Trung Quốc: 3 đập thủy điện xả lũ, 9999 ngôi nhà bị chìm trong nước
- Tuyết Mai
- •
Sau trận mưa lớn kéo dài từ ngày 18 – 19/8 tại tỉnh Sơn Đông, cả 3 đập thủy điện tại tỉnh này đã đồng loạt xả lũ khiến cho nhiều vùng ở Thọ Quang bị chìm trong nước. Theo thông báo của chính quyền, có ít nhất 13 người tử vong, 9999 căn nhà bị lũ nhấn chìm, làm đổ sập; rất nhiều hoa màu và gia súc gia cầm bị nước lũ cuốn trôi. Sự kiện này khiến dư luận đặt nghi vấn, là “thiên tai’ hay là “nhân họa”, con số 9999 tròn trĩnh liệu là thật hay giả?
Theo thông báo ngày 23/8 của thành phố Duy Phường, trận mưa lớn này khiến cho thị xã Thọ Quang (trực thuộc thành phố Duy Phường) có nhiều thiệt hại, 13 người tử vong, 3 người mất tích, hơn 500 nghìn người gặp khó khăn; có 9999 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, đổ sập, 200 nghìn lều trồng rau quả, hoa màu bị tổn thất, thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 9,2 tỷ Nhân dân Tệ (khoảng 1,3 tỷ Đô la Mỹ).
Ngày 18 – 19/8, nhiều khu vực ở Sơn Đông có mưa lớn. Ngày 24/8, tờ Tân Kinh báo tại Đại lục đăng bản tin có tiêu đề “3 đập thủy điện ở Sơn Đông xả lũ, nhiều thôn ở thị xã Thọ Quang bị nhấn chìm”, sau đó 3 đập thủy điện này tăng lưu lượng xả lũ. Bắt đầu từ ngày 20/8, nước tại khu vực sông Di Hà bắt đầu dâng cao tràn vào nhiều thôn làng.
Ngày 24/8, Nhật báo Kinh tế tại Hồng Kông trích dẫn những nghi ngờ của cư dân mạng, theo đó trận lũ lần này tại Thọ Quang là do 3 đập thủy điện ở thượng lưu xả lũ mới dẫn đến nước sông dâng cao và người dân phải chịu thiệt hại. Quy mô xả lũ của chính quyền lại lớn hơn nhiều so với lượng nước trong hồ tăng lên do mưa lớn.
Thọ Quang là vùng sản xuất rau củ quả lớn và là thị trường bán buôn lớn của Trung Quốc. Đây cũng là nơi tập trung sản phẩm hoa màu để phân bổ đi các nơi. Sản phẩm hoa màu tại Thọ Quang được tiêu thụ tại hơn 200 thành thị lớn nhỏ của 30 tỉnh thành và khu tự trị tại Trung Quốc; 70% rau củ quả tại thị trường Bắc Kinh có nguồn gốc từ Thọ Quang. Trận lụt này đã khiến nông dân tại đây tổn thất nặng nề, giá cả nông sản sau lũ cũng tăng chóng mặt. Giá rau thơm có nơi tăng lên gần 30 Tệ (khoảng 100 nghìn đồng)/500g; cải bó xôi là 10 Tệ (khoảng 35 nghìn đồng)/500g; dưa chuột 6 Tệ (khoảng 19.500 đồng)/500g.
Cách làm của chính quyền còn nhiều mập mờ
Có cư dân mạng nghi ngờ, trước đó 3 đập nước khi vào mùa khô hạn thì lại không xả nước để giải quyết hạn hán, mà lại trữ nước để bán lấy tiền; trong sự việc lần này, sau khi biết có bão ập đến, đập nước cũng không làm tốt công tác chuẩn bị xả lũ, mà là đợi đến khi đập đầy thì mới xả với lưu lượng lớn xuống hạ lưu, kết quả là lượng nước lớn đột nhiên bị xả xuống, mực nước sông dâng cao tràn vào và người dân bị thiệt hại nặng nề.
Nhật báo Kinh tế dẫn lời của một người dân địa phương hiểu về hệ thống thủy lợi tại Thọ Quang nói, trước khi xảy ra sự việc này, huyện nhỏ phải chịu đựng cảnh hạn hán đã không ít lần mua nước trên thượng lưu để duy trì cảnh quan sông cũng như có nước tưới tiêu. Ông cho biết, đập nước cần giữ một lượng nước nhất định, nhưng thực tế là họ còn có tính toán để thu lợi cho cá nhân, đến mùa thu đông thiếu nước, thì số nước trong đập “đều là vàng bạc cả”.
Ngày 23/8, quan chức cơ quan chỉ huy phòng chống lụt bão hạn hán tỉnh Sơn Đông trả lời phỏng vấn của truyền thông cũng nói, đập nước ở tỉnh Sơn Đông ngoài phòng ngừa lũ, còn phải “lưu giữ nguồn nước”. Nếu trong chốc lát xả hết nước, thì có thể phòng ngừa lũ nhưng sau đó khi bị hạn hán thì có người lại chửi sao lại không trữ nước.
Người dân nghi ngờ, quản lý đập nước thượng lưu đã không làm tốt công tác phán đoán và sắp xếp hợp lý đối với việc cần trữ bao nhiêu nước, xả bao nhiêu nước; ngày 19/8 trong thời gian có thông báo vào ban ngày cho đến tối nước lũ vẫn dâng, người dân có thể ly tán, nhưng còn rất nhiều gia súc gia cầm và hoa màu cùng tài sản thì làm thế nào? Ngoài ra, vấn đề tổn thất của người dân sẽ bồi thường như thế nào, bố trí nơi ở và xây dựng lại khu dân cư bị nạn như thế nào, chính quyền đều không nói gì.
Con số 9999 khiến nhiều người nghi ngờ liệu có phải là số liệu thật
Sau khi xảy ra lũ lụt, điều khiến người dân nghi ngờ là thông tin về con số 9999 ngôi nhà bị đổ sập, cư dân mạng liên tiếp đặt ra câu hỏi, “vì sao con số này lại đẹp như vậy”, “không dám cộng thêm 1 vào cho tròn, sợ thăng bậc cứu trợ sao”, v.v.
Theo tiêu chuẩn cứu trợ tai nạn của Trung Quốc, nếu một tỉnh (thành) nào đó xảy ra thiên tai nghiêm trọng mà xuất hiện tổn hại đổ sập nhà cửa và hư hại nhà cửa nghiêm trọng với con số từ 10 nghìn trở lên, dưới 100 nghìn căn nhà sẽ cứu trợ thiên tai cấp 4, do do Văn phòng giảm nhẹ thiên tai tổ chức phối hợp công tác cứu trợ. Tuy nhiên, từ ngày 22/8, Trung Quốc đã khởi động chương trình cứu trợ cấp 4. Sau đó ngày 23/8, chính quyền Sơn Đông mở cuộc họp báo, lúc này tiếp tục che giấu sự việc đã không còn ý nghĩa gì nữa.
Từ một phương diện khác cũng phản ánh ra, quan chức địa phương vô cùng nhạy cảm đối với mức độ thiên tai, trong quá trình xử lý thiên tai đã nhanh chóng áp chế các thông tin, giảm nhẹ mức độ bàn tán của dư luận. Weibo tại Trung Quốc hiện tại là một trong những kênh mà dư luận công bố các thông tin quan trọng, lần này sự kiện xả lũ ở Thọ Quang tỉnh Sơn Đông trở thành danh mục các từ khóa tìm kiếm đầu bảng ngày 24/8, nhưng không lâu sau đó thì các thông tin bị gỡ bỏ. Hành động kiểm soát thông tin lan truyền này khiến nhiều người cho rằng quan chức chính quyền sợ sau khi bị vạch trần sẽ bị truy cứu trách nhiệm.
Nói chung, chính quyền địa phương không thể không thừa nhận còn tồn tại nhiều vấn đề trong công tác dự báo bão, chuẩn bị phòng chống bão và di chuyển tài sản của nhân dân. Nếu như đánh giá sớm để có biện pháp phòng chống từ sớm, phải chăng sẽ giảm bớt được thiệt hại?
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa lũ lụt thủy điện xả lũ lũ lụt ở Trung Quốc