Bi kịch xã hội Trung Quốc: Bị lừa từ lúc mới sinh cho đến lúc già
- Tự Minh
- •
Có nhận xét trên mạng xã hội tiếng Trung cho rằng: Người Trung Quốc thật đáng thương, hành trình làm người thật gian nan, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi đều bị xoáy vào vòng vây của bọn lừa đảo, mỗi bước đi đều có khả năng bị lừa đến tán gia bại sản, thân bại danh liệt. Thật đúng là “bộ bộ kinh tâm” (mỗi bước đi đều kinh tâm động phách).
Sau vụ nữ sinh Từ Ngọc Ngọc ở Sơn Đông bị lừa và qua đời 2 ngày sau đó trong bệnh viện, báo chí Trung Quốc liên tục tiết lộ nhiều vụ lừa đảo khác. Từ giáo sư đại học cho đến sinh viên bình thường đều lần lượt rơi vào tròng của bọn lừa đảo. Xã hội Trung Quốc xuất hiện đủ loại lừa đảo trong mọi ngóc ngách, ngành nghề, đến nỗi phát sinh câu nói “tôi lừa người, người lừa tôi”. Theo như lời cảm thán của một cư dân mạng: Người Trung Quốc bước trên đường đời, từ lúc mới sinh cho đến khi nghỉ hưu, đều là “bộ bộ kinh tâm“, tại mỗi bước chân đều có thể rơi vào bẫy lừa đảo. Nhiều người khác cùng kêu lên rằng: Tại sao lại nhiều lừa đảo đến mức này? Có thể nói, Trung Quốc có 360 chủng loại lừa đảo, muôn hình muôn vẻ, tại mỗi ngành nghề thì tương ứng đều có một loại lừa đảo đi kèm. Nhỏ thì bên đường, mỗi lần lừa lấy vài nghìn tệ. Lớn thì bán hàng đa cấp trên mạng, mỗi lần lừa làm người ta mất hơn 10 triệu tệ.
Theo “Báo cáo thống kê lừa đảo trên Internet” của Trung Quốc, số lượng lừa đảo ít nhất là 1,6 triệu người, bằng với quân số của Lục quân Trung Quốc. Mỗi năm, ngành ‘lừa đảo’ có ‘sản lượng’ vượt trên 1.100 tỷ nhân dân tệ.
Dưới đây là các vụ lừa đảo điển hình sắp xếp theo vòng đời của một người sinh trưởng trong xã hội Trung Quốc:
Bác sĩ phụ sản lừa sản phụ
Vừa bước vào thế giới đúng một khắc đã suýt bị lừa bán đi. Đó là trường hợp của mẹ con chị Đổng (23 tuổi), người ở thôn Tiết Trấn, huyện Phong Bình. Tân Hoa Xã đưa tin ngày 16/7/2013, chị Đổng đến bệnh viện huyện sinh con, được phó chủ nhiệm khoa sản của bệnh viện bà Trương Tố Hiệp tư vấn bỏ con vì đứa trẻ bị dị tật không thể phát triển. Bác sĩ Trương khuyên gia đình từ bỏ điều trị và giao cháu bé cho bà xử lý. Sau đó chính vị bác sĩ này đã đem cháu bé khỏe mạnh đi bán.
Trường mẫu giáo lừa trẻ con uống thuốc
Sữa có chứa Melanine tại Trung Quốc không phải là ít. Có bao nhiêu trẻ em lớn lên mà đảm bảo chưa từng uống qua loại sữa này?
Ngày 13/3/2014, Tân Kinh báo đưa tin, trong suốt một thời gian dài, trường mẫu giáo Phong Vận ở thành phố Tây An cho trẻ em uống thuốc chống vi-rút mà không cho phụ huynh biết. Sau đó, nhiều gia đình phát hiện con em mình bị các hiện tượng như đau đầu, nhức chân, đau bụng, táo bón, đổ mồ hôi đêm, v.v… Sau đó chính Hiệu trưởng trường thừa nhận đã cho trẻ uống thuốc một thời gian dài, mục đích để chống vi-rút mà duy trì thời gian đến trường.
Giáo viên tiểu học lừa phụ huynh hơn 400.000 tệ
Ngày 31/8/2016, Quảng Châu Nhật Báo đưa tin, giáo viên chủ nhiệm lớp 602 trường Nam Hải Kiều Đài, cô Đàm Hoành, hứa hẹn giúp đỡ học sinh đủ điều kiện nhập học vào trường công, lừa phụ huynh của lớp tổng cộng 400.000 nhân dân tệ (hơn 1,3 tỷ đồng).
Đối tượng bị hại gồm 9 vị phụ huynh, đều là những người đến công tác từ ngoại tỉnh. Trong đó có 1 vị phụ huynh, ông Hồ cho biết “Tháng 3 vừa rồi, cô Đàm Hoành nói với tôi rằng chỉ cần 35.000 tệ tiền bồi dưỡng thì cháu nhà tôi có thể vào được trường công lập. Lúc đó tôi nghĩ rằng, dù sao cũng là giáo viên chủ nhiệm, lời của cô ta nhất định có thể tin được”. Ngày 20/3, ông Hồ đã chuyển khoản qua ngân hàng cho cô Đàm Hoành 35.000 tệ. Sau đó, đến lúc mất liên lạc với cô giáo, ông mới biết mình đã bị lừa.
Trường luyện thi đại học lừa đảo
Tụ Trí Đường được Dương Chí sáng lập vào năm 1999, là một trường luyện thi cỡ lớn, nghiệp vụ chủ yếu là luyện thi đại học. Năm 2014, Tụ Trí Đường đề xuất ra chương trình “học miễn phí”: các phụ huynh nộp một số lượng tiền nhiều hơn mức thực tế, nếu 1 năm sau, học sinh không đạt mục tiêu thì có thể lấy lại tiền. Có phụ huynh tại Bắc Kinh cho biết đã nộp vào trong một năm hơn 1 triệu nhân dân tệ. Ngày 16/5/2016, trường luyện thi Tụ Trí Đường bị đóng cửa, Dương Chí chạy ra nước ngoài. Số tiền có liên quan đến vụ án là hơn 100 triệu nhân dân tệ (hơn 332 tỷ đồng).
Học sinh đại học bị lừa học phí
Sau sự việc của Từ Ngọc Ngọc, báo chí liên tục phát hiện ra nhiều vụ học sinh đại học bị lừa học phí. Ngày 3/9, báo Dương Tử đăng tin, nữ sinh Trần ở Tĩnh Giang, một người tính tình rất cẩn thận nhưng vẫn bị lừa. Ngày 31/8, khi mua hàng trên mạng, cô bị bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty ma lừa cung cấp thông tin qua QQ (ứng dụng chat) để hoàn tiền. Kết quả chỉ trong 5 phút, toàn bộ tài khoản của cô gồm số tiền học phí mà bố mẹ gửi hơn 20.000 nhân dân tệ đã bị ‘bốc hơi’ sau khi bị rút 12 lần.
Đi tìm việc cũng bị lừa
Ngày 23/4/2016, báo Thanh Niên Trung Quốc đưa tin, ít nhất 150 sinh viên đại học tại Thượng Hải bị rơi vào bẫy của lừa đảo tìm việc. Công ty môi giới hứa hẹn giới thiệu việc làm với mức lượng khoảng 6.000 nhân dân tệ/tháng, yêu cầu sinh viên đóng 19.800 tiền bồi dưỡng huấn luyện. Các sinh viên sau khi nộp tiền và tham gia lớp bồi dưỡng vài ngày thì toàn bộ công ty biến mất không để lại vế tích. Theo thống kê chưa đầy đủ trên toàn Trung Quốc đã có ít nhất 355 người bị hại theo dạng này tại các thành phố như Tế Nam, Tây An, Thành Đô, Bắc Kinh, v.v…
Bị lừa khi đi khám bệnh
Theo thông tin quảng cáo trên Baidu, sinh viên Ngụy Tắc Tây đã đến bệnh viện số 2 Cảnh sát Vũ trang Bắc Kinh để điều trị khối u trong gan bằng biện pháp đặc biệt do Stanford nghiên cứu ra. Sau khi tốn hơn 200.000 nhân dân tệ (hơn 664 triệu đồng) thì phát hiện ra liệu pháp này đã bị ngừng sử dụng ở Mỹ từ lâu do không có tác dụng. Đến lúc này khối u đã lan ra, ngày 12/4/2016, Ngụy Tắc Tây đã qua đời.
Tiền trong ngân hàng bị “thất lạc”
3/12/2015, truyền thông đưa tin, hơn 10 người dân Chiết Giang, khi đến rút tiền tại Hợp tác xã Tín dụng Nông thôn quận Tân Thành, thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, thì được ngân hàng báo là tiền trong tài khoản của họ đã bị rút hết từ một năm trước. Khi điều tra phát hiện ra giấy yêu cầu chuyển khoản toàn bộ đều là giả. Những người này mất số tiền tổng cộng 62 triệu nhân dân tệ (hơn 206 tỷ đồng).
Ngày 23/6/2015, tuần san Kinh Tế Trung Quốc đưa tin, trong vòng 1 năm rưỡi tại các tỉnh như Sơn Tây, Hàng Châu, Hà Bắc, Chiết Giang v.v…, xuất hiện rất nhiều vụ chủ tài khoản đột nhiên bị mất tiền, liên quan đến các ngân hàng như Ngân hàng Nông Nghiệp, Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Kiến Thiết, Ngân hàng Liên hợp Hàng Châu v.v. Tổng số tiền lên đến 4,6 tỷ nhân dân tệ.
Đi xe trên đường bị lừa
Ngày 8/1/2016, Quảng Châu Nhật báo đưa tin, lái xe Mã ở thành phố Thiểu Quan bị lừa ăn vạ. Phương thức lừa cụ thể là cho xe chạy chậm trước mặt để ông Mã lách qua trái vượt lên, ngay lúc đó một người đàn ông sẽ ngã lăn ra trước xe ăn vạ. Cảnh sát sau khi xem xét hiện trường kết luận rằng ông Mã sai và phải xử lý riêng với người bị hại nếu không muốn bị kéo xe đi. Rốt cuộc, ông Mã đã chi cho người kia 1.700 nhân dân tệ. Sau này cảnh sát cho biết đây là nhóm chuyên lừa người va chạm xe.
Làm người tốt cũng bị lừa
Ngày 31/12/2013, ông Ngô Vĩ Thanh (46 tuổi) người thôn Chương Khê huyện Đông Nguyên thành phố Hà Nguyên tỉnh Quảng Đông, đang đi xe máy qua cầu thì thấy một ông lão bị ngã nên đưa ông vào bệnh viện Chương Khê. Tuy nhiên, người nhà ông này nhất định cho rằng ông Ngô đã gây ra tai nạn cho ông lão và đòi bồi thường 100.000 nhân dân tệ. Để chứng minh sự trong sạch của mình, ngày 2/1/2014, ông Ngô Vĩ Thanh đã nhảy xuống hồ tự sát. Theo Tân Kinh báo đưa tin, ông lão này sau đó đã thừa nhận rằng tự mình bị ngã.
Về hưu vẫn bị lừa
Ngày 2/9, báo Sáng Bắc Kinh đưa tin, một vị hưu trí đã đầu tư hơn 6 triệu nhân dân tệ vào Tập đoàn Dịch vụ và Thương mại Hiên Viên. Công ty này hứa sẽ có lợi tức cao và 15 năm miễn phí ở viện dưỡng lão. Tuy nhiên sau đó công ty này đóng cửa và hiện đã có nhiều người báo cáo cảnh sát về vụ này.
Lừa đảo ở Trung Quốc có bao nhiêu?
Ngày 26/5/2016, tờ Đông Phương Nhật Báo đăng bài bình luận “Có bao nhiêu lừa đảo ở Trung Quốc?” trong đó viết, ở Trung Quốc phú cường, hàng giả thống trị, trên thương trường thì giả trộn với thật, trên quan trường thì giả nhân giả nghĩa, trong xã hội thì giả tình giả ý. Từ sữa giả có chứa Melamine cho đến bằng cấp giả, luận văn giả, cho đến quan trường với lý lịch giả, cả mảnh đất “Thần Châu” giờ chỉ còn một chữ “giả”.
Một blogger nổi tiếng của Trung Quốc từng đăng bài “Lừa đảo bay cao ở Trung Quốc” nói rằng, lừa đảo không chỉ có một vài hình thức như vậy. Ví dụ như Mao Trạch Đông từng hứa rằng đảng sẽ không độc tài quyền lực sau khi nắm được chính quyền. Sau đó thì sao? Khi cải cách kinh tế mở cửa, Đặng Tiểu Bình nói rằng đầu tiên cứ để một vài người giàu có trước, sau sẽ dẫn đại chúng cũng trở sung túc. Kết quả là sao? Chính quyền Trung Quốc luôn nói về sứ mệnh phục vụ người dân Trung Quốc toàn tâm toàn sức. Thực tế là sao?
Tự Minh
Xem thêm:
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc Bi kịch lừa đảo