TQ: Hàng trăm giáo viên và phụ huynh ở Sơn Đông biểu tình [Video]
- Lý Mộc Tử
- •
Vào ngày 24/9, hàng trăm giáo viên và phụ huynh học sinh ở Đức Châu, tỉnh Sơn Đông đã cùng nhau biểu tình, kháng nghị việc chính quyền “đổi tên và hạ cấp” trường. Các giáo viên lần đầu tiên tập trung tại trường và hô vang “Trả lại công đạo cho chúng tôi, trả lại địa vị cho chúng tôi”, đông đảo phụ huynh cũng tham gia, sau đó họ tuần hành đến chính quyền thành phố Đức Châu để kháng nghị, nhưng bị cảnh sát đàn áp.
Theo một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội X của tài khoản @YesterdayBigcat hôm 24/9, hàng trăm giáo viên và phụ huynh đã phát động một cuộc biểu tình chung “để phản đối việc đổi tên và hạ cấp trường, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương thu hồi quyết định”.
Theo nhiều cư dân mạng, Trường trung học số 1 Đức Châu được coi là trường trung học cơ sở tốt nhất ở địa phương. Tuy nhiên, trường mới khai giảng được hơn 20 ngày. Chính phủ bất ngờ thông báo đổi tên trường. Động thái này đã gây ra sự lo ngại rộng rãi giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Thầy cô lo lắng danh dự, tiền lương, chức danh nghề nghiệp… sẽ bị ảnh hưởng do việc đổi tên. Phụ huynh lo lắng trường sẽ bị hạ từ cấp 3 trọng điểm xuống cấp 3 phổ thông, điều này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng học tập sau này của con cái. Một số cư dân mạng cho rằng: “Việc này không đơn giản như đổi tên mà là thành lập một đơn vị mới. Lương của giáo viên có được duy trì hay không, tiền thưởng, chức danh nghề nghiệp và triển vọng phát triển trong tương lai đều chưa rõ.”
Vào ngày hôm đó, các giáo viên bảo vệ quyền lợi lần đầu tiên tập trung trước cổng trường và hô vang những khẩu hiệu như “Trả lại công đạo cho tôi, trả lại địa vị cho chúng tôi”. Sau đó, rất đông phụ huynh học sinh đã tham gia và tuần hành đến cổng trụ sở chính quyền Đức Châu, yêu cầu chính quyền ra mặt giải quyết vấn đề. Trong thời gian biểu tình, chính quyền Đức Châu đã “điều động một lượng lớn cảnh sát đến trấn áp”, ít nhất một phụ huynh đã bị bắt. Các cuộc biểu tình tiếp tục cho đến khuya hôm đó và chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra câu trả lời thực chất.
Theo đoạn video, rất đông giáo viên và phụ huynh học sinh đang đi trên đường và hét lên “Trả lại công đạo cho tôi, trả lại địa vị cho chúng tôi”. Nhiều cảnh sát cũng xếp hàng và lao tới hiện trường để đề phòng vụ việc. Nghi rằng trong một căn phòng ở tòa nhà chính quyền thành phố, các giáo viên thậm chí còn hét lên “Hãy gọi lãnh đạo! Hãy gọi lãnh đạo!” Trong một bức thư thỉnh nguyện, các giáo viên bày tỏ rằng yêu cầu chính quyền địa phương xác nhận rằng đãi ngộ lương của giáo viên không thay đổi và công khai các tài liệu liên quan.
「山东德州:数百教师以及学生家长联合示威抗议学校改名降级(9月24日)」山东德州一中东校区近日突然改名为“新城中学”,引发了学校师生和家长们的强烈不满。9月24日,数百名教师和家长发起联合示威行动,抗议学校改名降级,要求当地政府撤销决定。… pic.twitter.com/VKBZLAcroh
— 昨天 (@YesterdayBigcat) September 25, 2024
Về vấn đề này, một số cư dân mạng bình luận:
“Chính phủ làm điều này để giảm đầu tư. Nguyên nhân là do áp lực tài chính địa phương.”
“Chắc chắn có nội tình đằng sau.”
“Sao không thấy thông tin gì trên Douyin?”
“Khi 1000 người biểu tình, thì sẽ có 2000 cảnh sát sẽ được điều động. Mô hình này đã được dùng hàng chục năm rồi.”
Mới đây, một vụ việc khác ở Sơn Đông cũng thu hút sự chú ý. Người dân ở Tế Nam đã đẩy lùi thành công đội phá dỡ nhà bằng “vũ khí” như bom xăng và pháo hoa.
Sáng sớm ngày 23/9, người dân làng ở Vương Lư, thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông đã xảy ra xung đột quyết liệt với đội phá dỡ của chính quyền, người dân trong làng đã dùng bom xăng, pháo hoa, gạch và các vật dụng khác làm vũ khí đẩy lùi thành công “đội phá dỡ đến xâm phạm”. Vào tháng 4 năm nay, làng Vương Lư đã phát động một cuộc kháng nghị phản bảo vệ quyền lợi. Do chính quyền địa phương đưa ra tiêu chuẩn bồi thường thấp cho việc thu hồi đất, dẫn đến xảy ra xung đột giữa người dân với các quan chức. Sau khi biết chính quyền địa phương đã chọn địa điểm làm nhà tái định cư gần nhà tang lễ, người dân một lần nữa bảo vệ quyền lợi của mình và phản đối việc phá dỡ.
Vào ngày 18/9, dân làng đã ngăn chặn thành công một đội phá dỡ đang cố gắng tiến vào làng. Khoảng 1:00 sáng ngày 23/9, chính quyền địa phương một lần nữa cử đội phá dỡ cố gắng vào làng vào ban đêm để tấn công bất ngờ, tuy nhiên họ đã bị chặn lại ở lối vào làng bởi người dân đã biết tin. Trong thời gian này, nhiều đợt xung đột đã nổ ra giữa hai bên, đội phá dỡ đã xịt hơi cay vào dân làng, trong khi dân làng chống trả bằng cách ném bom xăng, pháo hoa, gạch đá vào đội phá dỡ. Sau nhiều đợt tấn công và phòng thủ, cuối cùng dân làng đã đẩy lùi được đội phá dỡ.
Theo video, khung cảnh trong đêm tràn ngập khói thuốc , liên tục có tiếng nổ và tiếng la hét “giết”. Cảnh tượng giống như một bãi chiến trường, thật kinh hoàng.
「山东济南:村民用汽油弹、烟花等作为武器成功击退强拆队(9月23日)」9月23日凌晨,山东济南王炉村村民与强拆队发生了激烈冲突,村民使用燃烧弹、烟花爆竹、砖石等作为武器,成功击退来犯的强拆队。今年四月,王炉村就曾因当地政府的征地补偿标准过低而发起维权行动,并与政府人员发生冲突。近期,在… pic.twitter.com/Ag2kWOWxUJ
— 昨天 (@YesterdayBigcat) September 23, 2024
Về vấn đề này, cư dân mạng Weyland cho rằng: “Yếu tố thành công là lần này không phải là cuộc đấu tranh đơn độc của một người bị cưỡng bức phá dỡ nhà. Mà là người dân cả làng đoàn kết lại! Và điều này có liên quan đến các chính sách do Đảng Cộng sản ở Sơn Đông thực hiện trong vài năm qua, ĐCSTQ đã tham gia vào cái gọi là ‘sáp nhập làng’ ở Sơn Đông, nghĩa là phá hủy toàn bộ ngôi làng và sau đó buộc những nông dân này phải đến thành phố mua nhà. Khi dỡ bỏ thì dỡ cả ngôi làng, nên cả làng sẽ đoàn kết chống lại.”
Trong 2 năm qua, đã có 6.400 cuộc biểu tình ở Trung Quốc Đại Lục, với trung bình 267 cuộc biểu tình mỗi tháng.
Thống kê từ chinadissent.net, một trang web nước ngoài bị Trung Quốc cấm, cho thấy từ tháng 1 đến tháng 3/2024 (quý I), 655 cuộc biểu tình đã xảy ra ở Trung Quốc, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 4 đến tháng 6/2024 (quý 2), chinadissent.net đã thu thập được 805 sự kiện biểu tình, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần 6.400 sự kiện biểu tình đã được ghi nhận trong 2 năm.
Quý 2/2024, trong số 805 sự kiện phản đối được chinadissent.net thu thập, hầu hết là phản đối của người lao động (44%) và phản đối của chủ sở hữu nhà (21%), còn lại là dân làng, sinh viên, phụ huynh, nhà đầu tư, người tiêu dùng và thành viên của các nhóm tín ngưỡng, các nhà hoạt động nhân quyền, người Tây Tạng, người Mông Cổ và cộng đồng LGBT+. Các cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên nhất ở Quảng Đông (13%), tiếp theo là Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam và Chiết Giang.
Từ khóa biểu tình ở Trung Quốc