Trung Quốc: Sự mất tích bí ẩn của hàng chục sinh viên ở Vũ Hán
- Thành Đô
- •
Những ngày gần đây, một bài viết có tiêu đề “Nghĩ mà thấy sợ! Hơn 30 sinh viên Vũ Hán vì sao mất tích thần bí” được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng tiếng Trung gây ra hoang mang trong xã hội Trung Quốc.
Bài viết liệt kê mấy chục sinh viên mất tích tại Vũ Hán. Trong đó nhấn mạnh về trường hợp của Lâm Phi Dương, bị mất tích ngày 26/11/2015, tại đường Thường Thanh Hán Khẩu, Vũ Hán.
Lâm Phi Dương là sinh viên đại học Mát-xcơ-va, tháng 11 năm 2015 anh đi trên chuyến bay từ Mát-xcơ-va về Vũ Hán, sau khi tới Vũ Hán rồi đi vào Trường Đảng Trung ương tại Vũ Hán để thay quần áo, sau đó thì bị mất tích. Ngoài ra, bài viết còn liệt kê tên của các sinh viên khác bị mất tích như:
- Tiêu Bằng Phi, sinh viên Đại học Khoa học Kỹ thuật Vũ Hán, mất tích ngày 31/12/2014.
- Soái Tông Bân, sinh viên Đại học Công nghệ Vũ Hán mất tích ngày 17/3/2016.
- Trình Hạo, sinh viên Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung, mất tích ngày 28/11/2014.
- Tiền Xương, sinh viên Đại học Công nghệ Vũ Hán, mất tích ngày 13/6/2011.
- Từ Hào, sinh viên Đại học Chuyên nghiệp Vũ Hán, mất tích ngày 18/2/2013
- Chu Danh Hổ, sinh viên Đại học Vũ Hán, mất tích ngày 4/1/2013.
- Chu Ngọc Hồng, sinh viên Đại học Vũ Hán, mất tích tháng 4/2009.
Sau một loạt phân tích, bài viết loại trừ tất cả các khả năng những sinh viên kể trên bị mắc bẫy bán hàng đa cấp, bị bắt cóc, bị khống chế vì phạm tội, thậm chí bị người ngoài hành tinh bắt cóc, các nguyên nhân khác và kết lại bằng câu: “Việc sinh viên trẻ tuổi mất tích thần bí, đến giờ vẫn là bí ẩn!”
Bài viết đăng chưa lâu, tác giả là anh Vương đã bị Cục Công an thành phố Vũ Hán bắt giữ với tội lan truyền tin đồn. Tân Hoa Xã còn gửi công văn bác bỏ tin tức trong bài viết kể trên, nói rằng trong 32 người mất liên lạc kể trên, thì hiện giờ chỉ có 3 người mất tích, hơn nữa cảnh sát đã lập án điều tra đối với việc Lâm Phi Dương mất tích.
Nhưng đài Á Châu Tự Do xác minh rằng cảnh sát Vũ Hán chưa lập án. Nhân viên trực của Cục Công an thành phố Vũ Hán nói rằng vấn đề của Lâm Phi Dương không đủ tiêu chuẩn lập án. Ngoài ra cha của Lâm Phi Dương là ông Lâm Thiếu Khanh nói với đài Á Châu tự do rằng cảnh sát Vũ Hán kiên quyết từ chối lập án đối với trường hợp này. Để tìm con, ông Lâm Thiếu Khanh từng tìm tới đồn công an khu trực thuộc, công an phân cục, Cục Công an thành phố Vũ Hán, phòng công an tỉnh Hồ Bắc, nhưng những cơ quan này đùn đẩy lẫn nhau, trốn tránh trách nhiệm. Ông Lâm Thiếu Khanh cũng tìm các cấp chính phủ, nhưng đều không có kết quả.
Ông Lâm Thiếu Khanh còn cho biết, tác giả bài viết kể trên là phóng viên của một trang web nào đó, phóng viên này không hề bịa đặt. Cha của Soái Tông Bân, một sinh viên bị mất tích, là ông Soái Kim Giao cũng cho biết, chuyện con mình mất tích cũng không phải là bịa đặt. “Chúng tôi, những phụ huynh có con bị mất tích là có một nhóm, nhóm chúng tôi có khoảng 17, 18 người”. Ông Soái Kim Giao từng đề nghị cảnh sát cho đọc những thông tin cùng các đoạn chat của con mình trước khi mất tích, nhưng cảnh sát lấy lý do “xâm phạm nhân quyền” để từ chối.
Cha của Tiêu Bằng Phi, một sinh viên mất tích khác, tiết lộ thêm một chi tiết, những người mất tích có đặc điểm chung là khoảng 20 tuổi, cao khoảng 1m8, đều biến mất ở khu vực cầu lớn Trường Giang. Ông Tiêu nói, “phần lớn đều là tại một nơi, đều là tại khu vực cầu lớn Trường Giang, Vũ Hán.” Các phụ huynh cũng có dự cảm bất thường: “Trong nhóm có phụ huynh nghĩ rằng, có lẽ sau khi nội tạng bị lấy đi thì các con đã bị thủ tiêu.”
Ông Tiêu còn cho biết, chính quyền cũng đang phong tỏa các tin tức có liên quan, có tài khoản WeChat đăng tin này đã bị khóa, những tin tức trước đây có thể thấy được trên Weibo cũng bị xóa.
Cách đó mấy ngày, CCTV còn chiếu một phim tài liệu, tuyên bố Trung Quốc có được công trình “Thiên Võng” tân tiến nhất thế giới, đảm bảo an toàn cho người Trung quốc. Theo báo cáo, thành phố Vũ Hán có hơn 900.000 camera giám sát. Nhưng trên thực tế, gia đình có người bị mất tích ở Trung Quốc rất khó được cảnh sát trợ giúp.
Thành Đô
Xem thêm
Từ khóa mất tích sinh viên Xã hội Trung Quốc