TQ: ‘Gã khổng lồ’ gọi xe Didi bị phạt nặng liên quan đến Hội nghị Bắc Đới Hà?
- Hải Chung, Dịch Như
- •
Ngày 21/7, hơn một năm sau khi bị điều tra, ‘gã khổng lồ’ gọi xe trực tuyến Trung Quốc “Didi Chuxing” (gọi tắt là Didi) đã bị cơ quan chức năng phạt 8,026 tỷ nhân dân tệ. Chính quyền cho biết Didi có liên quan đến các vấn đề như thu thập quá nhiều thông tin người dùng. Các nhà phân tích tin rằng thời điểm ông Tập Cận Bình chỉnh đốn Didi trước cuộc họp ở Bắc Đới Hà là có mối liên hệ quan trọng với cuộc đấu đá nội bộ cao tầng của ĐCSTQ.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc ngày 21/7, Didi có 16 tình tiết bất hợp pháp, chủ yếu ở 8 khía cạnh, như thu thập bất hợp pháp thông tin ảnh chụp màn hình trong album điện thoại di động của người dùng; thu thập quá nhiều thông tin bảng tạm của người dùng và thông tin danh sách ứng dụng; thu thập quá nhiều thông tin nhận dạng khuôn mặt của hành khách, thông tin địa chỉ “nhà riêng” và “công ty” nơi gọi xe, v.v.
Ngoài khoản tiền phạt khổng lồ 8,026 tỷ nhân dân tệ áp dụng đối với Didi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Didi Trình Duy (Cheng Wei) và Chủ tịch Liễu Thanh (Liu Qing) mỗi người bị phạt 1 triệu NDT. Mức phạt đối với Didi lần này chỉ đứng sau mức phạt 18,228 tỷ nhân dân tệ của Alibaba vào năm 2021.
Didi Chuxing niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ lần đầu vào ngày 30/6 năm ngoái, chỉ 2 ngày sau đó, công ty đã bị Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc đàn áp với một loạt các lý do về bảo mật dữ liệu, ứng dụng đã bị gỡ xuống và ngừng đăng ký người dùng mới, bị loại bỏ hoàn toàn. Sau đó, 25 ứng dụng của hãng cũng bị gỡ khỏi cửa hàng ứng dụng trực tuyến.
Vào ngày 2/6/2022, Didi thông báo rằng họ sẽ chính thức hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) sau khi nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) 10 ngày.
Khoản tiền phạt nặng đối với Didi là có liên quan đến Hội nghị Bắc Đới Hà?
Nhà kinh tế tổng hợp của Đài Loan, ông Ngô Gia Long nói với Epoch Times vào ngày 21/7 rằng việc xử phạt của ĐCSTQ, một là vấn đề tài chính có vấn đề, nên đã lấy Didi ra khai đao, nói rằng công ty này vi phạm pháp luật và phạt hơn 8 tỷ nhân dân tệ, về sau việc này có thể coi như một cách làm tiêu chuẩn để lấy tiền từ những công ty internet cỡ lớn.
Thứ hai là hiện giờ, ĐCSTQ đang bước vào giai đoạn nước cờ đấu đá chính trị cuối cùng trước khi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ 20. Trong việc trừng phạt Didi này chắc chắn có động cơ chính trị và có mối quan hệ mật thiết với cục diện chính trị hiện nay.
Vài tháng nữa, Đại hội 20 của ĐCSTQ sẽ được tổ chức, về việc ông Tập Cận Bình có tái đắc cử hay không, dự kiến trước cuối tháng này, kỳ họp cấp cao của ĐCSTQ tại Bắc Đới Hà sẽ diễn ra một cách bí mật. Khoảng thời gian này luôn là thời điểm diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực liên quan đến các nguyên lão đã nghỉ hưu tham dự chính trị.
Ông Ngô Gia Long nói rằng một số cổ đông lớn đằng sau Didi là giới tinh hoa của ĐCSTQ, bao gồm cả thế hệ đỏ thứ hai và thứ ba, có thể là mục tiêu tấn công của ông Tập Cận Bình. Những đại cổ đông này tương đối có khuynh hướng chống Tập, và nghiêng về phe Giang Trạch Dân, cho nên việc chỉnh đốn Didi là nước cờ trước Đại hội 20 của ĐCSTQ, đặc biệt là trước Hội nghị Bắc Đới Hà. Là ông Tập Cận Bình muốn gây áp lực với phe Giang hoặc các phe khác.
“Đã hơn một năm kể từ cuộc điều tra, việc đưa ra giấy phạt vào thời điểm này chắc chắn là một cách giết gà dọa khỉ, và mang lại hiệu quả lập uy chính trị. Ông ấy có thể phạt sớm hơn hoặc muộn hơn, vì sao lại chọn trong thời gian Hội nghị Bắc Đới Hà? Vì sao ông ấy lại chọn cuối tháng Bảy?”
Ông Ngô Gia Long nói rằng một mặt, chính quyền muốn khởi tác dụng giám sát quản lý đối với các ngành nghề, một mặt cũng là muốn đưa ra tuyên bố chính trị: “‘Tập Cận Bình ta sẽ đấu với các ngươi vào thời điểm cần thiết, các ngươi hãy cẩn thận’, là có kiểu ‘ý tại ngôn ngoại’ như thế.”
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế đang định cư ở Mỹ, cũng nói với Epoch Times vào ngày 21/7 rằng cuộc tấn công của ông Tập Cận Bình vào Didi lần này có thể có những cân nhắc chính trị và đó là cách cảnh cáo ‘giết gà dọa khỉ’.
Ông nói rằng hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc là găng tay trắng của nhóm quyền quý đặc quyền đặc lợi. “Didi được cho là kết hợp chặt chẽ hơn với nhóm đặc quyền đặc lợi của phe Giang Trạch Dân. Gia tộc Liễu Truyền Chí tương đối thân thiết với các quan chức cấp cao thuộc phe Giang Trạch Dân trong quá khứ.” Chủ tịch Didi Liễu Thanh là con gái của ông Liễu Truyền Chí, người sáng lập Tập đoàn Lenovo.
Theo báo cáo công khai, các cổ đông lớn của Didi Chuxing là Alibaba, Ant Group và Tencent đều có liên quan đến các phe phái khác nhau của ĐCSTQ và các thái tử đảng, nhưng chủ yếu là phe của Giang Trạch Dân. Các cổ đông lớn của Didi, công ty bảo hiểm nhân thọ nhà nước China Life Insurance và công ty CITIC Capital, là địa bàn của Lưu Lạc Phi (con trai của Lưu Vân Sơn, một cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ của phe Giang). Một cổ đông lớn khác của Didi là CICC Alpha, có liên kết với Tập đoàn Tài chính Quốc tế Trung Quốc (CICC), Chu Vân Lai (Zhu Yunlai) – cựu Giám đốc điều hành của CICC Alpha, là con trai của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ.
ĐCSTQ muốn những ‘gã khổng lồ’ Internet nghe theo đảng
Mặt khác, việc chính quyền chỉnh đốn Didi, cũng được coi là biểu hiện của việc ĐCSTQ chuyển sang hướng tả trong những năm gần đây, để duy trì sự ổn định của chế độ và gia tăng đàn áp đối với kinh tế tư nhân.
Ông Ngô Gia Long nói với The Epoch Times rằng các chính sách công nghiệp và quy chuẩn công nghiệp của ĐCSTQ thiếu tính minh bạch và ổn định, rất nhiều cách làm mặc dù về lý là đã được thành lập, ví dụ như an ninh mạng, an toàn thông tin, nhưng quá trình xử phạt không có khoảng trống cho khiếu nại, thiếu trình tự và tinh thần pháp quyền.
“Vì vậy, đối với các công ty lớn, công ty tư nhân và công ty nước ngoài, họ cho rằng chính quyền ĐCSTQ rất không đáng tin cậy và mất niềm tin vào thể chế này. Đầu tư công nghệ cao của nước ngoài, cũng như đầu tư liên quan đến Internet, mọi người sẽ không dám đầu tư. Điều này sẽ có tác động đến các ngành thương mại điện tử, hậu cần và dòng tiền.”
Ông Lý Hằng Thanh nói rằng khi chính quyền xuất hiện khủng hoảng, ĐCSTQ luôn không thực sự quan tâm đến kinh tế, mà là cần đảm bảo sự ổn định của chính quyền. ĐCSTQ hoàn toàn không tin tưởng nền kinh tế kỹ thuật số mà quan tâm hơn đến an ninh mạng, chính là cần phải nghe theo lời đảng.
Ông nói rằng khi Didi được niêm yết tại New York, đã có xung đột lớn với chính quyền Trung Quốc và vụ việc cũng khiến các nhà đầu tư quốc tế thất vọng với ĐCSTQ, chẳng hạn như ông Masayoshi Son, chủ tịch SoftBank của Nhật Bản, đầu tư vốn vào Didi.
Khi ĐCSTQ thành lập Cục Chống độc quyền Quốc gia vào ngày 18/11 năm ngoái, ngoại giới cho rằng họ không nhắm vào các doanh nghiệp trung ương và quốc doanh độc quyền, mà cho thấy một động thái tiếp tục đàn áp các ‘gã khổng lồ’ tư nhân hơn nữa.
Vào ngày 20/11/2021, các nhà chức trách đã phạt nặng một số ‘gã khổng lồ’ công nghệ Trung Quốc bao gồm Tencent, Alibaba, Baidu, Suning.com, JD.com và Didi, vì vi phạm Luật Chống độc quyền. Tổng cộng 43 trường hợp đã lập án điều tra, và vụ việc được truy ngược lại từ năm 2012. Các công ty liên quan bị phạt 500.000 nhân dân tệ.
ĐCSTQ đang bảo vệ quyền riêng tư hay xâm phạm quyền riêng tư?
Sau khi Didi bị phạt nặng, Cơ quan Quản lý Không gian mạng của ĐCSTQ trả lời giới truyền thông rằng Didi đã vi phạm Luật An ninh mạng, Luật Bảo mật dữ liệu và Luật Bảo vệ thông tin cá nhân, “chứng cứ xác đáng, tình tiết nghiêm trọng, tính chất tồi tệ, cần xử phạt nghiêm và xử phạt nặng.”
Ông Ngô Gia Long nói với Epoch Times rằng việc chỉnh đốn Didi Chuxing có liên quan đến sự lo ngại của ĐCSTQ về rò rỉ các hoạt động tình báo, bởi vì dữ liệu liên quan đến ngành này có giá trị tình báo.
Ví dụ, ông nói: “Khi ĐCSTQ tiến hành hack mạng ở nước ngoài, những tin tặc đó đã gọi xe đến trụ sở để họp và dữ liệu của Didi Chuxing cho thấy rằng có một số nơi, những người bị nghi ngờ là hacker đều gọi xe đến một địa điểm, vì vậy địa điểm này bị phơi bày, địa điểm này là có thể là trụ sở tình báo hay trụ sở gián điệp hay gì đó.”
Ông ngô Gia Long nói rằng khi những người nhạy cảm này gọi xe, Didi sẽ ghi lại nơi họ lên và xuống, ĐCSTQ lo lắng những dữ liệu ngày có thể bị Mỹ lấy được. Hơn nữa, không chỉ có gián điệp mà một số nhân vật chính trị trong ĐCSTQ, để tránh bị theo dõi nên họ cũng gọi xe, ĐCSTQ lo lắng những dữ liệu này cũng có thể bị lộ. Do đó, ĐCSTQ phản đối Didi niêm yết tại Mỹ.
Ông Ngô Gia Long cũng nói rằng cái gọi là bảo vệ an toàn dữ liệu của ĐCSTQ có tính chất kép, bề ngoài thì bảo vệ người dân, nhưng thực chất là dùng để giám sát xã hội. Đối với ĐCSTQ, giám sát xã hội và duy trì ổn định là tuyệt đối quan trọng. Bởi vì có khả năng liên quan đến an toàn của nhân vật chính trị, ví dụ như hành động tấn công phủ đầu, ám sát, v.v. Do đó, cuộc điều tra về Didi đã nâng từ bảo mật dữ liệu lên an ninh quốc gia và an ninh tình báo.
Ông Lý Hằng Thanh nói, theo 16 khoản phạt đối với Didi, nói là thu thập quá mức thông tin cá nhân của người dùng, Didi đương nhiên là không đúng. Tại Mỹ, các thông tin chẳng hạn như y tế cá nhân, được pháp luật bảo vệ. Nhưng điều quan trọng nhất là làm thế nào để sử dụng thông tin này. Tổ chức và cá nhân thu thập thông tin ở Mỹ đều có một giới hạn thấp nhất. Nhưng ở Trung Quốc, chỉ có quan chức nhà nước ‘mới được phép đốt lửa, còn người dân không được thắp đèn’. Ví dụ, hệ thống an ninh công cộng Thượng Hải thu thập thông tin của 1 tỷ công dân Trung Quốc, bao gồm cả quan điểm chính trị cá nhân.
Ông Lý Hằng Thanh nói, “Đây là một chính quyền đen tối, thông tin cá nhân và quyền riêng tư của công chúng rơi vào tay ĐCSTQ. Họ có thể sử dụng thông tin này một cách tùy tiện để gây nguy hiểm cho an toàn của công chúng. Vì sự an toàn cho chính quyền của mình, ông ấy (Tập Cận Bình) có thể xâm phạm quyền riêng tư của công chúng bằng bất cứ giá nào, đây là điều rất đáng sợ.”
Từ khóa didi chuxing công ty công nghệ Trung Quốc