TQ: 2.003 cán bộ thanh tra, giám sát kỷ luật bị trừng phạt trong nửa đầu năm nay
- Lý Tịnh Dao
- •
Theo trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc hôm 29/7 cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, có 1.569 vụ cán bộ thanh tra, giám sát kỷ luật bị đưa vào biên chế hồ sơ, 2.003 người trong số họ đã bị trừng phạt.
Theo báo cáo của Tân Hoa Xã, kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong nửa đầu năm 2024, cơ quan kiểm tra, giám sát kỷ luật các cấp đã giám sát, thanh tra các quan chức kiểm tra, giám sát kỷ luật, nhằm thanh lọc nội bộ đảng.
Hệ thống thanh tra, giám sát kỷ luật quốc gia đã tiếp nhận tổng cộng hơn 13.800 vụ án, báo cáo về các vấn đề liên quan đến cán bộ thanh tra, giám sát kỷ luật, và xử lý hơn 4.312 cán bộ thanh tra; giám sát kỷ luật bằng văn bản, xử lý 1.569 vụ việc.
2.003 người bị xử phạt, 268 người bị chuyển đến cơ quan tư pháp. Trong đó có 95 cán bộ cấp cục và 560 cán bộ cấp huyện. Ngoài ra, hơn 10.400 lượt cán bộ kiểm tra, giám sát kỷ luật đã bị phê bình, giáo dục và trừng phạt.
Chống tham nhũng chỉ là phương tiện tranh giành quyền lực
Kể từ khi nhậm chức, ông Tập Cận Bình đã phát động mạnh mẽ chiến dịch chống tham nhũng. Tuy nhiên, trong 12 năm ông Tập nắm quyền, nạn tham nhũng trong giới quan chức ĐCSTQ không hề giảm, ngược lại “càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều”.
Ông Ngô Văn Hân, Ủy viên Hội đồng Nhân quyền Quốc tế kiêm chuyên gia về Trung Quốc, nói với Vision Times rằng ĐCSTQ đã chống tham nhũng trong nhiều năm, nhưng ngày càng có nhiều quan chức tham nhũng. “Vì ĐCSTQ tin rằng quyền lực là đúng đắn! Có quyền lực, thì là đúng; không có quyền lực, thì là sai.”
Ông cho rằng trong thể chế của ĐCSTQ, những người nắm quyền có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Vì vậy mọi người đều tranh giành quyền lực một cách bí mật và công khai. Vì quyền lực là chiếc ô che, giúp một số doanh nhân lợi dụng thủ đoạn lừa đảo, thu được lợi ích tối đa trên thị trường một cách bất hợp pháp.
Ông nói: “Cuối cùng đất nước này đầy rẫy sự lừa gạt, người người lừa gạt lẫn nhau. Ai có hậu phương mạnh nhất sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn từ sự dối trá. Việc thông đồng giữa Chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc đã đạt tới đẳng cấp thế giới!”
Ông cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ chưa bao giờ thực sự đấu tranh chống tham nhũng. Trên thực tế, hệ thống của ĐCSTQ dung túng tham nhũng. Vì vậy “không có quan chức nào ở Trung Quốc Đại Lục không tham nhũng”, chống tham nhũng chỉ là một phương tiện tranh giành quyền lực.
“Cách hoạt động của ĐCSTQ tương tự như thế giới ngầm, nhưng đáng sợ hơn thế giới ngầm. Thế giới ngầm không có quân đội, vũ khí, bom nguyên tử hay tàu sân bay. Nhưng ĐCSTQ có, nên họ là thế giới ngầm nguy hiểm nhất thế giới.”
Nhà bình luận thời sự Vương Kiếm nói với Đài Á Châu Tự Do rằng: “Trung Quốc hiện nay không có thanh quan, họ đều tham nhũng. Chỉ cần điều tra là có vấn đề. Không có quan chức nào không tham nhũng. Vấn đề là họ là những người mà ông Tập Cận Bình không thích. Nếu thực tâm chống tham nhũng, ông ấy sẽ thay đổi cơ cấu quyền lực này.
Ông ấy không thực tâm chống tham nhũng, chỉ dùng việc chống tham nhũng làm công cụ để kiểm soát giới quan chức. Đây là một thủ đoạn chính trị nhằm kiểm soát toàn bộ giai cấp quan chức. Nếu không nghe lời sẽ bị điều tra, hễ đều tra thì chẳng phải sẽ bị bắt hay sao?”
Không thể chống tham nhũng nếu không thay đổi thể chế
Ông Ngô Kiến Dân (Wu Jianmin), nhà bình luận chính trị sống tại Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự do, rằng quyền lực không được giám sát chắc chắn sẽ dẫn đến tham nhũng. Hệ thống độc tài độc đảng của ĐCSTQ chính là một điểm nóng tham nhũng.
Ông nói: “Tại sao Tập Cận Bình muốn chống tham nhũng? Bước đầu là đấu tranh chống lại các đối thủ chính trị. Vì trước tiên ông ấy phải đấu tranh chống lại những đối thủ chính trị, nhằm giữ vững chức vụ tổng bí thư khó kiếm này.
Bước tiếp theo trong việc chống tham nhũng là loại bỏ những người bất đồng chính kiến. Những người không thuộc nhóm của ông hoặc không theo phe ông, nếu lòng trung thành của họ không tuyệt đối thì họ tuyệt đối sẽ không trung thành. Đây là những người bất đồng chính kiến, cần phải loại bỏ.
Ngoài việc tấn công các đối thủ chính trị và tiêu diệt những người bất đồng chính kiến, nhân danh chống tham nhũng, những người không thuộc về phe ông Tập sẽ được yêu cầu rời bỏ vị trí của mình, để đàn em của họ lên thay. Điều này cũng đúng với cựu Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Quách Kim Long và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phó Chính Hoa.”
Ông Ngô Kiến Dân cho rằng nhiều vụ “săn hổ” ở Trung Quốc trong những năm gần đây phản ánh việc chống tham nhũng đã trở thành công cụ để trả thù chính trị. Ông tin rằng Tập Cận Bình sẽ không từ bỏ khẩu hiệu chống tham nhũng trong nhiệm kỳ của mình. Hệ thống chính trị của ĐCSTQ cũng không thể thực sự giải quyết được vấn đề tham nhũng nếu không cải cách.
Lý Tịnh Dao / Vision Times
Từ khóa Chính trị Trung Quốc Quan chức ĐCSTQ