Trương Tuấn Kiệt (Zhang Junjie), cựu sinh viên Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương, từng tham gia Phong trào Giấy trắng của Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái, đã trốn khỏi Trung Quốc và hiện đang sống lưu vong ở New Zealand. Tuấn Kiệt tiết lộ rằng anh đã bị cảnh sát đưa đến bệnh viện tâm thần hai lần vì tham gia Phong trào Giấy trắngPhong trào Pháo hoa, sau khi đến New Zealand, anh vẫn bị cảnh sát Trung Quốc đe dọa.

Tuan Kiet
Trương Tuấn Kiệt, một người tham gia Phong trào Giấy Trắng và là cựu sinh viên Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương, đang sống lưu vong ở New Zealand. (Ảnh chụp màn hình video)

Cầm giấy trắng trong khuôn viên trường và bị cảnh sát đưa vào bệnh viện tâm thần

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, Trương Tuấn Kiệt hiện đang ở New Zealand, cho biết: “Tôi đã tham gia Phong trào Giấy trắng năm ngoái và tham gia Phong trào Pháo hoa vào tháng 1 năm nay. Kết quả là tôi 2 lần bị cảnh sát Trung Quốc giam giữ trong bệnh viện tâm thần. Cho nên việc tôi chạy khỏi Trung Quốc chủ yếu là để thoát khỏi sự bức hại của ĐCSTQ.”

Trương Tuấn Kiệt kể lại rằng vào đêm ngày 27/11 năm ngoái và lúc 8h sáng ngày 28/11 năm ngoái, anh đã hai lần cầm một tờ giấy trắng trước tòa nhà giảng dạy chính của Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương để phản đối chính sách Zero-COVID linh động. Khoảng 5 phút sau, anh bị lãnh đạo và giáo viên nhà trường đưa đi. Sau đó nhà trường liên lạc với bố mẹ của anh đến để đưa anh về Nam Thông (tỉnh Giang Tô) ngay trong đêm đó. Bố anh nói rằng anh phải cách ly 7 ngày do “tiếp xúc gần” và đưa anh đến điểm cách ly ở thị trấn. Ngay lập tức, Tuấn Kiệt bị hai người đàn ông mặc thường phục đưa lên ô tô với lý do làm xét nghiệm “axit nucleic”, và bị cưỡng bức đưa đến Bệnh viện Nhân dân số 4 của TP. Nam Thông, cũng là bệnh viện tâm thần.

“Họ đột nhiên trói tay chân tôi vào giường bằng dây vải. Tôi vô cùng sợ hãi và muốn chống cự, vì tôi nhớ rằng ĐCSTQ thường dùng cách giam giữ trong bệnh viện tâm thần để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Tôi thực sự không ngờ rằng chuyện như thế này lại xảy ra với mình.”

Trương Tuấn Kiệt nói rằng anh bị buộc phải tiêm thuốc an thần tại phòng khám điều trị sốt và được thông báo rằng “nếu không yêu đất nước, yêu đảng hoặc ủng hộ ĐCSTQ, thì sẽ bị bệnh tâm thần” nên anh chỉ còn cách ngoan ngoãn hợp tác điều trị thì mới có thể về nhà. Anh cho biết mình bị trói vào giường trong 6 ngày và bị ép uống rất nhiều thuốc và tập vật lý trị liệu. Anh bị choáng váng và không còn sức lực, lúc này bố anh mới đưa anh về nhà.

Tham gia Phong trào Pháo hoa, bị đưa vào bệnh viện tâm thần, vừa đến New Zealand đã bị cảnh sát Trung Quốc đe dọa

Trương Tuấn Kiệt cho biết anh đã tham gia “Ban tổ chức Phong trào Giấy Trắng” trên mạng xã hội và được chỉ thị thực hiện “Phong trào Pháo hoa” ở Nam Thông. Ban đầu anh muốn mua một chiếc máy bay không người lái để bắn pháo hoa và phát tờ rơi, nhưng vì đăng ký tên thật nên anh đã từ bỏ ý định, thay vào đó anh đốt pháo hoa và dán vài tờ giấy trắng để kháng nghị. Không ngờ ngày hôm sau, cảnh sát lại ập đến bắt anh đi: “Họ thẩm vấn tôi tròn một ngày, nhiều lần tra hỏi mật khẩu iPhone, iPad, đồng thời tra hỏi tổ chức và người chủ mưu”. Anh được cảnh sát yêu cầu ký vào quyết định xử phạt hành chính với tội danh “gây rối trật tự”, và một lần nữa bị đưa vào Bệnh viện Nhân dân số 4.

Trương Tuấn Kiệt nói: “Tầng 7 của Tòa nhà số 1 thực sự là địa ngục trần gian. Các ‘bệnh nhân’ bị cạo trọc đầu và không được phép đi giày. TV trong phòng chỉ được phép phát những thứ như CCTV, phim đỏ, bài hát đỏ. Có người muốn chuyển kênh thì bị y tá đá ngã ngay tại chỗ.” Đối với Trương Tuấn Kiệt mà nói, điều không thể chịu đựng nổi hơn nữa là anh bị hỏi cùng một câu hỏi mỗi ngày: “Ngày nào họ cũng hỏi, anh có ủng hộ ĐCSTQ không? Họ còn nói, Tổng Bí thư Tập [Cận Bình] đối xử với anh rất tốt, tại sao anh lại không ủng hộ Tổng Bí thư Tập? Đồng thời họ coi phản ứng của tôi như là tiêu chuẩn để đánh giá liệu tôi có thể xuất viện hay không.”

Theo báo cáo, sau khi Trương Tuấn Kiệt đến New Zealand và đăng tweet, bố và ông nội của anh đã bị cảnh sát bắt đi, cảnh sát liên tục sử dụng điện thoại của gia đình anh và WeChat để thuyết phục anh xóa tất cả các tweet và trở về Trung Quốc. Trương Tuấn Kiệt cũng tung ra một đoạn ghi âm đe dọa từ các nhân viên liên quan: “Đừng nghĩ rằng chúng tôi sẽ không xử lý anh khi anh đến New Zealand”, “Anh càng nói nhiều trên mạng xã hội ở nước ngoài, gia đình anh sẽ chịu khổ càng nhiều”.

Về vấn đề này, một số cư dân mạng bình luận: 

“Thủ đoạn của ĐCSTQ là đưa họ vào trại lao động hoặc bệnh viện tâm thần.”

“Anh ấy thật may mắn khi có thể ra nước ngoài, trong khi hầu hết những người trẻ tuổi đó vẫn đang nằm trong vòng kiểm soát của ĐCSTQ.”

Phong trào Giấy trắng ở Trung Quốc năm ngoái là do ĐCSTQ thực thi chính sách Zero-COVID để phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh trong thời gian dài, một vụ cháy lớn đã xảy ra ở một tòa nhà tại Ô Lỗ Mộc Tề của Tân Cương, sau đó người dân các nơi xuống đường cầm tờ giấy trắng để tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng trong trận hỏa hoạn và phản đối chính sách Zero-COVID. Phong trào này đã lan ra hơn 20 thành phố như Nam Kinh và Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu, hơn 200 trường cao đẳng và đại học, thuộc 21 tỉnh thành ở Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đã bị chính quyền ĐCSTQ đàn áp. Nhiều thanh niên đã bị ĐCSTQ bí mật bắt giữ và không có tin tức gì. Trương Tuấn Kiệt không phải là người duy nhất bị coi là mắc bệnh tâm thần.

Theo trang mạng “Bảo vệ quyền lợi” (Weiquanwang) và “Quan sát dân sinh” (minshengguancha), vào giữa tháng 12 năm ngoái ông Ngô Á Nam (Wu Yanan), phó giáo sư tại Đại học Nam Khai (Nankai) đã được lệnh xóa các bình luận liên quan trên Internet vì ông ủng hộ việc sinh viên tham gia Phong trào Giấy trắng. Sau đó ông bị bắt vào bệnh viện tâm thần. Một số sinh viên Đại học Nam Khai trước đó đã tham gia kháng nghị (giăng biểu ngữ), có thể họ cũng đã bị điều trị tâm thần.