Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tiếp tục gia tăng, với mức kỷ lục 11,79 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đang tìm kiếm cơ hội việc làm trong một thị trường việc làm khắc nghiệt, khiến ngày càng nhiều người cảm thấy bi quan về tương lai. Họ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn: chấp nhận một công việc lương thấp, sống dựa vào bố mẹ và trở thành một “đứa trẻ chưa trưởng thành”, hay đơn giản là nằm ườn phó mặc.

Hôm 5/10 tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, nhân viên phát triển phần mềm Thâm Quyến Peter Li (24 tuổi) đã bị sa thải khỏi một công ty Internet hàng đầu vào tháng trước. Đây là công việc đầu tiên của anh sau khi tốt nghiệp đại học. Nguyên nhân là do anh ta không đạt được mục tiêu đặt ra của phòng ban.

Peter Li đã trở thành một trong số những nạn nhân trẻ đang ngày càng đông của thị trường việc làm khắc nghiệt ở Trung Quốc. Về công việc tiếp theo chưa biết sẽ làm ở đâu, anh cho biết có thể phải hạ thấp kỳ vọng về mức lương, cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Peter Li tốt nghiệp vào mùa hè năm 2022. Anh cho biết: “Tôi nghĩ nền kinh tế đúng là đang không tốt. Những người bạn cùng lớp của tôi tiếp tục học thạc sĩ, họ nhận thấy rằng bây giờ tìm việc làm còn khó hơn so với khi tốt nghiệp đại học.“

Ngày 20/9, số liệu chính thức do Cục Thống kê Quốc gia Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố cho thấy, trong tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm thanh niên độ tuổi 16 đến 24 (không bao gồm học sinh đang đi học) đã tăng lên 18,8%, cao hơn mức 17,1% của tháng 7 và 13,2% của tháng 6, một mức cao kỷ lục.

ĐCSTQ đàn áp nhiều ngành nghề, các công ty giảm mạnh tuyển dụng

Sự gia tăng số lượng sinh viên mới tốt nghiệp khiến chuyện tìm việc trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc trì trệ kể từ khi kết thúc chính sách phong tỏa chống dịch COVID-19, đã ảnh hưởng nặng nề hơn đến việc làm của giới trẻ. Trong vài năm qua, ngành công nghệ, Internet, dạy thêm và các ngành khác của Trung Quốc đã tuyển dụng nhiều người trẻ. Tuy nhiên, do sự đàn áp của ĐCSTQ, các công ty này ngay cả bảo vệ bản thân mình cũng khó, nên đã giảm đáng kể quy mô tuyển dụng.

Một cuộc khảo sát của trang web tuyển dụng 51job.com cho thấy, số lượng các công ty tuyển dụng nhiều sinh viên tốt nghiệp năm nay đã giảm xuống chưa đến 30% so với năm ngoái, chủ yếu là do cắt giảm chi phí.

Theo SCMP, tương tự như Peter Li, anh Bai Xiong (24 tuổi) là một nhân viên sản xuất video ở tỉnh Vân Nam, cũng bị sa thải vào cuối tháng trước. “Tất nhiên là tôi không hài lòng với tình hình kinh tế hiện tại vì tôi không thể kiếm được nhiều tiền,” anh nói.

Bai Xiong nói rằng ông chủ của anh đột nhiên cho anh ấy lựa chọn, hoặc bị cắt 25% lương hoặc bị sa thải, và anh đã chọn nghỉ việc. Anh cho biết có thể sẽ phải tìm một công việc để hỗ trợ gia đình, nhưng nhiều công ty đang trở nên thận trọng hơn về mặt tài chính và tránh thử những điều mới để giảm chi phí. 

Nhiều ngành nghề cung cấp việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp thậm chí còn phải chịu thiệt hại nặng nề hơn so với nền kinh tế yếu kém nói chung của Trung Quốc. Ngành bất động sản vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng, giá nhà giảm và các nhà phát triển gặp khó khăn. Ngành này từng có rất nhiều nhân viên môi giới là sinh viên mới ra trường, những người sẽ đưa khách hàng đi khắp thị trấn, trong một ngày họ sẽ giới thiệu cho khách rất nhiều căn nhà đang chờ bán.

Năm ngoái, một số cựu nhân viên của một công ty môi giới hàng đầu đã nói với tuần báo Barron’s rằng họ và nhiều đồng nghiệp trẻ tuổi đang chọn rời công ty vì tình trạng suy giảm doanh số, nghĩa là sau khi chia hoa hồng bán hàng với công ty, họ không thể đủ trang trải cuộc sống.

Tâm lý giới trẻ: Nằm ườn, lười nhác, đứa trẻ chưa trưởng thành

Trong bối cảnh thị trường việc làm khó khăn, những người trẻ tìm được việc làm cũng đang gặp khó khăn. Một nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp cao mang lại cho người sử dụng lao động đòn bẩy. Nhưng ở Trung Quốc, điều này có nghĩa là các công ty buộc nhiều nhân viên trẻ phải làm việc nhiều giờ, vì họ có thể dễ dàng sa thải và tuyển dụng lại những người sẵn sàng làm việc chăm chỉ hơn.

Các mạng xã hội Trung Quốc đã tạo ra nhiều từ thông dụng để mô tả những trạng thái mà giới trẻ phải đối mặt. Ngoài việc “nằm ườn”, còn có “mò cá” (lười biếng, không làm việc nghiêm túc), thậm chí một số người trẻ biến thành “đứa trẻ dở dang” (người thất bại, không trưởng thành, chỉ những người không có công việc, sống dựa vào bố mẹ). Tất cả những điều này cho thấy thái độ bi quan của giới trẻ Trung Quốc về triển vọng tương lai của họ.

Cũng có những bạn trẻ chia sẻ về cuộc sống “nghỉ hưu” ở nông thôn, cho biết họ đã bị sa thải, xin nghỉ việc hoặc không có việc làm gì cả. Nhóm người sinh vào những năm 1990 hoặc 2000 này, tự gọi mình là “những người về hưu”, đã bắt đầu có những kỳ nghỉ dài ngày hoặc thất nghiệp ngay khi còn trẻ.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao sẽ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội

Ông Trương Chí Uy (Zhang Zhiwei), nhà kinh tế trưởng của Baoyin Investment, nói với SCMP rằng tỷ lệ thất nghiệp cao là lý do khiến niềm tin của người tiêu dùng rất thấp, vì cảm thấy cần phải tiết kiệm nhiều hơn, và lo lắng về sự đảm bảo việc làm trong tương lai.

Một nhà phân tích chính trị tại Trung Quốc Đại Lục nói với tờ SCMP rằng lịch sử cho thấy thất nghiệp ở thanh niên là một yếu tố quan trọng trong cuộc cách mạng, hoạt động của sinh viên và tỷ lệ tội phạm ở Trung Quốc. Nhà phân tích yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề.

“Thất nghiệp ở thanh niên là một chỉ số quan trọng về sự phát triển kinh tế, xã hội và triển vọng trong tương lai. Nếu không được xử lý ổn thỏa thì sẽ dẫn đến những vấn đề về mọi mặt của xã hội,” ông nói.

Nhà phân tích cho rằng suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến tư tưởng của học sinh và phụ huynh, dẫn đến những cảm xúc tiêu cực và khiến họ tin rằng xã hội không có tương lai.

Ông nói thêm rằng một số học sinh, sinh viên không còn muốn học nữa, vì họ cho rằng học cũng vô ích.

Bà Chu Vân (Zhou Yun), trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan (Mỹ), nói với Reuters: “Đối với nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc, bằng đại học mang lại triển vọng việc làm tốt hơn, tính lưu động trong xã hội cao hơn, khả năng thăng tiến và triển vọng cuộc sống tươi sáng hơn, nhưng điều này ngày càng trở nên xa tầm tay”.