Sau cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hôm 26/9, ngày hôm sau xuất hiện làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao mới ở cấp tỉnh và cấp bộ, trong đó con trai của cố Thủ tướng Lý Bằng là ông Lý Tiểu Bằng mất chức Bí thư Đảng ủy của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khi mới giữ chức vụ này chưa đầy một năm rưỡi, trở thành lãnh đạo chủ chốt tại nhiệm ngắn nhất kể từ khi thành lập Bộ GTVT.

Ly Tieu Bang
Con trai của cố Thủ tướng Lý Bằng là ông Lý Tiểu Bằng mất chức Bí thư Đảng ủy của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khi mới giữ chức vụ này chưa đầy một năm rưỡi. (Ảnh: MXH)

Thông tin ông Lý Tiểu Bằng bị cách chức Bí thư đảng ủy không mấy gây chú ý, một phần do dư luận đang tập trung vào “động thái lớn” của Bộ Chính trị ĐCSTQ trong những ngày gần đây về thực hiện khẩn trương: cắt giảm lãi suất, giảm tỷ lệ lưu thông tiền tệ bắt buộc của ngân hàng, giảm lãi suất vay mua bất động sản. Có bình luận đây là “kế hoạch 3 điểm” của ông Tập Cận Bình, việc thay đổi đột ngột trong chính sách kinh tế này cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc đang rất nghiêm trọng. Chính quyền trong vài năm qua đã thiếu kế hoạch ứng phó, với màn đột biến đó đã gây tác động bất ngờ làm nóng thị trường chứng khoán, nhưng khó nói có hiệu quả lâu bền hay không.

Tuy nhiên việc ông Lý Tiểu Bằng bị cách chức Bí thư Đảng ủy Bộ GTVT vẫn gây những chú ý nhất định, vị trí của ông đã được thay thế bởi Phó Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Lưu Vỹ, đồng nghĩa với việc ông Lý Tiểu Bằng sẽ nghỉ hưu hoặc rút lui về tuyến sau. Về mặt lý thuyết, ông Lý Tiểu Bằng vừa bước sang tuổi 65 và đủ điều kiện để nghỉ hưu, lý do này dường như đường đường chính chính, nhưng thực tế cũng như hầu hết nhân vật “thế hệ đỏ thứ hai” khác, rất khó để Lý Tiểu Bằng có thể vươn lên vị trí cao hơn dưới thời ông Tập Cận Bình cầm quyền.

Bản thân thành tích và kinh nghiệm chính trị của Lý Tiểu Bằng cũng chỉ tầm thường, sở dĩ việc ông mất chức thu hút sự chú ý là vì ông là con trai của cố Thủ tướng ĐCSTQ Lý Bằng. Ông Lý Bằng gây được tiếng vang vì hai chuyện: một là đóng vai trò quan trọng trong cuộc đàn áp Thiên An Môn ngày 4/6/1989, dù quyết định cuối cùng là ở ông Đặng Tiểu Bình, nhưng quan điểm dư luận cũng chỉ ra Lý Bằng đã đóng vai trò lớn trong việc tăng cường xung đột với sinh viên biểu tình cùng đối đầu giữa Đặng Tiểu Bình và Tổng bí thư Triệu Tử Dương khi đó; thứ hai là bất chấp phản đối của các chuyên gia thủy lợi, tận dụng uy quyền chính trị có được sau vụ đàn áp Thiên An Môn, thúc đẩy việc khởi động dự án đập Tam Hiệp gây hậu quả khó lường.

Ông Lý Tiểu Bằng giống như nhiều nhân vật thế hệ Đỏ thứ hai, từng dấn thân vào kinh doanh và đã giữ chức chủ tịch kiêm bí thư đảng ủy của Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Huaneng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc – công ty từng được mệnh danh là “Vua điện lực châu Á”. Vào tháng 5/2008, ông Lý Tiểu Bằng được cho là làm theo nguyện vọng của cha để “bỏ kinh doanh tham gia chính trị”, được giữ chức Phó tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây và là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, bắt đầu sự nghiệp quan lộ một cách đầy triển vọng tốt đẹp, nhưng sau đó mọi chuyện không suôn sẻ, mãi cho đến năm 2013 mới lên chức tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây. Tháng 9/2016, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT nhưng không được giữ chức Bí thư Đảng ủy, mãi đến tháng 5/2023 ông mới thực sự trở thành lãnh đạo toàn quyền của bộ này khi được thăng chức Bí thư đảng kiêm Bộ trưởng.

Kể từ khi Tập Cận Bình cầm quyền Trung Quốc, ông đã đặt niềm tin nhiều hơn vào những thân tín tại những địa bàn trước kia ông chi phối như tại Phúc Kiến và Chiết Giang, đồng thời cảnh giác với những người thế hệ Đỏ thứ hai giống bản thân ông Tập, chẳng hạn những người như con trai của Lưu Thiếu Kỳ là Lưu Nguyên lần lượt rút lui kể từ Đại hội 19, khiến thế hệ Đỏ thứ hai này dần lùi khỏi vũ đài chính trị ĐCSTQ, đến ngay cả Thượng tướng Lưu Á Châu cũng bị làm cho “mất tích” vì dám có ý kiến phản đối.

Lý Tiểu Bằng “được êm đềm” hoặc nghỉ hưu hoặc rút lui về tuyến hai là trường hợp thuộc dạng hiếm hoi, may mắn giống với trường hợp tướng Trương Hựu Hiệp.