Thực hư chuyện ông Tập tuyên bố Trung Quốc không còn người nghèo
- Vision Times
- •
Ngày 25/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc đã đạt được thắng lợi toàn diện trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, có phân tích chỉ ra rằng vấn đề nghèo đói của Trung Quốc vẫn còn nổi cộm, thậm chí có thể nói là nghèo đói quay trở lại.
Theo hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã, hôm 25/2 vừa qua, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết và tuyên dương xóa đói giảm nghèo quốc gia, qua đó cho biết “Trung Quốc đã đạt được thắng lợi toàn diện trong cuộc chiến chống đói nghèo. Theo tiêu chuẩn hiện hành, 98,99 triệu người nghèo nông thôn và 832 huyện nghèo đã thoát nghèo, 128.000 thôn nghèo được đưa khỏi danh sách nghèo… hoàn thành nhiệm vụ khó khăn xóa nghèo tuyệt đối.”
Tuy nhiên, thực tế nhiều dữ liệu cho thấy tình trạng nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng của Trung Quốc vẫn còn nghiêm trọng.
Ngày 17/2, tạp chí Caijing của Trung Quốc đã đăng bài viết phân tích tình hình tiêu dùng ở Trung Quốc, theo đó chỉ ra rằng do dịch COVID-19 và nhiều yếu tố phức tạp khiến thu nhập của người dân Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm khoảng 1,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ (RMB). Cùng với tình trạng tăng trưởng thu nhập đi xuống nghiêm trọng là xu hướng tiêu dùng của người dân giảm và xu hướng tiết kiệm của họ tăng lên. So với năm 2019, tiết kiệm theo năm của các hộ gia đình Trung Quốc đã tăng 1,6 nghìn tỷ RMB. Dưới tác động kép của tăng trưởng thu nhập chậm lại nghiêm trọng và tiêu dùng sụt giảm khiến tiêu dùng của cả năm 2020 của người Trung Quốc lần đầu tiên bị sụt giảm kể từ năm 1978.
Ngày 18/1 khi Trung Quốc công bố thành tích kinh tế năm 2020, tổ chức tư vấn Chính trị và Kinh tế độc lập Thiên Vận (Tianjun) đã phân tích những vấn đề liên quan nhất đến sinh kế của người dân Trung Quốc là thu nhập, tiêu dùng và giảm nghèo, chỉ ra từ dữ liệu cho thấy cái gọi là trụ cột quan trọng của “tuần hoàn kinh tế nội bộ”: tiêu dùng trì trệ và nhu cầu trong nước xuống thấp; nguyên nhân chính là do thu nhập của người dân giảm và giá cả tăng nhanh. Đánh giá về tình hình hiện tại cho thấy số liệu tiêu thụ của người Trung Quốc không khả quan do ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời số lượng lớn thành phần hộ gia đình mắc nợ vì các khoản vay mua nhà ở, về lâu dài sẽ gây bội chi tiêu dùng khiến tăng trưởng tiêu dùng khô cạn.
Như đã biết, cái gọi là cuộc chiến chống đói nghèo của Trung Quốc là một kế hoạch được chính quyền Bắc Kinh khởi xướng vào cuối năm 2015 với mục tiêu đến cuối năm 2020 giải quyết xong vấn đề khu vực nghèo và dân số nghèo.
Giám đốc Lưu Vĩnh Phú (Liu Yongfu) của Văn phòng Xoá đói giảm nghèo Chính phủ Trung Quốc nói với báo chí rằng tiêu chuẩn xoá đói giảm nghèo của Trung Quốc có thu nhập bình quân đầu người hàng năm khoảng 4.000 RMB (khoảng 14.330.000 VNĐ).
Nhưng theo tỷ giá hối đoái của RMB sang USD ngày 31/12/2020, tiêu chuẩn xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc được chuyển đổi thành 1,67 USD mỗi ngày.
Năm 2011, Trung Quốc đặt chuẩn nghèo là tiêu chuẩn nghèo cùng cực với 1,9 USD/người/ngày theo quy chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Nhưng điều mà các quan chức Trung Quốc không cho người dân hiểu là vào năm 2018 Ngân hàng Thế giới đã bổ sung hai tiêu chuẩn mới vào tiêu chuẩn ban đầu: mức nghèo đối với các nước có thu nhập trung bình thấp là 3,2 USD/người/ngày và mức nghèo cho các nước có thu nhập trung bình cao là 5,5 USD/người/ngày.
Ngày 7/8/2020, trang web của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố bài viết ký tên Trương Quân (Zhang Jun) – Giám đốc Trung tâm Thông tin Thống kê Quốc tế của Cục Thống kê Trung Quốc. Bài viết đề cập vào năm 2019, tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI) của Trung Quốc tiếp tục tăng lên 10.410 USD, lần đầu tiên phá mốc 10.000 USD.
Theo bài viết, “Năm 2000, GNI của Trung Quốc chỉ là 940 USD, bị Ngân hàng Thế giới phân loại là nước thu nhập trung bình thấp dựa trên GNI; năm 2010, GNI của Trung Quốc đạt 4.340 USD, lần đầu tiên đạt tiêu chuẩn nước thu nhập trên trung bình; đến năm 2019, GNI Trung Quốc tăng lên 10.410 USD, lần đầu tiên phá mốc 10.000 USD, cao hơn mức trung bình là 9.074 USD đối với các nước có thu nhập trên trung bình.”
Như vậy, giờ đây chính quyền Trung Quốc nên đặt chuẩn nghèo ở mức tiêu chuẩn 5,5 USD/người/ngày. Theo tiêu chuẩn này thì 832 huyện nghèo cấp quốc gia và người nghèo của Trung Quốc về cơ bản vẫn chưa được thoát khỏi đói nghèo.
Theo một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Trung tâm Khảo sát Tài chính Gia đình của Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam ở Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên, dự kiến mức giảm tiêu dùng lớn nhất đối với các hộ gia đình có thu nhập hàng năm dưới 30.000 RMB và 30.000-50.000 RMB, cho thấy rằng tầng lớp thu nhập thấp bị ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với tầng lớp thu nhập trung bình và cao.
Điều đáng chú ý hơn là thực tế tốc độ tăng thu nhập khả dụng (disposable income) của người dân Trung Quốc đã liên tục giảm theo thời gian, từ 10,6% năm 2012 xuống 7,4% năm 2015 và 5,8% năm 2019.
Sự sụt giảm tốc độ tăng thu nhập khả dụng và xu hướng tiêu dùng của người dân giảm không chỉ là hai cú đánh vào tiêu dùng mà còn là hai nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự suy thoái dài hạn đối với tiêu dùng của Trung Quốc.
Theo một báo cáo khảo sát do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố vào tháng 12/2020 cho thấy tình hình thu nhập và tiêu dùng của người dân Trung Quốc là rất đáng lo ngại. Báo cáo này được gọi là “Sách xanh thư nhàn: Báo cáo về sự phát triển thư nhàn của Trung Quốc năm 2019 – 2020”, được đồng phát hành bởi Viện Chiến lược Kinh tế tài chính Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Du lịch của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và Nhà xuất bản Văn hiến Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Báo cáo cho thấy mức tiêu dùng thư nhàn trung bình năm trong năm đó của người dân Trung Quốc là 5647 RMB. Trong đó, chi phí tiêu dùng thư nhàn cá nhân từ 1001-3000 RMB chiếm 22,7%, từ 3001-5000 RMB chiếm 10% và từ 5001-10.000 RMB chiếm 11,1%. Có 11,8% người dân chi hơn 10.000 RMB cho tiêu dùng thư nhàn mỗi năm, nhưng có tới 44,4% số người chi tiêu tiêu dùng thư nhàn chỉ bằng 1/10 của nhóm thu nhập cao, tức là dưới 1.000 RMB (khoảng 3,5 triệu VNĐ).
Nếu kết quả cuộc thăm dò được lấy làm mẫu và so sánh với tổng dân số 1,4 tỷ người ở Trung Quốc, điều này có nghĩa là 620 triệu người (44,4% dân số) chỉ chi 83 RMB mỗi tháng để giải trí. Còn 320 triệu người khác chi chưa đến 3.000 RMB mỗi năm, tương đương với khoảng 250 RMB (khoảng 896.000 VNĐ) mỗi tháng cho tiêu dùng thư nhàn.
Trả lời Đài VOA Mỹ về báo cáo, nhà nghiên cứu Ngô Minh Trạch (Wu Mingze) tại Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua (Chung-Hua Institution Economic Research) Đài Loan cho hay, từ cuộc thăm dò có thể thấy đa số người Trung Quốc vẫn tập trung vào tiêu dùng sinh hoạt cơ bản, ít tiêu dùng nghỉ ngơi và giải trí, cho thấy tỷ lệ dân số thu nhập thấp vẫn còn cao, thêm nữa là khoảng cách giàu nghèo nghiêm trọng khiến thật khó tin Trung Quốc đã hoàn thành xóa đói giảm nghèo, bước vào giai tầng xã hội khá giả.
Ông Ngô Minh Trạch giải thích rằng nguyên tắc 333 là tiêu chuẩn đánh giá cơ bản cho một xã hội khá giả. Thông thường gia đình khá giả dành 1/3 thu nhập của họ cho chi phí sinh hoạt cơ bản ăn mặc, 1/3 còn lại là tiết kiệm, và 1/3 cuối cùng là nguồn chi tiêu cho cuộc sống hưởng thụ như nghỉ ngơi và giải trí. Ông nhấn mạnh rằng trừ khi phần lớn người Trung Quốc chỉ kiếm tiền mà không tiêu tiền, cuộc thăm dò này cho thấy rằng hơn 60% dân số (khoảng 940 triệu người) ở Trung Quốc mỗi năm có thể chi tiêu ít hơn 3.000 RMB (khoảng 10.750.000 VNĐ) cho việc giải trí, như vậy khó có thể xem Trung Quốc đạt được mức là xã hội thịnh vượng sung túc.
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Tập Cận Bình kinh tế Trung quốc Người Trung Quốc xóa đói giảm nghèo thu nhập bình quân