Ướp xác Mao Trạch Đông, xử tử khẩn cấp tù nhân làm thí nghiệm
Ngày 9/9/1976, sau khi ông Mao Trạch Đông qua đời, chính quyền Trung Quốc đã quyết định ướp xác ông Mao đồng thời xử tử gấp một tù nhân để dùng thi thể người này làm thí nghiệm.
Trong hồi ức “10 năm một giấc mộng”, cuốn hồi ký về cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc, Từ Cảnh Hiền đã tiết lộ nội tình ướp xác ông Mao Trạch Đông của chính quyền Trung Quốc ít được người ngoài biết đến.
Theo thông tin từ cuốn sách thì vào ngày ông Mao Trạch Đông qua đời, đầu tiên tĩnh mạch ông này được tiêm các chất formal, kali axetat, glycerin, rượu và các loại dược vật khác để tránh xác bị phân hủy.
Đồng thời, Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lập tức cử người đi học hỏi phương pháp ướp xác từ các nước khác. Ngày thứ 3 sau khi Mao qua đời, Trung Quốc cử phái đoàn gồm 6 người do ông Lâm Quân Tài, viện Trưởng Viện Y học Bắc Kinh dẫn đầu đến Việt Nam học hỏi cách ướp xác Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng thời gian đó, Thượng Hải vội vã thành lập tổ lâm thời nghiên cứu cách ướp xác do chính tác giả Từ Cảnh Hiền phụ trách.
Một ngày nọ, Bộ trưởng bộ Y tế ĐCSTQ bấy giờ là ông Lưu Tương Bình đã thông báo ở Thượng Hải rằng: “Thượng Hải cần tìm một thi thể mới, ngay khi tử vong lập tức làm một khuôn mặt nạ thạch cao, để lưu tồn lại. Bởi vì di thể được bảo tồn cần phải có một khuôn mẫu tiêu chuẩn ban đầu để so sánh sự biến hóa của thi thể về sau này. Tuy nhiên không thể làm thí nghiệm trên thi thể của Mao nhiều lần được, càng không thể làm khuôn mặt bị tổn hại, cho nên hy vọng Thượng Hải có thể trước tiên thực hiện thí nghiệm trên một thi thể khác.”
Xử tử bằng cách tiêm thuốc độc để giữ thi thể nguyên vẹn cho nghiên cứu
Tác giả Từ Cảnh Hiền kể lại, lúc đó họ quyết định “tòa án lập tức phán tử hình phạm nhân và thi hành ngay, để dùng thi thể tươi mới đó làm thí nghiệm. Vì thế, tôi gọi lão Tiết phụ trách cục công an thành phố và Thành Hổ tìm đến, bố trí nhiệm vụ cực kỳ bí mật này.”
Họ đề xuất, nếu tử hình xử bắn, chảy máu, thì về sau khuôn mặt sẽ có thay đổi. Do đó họ thương lượng với bên pháp y đổi thành tiêm thuốc cho chết. “Sau khi chuẩn bị đầy đủ, chúng tôi cùng với người bên tòa án đến nhà giam đưa tử tù đi xử tử, nhưng không đưa ra pháp trường mà sau khi áp giải lên xe liền cho tiêm thuốc cho chết, nghe nói rằng vừa tiêm vào không bao lâu thì tù nhân lặng lẽ tử vong.”
Trong sách tác giả Từ Cảnh Hiền nói rằng, “xe áp giải trực tiếp đưa thi thể đến nhà hỏa táng Long Hoa, hoàn tất thủ tục chứng tử, thông báo cho viện Y học tốt nhất Thượng Hải phái người đến nhà hỏa táng để tiếp nhận thi thể. Vấn đề khó khăn cuối cùng đã được giải quyết. Có thể nói đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng hình thức tiêm thuốc xử tử, nhưng vào thời điểm đó là hoàn toàn giữ bí mật.”
Những lãnh tụ được ướp xác
Tác giả viết, sau này một góc quảng trường Thiên An Môn được làm thành “nhà kỷ niệm Mao Chủ tịch”, gọi là “công trình số 1”. Nhà nước đầu tư nguồn nhân lực tài lực to lớn, tạo nên một hệ thống công trình để bảo tồn thi thể đó, ngoài ra còn thành lập một viện nghiên cứu khoa học khổng lồ. “
Về phần công tác bảo tồn di thể của mình, Từ Cảnh Hiền cho rằng lần kinh nghiệm đó chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Tuy nhiên nhờ đó mà tác giả biết được một ít nội tình, cũng khiến ông ta suy nghĩ một chút về những điều như: Trừ di thể của Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông được ướp xác ra, trên thế giới còn di thể của một số lãnh tụ Đảng cũng được bảo tồn, đó là:
Georgi Dimitrov, Tổng Bí thư Ban chấp hành Đệ tam Quốc tế Cộng sản.
Klement Gottwald, Chủ tịch Đảng cộng sản Tiệp Khắc, tổng thống Tiệp Khắc
Damdin Sükhbaatar lãnh đạo quân đội nhân dân Mông Cổ.
Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Kim Nhật Thành, Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch nước.
Forbes Burnham, Tổng thống Guyana.
Agostinho Neto, Tổng thống Angola.
Trong sách, tác giả viết: “Hiện tại nếu ai đó có hỏi tôi nhìn nhận việc ướp xác lãnh tụ thế nào, tôi sẽ trả lời là: 1. Không tán thành. 2. Làm hay không, là do nhân dân các nước tự mình quyết định.”
Từ Cảnh Hiền, 1933-2007, là một người có tài ở Thượng Hải. Ông từng là một trong các lãnh đạo của thành phố Thượng Hải. Sau đó vì bị khép tội trong Cách mạng Văn hóa nên đã bị bắt vào năm 1976. Năm 1992 ông được phóng thích. 31/10/2007 Từ Cảnh Hiền ốm mất, hưởng thọ 73 tuổi.
Viên Minh
Xem thêm:
Từ khóa Mao Trạch Đông Ướp xác