Vì sao người Trung Quốc khó tìm được thuốc trị COVID Paxlovid đến vậy?
- Tiêu Nhiên
- •
Paxlovid được biết đến như loại thuốc giảm gần 90% nguy cơ nhập viện và tử vong vì COVID-19, vì vậy nhiều nước phương Tây có chính sách cung cấp miễn phí, thế nhưng tại Trung Quốc đây là mặt hàng khan hiếm bất chấp thực tế dịch bệnh đang gây bao thảm cảnh cho người dân.
Một hộp thuốc uống Paxlovid (Nirmatrelvir/Ritonavir) trị COVID-19 của Pfizer có thể được cung cấp miễn phí ở phương Tây, nhưng thị trường chợ đen ở Trung Quốc có thể bán tới hàng chục ngàn nhân dân tệ, loại thuốc này tại Trung Quốc chưa đưa vào danh mục bảo hiểm y tế. Công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ cho biết ngày 9/1 rằng họ có kế hoạch bắt đầu sản xuất Paxlovid tại Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, nhưng liệu có đủ sức giải tỏa cho số lượng lớn người dân Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh?
Theo kết quả lâm sàng sử dụng Paxlovid ở nhiều nước, nếu sử dụng thuốc kịp thời có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Đây là dạng thuốc ức chế protease 3CL (một loại enzym rất quan trọng khiến COVID-19 nhân lên) và các nghiên cứu cho thấy thuốc làm giảm gần 90% nguy cơ nhập viện và tử vong liên quan đến COVID-19, dùng thuốc trong 3 – 5 ngày sau khi khởi phát triệu chứng cũng có tác dụng tương tự. Một liệu trình Paxlovid tổng cộng 30 viên uống trị trong 5 ngày, mỗi ngày uống 2 lần và mỗi lần uống 3 viên.
CEO Albert Bourla của Pfizer đã tiết lộ tại Hội nghị Y tế JPMorgan rằng Pfizer đang hợp tác với một đối tác Trung Quốc để sản xuất và bán Paxlovid tại Trung Quốc. Ông cũng phủ nhận các thông tin trước đây rằng có công ty liên quan đang sản xuất và bán thuốc Generic Paxlovid ở Trung Quốc.
Tháng 8/2022, Deutsche Welle đưa tin Công ty Dược phẩm Huahai Chiết Giang đã ký với Pfizer “Thỏa thuận cung ứng và sản xuất”, theo đó trong thời hạn thỏa thuận (5 năm) Huahai Chiết Giang cung cấp các chế phẩm cho Pfizer phục vụ sản xuất và bán Paxlovid tại thị trường Đại Lục. Nguồn tin từ bộ phận quan hệ nhà đầu tư của Huahai nói với tờ Kinh tế Thế kỷ 21 (21jingji) của Trung Quốc rằng công ty chỉ là bên làm công cho Pfizer và việc bản địa hóa Paxlovid vẫn chưa được phê duyệt.
Để hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch COVID-19, một thỏa thuận giữa Pfizer và Medicines Patent Pool do Liên Hiệp Quốc tài trợ cho phép 35 công ty dược phẩm trên khắp thế giới sản xuất chế phẩm giá rẻ (thuốc generic) của Paxlovid để cung cấp đến 95 nước nghèo. Nhưng thỏa thuận không cho phép các nhà sản xuất thuốc generic bán thuốc cho Trung Quốc.
Vào năm ngoái, Pfizer đã cung cấp cho Trung Quốc hàng ngàn khóa học chế Paxlovid, ngoài ra hàng triệu khóa học khác cũng được thúc đẩy trong vài tuần qua. Tháng 2 năm ngoái, Paxlovid đã được phép lưu hành trên thị trường Trung Quốc, hiện thuốc này đã được đưa vào các bệnh viện cộng đồng ở một số thành phố và được bác sĩ kê đơn, giá bảo hiểm y tế là 1.890 nhân dân tệ một hộp. Nhưng kể từ đầu tháng 12 khi Đại Lục bùng nổ các ca nhiễm COVID-19, Paxlovid trở thành mặt hàng khan hiếm ở nhiều nơi. Những người dân thường không biết Chính phủ đã nhập bao nhiêu hộp và họ không biết đến đâu để có thể tìm được “phao cứu mạng” cuối cùng.
Nhà văn Zhan Juan sống ở Mỹ đã viết trên tờ New York Times ngày 5/1 rằng cô thấy có người xin hộp thuốc cho một người thân trong nhóm hỗ trợ thuốc lẫn nhau, nhưng trong khi chưa có được thuốc thì người thân kia qua đời; nhiều cư dân mạng băn khoăn về việc có nên cho người thân sử dụng thuốc gốc Ấn Độ mua với giá cao hay không; một cư dân mạng sống ở Houston sau khi biết mẹ mình bị COVID-19 đã mua thuốc và bay về Trung Quốc, nhưng người mẹ đã qua đời khi chưa kịp mang thuốc về.
Lý do gì khiến Trung Quốc không cho Paxlovid vào bảo hiểm y tế?
Ngày 8/1, Cục Quản lý Bảo hiểm Y tế Quốc gia Trung Quốc đã công bố danh mục cập nhật các loại thuốc điều trị COVID-19 tham gia vào bản cập nhật thuốc bảo hiểm y tế năm 2022, theo đó Paxlovid không được đưa vào. Nhà chức trách cho hay do Pfizer đã định giá quá cao. Nhưng Pfizer cho biết giá mua do cơ quan chức năng Trung Quốc đề xuất thấp hơn giá mà công ty bán cho hầu hết các nước có thu nhập thấp và trung bình. “Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, họ không nên trả giá thấp hơn El Salvador”, theo phía công ty Pfizer.
Mọi người bày tỏ thất vọng trước tin tức trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. Một cư dân mạng là bác sĩ (bác sĩ da liễu Liu Yisen) đã viết trên Weibo: “Dù không thể thương lượng Paxlovid, một bác sĩ có lương tâm vẫn sẽ giới thiệu thuốc cho bệnh nhân cho dù dưới hình thức tự chi trả. Cục bảo hiểm y tế thực sự là kỳ lạ, loại hữu ích thì bỏ qua, trong khi loại vô dụng thì sốt sắng…”.
Có cư dân mạng viết: “Khi phong tỏa thì nói rằng cuộc sống của dân chúng là vô giá, nhưng bây giờ cuộc sống của mọi người lại có giá?”
Một người khác viết: “Cái giá của 3 năm xét nghiệm axit nucleic có đắt không? Cái giá của xây dựng bao nhiêu bệnh viện cabin dã chiến có cao không? Xây dựng mới đó xong lại tháo bỏ thì lãng phí bao nhiêu?…”.
Một cư dân mạng khác cho rằng đây là một loại thuốc cứu mạng và nên được đưa vào bảo hiểm y tế, nhưng giờ đây nó đã trở thành bằng sáng chế dành riêng cho những người giàu có và quyền lực.
Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin tháng 6/2022 rằng một nghiên cứu ước tính rằng vào thời điểm đó Trung Quốc đã chi 300 tỷ nhân dân tệ cho xét nghiệm axit nucleic. Người ta nghi ngờ rằng một lượng lớn quỹ bảo hiểm y tế bị tiêu tốn do xét nghiệm axit nucleic và chính sách ‘Zero COVID’. Kể từ tháng Bảy năm ngoái, nhà chức trách Trung Quốc đã loại bỏ khoảng một nghìn loại thuốc khỏi phạm vi bảo hiểm y tế của họ.
Tháng 3/2022, Trung Quốc từng đưa loại thuốc Paxlovid vào phạm vi tạm thời chi trả của bảo hiểm y tế, tuy nhiên do đàm phán giữa Trung Quốc và Pfizer không thành công nên bảo hiểm y tế sẽ chỉ tạm thời thanh toán loại thuốc này cho đến cuối tháng 3 (theo mức hoàn trả tối đa số tiền bảo hiểm y tế, bệnh nhân tự thanh toán tối thiểu là 189 nhân dân tệ/hộp), bắt đầu từ tháng 4 sẽ chuyển sang người bệnh tự trả toàn bộ.
Giới phân tích trong ngành có chỉ ra rằng nếu tiếp tục không cho Paxlovid vào danh mục bảo hiểm y tế thì để đa số người bệnh Trung Quốc có được thuốc sẽ rất khó.
Nhiều nước phương Tây cung cấp Paxlovid miễn phí
Ngay từ tháng 12/2021, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã khẩn cấp phê duyệt Paxlovid là loại thuốc uống đầu tiên cho COVID-19, thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, người nhiễm mức nhẹ đến trung bình nhưng có nguy cơ trở nặng cao, thuốc được kê theo toa và miễn phí. Chính phủ Mỹ đã chi 5,3 tỷ USD để mua 10 triệu hộp, từ tháng 1/2022 đã cung cấp miễn phí cho toàn dân.
Ở Ontario – Canada, mọi người có thể nhận thuốc miễn phí thông qua đơn thuốc do dược sĩ cấp.
Ở Đức, Paxlovid cũng là loại thuốc theo toa và chi phí gần như do chính phủ chi trả. Đầu năm 2022, Bộ Y tế Đức đặt mua 1 triệu hộp từ Pfizer với giá mua 500 Euro/hộp (một liệu trình điều trị).
Gần đây tại nhiều nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản… xảy ra tình trạng nhiều Hoa kiều đã tranh nhau mua thuốc cảm và thuốc hạ sốt để gửi về Trung Quốc, cũng có những người còn gửi Paxlovid qua đường bưu điện. Có công ty chuyển phát nhanh của Canada nhắc nhở rằng không thể gửi thuốc theo toa đến Trung Quốc, nhân viên của Canada Post cho biết họ có thể gửi qua đường bưu điện nhưng có nhận được thuốc hay không còn tùy thuộc vào quy định của hải quan Trung Quốc.
Từ khóa viêm phổi Vũ Hán COVID-19 Dịch bệnh ở Trung Quốc Pfizer Paxlovid