Mặc dù nhiều nơi tại Trung Quốc đã ra lệnh cấm đốt pháo nhưng người dân vẫn tự phát xuống đường đốt pháo. Video lưu truyền cho thấy nhiều người đã bị bắt vì đốt pháo, có người nói rằng đây là từ “Phong trào Giấy trắng” đến “Phong trào Pháo hoa“.

Nhiều nơi tái khẳng định chính sách hạn chế và cấm đốt pháo hoa, pháo nổ

Theo Tân Hoa Xã đưa tin vào ngày 1/1, khi năm mới đến gần, nhiều nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên ở Liêu Ninh, Đông Dinh ở Sơn Đông, v.v, đã ban hành chính sách đốt pháo hoa và pháo nổ trong năm nay. Vào ngày 31/12/2022, Cảnh sát Thượng Hải đã đưa ra thông báo về việc quản lý an toàn pháo hoa và pháo nổ tại Thượng Hải trong dịp tết dương lịch năm 2023, trong đó nêu rõ việc cấm đốt pháo hoa và pháo nổ tại các khu vực thuộc khu vực tuyến vành đai ngoài của Thượng Hải.

Kể từ ngày 1/1/2022, Bắc Kinh đã thực hiện lệnh cấm đốt pháo hoa và pháo nổ trên toàn thành phố ở bất kỳ khu vực nào thuộc quản hạt của mình, trừ khi có sự chấp thuận của chính quyền thành phố. Trong năm 2023, quận Triều Dương sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chính sách cấm đốt pháo hoa và pháo nổ trên toàn địa bàn, không còn lập các điểm bán pháo hoa và pháo tre tạm thời. Quận Phong Đài tiếp tục thi hành lệnh cấm đốt pháo trên toàn khu vực. Trong khu vực hành chính của quận Thông Châu ngoại trừ khu vực giới hạn của Khu nghỉ mát Hoàn Cầu Bắc Kinh, thời gian cấm là quanh năm.

Trên toàn địa bàn Hợp Phì, tỉnh An Huy (trừ huyện Lư Giang và thành phố Sào Hồ đã công bố khu vực không cấm), nghiêm cấm các đơn vị, cá nhân sản xuất, vận hành, đốt các loại pháo hoa và thuốc pháo trên toàn địa bàn thời gian là quanh năm. 

Vào ngày 30/12/2022, thành phố Đại Liên của tỉnh Liêu Ninh chính thức ban hành thông báo kiểm soát khu vực đốt pháo và bên ngoài khu vực kiểm soát, không giới hạn thời gian đốt pháo và đốt pháo trong đêm giao thừa. 

Thành phố Đông Doanh và thành phố Tân Châu ở tỉnh Sơn Đông đã quy định rõ rằng có thể đốt pháo hoa và pháo nổ ở một số khu vực và khoảng thời gian nhất định trong đêm giao thừa.

Thị trấn phim Trịnh Châu hủy bỏ bắn pháo hoa, du khách đồng loạt kêu gọi “hoàn tiền”

Vào ngày 1/1, một cư dân mạng đã đăng một video nói rằng người dân Trung Quốc “đã không còn tin tưởng và không nghe theo Cộng phỉ, bắt đầu không coi Cộng phỉ ra gì! Đây cũng là một cách phản đối, hoàn toàn tự phát không có tổ chức.”

Vào ngày 31/12, có cư dân mạng đã đăng một đoạn video có nội dung: “Tối nay, do việc bắn pháo hoa ở Thị trấn Điện ảnh Trịnh Châu tạm thời bị hủy, khách du lịch đã không hài lòng và cùng nhau đòi hoàn lại tiền.” Trong video, một số lượng lớn người đã tụ tập vào đêm cuối năm tại một thị trấn nhỏ ở Trịnh Châu và họ hét lên “Trả lại vé! Trả lại vé!”

Một cư dân mạng bị có nick “Mưa mùa hè” cho biết: “Chính phủ thực sự lật lọng. Ban đầu, dự án này đã được báo cáo với chính quyền địa phương và phải mất một tháng để quảng bá. Nhiều người đến đó chỉ để xem pháo hoa đêm giao thừa, đến giờ phút quan trọng thì không cho  bắn. Cuối cùng, khách du lịch phản đối và không chịu rời đi, chẳng còn cách nào đến 0 giờ đêm cuối năm cũng phải cho bắn. Chính phủ đã làm một việc đáng thất vọng!”

Tin đồn người dân Hứa Xương, Hà Nam đốt pháo ngoài trời bị cảnh sát bắt giữ

Vào ngày 2/1, một cư dân mạng đã đăng video nói rằng “các cuộc cách mạng pháo hoa” đã xảy ra ở Tân Hương và Hứa Xương (thuộc tỉnh Hà Nam). Một số người dân đã chặn cảnh sát và yêu cầu thả người (những người bán và đốt pháo hoa). Hình ảnh tập thể đối kháng với quyền lực công này bắt đầu từ cuộc đấu tranh tập thể “Cách mạng Giấy trắng”.

Trong video, có thể thấy rất đông người dân đang tập trung tại Quảng trường Bảo Long ở thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, vì một công dân bắn pháo hoa bị bắt nên đám đông đã bao vây và yêu cầu thả người. Một số cư dân mạng Đại Lục nói: “Đây mới là người Trung Quốc thực sự”; “Hạnh phúc là do bản thân đấu tranh giành được”; “Khi một sự kiện diễn biến thành sự kiện công cộng, cần kiểm tra xem quyết sách trước đó có vấn đề gì không?”…

Ngoài ra còn có video cho thấy một người đàn ông mặc đồ xám và một phụ nữ mặc áo khoác đỏ đang vui vẻ chạy và đốt pháo trước sự chứng kiến ​​của mọi người, nhưng sau đó đã bị cảnh sát bắt và đưa đi.

Một số cư dân mạng cũng đăng video nói rằng vào tối ngày 31/12/2022, người dân ở Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, đã chống lại cảnh sát và “nhất quyết đốt pháo ngoài trời, bất chấp việc công an duy trì ổn định”. Đoạn video cho thấy rất nhiều người tụ tập trên đường phố trong đêm tối, cũng có rất nhiều cảnh sát có mặt tại hiện trường, một người đàn ông hét lên: “Người dân Hứa Xương, hãy chiến đấu!” Cũng có video cho biết, “Công an muốn bắt thanh niên đốt pháo đi. Người dân bao vây công an để ngăn lại”.

Theo yêu cầu của thành phố Hứa Xương, tỉnh Hà Nam về “Thông báo về việc cấm đốt pháo hoa và pháo nổ trên toàn khu vực”, bắt đầu từ ngày 7/2/2020, việc đốt pháo hoa và pháo nổ bị cấm trên toàn khu vực, người vi phạm bị phạt 500 nhân dân tệ và bị giam giữ hành chính dưới 15 ngày.

 

Tin đồn có người bị giam 7 ngày vì đốt pháo, người dân ở Thẩm Dương, Liêu Ninh bị bắt vì đốt pháo

Vào ngày 2/1, cư dân mạng chia sẻ một học sinh giỏi lớp 12 của trường trung học Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc, nói rằng anh trai của mình đã bị giam giữ 7 ngày vì tội “đốt pháo hoa” và lo lắng không biết chuyện này có ảnh hưởng đến việc thi công chức và kỳ thi đại học của mình hay không, cảm thấy tuyệt vọng.

Ngoài ra còn có một đoạn video cho thấy một công dân ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị cảnh sát bắt khi đang đốt pháo vào đêm giao thừa. 

Trong video có thể thấy có một người mặc áo trắng đội mũ xám, đang bị vài cảnh sát đưa đi trong đêm, nhiều người dân vây quanh xem đã hét lên “Chúc mừng năm mới!”

Một cư dân mạng khác đã đăng video cho biết: “Ở Trịnh Châu, một số quan chức quản lý đô thị đã xịt bình cứu hỏa vào một người dân, cố gắng ngăn anh tiếp tục đốt pháo hoa cầm trên tay.”

Trong video, 4 – 5 người đang cầm bình cứu hỏa, được cho là nhân viên quản lý của thành phố, đang dùng bình cứu hỏa để xua đuổi một người đàn ông cầm ống pháo hoa.

Về vấn đề này, cư dân mạng “Tin đồn Tài chính” cho biết: “Vào đêm cuối năm, cả nước mở ra một màn: Xe cảnh sát phát loa thông báo không được phép bắn pháo hoa, nhưng người dân tự phát đốt pháo hoa nở rộ như nấm. Những năm trước công an xuống đường không ai dám đốt pháo, năm nay không cho đốt cũng vẫn đốt, bắt dân thì dân chặn xe cảnh sát. Kết quả là hầu hết cảnh sát đều để họ đi! Sau 3 năm kìm nén vì phong tỏa, không dễ gì chấm dứt phong tỏa, chắc chắn họ phải đốt pháo ăn mừng. Họ đốt không phải là pháo hoa, mà là một loại phát tiết bị kìm nén đã lâu.”