Trung Quốc thâm nhập truyền thông Tây phương nghiêm trọng
- Minh Ngọc
- •
Ngày 12/4, ông Trần Quang Thành (Chen Guangchen), một nhà hoạt động nhân quyền khiếm thị người Trung Quốc, người đã thu hút được sự quan tâm của quốc tế vào năm 2012 khi trốn thoát được sự quản thúc tại gia và đến tạm trú tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, đã có bài diễn thuyết trong một hội nghị chuyên gia Mỹ tại Học viện Westminster. Ông cho biết, sau trải nghiệm nhiều năm tại Mỹ, ông cảm nhận được Trung Quốc đã thâm nhập rất nghiêm trọng vào truyền thông và học thuật Mỹ.
Theo Voice of America, trong khi diễn thuyết, đầu tiên ông Trần Quang Thành sử dụng tiếng Anh để giới thiệu những hiểu biết của ông về việc bảo hộ nhân quyền ở Trung Quốc và tình hình quyền công dân trong nước gần đây, sau đó ông dùng tiếng Trung để trả lời một số câu hỏi của khán giả.
Ông Trần Quang Thành hy vọng người dân Hoa Kỳ sẽ hiểu được rằng: “Tập đoàn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tà ác này không phù hợp với dân chủ, đi ngược lại những giá trị cơ bản nhất của nhân loại, vì vậy các bạn nên nhận thức một cách rõ ràng rằng sự tà ác của nó vượt qua ngoài sức tưởng tượng của mỗi người.”
ĐCSTQ thâm nhập truyền thông hải ngoại
Trên thực tế, ĐCSTQ thông qua việc kiểm soát các cộng đồng người Hoa, đầu tư quảng cáo tuyên truyền, mở rộng xây dựng viện Khổng Tử hay các phương thức khác v.v.. đã thâm nhập vào các quốc gia Tây phương từ lâu.
Hàng năm, ĐCSTQ chi trả đến 68 tỷ USD nhằm mở rộng và gây ảnh hưởng sâu hơn đến các kênh truyền thông đóng vai trò là cơ quan ngôn luận chính thức của đảng như Tân Hoa Xã, CCTV, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, China Daily hay các kênh truyền thông có sức ảnh hưởng trên thế giới khác. Con số này chưa bao gồm tiền tài trợ từ các cơ quan mặt trận thống nhất dân tộc như các loại hiệp hội, thương mại Hoa kiều hay các đoàn thể xã hội. Năm 2015, Financial Times dẫn lời học giả nổi tiếng ở Đại học George Washington, ông Thẩm Đại Vỹ, cho rằng quy mô hoạt động quan hệ cộng đồng của Trung Quốc quả thực trước nay chưa từng có. Ông này ước tính rằng mỗi năm Trung Quốc dành ra 10 tỷ USD cho công tác tuyên truyền bên ngoài.
Năm 2015, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy ĐCSTQ đã xây dựng một mạng lưới quốc tế lên đến 33 đài phát thanh, bao phủ từ Mỹ sang Úc, liên quan đến 14 quốc gia, sử dụng cả tiếng Anh, tiếng Trung và ngôn ngữ địa phương sở tại, nhưng nội dung đều do các đài phát thanh quốc tế của Trung Quốc chế tác hoặc cung cấp.
Cuối tháng 6 năm đó, tờ The Globe & Mail của Canada trong một bài báo cũng đã chỉ rõ, đa số các tờ báo tiếng Trung của Canada đều mang ‘hơi hướng’ của ĐCSTQ. Một trong số những tờ nổi bật nhất chính là Sing Tao Daily ở Toronto.
Financial Times hồi năm ngoái cũng báo cáo rằng, China Daily và các tờ báo như Washington Post của Mỹ, Daily Telegraph của Anh, Le Figaro của Pháp và Sydney Morning Herald của Úc đã ký một thỏa thuận, trong đó cho phép những kênh truyền thông độc lập này được đăng tải các bài báo trên China Daily.
Đầu năm 2001, Jamestown Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận độc lập của Mỹ tiết lộ, để có thể can thiệp vào các phương tiện truyền thông tiếng Trung ở Bắc Mỹ, giới chức Trung Quốc đã nỗ lực rất lớn để đạt được mục đích trực tiếp hay gián tiếp khống chế 4 kênh báo chí lớn ở khu vực này là World News, Sing Tao Daily, Ming Pao và Qiao Pao.
Thông tin cũng tiết lộ chi tiết về việc chính quyền Trung Quốc kiểm soát một số kênh truyền thông lập trường không kiên định ở nước ngoài thông qua bốn chiến lược chính, bao gồm:
- Dùng hình thức vốn toàn phần hoặc làm cổ đông chính để trực tiếp khống chế báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh.
- Lợi dụng lợi ích thương mại tại Đại lục đối với các hãng truyền thông độc lập nhằm gây ảnh hưởng lên những hãng truyền thông này.
- Mua lại các khung giờ hoặc không gian quảng cáo.
- Cài người của ĐCSTQ vào làm việc trong các kênh truyền thông độc lập, khởi tác dụng từ nội bộ.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa dân chủ Trần Quang Thành Truyền thông Trung Quốc Truyền thông Tây phương Hoạt động nhân quyền