Vì sao doanh nghiệp nước ngoài ngày càng muốn từ bỏ thị trường Trung Quốc?
- Hứa Trinh Kỳ
- •
Mặc dù tiềm năng thương mại của 1,4 tỷ người tiêu dùng là hấp dẫn, nhưng tình hình ngày càng khó khăn khiến không ít doanh nghiệp nước ngoài đã chọn rút khỏi Trung Quốc.
Trước đây, trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, ĐCSTQ đã phát động phong trào chủ nghĩa dân tộc tẩy chay các doanh nghiệp lớn nước ngoài. Giờ đây, theo các quy định mới chặt chẽ hơn thì lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Trung Quốc thực sự đã giảm sút. “Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân” (còn được gọi là “Luật Bảo vệ Dữ liệu Mới”) được thực thi vào ngày 1/11 đã thay đổi phân tích về hiệu quả của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với một số CEO doanh nghiệp phương Tây thì vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đã trở thành một vấn đề, bao gồm việc Mỹ mô tả sự đàn áp của ĐCSTQ ở Tân Cương như một hành động diệt chủng; việc ĐCSTQ sử dụng vũ lực và bỏ tù để bịt miệng những người biểu tình Hồng Kông; gần đây còn vụ việc khác là chuyện ngôi sao quần vợt Bành Soái “mất tích” sau khi cáo buộc một cựu quan chức cấp cao của ĐCSTQ về tội tấn công tình dục…
Một luật sư người Mỹ thường trú tại Bắc Kinh, ông James Zimmerman nói với Washington Post, thị trường Trung Quốc “ngày càng không được doanh nghiệp phương Tây ưa chuộng”, vì hoạt động trong một môi trường bị kiểm duyệt nội dung khắc nghiệt sẽ gây rủi ro về danh tiếng.
Tuần trước, ông chủ tịch Steve Simon của Hiệp hội quần vợt nữ quốc tế (WTA) cũng cho biết, nếu ĐCSTQ không điều tra thỏa đáng cáo buộc của cô Bành Soái thì cơ quan này sẵn sàng ngừng hoạt động ở Trung Quốc cho dù có thể bị mất hàng trăm triệu USD.
Đầu tháng 11, Yahoo thông báo sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc do “môi trường kinh doanh và pháp lý ngày càng thách thức”. Trước đó, khi LinkedIn quyết định đóng cửa phiên bản tiếng Trung của trang web thì họ cũng đề cập đến một môi trường hoạt động thách thức hơn. LinkedIn tuyên bố rằng họ sẽ giữ lại một trang web tuyển dụng đơn giản của Trung Quốc nhưng không có chức năng mạng xã hội hoặc chia sẻ bài viết.
Do hệ thống kiểm duyệt và sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp địa phương, hoạt động kinh doanh của Yahoo tại Trung Quốc ngày càng sa sút. Năm 2007, doanh nghiệp này bị lên án dữ dội tại Mỹ vì đã giao email của hai nhà bất đồng chính kiến tại Trung Quốc cho chính quyền Bắc Kinh để làm bằng chứng truy tố khiến họ bị bỏ tù. Yahoo đóng cửa dịch vụ email tại Trung Quốc vào năm 2013 và đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh vào năm 2015.
Doanh nghiệp nước ngoài ngày càng khó để làm ngơ
Bloomberg cho biết trong một bài báo vào ngày 26/11, mặc dù quan điểm mạnh mẽ của WTA được coi là một ngoại lệ, nhưng có thể báo trước một tương lai khác cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và các doanh nghiệp quốc tế. Ngoài việc gia tăng căng thẳng giữa Mỹ – Trung và gia tăng đàn áp nội bộ ở Trung Quốc, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp nước ngoài phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc thúc đẩy nhiều vấn đề như công bằng xã hội tại Trung Quốc, khiến họ ngày càng khó nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi xâm phạm của Bắc Kinh. Hệ quả có thể là sự đối đầu căng thẳng hơn giữa các doanh nghiệp nổi tiếng và Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ), làm định hình lại quan hệ kinh tế của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Việc cô Bành Soái biến mất sau khi lên Weibo cáo buộc bị cựu Phó Thủ tướng ĐCSTQ Trương Cao Lệ tấn công tình dục, khiến ông Simon yêu cầu liên hệ để xác nhận rằng cô ấy có quyền tự do đi lại, và để tìm hiểu cáo buộc của cô ấy. Ông Simon cũng nhấn mạnh rằng nếu Bắc Kinh không thể đáp ứng các yêu cầu này, WTA sẽ không tổ chức các sự kiện của họ ở Trung Quốc.
Bloomberg đưa tin, điều này đủ tồi tệ đối với ĐCSTQ vốn coi trọng việc tham gia vào các môn thể thao quốc tế. Nhưng điều tồi tệ hơn là sự việc này càng kích hoạt những lời kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh sắp được tổ chức.
Vào năm 2018, WTA đã ký một hợp đồng 10 năm lợi nhuận béo bở để tổ chức các trận chung kết của WTA tại Thâm Quyến. Nhưng ông Simon nói rằng vấn đề phản ánh từ việc của cô Bành Soái “quan trọng hơn việc kinh doanh”.
Theo Bloomberg, các doanh nghiệp phương Tây cố gắng thúc đẩy sự đa dạng, giảm khoảng cách về giới, bảo vệ môi trường và hỗ trợ quyền của người lao động. Vậy nên, việc chính quyền ĐCSTQ đàn áp các dân tộc thiểu số và tước bỏ các quyền tự do dân sự cơ bản của người Trung Quốc, sẽ khiến các CEO nước ngoài ngày càng khó khăn hơn để biện hộ cho doanh nghiệp của họ (ở Trung Quốc).
Luật lệ và các biện pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan
Đồng thời, theo “Luật Bảo vệ Dữ liệu Mới” của ĐCSTQ, các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ phải đối mặt với những thay đổi lớn trong việc xử lý và lưu trữ dữ liệu, và họ sẽ phải trả giá đắt. Luật này hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp nước ngoài thu thập và lưu trữ thông tin và dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng mà không có sự đồng ý của họ. Luật cũng cấm lưu trữ bên ngoài Trung Quốc đối với dữ liệu cá nhân của công dân Trung Quốc, đây là một hạn chế đặc biệt nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia.
“Điều này tạo ra nhiều bất ổn”, giám đốc chính sách của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, ông Lester Ross kể với Washington Post khi nói về Luật Dữ liệu cá nhân Mới.
Luật mới của ĐCSTQ đã làm tăng chi phí tuân thủ và tăng tính bấp bênh trong việc vận hành các doanh nghiệp phương Tây ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp vi phạm quy định có thể bị phạt tới 50 triệu nhân dân tệ (7,8 triệu USD) hoặc 5% doanh thu hàng năm.
Ông Cameron Johnson, cố vấn quản lý của FAO Global, một doanh nghiệp tư vấn và kinh doanh quốc tế có trụ sở tại Thượng Hải, nói với Washington Post rằng các quy định mới về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của ĐCSTQ đã làm tăng chi phí thực thi và tính bất ổn trong hoạt động ở Trung Quốc, một số doanh nghiệp muốn bỏ chạy vì rủi ro kinh doanh gia tăng.
Thời điểm luật này được đưa ra, cùng lúc với chiến dịch “vì sự thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình đang gây áp lực sâu rộng lên các doanh nghiệp. Ngoài ra trong năm qua, một số doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc đã phải chịu áp lực bị nhà cầm quyền trấn áp.
Nhà sản xuất trò chơi điện tử Epic Games của Mỹ vào ngày 15/11 đã từ bỏ thị trường Trung Quốc.
Ross nói với Washington Post rằng các hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt do ĐCSTQ áp đặt trong thời kỳ đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) là một thách thức khác đối với các doanh nghiệp. Và chính sách thắt lưng buộc bụng về năng lượng cũng đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các nhà máy Trung Quốc. Ông cho biết chưa nghe nói về bất kỳ giám đốc điều hành nước ngoài nào được miễn kiểm dịch khi nhập cảnh vào Trung Quốc, điều này khác với Hàn Quốc và các nước châu Á khác cho phép miễn trừ đi lại thương mại.
Ross cho biết, do các hạn chế về phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc, một số doanh nghiệp nhỏ hơn của Mỹ đang xem xét thâm nhập thị trường Trung Quốc đã tạm hoãn các kế hoạch này. Ông không tiết lộ danh tính của họ.
Hiện nay hầu hết các chuyến du lịch không thiết yếu ra vào Trung Quốc vẫn bị cấm, và những người trước khi đến Trung Quốc phải bị cách ly ít nhất 3 tuần. Thậm chí tại Thẩm Dương của Trung Quốc còn áp dụng thời gian cách ly kéo dài tới 56 ngày.
Theo Hứa Trinh Kỳ, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa nhân quyền Trung Quốc Bành Soái Doanh nghiệp nước ngoài Yahoo Trương Cao Lệ Thị trường Trung Quốc LinkedIn Dòng sự kiện