVID nặng, đến nay “chưa có sự suy giảm đáng kể”.
10 ngày đầu tháng 12/2022, bác sĩ, y tá ở các khoa của bệnh viện đều lần lượt nhiễm COVID, tỷ lệ lây nhiễm của bác sĩ, y tá tại nhiều khoa lên đến hơn 80%, Những ca cấp cứu cũng rất khó tìm được sự hỗ trợ từ bệnh viện.
Trưởng khoa cấp cứu trả lời phỏng vấn cho biết, lúc đó bà cũng bị nhiễm virus, sốt cao 3 ngày liên tiếp, “cổ họng như nuốt phải lưỡi lam, ho sặc sụa”. Nhưng bệnh viện thiếu người, dẫu nhiễm COVID, bà vẫn phải tiếp tục đi làm.
Theo mô tả của bà, vấn đề nghiêm trọng nhất ở vùng Đông Bắc trong đợt dịch này là thiếu thuốc. Những ngày đầu, ngay cả thuốc hạ sốt cũng không có, hiện tại nguồn cung cấp Paxlovid chỉ còn rất ít, và không có đủ Azvudine.
Ông Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong), một chuyên gia về bệnh lây nhiễm ở Thượng Hải, đề cập rằng có “72 giờ vàng” sau khi nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán, nếu bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus trong vòng 3 ngày sau khi nhiễm, bổ sung thêm liệu pháp hormone, thì hầu hết bệnh nhân đều sẽ thuyên giảm.
Nhưng vị bác sĩ vùng Đông Bắc này cho rằng đây chỉ là điều lý tưởng hóa mà vùng Đông Bắc khó đạt được. Bởi trong vài tuần đầu tiên trước đỉnh điểm của các ca bệnh nặng, họ hầu như còn không có cả thuốc kháng virus, như thể “ra trận mà không có vũ khí”. Ngay từ đầu tháng 1/2023, các bệnh viện vẫn khó có được thuốc Paxlovid kháng virus.
“Lý do thực sự của tất cả tình trạng thiếu (thuốc) này, thực tế chính là do chính sách của Trung Quốc (ĐCSTQ) đột ngột thay đổi từ zero-COVID, chuyển sang để cho toàn bộ người dân đều dương tính,” ông Dai Tinglong, giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, người vẫn luôn theo dõi chuỗi cung ứng y tế, nói với tờ Wall Street Journal (WSJ).
Bà Julie Swann, một chuyên gia về chuỗi cung ứng và lây truyền bệnh tại Đại học bang North Carolina, nói với tờ WSJ rằng số ca nhiễm tăng đột biến có nghĩa là “gần như không thể dự đoán nhu cầu về thuốc kháng virus ở Trung Quốc sẽ thay đổi như thế nào chỉ sau một đêm”. “Nếu bạn muốn đáp ứng nhu cầu rất cao, thì bạn phải lên kế hoạch trước, thường là vài tháng.”
Bà nói “phòng bệnh nặng” quan trọng hơn “chữa bệnh nặng”, đã phát triển thành bệnh nặng suy đa tạng mới điều trị thì rất khó.
Bà cũng cho biết trong những tuần gần đây, biểu hiện lâm sàng chính của bệnh nhân COVID nặng nhập khoa cấp cứu là độ bão hòa oxy thấp và khó thở. “Nhiều người trong số họ mắc viêm phổi âm thầm”, tức là ban đầu bản thân người bệnh không cảm thấy khó thở, nhưng thực tế lượng oxy trong máu đã rất thấp.
Nếu bản thân người bệnh vốn bị khí phế thũng (một dạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), sau đó kết hợp với nhiễm COVID, thì rất nhanh sẽ phát triển thành bệnh nặng, hiện tượng này rất phổ biến ở vùng Đông Bắc.
Ngoài ra, nếu ban đầu bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, thì sau khi nhiễm COVID, họ sẽ ngừng tim, hoặc lúc này bệnh nhân sẽ phát triển thành phổi trắng và suy hô hấp, thì tỷ lệ hồi sức tim phổi thành công sẽ tương đối thấp.
Vị bác sĩ này nói thẳng rằng bà lo nhất là làn sóng lây nhiễm ở các vùng nông thôn trong vài tuần tới, nhất là sau khi nhiều lao động nhập cư về quê dịp Tết, có thể sẽ gây ra làn sóng dịch thứ hai.
Nỗi lo sợ bao trùm thế giới khi làn sóng xuân vận (di chuyển trong dịp Tết) của người Trung Quốc (từ ngày 7/1 – 15/2) có thể kích hoạt làn sóng lây lan mới của dịch bệnh. Dù vậy, phía Trung Quốc đã nhiều lần từ chối đề xuất viện trợ vắc-xin của Mỹ.
Do điều kiện y tế của 3 tỉnh Đông Bắc còn tương đối lạc hậu, các bệnh viện tuyến huyện thiếu các biện pháp điều trị “phòng bệnh nặng”, một số bác sĩ không biết sử dụng máy thở, nên điều trị chậm trễ cho bệnh nhân, do vậy sẽ phát triển thành bệnh nặng.
Cuối cùng họ sẽ chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, đổ về thành phố, và một lần nữa lại gây áp lực lên hệ thống y tế.
Bà cũng chỉ ra rằng đỉnh điểm của các ca bệnh nặng ở Cát Lâm sẽ bắt đầu xuất hiện vào khoảng ngày 16-17/12/2022, đến nay vẫn đang ở giai đoạn bình nguyên, dự kiến sẽ chưa kết thúc sớm.
Bà cho biết mùa đông ở vùng Đông Bắc rất lạnh và nhiều người ở vùng này bị khí phế thũng, và có xu hướng trở nên trầm trọng hơn vào mùa đông. Chức năng phổi ban đầu của những bệnh nhân này không tốt lắm, sau khi nhiễm COVID-19, họ sẽ nhanh chóng phát triển thành bệnh nặng. Hiện tượng này rất phổ biến ở vùng Đông Bắc Trung Quốc.
- Mời xem thêm các bài về dịch bệnh ở Trung Quốc tại đây.
Theo tính toán của Học viện Y tế Công cộng thuộc Đại học Phúc Đán, vào năm 2021, Bắc Kinh và Thượng Hải sẽ có số lượng giường ICU toàn diện trên 100.000 cư dân thường trú cao nhất ở Trung Quốc, với tỷ lệ tương ứng là 6,25 giường ICU (tại Bắc Kinh) và 6,14 giường (tại Thượng Hải) trên 100.000 dân.
Nhưng số giường ICU ở tỉnh Cát Lâm chỉ là 2,78, chưa bằng một nửa so với ở Bắc Kinh. (Giường ICU là giường đặc biệt trong bệnh viện dành riêng cho việc điều trị bệnh nhân nghiêm trọng.)
Gần đây, người dân Trung Quốc có một câu cửa miệng đáng buồn rằng “Khắp Trung Quốc đang giành giật cha mẹ với Tử Thần”.
Một cư dân Thượng Hải cũng nói với VOA rằng ông thật không thể tin được là trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như thế này, Trung Quốc lại không thể được mua thuốc.
Chủ đề nóng hổi trong các cuộc trò chuyện của ông với bạn bè ở nước ngoài là “làm thế nào để mua và gửi thuốc cho người thân và bạn bè ở Trung Quốc”. Ông không kìm được xúc động nói: “Người dân cả nước đang giành giật, chạy đua với Tử Thần, chạy đua với thời gian để giải cứu cha mẹ già của mình”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Jude Blanchette, Chủ tịch Viện nghiên cứu Trung Quốc Freeman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã chỉ trích ĐCSTQ nhấn mạnh vào cái gọi là “ưu việt chế độ” rằng: “Ngay cả khi đối mặt với sự bùng nổ các ca nhiễm mới, Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin, quyết định này chắc chắn sẽ dẫn đến những cái chết không cần thiết.”
Từ khóa viêm phổi Vũ Hán COVID-19 Dịch bệnh ở Trung Quốc Paxlovid