TQ: COVID-19 lan rộng ở các tỉnh Quảng Đông, Thiểm Tây, Chiết Giang
- Lý Mộc Tử
- •
Gần đây, chính quyền Trung Quốc thừa nhận tỷ lệ dương tính với COVID-19 đang gia tăng. Các cơ quan y tế ở Quảng Đông, Thiểm Tây, Chiết Giang cũng lần lượt đưa ra thông báo, cho biết số ca nhiễm COVID-19 hiện đứng đầu trong các bệnh truyền nhiễm loại B. Nhiều cư dân mạng than thở về những triệu chứng bệnh đau đớn.
- Số ca mắc COVID-19 tăng đột biến ở Hồng Kông, Singapore
- Nghiên cứu: Người tiêm vắc-xin COVID-19 Pfizer có tỷ lệ tử vong cao hơn so với Moderna
- Thái Lan tăng ca mắc COVID-19, Bộ Y tế Việt Nam nói gì?
- CDC Trung Quốc cảnh báo COVID-19 đang gia tăng

Theo “Tình hình giám sát dịch bệnh đường hô hấp cấp tính tháng Tư trên toàn quốc” do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc công bố ngày 8/5, từ ngày 31/3 – 4/5, tỷ lệ dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) trong các ca sốt đến khám ngoại trú tăng từ 7,5% lên 16,2%.
Trong các ca viêm đường hô hấp cấp nặng nhập viện, tỷ lệ dương tính với COVID-19 tăng từ 3,3% lên 6,3%. Trong vòng 3 tuần từ 14/4 – 4/5, COVID-19 đứng đầu danh sách các nguyên nhân gây sốt khám bệnh ngoại trú.
Tháng Tư: Quảng Đông có 115 ca tử vong do bệnh truyền nhiễm – COVID-19 đứng đầu nhóm bệnh loại B
Theo tin từ trang Jin Yang (Kim Dương) ngày 15/5, CDC tỉnh Quảng Đông công bố tình hình dịch bệnh tháng 4/2025: Từ 0h ngày 1/4 đến 24h ngày 30/4, toàn tỉnh báo cáo tổng cộng 112.456 ca mắc bệnh truyền nhiễm, 115 ca tử vong. Trong đó, số ca nhiễm COVID-19 đứng đầu nhóm bệnh truyền nhiễm loại B.
Cụ thể, các bệnh truyền nhiễm loại B gồm 17 loại với tổng cộng 64.526 ca, 115 ca tử vong. 5 bệnh phổ biến nhất lần lượt là: COVID-19, viêm gan B, giang mai, lao phổi, viêm gan C, chiếm 92,09% tổng số ca bệnh loại B.
COVID-19 là bệnh truyền nhiễm loại B có số ca báo cáo cao nhất ở Quảng Đông trong tháng Tư, với 23.188 ca. So với 3.548 ca trong tháng Ba, số ca nhiễm COVID-19 trong tháng Tư đã tăng vọt.
Ngày 14/5, bác sĩ Đàm Diễm Phương, Phó trưởng khoa Hô hấp Nhi Bệnh viện Phụ sản & Nhi Quảng Đông, cùng bác sĩ Tôn Thụy Lâm, Trưởng khoa Hô hấp và Hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhân dân số 2 Quảng Đông, cho biết số ca nhiễm COVID-19 gần đây đang có xu hướng tăng rõ rệt.
Bác sĩ Đàm cho biết: “Hiện các ca đến khám chủ yếu là sau khi tự test nhanh tại nhà cho kết quả dương tính.”
Bác sĩ Lưu Hoa, Trưởng khoa Nhi y học cổ truyền Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Châu, cho biết số ca nhiễm đường hô hấp ở trẻ em tăng mạnh trước và sau kỳ nghỉ lễ 1/5, nhưng vài ngày gần đây đã có xu hướng giảm.
Bác sĩ Triệu Lôi, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Hiệp Hòa trực thuộc Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Hoa, cho biết với tờ Nam Phương Đô Thị Báo rằng: “COVID-19 đã dần trở thành một căn bệnh tồn tại lâu dài trong cộng đồng. Tuy nhiên, triệu chứng của COVID-19 có thể nghiêm trọng hơn so với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường. Vì vậy không thể lơ là việc phòng ngừa, đặc biệt là đối với người già và người mắc bệnh nền nghiêm trọng, COVID-19 vẫn có thể gây tử vong, không được chủ quan.”
Thiểm Tây, Chiết Giang: Số ca nhiễm COVID-19 cũng đứng đầu nhóm bệnh loại B
Ngày 8/5, Ủy ban Y tế tỉnh Thiểm Tây công bố tình hình bệnh truyền nhiễm tháng Tư: Toàn tỉnh báo cáo 29.142 ca bệnh truyền nhiễm, trong đó bệnh loại B có 12.841 ca, 26 ca tử vong. Năm bệnh phổ biến nhất lần lượt là: COVID-19, viêm gan virus, lao phổi, giang mai và ban đỏ, chiếm 95,1% tổng số ca bệnh.
Theo báo Jiemian News, CDC tỉnh Chiết Giang vừa công bố tình hình tháng Tư: Toàn tỉnh có 68.203 ca bệnh truyền nhiễm, 42 người tử vong. Năm bệnh phổ biến nhất gồm: COVID-19, lao phổi, giang mai, viêm gan virus và bệnh lậu, chiếm 98,03% tổng số bệnh loại B.
Tại Hà Nam, theo thông báo của Ủy ban Y tế tỉnh, trong tháng Tư có 44.438 ca bệnh truyền nhiễm, 133 người tử vong. Năm bệnh phổ biến nhất là: Viêm gan virus, COVID-19, lao phổi, giang mai và bệnh Brucella, chiếm 93,9% tổng số bệnh loại B.
Tại An Huy, tháng Tư ghi nhận bệnh truyền nhiễm thuộc 24 chủng, 35.590 ca. Trong số 28 loại bệnh loại B, có 12 chủng không ghi nhận ca mắc hay tử vong, 16 chủng còn lại có 16.029 ca mắc, 55 ca tử vong. Năm bệnh phổ biến nhất gồm viêm gan virus, giang mai, lao phổi, COVID-19 và bệnh lậu, chiếm 96,19% tổng số bệnh loại B.
Đáng chú ý, dữ liệu công khai của chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về dịch bệnh bị công chúng nghi ngờ về độ xác thực.
Cư dân mạng than trời trong phần bình luận
Người dùng mạng ở Hồ Nam, Quảng Đông, Quý Châu, Giang Tây, Hồ Bắc, Vân Nam, Hắc Long Giang than thở:
“Tôi sốt 2 ngày và ho 2 ngày.”
“Uống thuốc 5 ngày không khỏi, còn phải truyền dịch 2 ngày, giờ vẫn sống dở chết dở.”
“Sốt 2 ngày, mất cả vị giác lẫn khứu giác, ho ra máu.”
“Tôi ho từ ngày 10, toàn thân đau nhức, sốt cao.”
“Dữ dội quá!”
“Hôm trước tưởng chết đến nơi rồi!”
Người dân ở Giang Tây, Quảng Đông để lại bình luận: “Có ai nhận ra năm nay có quá nhiều người đau họng, khàn tiếng cả nửa tháng không khỏi, gần như ai cũng mắc.”
“Trong nhà máy của chúng tôi, rất nhiều người dính bệnh.”
Người dân ở Giang Tô, Chiết Giang nghi ngờ: “Lại có loại vắc-xin nào mới chăng?”,
“Vắc-xin chúng tôi tiêm rốt cuộc có tác dụng gì?”
Một cư dân mạng giấu tên bình luận: “Thực ra dịch COVID-19 ở Trung Quốc chưa bao giờ ngừng. Từ năm ngoái đến năm nay, chính quyền liên tục nhấn mạnh virus cúm bùng phát, đặc biệt là cúm A, còn có tin nhiều người chết. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho rằng không phải cúm A mà là COVID-19, nhưng không ai dám nói.
Giờ chính quyền buộc phải thừa nhận dịch COVID-19 đang tăng, có lẽ là vì bùng phát quá mạnh, không thể che giấu được nữa. ĐCSTQ chính là thủ phạm gây ra thảm họa!”
- Các video lan truyền trực tuyến cho thấy cảnh rất đông người trong bệnh viện ở Trung Quốc:
Từ khóa COVID-19 Dịch bệnh ở Trung Quốc giang mai lao phổi Viêm gan B Viêm gan C
