Nhu cầu di cư của người giàu tại Trung Quốc tăng cao đột biến
- Mộc Vệ
- •
Với việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì ‘Zero-COVID’ giúp nền kinh tế được nới lỏng, ước tính khoảng 10.000 người giàu Trung Quốc muốn rời khỏi đất nước có thể khiến dòng tiền từ Trung Quốc chảy ra nước ngoài lên tới 48 tỷ USD. Có dự đoán rằng Trung Quốc có thể trở thành nước chảy máu chất xám và của cải lớn thứ 2 sau Nga.
Theo Bloomberg, công ty tư vấn nhập cư đầu tư Henley & Partners có trụ sở tại London ước tính rằng khoảng 10.000 cá nhân có giá trị ròng cao ở Trung Quốc muốn rời khỏi đất nước để tránh tái diễn chịu đựng cảnh hỗn loạn bế tắc như họ đã chịu vì chính sách ‘Zero-COVID’. Câu hỏi lớn đối với những người Trung Quốc giàu có này là liệu họ có rời đi được hay không?
Theo nguồn tin, tuy nhà chức trách Trung Quốc không nêu rõ vấn đề hạn chế gì, nhưng giới luật sư về di cư cho biết việc này đã trở nên khó khăn hơn trong những tháng gần đây do thời gian xử lý hộ chiếu ngày càng dài và các yêu cầu xét duyệt cũng khó hơn.
Ngoài ra, khi nguồn đầu tư từ ngoài vào Trung Quốc trở nên dè dặt hơn nhiều thì công dân Trung Quốc ngày càng khó chuyển số tiền lớn ra khỏi Trung Quốc.
Những trở ngại do nhà cầm quyền Trung Quốc đặt ra đã làm dấy lên xu thế căng thẳng mới giữa giới nhà giàu Trung Quốc và chính quyền. Trước đó xu thế này đã leo thang trong thời gian ông Tập Cận Bình thúc đẩy chiến dịch “thịnh vượng chung”.
Bloomberg chỉ ra vấn đề thiệt hại kinh tế dài hạn ngày càng lớn của Trung Quốc do chính sách ‘Zero-COVID’ gây ra, sẽ quyết định ở vấn đề chảy máu chất xám và nguồn của cải của nước này.
Gần đây, tình hình dịch bệnh ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc đã nóng lên, nhiều ca bệnh đã được xác nhận ở các thành phố như Thiên Tân và Thượng Hải.
Reuters đưa tin, một báo cáo hôm thứ Hai của hãng tài chính Nhật Bản Nomura cho biết, hiện nay Trung Quốc có khoảng 264,1 triệu người rải rác tại 41 thành phố phải chịu đựng cảnh bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, số này tăng cao hơn mức vào tuần trước là 247,5 triệu người ở 31 thành phố. Tin tức này một lần nữa như đám mây đen phủ lên triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhiều người dân Thượng Hải vẫn lo lắng khả năng phải chịu đựng phong tỏa sẽ tái diễn.
Giáo sư Nicholas Thomas tại Đại học Thành phố Hồng Kông là chuyên gia về an ninh y tế nói với Bloomberg rằng khả năng thất thoát nhân tài và nguồn vốn chắc chắn là một cái giá đắt đối với nền kinh tế Trung Quốc. Ông chỉ ra rằng hầu hết mọi nước trên thế giới đều đưa những rủi ro do COVID-19 gây ra vào các kế hoạch kinh tế và mô hình kinh doanh.
Chủ một nhà hàng ở Thượng Hải là Harry Hu (46 tuổi) cho biết, gần đây ông đã bán 2 nhà hàng cao cấp với giá 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 3 triệu USD), ông cũng đã thuê luật sư về di cư và quản lý tài sản với hy vọng chuyển tài sản ra khỏi Trung Quốc.
Ông chia sẻ đó là điều mà trong quá khứ không thể tưởng tượng được. Bất chấp việc khi ra đi phải chịu nhiều rủi ro khó khăn, ông Hu vẫn hy vọng sẽ chuyển đến Canada.
Ông nói: “Bạn có thể tưởng tượng được không? Đang ở thành phố phát triển nhất Trung Quốc, nhưng tôi tưởng như chết đói khi bắt đầu phải chịu cảnh phong tỏa. Tôi rất buồn, nhưng bây giờ là lúc tôi phải rời đi”.
Tuy nhiên, dù đã nộp hồ sơ gia hạn visa và hộ chiếu cách đây hơn một tháng nhưng ông vẫn chưa nhận được phản hồi.
Giới tư vấn di cư và luật sư ở Trung Quốc cho biết, vào mùa xuân số lượng người nhờ tư vấn đã tăng gấp 3 – 5 lần so với một năm trước. Có 7 nhân viên ngân hàng giấu tên cho biết, số người nhờ tư vấn về cách chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc đang tăng lên theo cấp số nhân.
Một nhà tư vấn di cư ở Thượng Hải không muốn lộ danh tính chia sẻ: “Do chính sách phong tỏa vì COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc khiến nhiều người thực sự cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác. Nhiều người lúc trước đang do dự thì bây giờ họ đã quyết tâm phải di cư”.
Bloomberg chỉ ra rằng các điểm đến phổ biến mà người Trung Quốc hướng tới bao gồm: Mỹ, Singapore, Úc, Canada và một số nước khác ở châu Âu. Tuy nhiên một số nước trong số này đã thắt chặt thủ tục nhập cư hoặc rút lại các chương trình thị thực nhà đầu tư.
“Những nước yêu cầu có đầu tư tương đối thấp, chẳng hạn như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hoặc Ireland… có thể trở thành điểm đến yêu thích hơn. Dù vậy vấn đề bây giờ là không dễ để rời khỏi Trung Quốc”, một chủ ngân hàng tư nhân cho biết.
Lấy lý do phòng chống dịch bệnh COVID-19, từ cuối năm 2020 nhà chức trách Trung Quốc đã không khuyến khích ra nước ngoài nếu không thiết yếu. Vào tháng Năm, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Trung Quốc cho biết họ sẽ thắt chặt việc xét duyệt các giấy tờ xuất nhập cảnh để hạn chế nghiêm ngặt việc ra nước ngoài không cần thiết.
Công dân Trung Quốc mỗi năm chỉ được phép đổi số RMB (nhân dân tệ) trị giá 50.000 USD sang ngoại tệ. Trong quá khứ, giới nhà giàu Trung Quốc đã tìm mọi cách để vượt qua quy tắc này, nhưng một số lựa chọn trong số đó đang dần cạn kiệt.
Trước đây các cách chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc bao gồm việc sử dụng tiền điện tử hoặc các giao dịch riêng tư với các đối tác nước ngoài muốn chuyển nhân dân tệ vào trong nước.
Nhưng đi cùng chiến dịch trấn áp sâu rộng của nhà chức trách đối với tiền điện tử khiến tình hình không còn dễ dàng. Đồng thời do dòng tiền chuyển vào Trung Quốc ngày càng ít khiến các giao dịch chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Từ khóa Người giàu Trung Quốc Dòng sự kiện Zero COVID