Có chuyên gia gần đây chỉ ra, tỷ lệ nợ của Chính phủ Đảng Cộng sản Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vượt 100% GDP, cao hơn nhiều so với mức cảnh báo quốc tế là 60% GDP.

PBOC
(Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg qua Getty Images)

Ngày 18/10, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy kiêm Hiệu phó Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc là Lý Kiến Quân (Li Jianjun) đã có bài phát biểu tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Phố tài chính Bắc Kinh 2024 với chủ đề “Ngăn chặn rủi ro hệ thống và duy trì an ninh tài chính”.

Khi đề cập đến quy mô nợ của Chính phủ Trung Quốc trong phát biểu, ông nói rằng tính đến ngày 30/6 năm nay, dư nợ địa phương trên giấy tờ pháp lý là 42,23 nghìn tỷ nhân dân tệ (RMB); nợ đầu tư thành phố và nợ tiềm ẩn là 57,16 nghìn tỷ RMB, tổng cộng tất cả là 99,39 nghìn tỷ RMB; nợ Chính phủ trung ương là 30 nghìn tỷ RMB. So với GDP 126 nghìn tỷ RMB vào năm 2023, tỷ lệ nợ chung của Trung Quốc đã vượt 100%, cao hơn nhiều so với mức cảnh báo quốc tế là 60% GDP.

Quan chức này cho biết thêm, từ góc độ chính quyền địa phương, tỷ lệ nợ của hầu hết các tỉnh ở Trung Quốc đã vượt mức cảnh báo quốc tế là 300%. Trong số đó gánh nặng nợ đặc biệt nặng nề là Thiên Tân, Trùng Khánh, Quý Châu và Cam Túc.

Mới đây Reuters tiết lộ, nhằm thúc đẩy nền kinh tế, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã đưa ra hàng loạt biện pháp kích thích. Tại cuộc họp Thường vụ Nhân đại toàn quốc tổ chức từ ngày 4 – 8/11 có thể họ sẽ thông qua việc phát hành thêm 10 nghìn tỷ RMB trái phiếu trong vài năm tới, trong đó 6 nghìn tỷ RMB trái phiếu sẽ được phát hành trong vòng 3 năm để giải quyết khoản nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương.

Về vấn đề này, blogger tài chính nổi tiếng Xiaocui từng làm việc trong một tổ chức tài chính Trung Quốc, chỉ ra rằng nếu xét thuần túy từ góc độ cứu nền kinh tế Trung Quốc thì phát hành 10 nghìn tỷ trái phiếu kho bạc như vậy là chưa đủ, vì quy mô nợ địa phương, nợ bất động sản… của Trung Quốc quá lớn. Chuyên gia này cho rằng thực tế dù phát hành bao nhiêu cũng không thể giải quyết được vấn đề cơ cấu của nền kinh tế Trung Quốc, bởi vì đây không phải là vấn đề chu kỳ kinh tế mà là vấn đề cơ cấu bộ máy. Cơ quan chức năng ĐCSTQ luôn chỉ thừa nhận vấn đề mang tính chu kỳ, do đó luôn ra giải pháp cho công luận rằng họ điều chỉnh kiểu xử lý vấn đề chu kỳ, từ đó bỏ qua đề cập đến cải cách cơ cấu….

Quy mô nợ địa phương cao hơn nợ trung ương

Bộ trưởng Bộ Tài chính ĐCSTQ là Lam Phật An (Lan Foan) vào ngày 10/9 đã công bố trước Ban Thường vụ Nhân đại “Báo cáo Về quản lý nợ Chính phủ năm 2023”, theo đó tiết lộ rằng số dư nợ theo luật định của Chính phủ ĐCSTQ tính đến cuối năm 2023 là 70,77 nghìn tỷ RMB.

Báo cáo cho thấy, quy mô nợ địa phương cao hơn nợ trung ương: Dư nợ trung ương là 30,03 nghìn tỷ RMB và dư nợ luật định của chính quyền địa phương là 40,74 nghìn tỷ RMB.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài RFA, cố vấn cấp cao Trần Văn Giáp (Chen Wenjia) tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan cho biết, ĐCSTQ chủ yếu sử dụng đầu tư cơ sở hạ tầng làm phương tiện chính để kích thích tăng trưởng kinh tế, khiến chính quyền địa phương phải huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu địa phương để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, do đó làm tăng gánh nặng nợ nần của chính quyền địa phương. Ngoài ra, khi ĐCSTQ đối mặt với các rủi ro suy thoái kinh tế như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dịch bệnh, ĐCSTQ đã chọn cách mở rộng chi tiêu tài khóa để ổn định tăng trưởng kinh tế, dẫn đến quy mô nợ quốc gia tăng dần.

Chuyên gia Trần Văn Giáp cho rằng nền kinh tế Trung Quốc yếu kém, tốc độ tăng trưởng doanh thu tài chính của chính phủ không theo kịp tốc độ tăng trưởng chi tiêu, do đó làm gia tăng gánh nặng nợ nần. Đặc biệt khả năng thu hồi vốn thấp trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội địa phương khiến số nợ nần ngày càng chồng chất. Thêm vào vấn đề hứng chịu bất lợi từ các yếu tố bên ngoài như xung đột thương mại Trung-Mỹ và suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến ĐCSTQ vay thêm nợ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nguy cơ từ nợ địa phương của Trung Quốc

Mạng Tiền tệ Quốc tế (IMI) đưa tin, ông Trương Minh (Zhang Ming) – Phó Chủ nhiệm Phòng thí nghiệm Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc kiêm Viện phó Viện Tài chính thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chỉ ra nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ ĐCSTQ hiện nay là ngăn chặn và giải quyết rủi ro mang tính hệ thống, trong đó rủi ro nợ địa phương là một vấn đề quan trọng.

Ông nói rằng mặc dù nợ chính quyền địa phương đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và chuyển đổi cơ cấu của Trung Quốc, nhưng sự tích lũy quá mức của nợ sẽ gây rủi ro gia tăng trong hệ thống tài chính, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và cũng có thể gây tổn hại đến ổn định tài chính. Quan trọng hơn, nhiều yếu tố đi cùng như vỡ bong bóng bất động sản, sự phân chia quyền lực tài chính giữa trung ương và địa phương đan xen nhau… khiến vấn đề khó giải quyết.

Ngoài ra, nợ địa phương phân bổ không đồng đều ở Trung Quốc, trong đó các tỉnh miền Trung và miền Tây kém phát triển kinh tế thường phải đối mặt với nợ địa phương cao hơn. Hơn nữa, do hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn do các ngân hàng thương mại thống trị, nên vấn đề nợ này có mối liên hệ chặt chẽ với bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại. Nếu không được xử lý đúng cách, vấn đề nợ trong nước bùng phát có thể gây ra rủi ro mang tính hệ thống trong hệ thống ngân hàng. Để giải quyết tốt hơn vấn đề này, trước tiên Trung Quốc phải làm rõ gánh nặng thực sự và sự phân bổ theo khu vực của nợ địa phương; thứ hai là suy ra những rủi ro tiềm ẩn có thể phát sinh khi vấn đề nợ địa phương bùng phát; cuối cùng, trên cơ sở phân tích trên, đề xuất chính sách kê đơn thuốc phù hợp.