Tròn 30 năm bị ĐCSTQ bắt cóc, Ban Thiền Lạt Ma vẫn bặt vô âm tín
- Dương Thiên Tư
- •
Ngày 17/5/1995, khi mới 6 tuổi, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đời thứ 11 Ban Thiền Lạt Ma Gedhun Choekyi Nyima đã bị chính quyền Đảng Cộng Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt cóc, đến nay vẫn bặt vô âm tín. Ngày 18/5, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố kêu gọi Bắc Kinh đối diện với sự thật và chịu trách nhiệm về vụ việc.
30 năm Ban Thiền Lạt Ma bị bắt cóc: Ngoại trưởng Rubio kêu gọi chấm dứt đàn áp
Ngày 18/5 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio ra tuyên bố nhấn mạnh, vào năm đó Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa mới xác nhận cậu bé là lãnh tụ tinh thần quan trọng của Phật giáo Tây Tạng, 3 ngày sau chính quyền Trung Quốc đã bắt cóc cậu và cả gia đình, từ đó bặt vô âm tín.
Ông Rubio nhấn mạnh, ĐCSTQ nên lập tức thả Gedhun Choekyi Nyima và chấm dứt đàn áp quyền tự do tín ngưỡng của người dân Tây Tạng.
Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma là 2 vị lãnh tụ tôn giáo tối cao trong Phật giáo Tây Tạng. Lịch sử ghi nhận 2 vị này thường là thầy trò của nhau, đồng thời xác nhận chuyển thế của nhau. Ngày 14/5/1995, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 công khai tuyên bố Gedhun Choekyi Nyima, 6 tuổi, là Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11.
Ngày 17/5, người Tây Tạng lưu vong cũng đã tổ chức biểu tình tại Dharamsala, Ấn Độ, lên án ĐCSTQ giam giữ vị lãnh tụ tinh thần của họ suốt 30 năm, yêu cầu đảng này công bố tung tích và trả tự do cho ông cùng gia đình.
Ngày 6/7, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ bước sang tuổi 90. Khi ngài ngày càng cao tuổi, việc tìm kiếm người kế vị, tức chuyển thế linh đồng, càng được cộng đồng quốc tế chú ý.
Tổ chức nhân quyền và người Tây Tạng yêu cầu công bố tung tích, thả người
Ngày 14/5/1995, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma công khai xác nhận Gedhun Choekyi Nyima, khi đó mới 6 tuổi, là Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11. Ba ngày sau, cậu bé cùng gia đình bị Trung Quốc bắt cóc, từ đó không còn ai hay biết tin tức về họ.
Ngày 15/5, ông Ellis Heasley, cán bộ truyền thông và các vấn đề công cộng của Liên minh Đoàn kết Cơ Đốc toàn cầu (CSW), đã đăng bài trên trang web chính thức của CSW, cảnh báo rằng vào ngày 6/7 tới đây, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ mừng thọ 90 tuổi. Trong tương lai, khi ngài viên tịch, chính quyền ĐCSTQ có thể sẽ tìm cách tự chọn người kế vị có lợi cho việc tiếp tục chính sách đàn áp Tây Tạng.
Ông Heasley kêu gọi cộng đồng quốc tế phải buộc chính quyền Trung Quốc chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tây Tạng, đồng thời yêu cầu công bố tung tích Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11 và thả ông cùng gia đình.
Heasley chỉ ra rằng Gedhun Choekyi Nyima đã trở thành tù nhân chính trị trẻ tuổi nhất thế giới. Tháng 5/1996, lần đầu tiên Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc lên tiếng yêu cầu ĐCSTQ cung cấp thông tin về Gedhun Choekyi Nyima.
Các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tín ngưỡng, Nhóm công tác về mất tích cưỡng bức hoặc không tự nguyện, và nhiều chính phủ quốc gia khác cũng nhiều lần lên tiếng.
Bài viết của ông Heasley còn nhắc đến tuyên bố năm 2020 của Trung Quốc rằng: “Khi còn nhỏ, Gedhun Choekyi Nyima đã được giáo dục miễn phí, thi đỗ đại học, hiện đã có việc làm.” Ông cùng gia đình không muốn “cuộc sống bình thường hiện tại bị quấy rầy”. Tuy nhiên, tuyên bố này không thuyết phục được công luận.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do ngày 16/5, Tổng Thư ký Quốc hội Tây Tạng lưu vong, ông Sonam Dorjee cho biết Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra rất nhiều lý do như vậy, nhưng đến nay, vẫn chưa có một tấm hình nào được công bố.
Đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11 đã mất tích 30 năm, hiện không rõ tình hình của ngài và gia đình còn sống hay đã chết? Nếu họ vẫn còn sống thì hiện ở đâu? Ông nghi ngờ cách làm không minh bạch của chính quyền Trung Quốc.
Người Tây Tạng nghi ngờ ĐCSTQ thao túng việc chuyển thế của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Ngày 16/5 trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, ông Gesang Gyaltsen, đại diện của Chính phủ Tây Tạng lưu vong tại Đài Loan và Văn phòng của Đạt Lai Lạt Ma, nói họ tuyệt đối không tin tưởng bất kỳ tuyên bố nào của ĐCSTQ, chính quyền này hoàn toàn mất uy tín.
Ông Gesang Gyaltsen chỉ rõ, trong lịch sử, Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma là thầy trò của nhau, từng xác nhận chuyển thế của nhau. Việc ĐCSTQ tuyên bố năm 2020 rằng Gedhun Choekyi Nyima không muốn bị làm phiền là một âm mưu, nhằm tiếp tục kiểm soát việc chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma.
Ông nghi ngờ rằng chính quyền ĐCSTQ đang toan tính, một khi Đạt Lai Lạt Ma viên tịch, họ sẽ ép Gedhun Choekyi Nyima, người từng được Đạt Lai Lạt Ma xác nhận, phải xác nhận chuyển thế của đời thứ 15, từ đó thao túng toàn bộ quá trình. Nếu đúng như vậy, thì âm mưu này sẽ không được cộng đồng tín đồ toàn cầu chấp nhận hay tin tưởng.
Lịch sử đối đầu: ĐCSTQ chia rẽ Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma
Ông Gesang Gyaltsen nhấn mạnh, vào năm 1951, khi ĐCSTQ thôn tính Tây Tạng và ép Tây Tạng ký “Hiệp định 17 điều”, Bắc Kinh đã muốn dùng Ban Thiền Lạt Ma để đối trọng với uy tín của Đạt Lai Lạt Ma trong lòng người dân Tây Tạng.
Sau đó, ĐCSTQ bố trí 2 vị này đảm nhận chức vụ cấp cao trong chính quyền Trung ương (Phó Chủ tịch Chính trị Hiệp thương Toàn quốc, Phó Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc), nhằm chia rẽ nội bộ Tây Tạng.
Năm 1959, toàn Tây Tạng bùng nổ kháng nghị. Khi Đạt Lai Lạt Ma phải lưu vong sang Ấn Độ, thì Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10 Gyaincain Norbu không lưu vong. Ông được chính quyền Trung Quốc ca ngợi là “người bạn trung thành và đáng tin cậy nhất”.
Nhưng đến năm 1962, sau khi viết “Thỉnh nguyện thư 70.000 chữ” gửi Chính phủ Trung ương, trong đó chỉ trích thẳng thừng sự đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ tại Tây Tạng, ông đã bị bắt giam tại nhà tù Tần Thành (Bắc Kinh) trong suốt 10 năm. Sau khi được thả, ông vẫn bị quản thúc.
Ông Gesang Gyaltsen cho biết sau khi được thả khỏi tù, vị trí của Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã được phục hồi và ngài đã làm rất nhiều cho văn hóa, tôn giáo và dân tộc Tây Tạng. Những năm 1980 có thể được coi là thời kỳ hoàng kim cho việc bảo tồn và kế thừa văn hóa và giáo dục Tây Tạng.
Bài viết của Ellis Heasley cũng nhắc đến việc ngày 23/1/1989, Ban Thiền đời thứ 10 đã phát biểu tại chùa Tashilhunpo và tuyên bố rằng cái giá phải trả cho sự phát triển dưới sự cai trị của ĐCSTQ lớn hơn rất nhiều so với những gì đạt được.
5 ngày sau, ông đột ngột qua đời. Chính quyền ĐCSTQ báo cáo rằng ông bị nhồi máu cơ tim, nhưng nhiều người Tây Tạng nghi ngờ ông bị ám sát.
Ông Gesang Gyaltsen nhận định Ban Thiền đời thứ 10 là người dám thẳng thắn chỉ trích ĐCSTQ tàn phá Tây Tạng, nhưng đột ngột qua đời khi mới 51 tuổi.
Ngoại giới nghi ngờ ông bị chính quyền Trung Quốc sát hại. Sau khi ông mất, chính quyền Trung Quốc tổ chức lễ tang long trọng. Họ không thừa nhận chuyển thế linh đồng được tìm thấy và được Đạt Lai Lạt Ma xác nhận, mà áp đặt việc chọn người kế vị bằng hình thức rút thăm từ bình vàng, phá hoại hệ thống tôn giáo Phật giáo Tây Tạng.
Từ khóa Tây Tạng Marco Rubio Ban Thiền Lạt Ma Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 Gedhun Choekyi Nyima
