Tuyên bố “công dân hiến tạng” của ĐCSTQ là một lời nói dối lớn – WOIPFG
- Lý Khiết Tư
- •
Hôm 11/9, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã xuất bản một báo cáo có tựa đề “Mô hình hiến tạng của Trung Quốc là một trò lừa đảo, được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để che đậy tội ác thu hoạch nội tạng từ những người tập Pháp Luân Công”.
Báo cáo này thông qua các cuộc gọi điều tra, để thu thập lượng lớn chứng cứ manh mối và các thông tin liên quan được truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin, đã phân tích một cách chi tiết từ 19 khía cạnh, vạch trần từng lời dối trá được dàn dựng tinh vi của ĐCSTQ nhằm che giấu sự thật về việc thu hoạch nội tạng từ những người tập Pháp Luân Công. Trong đó, việc vạch trần lời dối trá “công dân hiến tặng nội tạng” của ĐCSTQ là chủ đề chính của báo cáo này.
Báo cáo chỉ ra rằng vào ngày 1/1/2015, ĐCSTQ đã tuyên bố ngừng việc sử dụng nội tạng từ các tù nhân bị hành quyết, nói rằng việc công dân Trung Quốc tự nguyện hiến tặng là nguồn nội tạng hợp pháp duy nhất cho việc cấy ghép nội tạng người, đồng thời chỉ định Văn phòng Hiến tặng Nội tạng của Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc chứng nhận và thực hiện. “Điều này nhằm phủ lên vẻ ngoài hợp pháp và nhân đạo cho việc thu hoạch và cấy ghép nội tạng.”
WOIPFG đặt câu hỏi: “Cùng năm khi lần đầu tiên thông báo sử dụng nội tạng do công dân hiến tặng, số lượng ca ghép tạng bất ngờ đạt đến một mức cao mới. Vậy những nội tạng dùng để cấy ghép này đến từ đâu?”
Theo báo cáo, từ tháng 8 đến tháng 9/2018, WOIPFG lần nữa tiến hành một cuộc điều tra toàn diện qua điện thoại đối với các văn phòng hiến tạng ở cấp thành phố và cấp huyện thuộc hệ thống Chữ thập Đỏ Bắc Kinh. Kết quả cho thấy, Văn phòng Hiến tạng Chữ thập đỏ Bắc Kinh vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị trong nhiều năm, còn các Hội Chữ thập Đỏ cấp huyện trực thuộc vẫn chưa thành lập văn phòng hiến tạng.
Ví dụ, báo cáo trích dẫn rằng trong danh sách 178 bệnh viện ghép tạng do Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình Quốc gia của ĐCSTQ công bố hôm 11/2/2018, Bắc Kinh có 23 bệnh viện, với số lượng cấy ghép nội tạng lớn nhất. Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh từng tiết lộ đã hoàn thành hơn 4.000 ca ghép gan và thận mỗi năm.
WOIPFG đặt câu hỏi: “Với nhu cầu cấy ghép tạng lớn như thế, liệu tất cả có phải là ‘hiến tặng tự nguyện của công dân’ như chính quyền Trung Quốc tuyên bố? Nguồn gốc của chúng từ đâu? Tính hợp pháp của nguồn gốc nội tạng này ra sao?”
Ngoài ra, tính đến tháng 12/2023, số lượng người hiến tặng tự nguyện được đăng ký trên toàn Trung Quốc, dựa trên thống kê theo thông lệ quốc tế, chỉ là từ 1.573 đến 3.151 trường hợp. Trong khi con số mà chính quyền công bố là 49.857 trường hợp. Điều này cho thấy có sự chênh lệch rất lớn. Báo cáo cho biết: “Nội tạng hiến tặng từ công dân, như là nguồn duy nhất cho việc ghép tạng, hoàn toàn không thể giải thích được số lượng thực tế đã được ghép, điều này cho thấy các nội tạng được cấy ghép đến từ các nguồn bất hợp pháp khác.”
Trước những lý do trên, WOIPFG tin rằng: “Tuyên bố của ĐCSTQ rằng tất cả các ca cấy ghép nội tạng đều sử dụng nội tạng do công dân hiến tặng là MỘT LỜI NÓI DỐI LỚN.”
Trong báo cáo, WOIPFG đã sử dụng một lượng lớn dữ liệu và bằng chứng để vạch trần thêm các thủ đoạn lừa dối khác, được ĐCSTQ sử dụng nhằm che đậy sự thật về thu hoạch nội tạng, ngoài lời dối trá “công dân hiến tạng” nêu trên.
Thứ nhất, vào ngày 9/3/2006, sau khi tội ác thu hoạch nội tạng sống từ người tập Pháp Luân Công của ĐCSTQ bị phơi bày, đối mặt với việc lần theo dấu vết và các cáo buộc của cộng đồng quốc tế về nguồn nội tạng, ĐCSTQ đã thừa nhận một cách nghiêm túc rằng họ đã thu hoạch một cách có hệ thống nội tạng từ các tù nhân bị hành quyết. Tuy nhiên, số lượng tử tù hạn chế mỗi năm vẫn chưa đủ để đáp ứng số ca cấy ghép nội tạng do ĐCSTQ chính thức công bố.
Thứ hai, vào cuối tháng 9/2012, Bộ Y tế Trung Quốc đã thành lập Tổ chức nhận nội tạng (Organ Procurement Organization, OPO). Trách nhiệm của tổ chức này là khuyến khích hiến tặng, bảo quản nội tạng, nhập và phân phối dữ liệu, lấy nội tạng, vận chuyển nội tạng, cấy ghép nội tạng, xử lý các vấn đề cấy ghép, v.v. Tuy nhiên, WOIPFG phát hiện rằng Chủ tịch danh dự của OPO Hoàng Khiết Phu, Chủ tịch Trịnh Thụ Sâm, Chủ tịch điều hành Diệp Khởi Phát, đều bị nghi ngờ thu hoạch nội tạng sống từ người tập Pháp Luân Công.
Thứ ba, vào ngày 1/9/2013, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình Quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu sử dụng “Hệ thống máy tính phân bổ và chia sẻ nội tạng Trung Quốc (COTRS)” để phân bổ nội tạng. Qua điều tra, WOIPFG kết luận rằng mạng lưới phân phối nội tạng người của ĐCSTQ hoàn toàn không rõ ràng và có vấn đề nghiêm trọng. Do đó, “COTRS được sử dụng như một bình phong để che đậy hoạt động cấy ghép nội tạng bất hợp pháp”.
Thứ tư, sau năm 2015, ĐCSTQ đã nói dối rằng nội tạng từ những người hiến tặng “chết não” đã thay thế “nội tạng từ các tử tù”. Việc xác định “chết não” vẫn chưa được luật hóa ở Trung Quốc, cũng chưa có luật và quy định liên quan nào được thiết lập làm điều kiện tiền đề. WOIPFG tuyên bố rằng các bệnh viện cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ tạo ra “nội tạng từ người chết não”, để cấy ghép và đang “hợp pháp hóa ‘thu hoạch từ người sống’ cực kỳ tàn ác”.
Thứ năm, vào ngày 20/10/2023, Thủ tướng Lý Cường đã chủ trì thông qua “Quy định về hiến và cấy ghép nội tạng người”, có hiệu lực từ ngày 1/5/2024, lần hiệu đính quy định này đã có thêm từ ngữ “hiến tặng”. WOIPFG chỉ ra: “Quy định này khoác lên lớp vỏ bọc hợp pháp ở cấp quốc gia, cho chuỗi ngành công nghiệp tội phạm thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ để phục vụ tầng lớp đặc quyền, kiếm lợi nhuận khổng lồ và giết người theo yêu cầu.”
Ngoài ra, khi hệ thống hiến tạng không thể giải thích được nguồn tạng cấy ghép khổng lồ ở Trung Quốc, ông Hoàng Khiết Phu, người phát ngôn của cơ quan cấy ghép nội tạng Trung Quốc, lại thay đổi cách giải thích, nói nguồn nội tạng thực sự đến từ ICU (đơn vị chăm sóc đặc biệt của bệnh viện), và truyền thông của ĐCSTQ đã vạch trần một số trường hợp nội tạng chợ đen. WOIPFG tin rằng nguồn nội tạng này không rõ nguồn gốc, số lượng thực tế khó xác minh, và “nguồn nội tạng này không đủ để đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường nội tạng quốc gia”.
Trong báo cáo, WOIPFG cũng tiết lộ những hành vi tà ác vượt mức bình thường của ĐCSTQ trong việc lấy nội tạng. Ví dụ, thúc đẩy việc hiến tạng trẻ sơ sinh. Tân Hoa Xã của ĐCSTQ từng đưa tin, người hiến tạng trẻ nhất ở An Huy chỉ mới 10 ngày tuổi.
Một ví dụ khác là thúc đẩy việc hiến tạng ở các trường tiểu học và trung học. ĐCSTQ sử dụng các phương tiện truyền thông để cố tình đánh lừa những thanh thiếu niên chưa trưởng thành trở thành người hiến tạng tự nguyện. Sự kiện khuyến khích hiến tạng đã được tổ chức tại một trường học, và nhiều học sinh đã được khuyến khích ký vào đơn sẵn sàng hiến tạng. Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ sau đó đã đưa tin tuyên truyền về việc này.
Trong những năm gần đây, các trường hợp đáng ngờ về những người hiến tạng “chết não” trẻ tuổi đã xuất hiện tại các bệnh viện. Những bệnh nhân trẻ tuổi dễ dàng bị bệnh viện tuyên bố là “chết não”, và cha mẹ họ được thuyết phục đồng ý hiến tạng con mình.
Theo Lý Khiết Tư, Epoch Times
Xem thêm các bài liên quan:
Từ khóa Mổ cướp nội tạng hiến tạng Thu hoạch nội tạng sống