Trong những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng ở Trung Quốc đã thu hút sự chú ý rộng rãi, và trong dòng thay đổi xã hội này, một ngành mới tưởng chừng như không mấy dễ thấy – dịch vụ hủy ảnh cưới – đã lặng lẽ xuất hiện.

shutterstock 114352657
(Ảnh minh họa: zhaoyan/ Shutterstock)

Theo tờ Tin tức Bắc Kinh (Beijing News), tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc đã tăng lên kể từ năm 2003. Vào năm này, số trường hợp đăng ký ly hôn trên toàn Trung Quốc lên tới 1,33 triệu, với tỷ lệ ly hôn là 1,05%. Tỷ lệ ly hôn tiếp tục tăng kể từ đó, đạt 2% vào năm 2010. Đến năm 2019, số lượng đăng ký ly hôn lên tới 4,701 triệu cặp, tỷ lệ ly hôn tăng lên 3,4%.

Sau đó, tỷ lệ ly hôn bắt đầu giảm. Năm 2020, có 4,339 triệu vụ ly hôn được đăng ký, giảm 362.000 so với năm 2019 và tỷ lệ ly hôn giảm từ 3,4% xuống 3,1%. Năm 2021, có 2,141 triệu cặp đôi đăng ký ly hôn và tỷ lệ ly hôn giảm xuống còn 2%.

Dữ liệu từ Bộ Dân chính Trung Quốc cho thấy vào năm 2022, toàn Trung Quốc có 6,835 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn và 2,1 triệu cặp ly hôn. Năm 2023, số lượng đăng ký kết hôn trên toàn quốc là 7,68 triệu cặp đôi, số đăng ký ly hôn là 2,593 triệu cặp. So với năm 2021, tỷ lệ đăng đăng ký kết hôn năm 2022 tăng 12,36%, tỷ lệ ly hôn tăng 28,23%. Có thể thấy, tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc những năm gần đây tăng lên đáng kể, số người ly hôn rất lớn.

Hủy ảnh cưới đã trở thành một ngành mới nổi

Tờ Washington Post đưa tin, một công ty đặc biệt có trụ sở tại Lang Phường, tỉnh Hà Bắc đi đầu trong xu hướng này, người sáng lập là Lưu Vĩ (Liu Wei). Ban đầu ông tham gia vào công việc kinh doanh tiêu hủy giấy tờ hồ sơ lưu trữ truyền thống. Tuy nhiên, một cơ hội tình cờ đã giúp ông nắm bắt sâu sắc nhu cầu đặc biệt của những nhóm người đã ly hôn trong việc hủy ảnh cưới. Sau khi khám phá ra thị trường “đại dương xanh” này, ông dấn thân vào con đường khởi nghiệp khác thường.

Trong nửa đầu năm nay, tổng cộng 1.274.000 vụ ly hôn đã được đăng ký tại Trung Quốc. Nhiều người trong số họ đối mặt với vấn đề phải làm gì với những bức ảnh cưới đóng khung của mình, một số bức cao tới 1,5 mét. Khi tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng, ảnh cưới đã trở nên phổ biến. Các cặp đôi thường dành nhiều thời gian để chụp những bức ảnh cưới tinh tế, nhưng sau khi ly hôn, họ lại phải đối mặt với vấn đề xử lý những bức ảnh này.

Ở nhiều thành phố có quy định phân loại rác nghiêm ngặt, người ta không thể tùy tiện vứt ảnh cưới và điều này còn liên quan đến vấn đề quyền riêng tư. Trong quan niệm của một số người, việc đốt ảnh người sống được xem là điều không may mắn.

Vì vậy, ông Lưu Vĩ đã nghĩ ra một giải pháp, trong một đoạn video quảng bá dịch vụ của mình, ông nói: “Hãy gửi cho tôi những bức ảnh, chúng tôi sẽ khiến những thứ này biến mất một cách sạch sẽ như thể chúng chưa từng tồn tại”.

Trong video, khi ông đang nói, một số đồng nghiệp của ông đang giẫm đạp lên một số bức ảnh cưới được đóng khung. Những khung ảnh này được làm từ các vật liệu bền như acrylic, thủy tinh, gỗ và kim loại, chúng rất khó bị phá vỡ ở nhà.

Các video liên quan đã được xem hơn 1 triệu lượt và công việc kinh doanh của Lưu Vĩ ngày càng tốt hơn. Hiện nay, ảnh chiếm hơn 95% số đồ vật ông tiêu hủy, trong đó ảnh cưới chiếm tới 80%. Nhiều bức ảnh được chụp bởi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ở những nơi xa xôi như Tây Tạng và Paris.

Khi gói hàng được gửi đến nhà máy, Lưu Vĩ và nhóm của ông sẽ quay video ghi lại quá trình mở gói, đếm và cân các mặt hàng để xác định giá, sau đó bắt đầu tiêu hủy.

Đối với ảnh, trước tiên họ sẽ phun sơn lên khuôn mặt và các đặc điểm trên cơ thể như hình xăm để bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng. Những vật phẩm không thể đi qua máy nghiền hạng nặng, chẳng hạn như kính cường lực và gỗ, sẽ được đập vỡ bằng búa tạ và các mảnh vỡ được đưa đến nhà máy điện để biến thành nhiên liệu sinh học. Sau đó, ông sẽ gửi cho khách hàng một đoạn video ghi lại toàn bộ quá trình tiêu hủy.

huy anh cuoi 1
(Ảnh: Lưu Vĩ)
huy anh cuoi 2
(Ảnh: Lưu Vĩ)
huy anh cuoi 3
(Ảnh: Lưu Vĩ)
huy anh cuoi 4
(Ảnh: Lưu Vĩ)

Khoảng 80% khách hàng của Lưu Vĩ là phụ nữ và họ đến từ khắp mọi miền ở Trung Quốc. Một số khách hàng cho rằng việc hủy những bức ảnh về cuộc hôn nhân trước của họ giống như một lời chia tay với quá khứ: “Trả tiền cho các chuyên gia để xử lý ảnh là phương án giải quyết có tôn nghiêm nhất và tôn trọng nhất đối với đối phương mà tôi có thể nghĩ ra”.

Lưu Vĩ cho biết ông đã gặp phải nhiều tình huống khác nhau, chẳng hạn như một số khách hàng thay đổi quyết định vào phút cuối. Một ngày năm ngoái, một người đàn ông gửi ảnh cưới của mình và yêu cầu hủy khẩn cấp, nhưng ngày hôm sau anh ta gọi điện và yêu cầu tạm dừng việc tiêu hủy. Một ngày sau, anh lại nhắn tin yêu cầu hủy đơn hàng, nói rằng đã làm hòa với vợ sắp cưới và muốn lấy lại ảnh.

Phản ứng của cư dân mạng

Cư dân mạng bày tỏ nhiều ý kiến ​​khác nhau về việc này: 

“Tôi cho rằng việc tìm người tốn công sức để hủy ảnh cưới cho thấy bạn vẫn còn rất quan tâm và tức giận đối phương, điều đó cho thấy bạn vẫn còn quan tâm đối phương, trong trường hợp này, tốt hơn hết là bạn không nên dễ dàng ly hôn.” 

“Nói chung, bên nào không đóng góp tiền bạc, công sức sẽ bị coi thường hơn bên đóng góp tiền bạc, công sức.” 

“Một số phụ nữ thường nói: ‘Càng đòi nhiều quà đính hôn thì bạn càng có giá trị. Trong lòng người đàn ông càng ít dám ly hôn?’ Tương tự như vậy, hầu hết phụ nữ hầu như không cần phải trả những món quà đính hôn cao, hay gánh chịu chi phí cho đám cưới, và khoản đầu tư vật chất của họ cho cuộc hôn nhân này gần như bằng không, những thứ có được dễ dàng mà không mất gì cả thì có trân quý hay không? Vì thế họ sẵn sàng ly hôn hơn.”

Một số người cũng quan tâm đến ngành này: 

“Ngành này có tỷ suất lợi nhuận cao không? Tôi đang muốn khởi nghiệp.” 

“Khi bạn muốn bắt đầu nghề này, bạn chợt nhận ra rằng có rất nhiều người đã làm rồi.”

Một số người còn cho rằng: 

“Thực sự không cần mua khung ảnh cưới, chỉ tốn diện tích thôi.”

“Tỷ lệ ly hôn cao, ngay cả người nước ngoài cũng biết.”