Trung Quốc: Thịnh hành chuyện giáo viên bị học sinh tố cáo, nhà trường miễn nhiệm
- Lê Tử Hy
- •
Phong trào tố cáo tại Trung Quốc gần đây dần trở nên thịnh hành. Lý Kiếm, một giáo viên tại Đại học thành phố Hồ Nam vì một câu nói trên lớp mà bị sinh viên “đạp bàn mắng chửi”, thậm chí bị tố cáo. Điều khiến người ta không ngờ là sau sự việc, phía nhà trường không chỉ đăng bài phê bình đối với thầy Lý, mà còn điều chuyển không cho đứng lớp.
Thầy giáo Lý Kiếm không khỏi than thở, “Sinh viên tố cáo, có thể phát ngôn tùy tiện không kiêng kỵ, không có bất cứ sự ràng buộc nào. Tố cáo được khuyến khích, trở thành đòn sát thủ không trượt phát nào để trả thù giáo viên.” “Đối với tôi thì đau là bi kịch; đối với nhà trường thì chính là sự bi ai”.
Giáo viên bị đuổi khỏi bục giảng vì câu nói “người Nhật Bản đã tốt còn muốn tốt hơn”
Gần đây, trên mạng lan truyền một bài bình luận được ký tên bởi giáo viên Lý Kiếm của Đại học thành phố Hồ Nam. Bài viết có tên “Dung túng kẻ sai xử oan người ngay thẳng, sự tôn nghiêm của giáo viên còn không – Bình luận việc giáo viên đại học Lý Kiếm vì lời nói mà bị sa thải”.
Mở đầu bài viết thuật lại sự việc, sau đó tiếp tục triển khai thảo luận từ 4 khía cạnh: sao chép video, công văn điều chuyển vị trí công tác, kiểm duyệt lớp học và xử lý sinh viên. Thầy giáo Lý Kiếm cho biết, ngày 28/4 năm nay, trên lớp ông đã giảng về “Khái quát văn hóa kiến trúc”. Toàn bộ quá trình không liên quan đến chính trị, cũng không có bất cứ ngôn từ chính trị nào. “Trên lớp, chỉ vì câu ‘người Nhật Bản đã tốt còn muốn tốt hơn’, đã khiến một sinh viên họ Lý đập bàn mắng chửi, đồng thời tố cáo với nhà trường sau giờ học.”
“Tôi nói ‘người Nhật Bản đã tốt còn muốn tốt hơn’, bị lãnh đạo phê bình là: Nhìn vấn đề không toàn diện, bởi vì (lãnh đạo) cho rằng không phải tất cả người Nhật Bản đều đã tốt còn muốn tốt hơn – logic như thế này tôi thấy rất mới lạ.” Thầy Lý còn nói, “Lãnh đạo nói: Một cây làm chẳng nên non, sinh viên gây rối, anh cần phải suy nghĩ lại vấn đề của mình. Kiểu tư duy này, dường như đúng nhưng không phải đúng, hoàn toàn sai lầm.”
Thầy Lý cho biết, “Tôi nói rằng cầu Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao vận hành lỗ, vốn chỉ là buột miệng nói, nhưng bị sinh viên tố cáo”, “một câu nói bình thường, động chút là liên tưởng, lên hệ với tôn nghiêm quốc gia, đại nghĩa dân tộc, đúng đắn chính trị, khiến người ta không biết nói từ đâu.”
Hồi đáp của nhà trường tiếp tục gây tranh cãi
Mặc dù phòng nhân sự của Đại học thành phố Hồ Nam đã lên tiếng về vấn đề, nhưng cách dùng từ lại gây ra không ít tranh cãi.
Theo văn kiện của phòng này, “trình độ giảng dạy và năng lực của đồng chí Lý Kiếm có khiếm khuyết, trên lớp không thể dẫn dắt sinh viên dựng lập giá trị quan cốt cõi về chủ nghĩa xã hội, đạt được yêu cầu dạy người cho đảng, dạy tài cho đất nước.”
Về vấn đề này, thầy giáo Lý Kiếm nói trong bài viết của mình, liên quan đến 2 vấn đề là trình độ giảng dạy và khuynh hướng chính trị, “đều chỉ là định tính suông, không có trích dẫn bất cứ điều khoản cụ thể nào, cũng không có bất cứ bằng chứng đường hoàng nào. Tôi nhiều lần đòi Hiệu trưởng Thang và Phó bí thư Hà cùng phòng nhân sự tài liệu bằng chứng văn bản về việc cho bản thân tôi nghỉ dạy, bao gồm phần cáo buộc bản thân tôi trong tài liệu đệ trình Sở giáo dục, nhưng đều bị từ chối.”
Thầy Lý chỉ ra, phía nhà trường không có bất cứ chứng cứ nói rõ về trình độ và năng lực dạy học của ông không đủ. Ông cũng nói, trước khi vào trường dạy học, đã trải qua hàng loạt các cuộc kiểm tra. “Về sau, hơn 100 lượt người nghe giảng, bao gồm lãnh đạo các bộ phận khác nhau, không có bất cứ người nào nêu ra có khuyết điểm về giảng dạy. Hiện giờ chỉ dựa vào một tiết học, lại do vài lãnh đạo hành chính quả quyết ‘có khiếm khuyết’ mà quyết định cho nghỉ dạy.”
Còn về vấn đề ngôn luận chính trị trên lớp, thầy Lý nói, đến nay trường học và tổ kiểm tra không có bất cứ đề xuất nào dù là một câu xác thực có sai lầm. “Tôi muốn nói: Truy cầu tư lợi là xu hướng của bản tính con người là điều rõ ràng; nhưng quyền lực khuynh đảo không dùng thích đáng thì đủ để hại tự thân.”
Đại học thành phố Hồ Nam chưa đưa ra bất cứ hồi đáp nào về bài viết, truyền thông Đại Lục đưa tin về sự việc cũng đã bị xóa bài.
Giáo viên muốn sáng tạo, lớp học sôi nổi quá khó
Tra lại các tư liệu trước đây có thể thấy, những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều giáo viên các trường đại học bị sinh viên tố cáo do những ngôn luận trên lớp học. Người nhẹ thì bị đình chỉ dạy, điều chuyển chức vụ, người nặng thì bị xóa tên hoặc sa thải.
Ví dụ, tháng 9/2017, phó giáo sư Hứa Truyền Thanh của Đại học Kiến trúc Bắc Kinh vì trách mắng sinh viên Trung Quốc không chăm chỉ nghiêm túc trên lớp, lại còn dùng một sinh viên cùng lớp quốc tịch Nhật Bản làm ví dụ để cho thấy “sinh viên Trung Quốc nếu không tiếp tục chăm chỉ, về sau Nhật Bản sẽ trở thành một quốc gia ưu tú, và Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia có thứ hạng kém”. Kết quả ông đã bị sinh viên tố cáo và bị trừng phạt.
Tháng 5/2018, phó giáo sư Địch Cát Hồng của Đại học Tài chính và Luật Trung Nam Vũ Hán, do phê bình Bắc Kinh xóa bỏ hạn chế nhiệm kỳ trên lớp học của môn “Nguyên lý học chính trị”, nên đã bị cách chức.
Tháng 6/2018, giáo sư Vưu Thịnh Đông của Đại học Hạ Môn bị cáo buộc có ngôn luận chính trị “quá khích” trên lớp, bị sinh viên tố cáo sau đó bị nhà trường sa thải.
Tháng 8/2018, giáo sư Dương Thiệu Chính của Đại học Quý Châu tiết lộ, mỗi năm Đảng Cộng sản Trung Quốc cấp dưỡng cho nhân viên đảng vụ và nhân viên công tác liên quan đảng vụ lên đến 20 triệu nhân dân tệ, hao phí lượng lớn tiền của quốc gia. Nhà trường sau đó đã khai trừ ông với lý do “ngôn luận sai lầm về chính trị”.
Tháng 2/2019, phó giáo sư Đường Vân của Đại học Sư phạm Trùng Khánh do ngôn luận trên lớp nên bị sinh viên tố cáo và bị hủy tư cách giáo viên; trong cùng năm, phó giáo sư Lý Chí của Đại học Khoa học và Kỹ thuật Tứ Xuyên bị cáo buộc có ngôn luận không thích đáng, bị nhà trường xử phạt hành chính, bị điều chuyển chức vụ khỏi Học viện chủ nghĩa Mác mà ông đang nhậm chức; giáo sư Hứa Chương Nhuận của Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh cũng bị đình chỉ vì phát ngôn của mình.
Tháng 5/2020, giáo sư Lâm Kỳ của Đại học Sư phạm Cáp Nhĩ Tân bị cáo buộc chống chủ nghĩa Mác, chống ĐCSTQ, làm nhục anh hùng liệt sĩ Lưu Hồ Lan và thách thức quyền lực pháp luật, nên đã bị nhà trường bãi miễn chức vụ.
Trong cùng năm, phó giáo sư Lã Gia của Học viện Chủ nghĩa Mác thuộc Đại học Thanh Hoa Trung Quốc, bị cáo buộc xa rời chủ nghĩa Mác trên lớp học của mình, còn phủ định chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, phản đối chế độ công hữu, do đó đã bị nhà trường điều tra.
Về hiện tượng tố cáo trong trường học, tờ New York Times từng chỉ ra, Chính phủ Trung Quốc đang biến nơi giảng dạy ở giáo dục bậc cao thành căn cứ của ĐCSTQ, thúc đẩy phong trào mang tính toàn quốc xóa bỏ bất đồng chính kiến, hiện nay người Trung Quốc ai cũng có thể là “cái cào”, điều này tạo ra cảm giác khủng bố không rét mà run, bằng như đi lùi lại thời đại “Cách mạng Văn hóa”.
Lê Tử Hy, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Giáo dục Trung Quốc Đấu tố sinh viên Trung Quốc Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc