Trung Quốc tiếp tục lún sâu vào hậu quả của tình trạng dư thừa sản xuất
- Văn Long
- •
Theo Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 30/6, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc cho thấy lĩnh vực sản xuất đang co lại. Cộng đồng quốc tế đang quan ngại về vấn đề dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc, đặc biệt là tình trạng của xe điện.
Hoạt động sản xuất tiếp tục thu hẹp
Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 30/6 cho thấy, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng Sáu suy giảm tháng thứ 2 liên tiếp, trong khi hoạt động ngành dịch vụ giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc khó phục hồi, xu thế kêu gọi biện pháp kích thích tiếp tục được lưu ý.
Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng Sáu là 49,5, giống như tháng Năm và dưới điểm ranh giới (ngưỡng) là 50.
Chuyên gia thống kê Zhao Qinghe tại Trung tâm Khảo sát Công nghiệp Dịch vụ của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã giải thích, chỉ số đơn đặt hàng mới là 49,5, về cơ bản giữ nguyên, chỉ giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, cho thấy nhu cầu thị trường sản xuất vẫn chưa đủ. Chỉ số đơn đặt hàng mới trong nhiều lĩnh vực như về nguyên liệu thô hóa học và sản phẩm hóa học, sản phẩm khoáng sản phi kim loại… đều ở mức thấp, các công ty phản ánh về tình hình nhu cầu yếu là khó khăn chính mà họ hiện phải đối mặt.
PMI bao gồm các khía cạnh của hoạt động mua sắm, sản xuất, lưu thông… của doanh nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất. Mức 50 là “mức ranh giới” của chỉ số này, nếu trên 50 có nghĩa là hoạt động đang được mở rộng phát triển, và ngược lại là diễn biến tình hình đang xấu đi.
Nhìn từ các nhánh chỉ số cho thấy, trong 5 chỉ số phân loại tạo nên chỉ số PMI trong ngành sản xuất thì chỉ số sản xuất cao hơn ngưỡng; trong khi chỉ số đơn hàng mới, chỉ số tồn kho nguyên liệu, chỉ số nhân viên làm việc và chỉ số thời gian giao hàng từ nhà cung cấp đều thấp hơn ngưỡng.
Chỉ số sản xuất là 50,6%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước và cao hơn “mức ranh giới”, cho thấy sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất vẫn duy trì đà tăng trưởng.
Chỉ số đơn đặt hàng mới là 49,5%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, cho thấy nhu cầu trên thị trường sản xuất đã giảm.
Chỉ số tồn kho nguyên liệu thô là 47,6%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước, cho thấy tồn kho nguyên liệu thô chính trong ngành sản xuất tiếp tục giảm.
Chỉ số việc làm là 48,1%, giống như tháng trước, cho thấy việc làm của các công ty sản xuất nhìn chung là ổn định.
Chỉ số thời gian giao hàng của nhà cung cấp là 49,5%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với tháng trước, cho thấy thời gian giao hàng của các nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất đã kéo dài hơn so với tháng trước.
Từ dữ liệu có thể thấy rằng sản xuất tiếp tục mở rộng trong khi nhu cầu thì tiếp tục giảm, làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất.
Theo Reuters, chuyên gia kinh tế Xu Tianchen tại Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU, thuộc Tập đoàn Economist), cho rằng nhu cầu bên ngoài và trong nước vẫn chưa đủ để hấp thụ năng lực sản xuất của Trung Quốc, điều này sẽ cản trở sự phục hồi của giá sản xuất.
Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy xuất khẩu trong tháng Năm vượt kỳ vọng, nhưng các nhà phân tích cho biết trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Bắc Kinh và các nền kinh tế phương Tây thì khó đảm bảo doanh số xuất khẩu có bền vững hay không. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nhà ở kéo dài đang tiếp tục đè nặng lên nhu cầu trong nước.
Do người tiêu dùng vẫn thận trọng, hiện tượng phục hồi do kỳ nghỉ lễ tháng Năm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chỉ số PMI phi sản xuất, bao gồm cả ngành dịch vụ và xây dựng, đã giảm từ 51,1 trong tháng Năm xuống 50,5 trong tháng Sáu, giảm 0,6 điểm phần trăm là mức thấp nhất kể từ tháng Mười Hai năm ngoái.
Vào tháng Sáu, PMI dịch vụ giảm xuống 50,2, mức thấp nhất trong 5 tháng. PMI xây dựng giảm xuống 52,3, giảm 2,1 điểm phần trăm so với tháng trước và là mức thấp nhất kể từ tháng Bảy năm ngoái.
Các nhà phân tích kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ chính sách hơn trong ngắn hạn, với cam kết tăng cường kích thích tài khóa được coi là giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Nhà kinh tế trưởng Zhou Hao (Chu Hạo) của Công ty Chứng khoán Guotai Junan cho rằng dữ liệu PMI yếu đương nhiên đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc phải đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn. Tuy nhiên, dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hiện bị hạn chế do đồng nhân dân tệ đang chịu áp lực: “Chính sách tài khóa có thể đóng vai trò chủ chốt, cho thấy khả năng trong tương lai gần Chính phủ Trung ương Trung Quốc sẽ phát hành thêm trái phiếu để thúc đẩy tổng cầu trong nước.”
Bất chấp một loạt biện pháp được Chính phủ Trung Quốc đưa ra từ tháng Mười năm ngoái, nợ chính quyền địa phương cao và áp lực giảm phát của Trung Quốc đã phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi kinh tế, làm giảm kỳ vọng của các nhà đầu tư và chủ nhà máy.
Nguyên nhân từ “Made in China 2025”
Vào ngày 23/5, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Washington (Washington International Trade Association) và tổ chức cố vấn “Viện Chính sách Xã hội châu Á” (Asia Society Policy Institute, ASPI) phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến, mời một số chuyên gia thương mại và ngành ô tô tới tham dự và thảo luận về lý do, hiệu quả và tác động tiếp theo của việc chính quyền Tổng thống Mỹ Biden tăng thuế đối với hàng loạt sản phẩm của Trung Quốc.
Để đối phó với các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc, Tổng thống Biden đã chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ tăng thuế theo Mục 301 đối với hàng nhập khẩu trị giá 18 tỷ USD của Trung Quốc hàng năm. Trong số đó, thuế suất xe điện của Trung Quốc sẽ tăng từ 25% lên 100%, thuế suất pin xe điện sẽ tăng từ 7,5% lên 25%, và thuế suất pin năng lượng mặt trời sẽ tăng gấp đôi từ 25% lên 50%. Mức thuế mới dự kiến sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong 3 năm tới.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tuyên bố vào ngày 22/5 rằng mức thuế mới đối với các sản phẩm của Trung Quốc như xe điện, pin, pin mặt trời sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8 năm nay; các sản phẩm còn lại của Trung Quốc dự kiến sẽ có mức thuế cao hơn vào năm 2025 và 2026, bao gồm khoáng sản quan trọng, pin xe không chạy điện…, mức thuế mới đó sẽ được thực hiện vào ngày 1/1 những năm đó [tùy theo từng loại sản phẩm].
Kotler, người từng giữ chức phó đại diện thương mại dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và hiện là phó giám đốc của tổ chức tư vấn ASPI, đã chỉ ra rằng vấn đề sản xuất xe điện ở Trung Quốc dư thừa dường như là lịch sử lặp lại, nhiều ngành công nghiệp ở Mỹ đã từng gặp phải những vấn đề tương tự trong quá khứ, đặc biệt là ngành năng lượng mặt trời. Bà nói rằng hành động thuế quan của Tổng thống Biden đối với xe điện Trung Quốc mang tính phòng ngừa, “đây là một bước phát triển mới trong chính sách thương mại của Mỹ”.
CEO của Liên minh Đổi mới Ô tô (Alliance for Automotive Innovation), ông John Bozzella ước tính năng lực sản xuất ô tô hàng năm của Trung Quốc là khoảng 50 triệu chiếc, nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 30 triệu chiếc và 5 triệu chiếc được xuất khẩu, tương đương với sản xuất dư thừa 15 triệu chiếc. Ông cho biết: “Sản xuất dư thừa đó nếu không xử lý thuyên giảm thông qua tái cơ cấu hoạt động sản xuất công nghiệp, thì chúng cần được xuất khẩu và bán trên khắp thế giới. Đây là thực trạng hiện nay”.
Michael Dunne, cựu CEO General Motors tại Indonesia và hiện là CEO của công ty tư vấn ô tô Dunne Insights, chỉ ra rằng tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc bắt nguồn từ một quyết định được đưa ra vào cuối năm 2014: Vào thời điểm đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra tay xây dựng cái mà ngày nay được gọi là chính sách Made in China 2025. Chính sách này đã dẫn đến vấn đề dư thừa công suất nghiêm trọng ở Trung Quốc và thậm chí gây ra cuộc chiến về giá. Ông tiết lộ: “Khi tôi nói chuyện với các công ty Trung Quốc, họ nói với tôi: ‘Chúng tôi đang chết dần, chúng tôi không kiếm được tiền ở trong nước; chúng tôi sẽ chết nếu không xuất khẩu được’”.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Dòng sự kiện Dư thừa sản xuất