Có nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc không những không “trong ổn định và hướng đến tốt hơn” mà còn tiếp tục xấu đi. Gần đây, phúc lợi của công chức ở các nơi như Hồ Bắc, Quý Châu, v.v, ngày càng bị giảm sút, thậm chí họ còn bị yêu cầu hoàn trả những khoản phúc lợi đã được cấp. Sau khi bị cắt lương vào năm ngoái, nhân viên ngân hàng ở Quảng Đông và những nơi khác gần đây đã bị cắt phúc lợi và lương. Ngành công nghiệp ăn uống ở Vũ Hán áp dụng mô hình mua hàng theo nhóm để giảm chi phí. Bên cạnh đó hiện tượng “tiết kiệm mang tính trả đũa” cũng xuất hiện trong giới trẻ Trung Quốc Đại Lục.

that nghiep
(Ảnh minh họa: tuaindeed / Shutterstock)

Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc tiếp tục suy giảm, lương và phúc lợi của công chức giảm, sức chi tiêu của người dân theo đó cũng suy yếu. Ông Quách (Guo), một cư dân ở Thanh Đảo, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm thứ Hai rằng khối lượng kinh doanh tại địa phương của cả nhà hàng lớn và cửa hàng cá thể kinh doanh đang ngày càng tệ hơn: “Tiêu dùng của người dân yếu và họ không muốn đi ăn ngoài, rất nhiều người đi siêu thị mua đồ ăn về nhà nấu. Lý do rất đơn giản, đó là kiếm được ít tiền hơn, hiện tại ngay cả phúc lợi của công chức cũng bị hủy bỏ nhiều.”

Chu Lực (Zhou Li), một cư dân ở Vũ Hán, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RFA hôm thứ Ba (2/7) rằng các công chức địa phương một lần nữa bị cắt lương, mỗi người bị giảm vài trăm nhân dân tệ, lương của nhân viên một ngân hàng bị giảm 30%: “Hôm qua tôi nghe nói lương công chức lại sẽ giảm, mỗi người giảm vài trăm nhân dân tệ. Con gái của chị tôi làm việc tại Ngân hàng Hán Khẩu (quản lý cấp cao), bị giảm 30% lương, tất cả nhân viên đều bị giảm lương.”

Reuters đưa tin hôm thứ Hai dẫn lời hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CBC), ngân hàng thương mại lớn thứ hai Trung Quốc, đã yêu cầu nhân viên tại trụ sở chính giảm lương ít nhất 10%. Một trong những nguồn tin cho biết, mức giảm lương của quản lý cấp cao còn lớn hơn. Hai nguồn từ chối nêu tên vì thông tin này là thông tin bí mật. Các nguồn tin cho biết hầu hết các chi nhánh CCB sẽ cắt giảm lương nhiều hơn so với trụ sở chính, nhưng một số nghiệp vụ hoạt động tốt hơn sẽ hạn chế cắt giảm lương ở mức một con số.

Nhân viên ngân hàng đã cắt giảm lương năm ngoái và sẽ tiếp tục cắt giảm trong năm nay

Một nhân viên chi nhánh CCB tại Thâm Quyến tiết lộ với RFA rằng họ đã bị cắt giảm 20% lương vào cuối năm ngoái: “Thâm Quyến, Chu Hải, Đông Quản, các chi nhánh trên khắp Quảng Đông đều bị cắt giảm 20% vào năm ngoái và một số phúc lợi của nhân viên đã không còn nữa, đôi khi họ phải làm thêm giờ.”

Trợ cấp công chức từ cấp 3 năm trước cũng bị đòi

Ông Trương (Zhang), một cư dân ở Quý Dương, nói với các phóng viên rằng chính quyền tỉnh Quý Châu không thể kiếm đủ tiền và các cơ quan chính quyền địa phương đang phải vật lộn để sống một cuộc sống eo hẹp: “Chính phủ không có tiền, công chức chỉ được trả lương cơ bản, và tất cả các khoản trợ cấp đã không còn nữa. Một số chính quyền địa phương đang truy đòi khoản trợ cấp đã phân bổ cho công chức từ 3 năm trước, toàn bộ đều đòi lại hết. Số tiền họ trả trước cho những chuyến công tác đến 6 tháng vẫn chưa được thanh toán, thậm chí chi phí công tác năm ngoái vẫn chưa thanh toán xong.”

Dữ liệu mới nhất từ ​​Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, chỉ số hoạt động kinh doanh phi sản xuất bao gồm các hoạt động dịch vụ và công nghiệp xây dựng đã giảm xuống 50,5 trong tháng 6 từ mức 51,1 trong tháng Năm. Chỉ số hoạt động kinh doanh dịch vụ giảm xuống 50,2, mức thấp nhất trong 5 tháng. Chỉ số hoạt động kinh doanh ngành xây dựng giảm 2,1 điểm phần trăm so với tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng Bảy năm ngoái.

Mô hình mua suất ăn theo nhóm, giảm chi phí và đẩy mạnh khuyến mãi

Bà Dư (Yu), một người trong ngành trong ngành ăn uống ở Vũ Hán, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RFA rằng sau 3 năm xảy ra dịch bệnh, nhiều nhà hàng lớn đã đóng cửa hoạt động và hoạt động kinh doanh của ngành dịch vụ nói chung có xu hướng đi xuống. Bà cho biết, số lượng thực khách hiện nay đã giảm đáng kể. Để tăng lượng khách hàng, các nhà hàng đã đưa ra giá mua theo nhóm để thu hút khách hàng: “Số liệu tài chính hiện tại của thành phố Vũ Hán cho thấy ngành khách sạn và dịch vụ ăn uống là tốt nhất, với phục hồi 70%, nhưng các ngành khác đang suy giảm.”

Kể từ đầu năm nay, tình hình kinh tế thực tế của Trung Quốc không giống như những gì được chính quyền tuyên truyền là “xu hướng kinh tế đang khởi sắc và chuyển biến tốt”. Bên cạnh đó, “Luật Doanh nghiệp” mới có hiệu lực từ ngày 1/7 đã đưa ra những yêu cầu ngày càng chi tiết hơn về vốn đăng ký của doanh nghiệp, Luật Kế toán mới đã tăng hình phạt đối với hành vi gian lận tài chính và các hoạt động bất hợp pháp khác. Những luật này có hiệu lực trong thời kỳ kinh tế suy thoái khiến các nhà điều hành công ty cảm thấy có yếu tố “thắt chặt” hoặc “bị thu hoạch”.

Giới trẻ bắt đầu “tiết kiệm mang tính trả đũa”

Sau khi đại dịch kết thúc, các nước trên thế giới trải qua làn sóng “tiêu dùng mang tính trả đũa”, và vẫn còn gợn sóng cho đến ngày nay. Tuy nhiên, ở Trung Quốc lại xuất hiện tình trạng ngược lại, giới trẻ ngày càng ưa chuộng “tiết kiệm mang tính trả đũa” và đặt ra mục tiêu tiết kiệm hàng tháng rất cao.

Trong 2 năm qua, nhiều hashtag liên quan đến tiết kiệm đã được tạo ra trên mạng xã hội Trung Quốc, chẳng hạn như “cuộc chiến tiết kiệm tiền”, “thẻ tiết kiệm tiền”, “tiết kiệm đậu vàng”, v.v. Kênh tài chính của Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Quốc gia Mỹ (CNBC) chỉ ra rằng “tiết kiệm mang tính trả đũa” trong giới trẻ Trung Quốc đã trở thành xu hướng.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, một cô gái 26 tuổi với tên người dùng “Xiao Zhai Zhai” đã trình bày chi tiết cách cô xoay sở để sống với 300 nhân dân tệ (khoảng 41,28 USD) trong một tháng, cùng với nhiều video cô chia sẻ hướng dẫn cách giảm chi phí bữa ăn hàng ngày đến dưới 10 nhân dân tệ (khoảng 1,38 USD).

2024070218325459482
(Ảnh chụp màn hình)
Screen Shot 2024 07 03 at 10.48.00
(Ảnh chụp màn hình)

Những người khác đang tìm kiếm “đối tác tiết kiệm tiền” trên mạng xã hội. “Đối tác” dùng để chỉ những đối tác có chung lợi ích trong một lĩnh vực nhất định và cùng nhau tham gia vào các hoạt động nhất định. Đó là một văn hóa xã hội mới xuất hiện ở Trung Quốc trong những năm gần đây.

Những người dùng này tạo thành một vòng tròn tiết kiệm trực tuyến để đảm bảo các thành viên bám sát mục tiêu của họ. Tiết kiệm cũng bao gồm việc ăn ở căng tin cộng đồng, thường dành cho người già, giá cả tương đối rẻ.

Ông Shaun Rein, giám đốc điều hành của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc, nói với CNBC: “Giới trẻ Trung Quốc có tâm lý tiết kiệm trả đũa”.

Ông tin rằng niềm tin của giới trẻ Trung Quốc đã biến mất, và phải mất vài năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa mới có cảnh thịnh vượng, khi đó họ mới có thể tự tin tham gia vào hoạt động tiêu dùng mang tính trả đũa.

Ông Shaun Rein cho biết: “Những năm 2010, giới trẻ thường chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được. Họ vay tiền để mua các sản phẩm cao cấp như túi xách Gucci và iPhone. Giờ đây đã khác, giới trẻ Trung Quốc bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn.”

“Tiêu dùng ngược” “kinh tế keo kiệt” cũng là tín hiệu để giới trẻ Trung Quốc thắt chặt hầu bao. “Tiêu dùng ngược” đề cập đến việc giảm chi tiêu một cách có ý thức, và “kinh tế keo kiệt” đề cập đến việc tích cực tìm kiếm các khoản giảm giá và ưu đãi khi mua sắm.

Trong giới trẻ Trung Quốc còn có xu hướng “du lịch nhóm đặc biệt”, tức là phương thức di chuyển giống như của lực lượng quân đặc biệt với “thử thách giới hạn”, họ tham quan những danh lam thắng cảnh đẹp nhất trong thời gian ngắn nhất và chi tiêu ít tiền nhất.

Vậy tại sao giới trẻ Trung Quốc ngày càng thận trọng hơn trong việc tiêu tiền?

Ông Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, nói với CNBC: “Những người trẻ tuổi có thể cũng cảm thấy giống như những người khác rằng tình hình kinh tế không tốt.”

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trong quý đầu tiên của năm 2024, tổng tiền gửi bằng Nhân dân tệ của hộ gia đình đã tăng 11,8% so với cùng kỳ.

Đồng thời, thị trường lao động khó khăn đang làm trầm trọng thêm những khó khăn mà giới trẻ phải đối mặt.

Jia Miao, trợ lý giáo sư tại Đại học New York Thượng Hải, cho biết: “Việc mọi người từ chối tiêu tiền là một hiện tượng thực tế”.

Cô nói thêm: “Đối với một số người trẻ, đó là vì họ không tìm được việc làm, hoặc họ cảm thấy khó tăng thu nhập hơn. Vì vậy, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiêu dùng ít hơn.”

Kể từ khi dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ có việc làm của sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc Đại Lục ngày càng xấu đi. Theo “Báo cáo khảo sát việc làm của sinh viên đại học năm 2024” do Zhilian Zhaopin công bố vào tháng trước, chỉ 48% sinh viên mới tốt nghiệp nhận được thông báo tuyển dụng không chính thức, giảm 2,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, tỷ lệ cái gọi là “chậm có việc làm” “việc làm tự do” trong số sinh viên mới tốt nghiệp đã tăng lần lượt từ 18,9% và 13,2% năm ngoái lên lần lượt là 19,1% và 13,7% trong năm nay.

Chính quyền Trung Quốc tránh nói về “thất nghiệp” và thường sử dụng các thuật ngữ như “chậm có việc làm”, “việc làm nhẹ” (việc vặt, việc phụ), “việc làm linh hoạt” “kinh tế tự doanh” để gây nhầm lẫn cho công chúng.

Theo khảo sát, 90% sinh viên tốt nghiệp không bị ám ảnh bởi việc phải tìm một “công việc tốt”, mà thiên về tìm được một công việc để làm. Tỷ lệ hợp đồng được ký ở các đô thị loại 3 trở xuống cũng ngày càng tăng, chiếm 1/4 tổng số hợp đồng được ký kết.

Trí Đạt (t/h)