Tập đoàn đầu tư tài chính Shenyang Shengjing (Shenyang Shengjing Financial Holding Investment Group) một lần nữa tiếp quản cổ phần trong nước của Ngân hàng Shengjing (HK.02066) được Evergrande Nanchang chuyển nhượng lại vào ngày 28/9, và trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Shengjing. Shengjing Financial là công ty con của Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước thành phố Thẩm Dương (Shenyang SASAC). Ở mức độ nào đó, giao dịch này đã chứng thực tin đồn chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn các doanh nghiệp nhà nước ở các địa phương tiếp quản nợ của Evergrande.

evergrande
Nhân viên an ninh trước trụ sở Evergrande (Nguồn: Chụp màn hình video)

Công ty TNHH Tập đoàn Hằng Đại Nam Xương (Evergrande Nanchang) là công ty con 100% vốn của Tập đoàn Hằng Đại Trung Quốc (China Evergrande). Ngày 28/9, công ty này đã chuyển nhượng 19,93% cổ phiếu của Ngân hàng Shengjing cho công ty Shengjing Financial (vốn nhà nước). Một trong 3 điều kiện cho thương vụ chuyển nhượng cổ phần này là “được sự phê duyệt của cơ quản quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc”, giá chuyển nhượng là 5,7 tệ / cổ phiếu (tương đương khoảng 0,88 đô la Mỹ), tổng số tiền thu được từ chuyển 19,93% vốn chủ sở hữu là 99,93 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,499 tỷ đô la Mỹ) và chỉ được sử dụng để trả các khoản nợ liên quan của Evergrande cho Ngân hàng Shengjing.

Thông cáo hôm 29/9 của China Evergrande nói rằng: Quỹ quản lý tài sản nhà nước Thẩm Dương nắm 58,33% cổ phần của Shengjing Financial, Cục Tài chính thành phố Thẩm Dương nắm 30,74%, Tập đoàn đầu tư xây dựng thành phố Thẩm Dương (Shenyang Urban Construction Investment Group) nắm 6,25% cổ phần, Sở Tài chính tỉnh Liêu Ninh nắm 5,04% cổ phần. Các tỷ lệ trên đã được làm tròn.

Đây là lần tiếp nhận chuyển nhượng cổ phần thứ hai trong thời gian gần đây của Quỹ nhà nước Thẩm Dương của Trung Quốc đối với Ngân hàng Shengjing do Evergrande Nanchang nắm giữ. Ngày 17/8, công ty con của Ủy ban quản lý sản quốc gia Thẩm Dương là Tập đoàn dược phẩm Đông Bắc và Shengjing Financial đã tiếp quản 137.833.335 và 28.833.335 cổ phiếu trong nước do Evergrande Nanchang nắm giữ, lần lượt chiếm 1,57% và 0,33% tổng số cổ phiếu phát hành của Ngân hàng Shengjing. Khi đó, giá chuyển nhượng mỗi cổ phiếu là 6 nhân dân tệ (tương đương 0,93 đô la Mỹ), tổng cộng xấp xỉ 1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 150 triệu đô la Mỹ).

Trang web chính thức của Ngân hàng Shengjing đã đăng lại một báo cáo từ truyền thông chính thức của ĐCSTQ, nói rằng việc chuyển nhượng cổ phần vào ngày 17/8 là một “hành động cụ thể để các doanh nghiệp nhà nước trọng điểm của thành phố tăng dần nắm giữ cổ phiếu của Ngân hàng Shengjing” và cũng là thể hiện của việc ” thành phố Thẩm Dương ủng hộ cải cách tối ưu hóa vốn chủ sở hữu của Ngân hàng Shengjing”, cũng là “Ủy ban quản lý tài sản nhà nước Thẩm Dương tăng cường nắm giữ Ngân hàng Shenjing”.

Thông báo của Ngân hàng Shengjing vào ngày 29/9 nêu rõ: Sau khi Ủy ban quản lý tài sản nhà nước Thẩm Dương hai lần nhận chuyển nhượng cổ phần do Evergrande Nanchang nắm giữ, Shengjing Financial chiếm 20,79% tổng số cổ phiếu đã phát hành, trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Shengjing và tổng cổ phần mà Ủy ban quản lý tài sản nhà nước Thẩm Dương nắm giữ chiếm 29,54%; cổ phiếu của Evergrande Nanchang giảm xuống còn 14,57%. Ngoài việc cho thấy sức mạnh của các cổ đông đã tăng lên, thông báo cũng cho biết cần tăng cường sự lãnh đạo của đảng.

Reuters tiết lộ ngày 28/9, những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng ĐCSTQ đang tìm kiếm các doanh nghiệp nhà nước và các nhà phát triển bất động sản có bối cảnh là doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Wanke để tham gia vào việc mua lại các tài sản của China Evergrande. Việc chuyển nhượng liên tiếp vốn chủ sở hữu của Evergrande Nanchang tại Ngân hàng cho Ủy ban Quản lý tài sản nhà nước Thẩm Dương, tương đương với tiếp quản tài sản của Evergrande và giảm nợ của Evergrande.

Cùng ngày, có kênh truyền thông Trung Quốc đã dùng phương thức phỏng vấn ẩn danh để đưa tin về việc chính quyền địa phương thanh toán các khoản nợ của Evergrande như thế nào. Trong đó có đề cập đến lối tư duy chính về cách xử lý nợ của Evergrande là “con nhà ai thì nhà đó lo”, và “chính quyền các cấp của ĐCSTQ đều có nguồn tiền ứng phó khẩn cấp tương ứng, đến lúc cần thiết có thể xin điều động sử dụng”. Vấn đề của Evergrande có liên quan đến nhiều phương diện như người mua, nhà đầu tư, nhà cung cấp. Hiện tại, nhiệm vụ lớn nhất là đảm bảo việc giao tài sản, nghĩa là cho phép người mua nhà nhận nhà.

Dưới thể chế của ĐCSTQ, vấn đề địa phương nào thì địa phương đó giải quyết được ví như “con nhà ai thì nhà đó lo”. Trụ sở chính của Ngân hàng Shengjing đặt tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, lần này Ủy ban quản lý tài sản nhà nước của Thẩm Dương đã tiếp quản khoản nợ của Evergrande tại Thẩm Dương. Vào năm 2016, khi Quốc vụ viện ĐCSTQ xử lý các vấn đề tài chính qua mạng, họ đã đưa ra một số kế hoạch chấn chỉnh dựa trên nguyên tắc “con nhà ai thì nhà đó lo”.

Ông Đinh Chí Kiệt (Ding Zhijie), hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ngoại hối thuộc Cơ quan Quản lý Ngoại hối ĐCSTQ, hồi năm 2015 có cho biết: “Con nào nhà nào thì nhà đó lo” thuộc về “logic của chủ nghĩa chia cắt thời phong kiến ​​của nền kinh tế kế hoạch”, “bề ngoài giống như logic giám sát quản lý đối xứng về quyền lực và trách nhiệm”, nhưng thực chất nó là “những cam kết chính sách không thể tin tưởng”, “khách quan thì là dung túng cho ‘3 hỗn loạn tài chính’ –  mở các tổ chức tài chính một cách hỗn loạn, mở kinh doanh tài chính một cách hỗn loạn, tập trung vốn một cách hỗn loạn”.

Ở Trung Quốc, không nhiều chính quyền địa phương các cấp của ĐCSTQ có thể làm được “con nhà ai thì nhà đó lo” giống như Thẩm Dương. Chuyên mục tài chính nổi tiếng “Mắt lạnh tài chính” đã nhiều lần nói trong chương trình trên Youtube của mình rằng: Do thị trường bất động sản nhiều lần phải điều tiết và hạ nhiệt, nhiều chính quyền địa phương dựa vào bất động sản làm thu nhập chính đang trải qua mùa đông kinh tế, và hầu hết không thể giải quyết vấn đề nợ khổng lồ của Evergrande. Việc giải quyết nợ của địa phương mình đã trở lên rất có khăn.

Đồng thời, chuyên mục bình luận “Mắt lạnh tài chính” cũng nhiều lần đề cập: Các công ty bất động sản Trung Quốc nợ nhiều không chỉ có riêng Evergrande, còn có nhiều doanh nghiệp vừa và lớn chờ được giải cứu như Country Garden, Greenland, v.v, ít thì cũng trên trăm tỷ, nhiều thì nghìn tỷ, làm sao để cứu đây?

Theo Liên Thư Hoa, Epoch Times

Xem thêm: