Vài mẩu chuyện đời về những người bị Trung Cộng tẩy não ở New York
- Minh Nhật
- •
Anne Yang nhìn chằm chằm vào tin tức trên màn hình máy tính, cô bắt đầu lặng lẽ khóc vì sợ làm phiền đến các đồng nghiệp. Vào thời điểm đó, Anne nhận ra cô không còn có thể phủ nhận điều mà những người bạn Mỹ đã từng cố gắng nói với cô. Chế độ đã lừa dối cô – suốt cả cuộc đời. Mãi khi ấy Anne mới thực sự hiểu. Và cô đau lòng nhận ra mình cũng vô tình tham gia vào sự dối lừa đó.
Mặc dù thụ nhận một nền giáo dục ưu việt hơn so với mặt bằng chung, tốt nghiệp đại học Trung Quốc, được tiếp xúc nhiều với thế giới tự do, nhưng Anne vẫn tin vào những điều mà chế độ rao giảng về lịch sử và thế giới ngày nay. Với cảm giác về cái gọi là “lòng yêu nước”, Anne đã lặp lại những tuyên truyền dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên đất Mỹ.
Câu chuyện của Anne đáng kể vì nó là câu chuyện của rất nhiều người Mỹ gốc Hoa. Và thực tế, câu chuyện ấy đã diễn ra nhiều lần trên khắp thành phố New York.
Một cuộc thảm sát? Đó chắc chắn là “tuyên truyền đế quốc”
Anne Yang đến Hoa Kỳ theo diện học bổng vào năm 1997, sau khi hoàn thành việc học tại Đại học Phúc Đán, Trung Quốc. Cô là người tươi trẻ, sáng tạo và hài hước, đại diện cho một thế hệ thị dân Trung Quốc cởi mở hơn – “thế hệ Internet”.
“Hoặc chí ít – được cho là như vậy”, Anne nhoẻn miệng cười.
Anne háo hức chia sẻ văn hóa của mình với các bạn học người Mỹ. Nhưng những cuộc thảo luận hết lần này đến lần khác sẽ trở nên khó xử khi động chạm đến một chủ đề cụ thể: “Quảng trường Thiên An Môn – 1989”, Anne nói.
Trong tâm trí các bạn học người Mỹ, vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 vẫn còn sống động. Nhiều người Mỹ đang ở độ tuổi trưởng thành vào thời điểm đó. Họ vẫn còn nhớ như in hình ảnh ớn lạnh tràn ngập truyền thông Hoa Kỳ vào năm 1989, mô tả những người biểu tình vô tội là sinh viên Bắc Kinh bị xe tăng bắn hạ và nghiền nát – theo đúng nghĩa đen. Có tới 3.000 người đã bị sát hại vào ngày định mệnh 4/6/1989.
Tuy nhiên Anne nhớ – hoặc tưởng tượng ra – một sự kiện hoàn toàn khác. Nền giáo dục cũng như truyền thông Trung Quốc đã nói với cô những điều trái ngược.
Anne được dạy rằng chính sinh viên đã giết người ở Thiên An Môn. “Sinh viên bạo loạn” đã chiếm lĩnh quảng trường và tấn công những người lính Trung Quốc “vô tội”. Sách giáo khoa Trung Quốc kể rằng những người lính bị sinh viên thiêu chết một cách tàn nhẫn, truyền hình nhà nước thậm chí còn chiếu cảnh quay binh lính bị giết và những chiếc xe tăng bị đốt bởi các sinh viên “bạo loạn”. Truyền thông cho biết chế độ đã “khôi phục trật tự” một cách “khôn ngoan” và hiệu quả.
Và vì vậy mỗi khi chủ đề Thiên An Môn xuất hiện, Anne sẽ nghiêm túc giải thích với bạn bè rằng họ đã “bị lừa dối”. Cô khẳng định người Mỹ đã bị lừa dối bởi “các thế lực thù địch chống Trung Quốc” và “tuyên truyền đế quốc” của Hoa Kỳ.
Không có vụ thảm sát nào từng diễn ra, Anne đã khẳng định như vậy với tất cả mọi người.
“Chúng tôi được dạy rằng chính quyền đã xử lý toàn bộ vấn đề theo cách ‘nhân đạo’ và ‘rộng lượng’. Chúng tôi chưa bao giờ biết chút gì về sự thật. Kể cả ở trường đại học, tôi cũng chưa bao giờ biết được điều gì khác”, Anne tâm sự.
“Giờ đây nhìn lại, thật khó tin khi cả thế giới biết sự thật và chúng tôi, những người ở Trung Quốc, những người gần gũi nhất với các sự kiện đó, lại không biết gì. Thậm chí nhiều năm sau đó cũng là như thế.”
Anne cuối cùng đã khám phá ra sự thật về Thiên An Môn, nhưng đó là phải đến khi một bi kịch khác tương tự ập đến tại Trung Quốc. Lần này, bi kịch ấy gần hơn với Anne, đủ gần để cô hiểu rõ.
Và đó là lý do tại sao những giọt nước mắt chảy dài trên má Anne vào tháng 7/1999, khi cô ngồi trong phòng nghiên cứu của mình tại Hoa Kỳ và đọc các thông tin tới từ Trung Quốc. Lần này tin tức nói rằng nhóm thiền định Pháp Luân Công hiện đã bị cấm vì là một “mối đe dọa” cho “sự ổn định xã hội”.
Anne hiểu đó là điều dối trá. Và cô đau đớn đặt câu hỏi: Còn bao nhiêu điều khác mà chính quyền Trung Quốc của cô đã dạy cô nhưng không đúng với sự thật? Và liệu cô có vô tình tham gia và trở thành một phần của sự dối trá?
Một chiến dịch thông tin sai lệch
Hai năm trước ngày định mệnh đó, Anne và chồng đã quyết định tập Pháp Luân Công, một môn khí công thiền định với các giá trị truyền thống của văn hóa Trung Hoa. Năm 1998, chính quyền Trung Quốc ước tính có khoảng 100 triệu người đang tập môn này ở Trung Quốc. Con số đó chiếm khoảng 8% dân số cả nước.
Vào ngày 20/7/1999, Pháp Luân Công đã gặp phải một “kiếp nạn”. Vì đố kỵ trước sự phổ biến của Pháp Luân Công, lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã ra lệnh cấm môn tập này và phát động một chiến dịch toàn quốc để “tiêu diệt” Pháp Luân Công. Cuộc đàn áp đã sử dụng việc tẩy não, bắt giữ và tra tấn có hệ thống đối với những người theo tập. Chỉ sau một đêm, khoảng 100 triệu đã trở thành “tội phạm” ở Trung Quốc chỉ vì niềm tin của họ.
Nhưng bạo lực chỉ là một trong những vũ khí của chế độ. Đi đầu chiến dịch này là các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. Các chương trình và bài báo phỉ báng Pháp Luân Công đã xuất hiện như một dòng nước gần như vô tận. Họ dán nhãn môn tập là “tà ác”, là “chống Trung Quốc”, gọi những người tập là “lũ chuột” của xã hội, là “tội phạm” hoặc tệ hơn.
Chẳng bao lâu, trong một động thái gợi nhớ đến cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã sử dụng hầu như mọi biện pháp để vận động quần chúng chống lại Pháp Luân Công.
Sách giáo khoa và các bài kiểm tra ở trường – từ tiểu học cho đến đại học – bắt đầu có nội dung chống Pháp Luân Công, mà học sinh phải “học” để lên lớp. Các buổi “chuyển hóa” (tẩy não) đã được thiết lập ở mọi nơi làm việc trên khắp đất nước, và tất cả người tập Pháp Luân Công đều bị buộc phải tham dự. Mục tiêu của chế độ là kiểm soát toàn bộ suy nghĩ của người dân.
Các cơ chế đặc biệt nhanh chóng xuất hiện trong bộ máy. Một cơ quan giống như cảnh sát chìm Gestapo của Đức Quốc xã, “Phòng 610”, đã được thành lập với nhiệm vụ giám sát việc “tiêu diệt” Pháp Luân Công và có quyền lực vượt trên tòa án, cảnh sát, cùng các cơ quan nhà nước khác. Nhân viên của phòng 610 có mặt ở hầu hết các văn phòng chính phủ và đồn cảnh sát. Trong suốt thời gian đó, truyền thông nhà nước tiếp tục tung ra các báo cáo sai sự thật, tô vẽ Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với xã hội – một mối đe dọa mà Đảng Cộng sản “vĩ đại và vinh quang” sẽ đánh bại để khôi phục “trật tự xã hội” ở Trung Quốc.
Một “Thiên An Môn” nữa lại xuất hiện!
Ý nghĩ ấy đến với Anne trong nước mắt khi cô đọc những tin tức tới từ Trung Quốc đại lục. Hai sự kiện đều giống nhau, chỉ khác ở chỗ thay vì đàn áp sinh viên đòi tự do, lần này chế độ xuống tay với những người thiền định ôn hòa.
“Nhưng có bao nhiêu người khác sẽ nhận ra điều đó?”, Anne tự nhủ, và đặc biệt, có bao nhiêu người Mỹ gốc Hoa sẽ nhận ra sự thật giống như cô?
Cỗ máy tuyên truyền ở New York
Theo thời gian, chiến dịch tuyên truyền khổng lồ của chế độ cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu định hình lại dư luận về Pháp Luân Công ở một mức độ nhất định.
Vấn đề này đặc biệt thuận lợi trong các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. Nguyên nhân là vì cộng đồng này hầu như chưa từng tiếp xúc với Pháp Luân Công như người dân tại Trung Quốc. Khi chế độ phát động cuộc đàn áp, nhiều người Hoa ở Mỹ và phương Tây đều không biết gì về Pháp Luân Công. Trong khi đó tại Trung Quốc, mỗi buổi sáng các công viên đều chật kín người tập.
Chính quyền Trung Quốc đã nắm bắt được thực tế đó và nhanh chóng lợi dụng. Chế độ nắm trong tay công cụ cần thiết: phương tiện truyền thông quốc tế dành cho người Hoa ở quốc ngoại.
Bấy giờ theo Jamestown Foundation – một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại tại Washington DC – ba trong số bốn tờ báo tiếng Trung lớn ở Hoa Kỳ “bị chính quyền Trung Quốc đại lục kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp”. Trong khi đó, tờ báo thứ tư “gần đây đã bắt đầu cúi đầu trước áp lực từ chính quyền Bắc Kinh”.
Chiến dịch tuyên truyền thường xuyên xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo Hoa ngữ trên khắp nước Mỹ. Ví dụ, chỉ riêng ở thành phố New York, một tờ báo Trung Quốc như vậy đã đăng hơn 300 bài báo tuyên truyền giả dối trong thời gian 3 năm. Những câu chuyện “tin tức” này miêu tả người tập Pháp Luân Công là “tội phạm”, “kẻ giết người”, “cặn bã”, v.v..
Ngôn luận ấy đã ăn sâu và ngấm dần theo thời gian. Trung Quốc đại lục chìm trong tuyên truyền chống Pháp Luân Công, trong khi báo chí và truyền thông Trung Quốc ở Mỹ cũng tiếp bước đồng nghiệp ở quê nhà. Nhiều người Mỹ gốc Hoa đã tiếp nhận góc nhìn “tẩy não” về Pháp Luân Công, một số người Mỹ gốc Hoa thậm chí còn tỏ thái độ thù hận rõ ràng.
Đáng ngạc nhiên nhất có lẽ là việc những người Mỹ gốc Hoa thụ nhận nền giáo dục ưu việt hơn – những người giống Anne – cũng không thể nhận ra rằng họ đã bị tẩy não.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gieo rắc lòng căm thù vào những ngôi nhà và những công sở ngay tại thành phố New York!
“Kẻ thù số một”
Một người Mỹ da trắng cao to vạm vỡ có lẽ không phải là “kẻ thù số một” trong tuyên truyền của Trung Quốc. Tuy nhiên Scott Chinn, một công dân New York, đã từng thực sự cảm thấy như vậy.
Mùa thu năm 2004, một người đồng nghiệp Trung Quốc trong công ty truyền thông New York mà Scott làm việc đã phản ứng hết sức gay gắt khi biết Scott tập Pháp Luân Công.
Một ngày nọ khi Scott ăn trưa với đồng nghiệp, cuộc trò chuyện đã chuyển sang chủ đề Pháp Luân Công. Ở đầu bàn bên kia, Jane Zhu (hóa danh), một nhân viên hợp đồng làm việc trong nhóm đã “bùng nổ”. Jane hét lên, “Cái gì? Anh tập á? Thật không thể tin được!” Với khuôn mặt đỏ bừng vì tức giận, Jane đứng dậy và lao ra khỏi quán cà phê, bỏ lại tất cả mọi người trong một bầu không khí im lặng vì quá bất ngờ.
“Mọi người đều khá sốc trước phản ứng của cô ấy”, Scott nhớ lại, “nhưng tôi đã từng thấy những phản ứng tương tự. Tôi đã làm rất nhiều công việc tình nguyện để ngăn chặn các hành vi vi phạm nhân quyền đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và tôi từng bắt gặp những người tự cho mình là người Trung Quốc ‘yêu nước’, và vì ‘yêu nước’ mà ghét Pháp Luân Công.”
“Điều quan trọng ở đây là”, Scott giải thích, “chính quyền Trung Quốc không chỉ bịa ra rất nhiều câu chuyện để ma quỷ hóa Pháp Luân Công, mà còn làm lẫn lộn khái niệm Trung Quốc với Đảng cộng sản Trung Quốc. Theo cách đó, bất cứ khi nào Đảng dán nhãn ai đó hoặc một nhóm nào đó là ‘kẻ thù’, người Trung Quốc đã thật sự nghĩ rằng đó là kẻ thù của Trung Quốc, hay nói rộng ra, là kẻ thù của bản thân họ.”
Việc bị một đồng nghiệp giận chỉ vì tín ngưỡng của bản thân là điều phiền phức, nhưng Scott cảm thấy lo lắng cho Jane hơn. “Thử nghĩ bạn ghét ai đó chỉ vì đức tin của họ, và cùng chỉ đơn giản là vì tuyên truyền của chính quyền”, Scott giải thích. “Điều thực sự đáng buồn là, theo tôi được biết, Jane thậm chí chưa bao giờ gặp một người tập Pháp Luân Công… cô ấy chưa bao giờ thử đọc các sách Pháp Luân Công, và chắc chắn cô ấy chưa bao giờ nói chuyện với tôi về điều đó… Tất cả chỉ là sự căm hận và giận dữ… Chúng đến từ đâu? Chúng hoàn toàn dựa trên những gì chính quyền Trung Quốc đã tuyên truyền.”
Lần thứ hai Scott gặp phải sự việc này là khi nhóm của anh đang ăn mừng buổi ra mắt sản phẩm tại một quán bar và chủ đề Pháp Luân Công lại xuất hiện. Lần này khi Jane tình cờ nghe thấy cuộc nói chuyện, cô đã hét lên trước cả nhóm, “Pháp Luân Công là tà ác!” rồi hầm hầm đi ra khỏi quán.
Vẻ mặt của các đồng nghiệp lúc ấy hẳn là đã có tác dụng. Trong ngày hôm sau, Jane xấu hổ đến gặp Scott và xin lỗi. Cô tâm sự, “Tôi không biết điều gì đã xảy ra với bản thân nữa… Tôi biết đó chỉ là tuyên truyền của Cộng sản.”
Sâu thẳm trong tâm trí Jane là quan điểm của Đảng đối với Pháp Luân Công, đó là thứ mà cô không thể kìm chế. Nó đã tồn tại và vẫn nhảy ra, cứ như thể là một thứ gì đó đang sống. Mặc dù ở một mức độ nào đó, cô ý thức được điều này, ý thức được rằng sự hận thù đó đã bị hằn sâu vào suy nghĩ của mình.
“Vì thế bạn có thể tưởng tượng cách một số người Mỹ gốc Hoa phản ứng khi họ thậm chí còn không biết rõ đó là sản phẩm của tuyên truyền”, Scott chia sẻ.
Nói về cuộc đàn áp Pháp Luân Công là một “âm mưu”
Kent Konkol, nhà quản lý danh mục đầu tư 34 tuổi tại một ngân hàng, cũng đồng cảm với Scott.
Vào mùa xuân năm 2001, Kent nhận được một email khó hiểu từ đồng nghiệp người Trung Quốc của anh, Charles Liu (hóa danh). Nội dung email tấn công Pháp Luân Công và nhắc lại nhiều tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc. Sau đó Kent biết rằng tất cả mọi người đều nhận được email tương tự vì một đồng nghiệp khác đã hỏi Charles về việc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Bất chấp nội dung của email, Kent đã cảm thấy tò mò về Pháp Luân Công và thử tìm hiểu sâu hơn, đọc và thử tập môn này.
Tuy nhiên, mãi đến mùa xuân năm 2004, Kent và Charles mới có dịp trò chuyện về chủ đề Pháp Luân Công. Kent nói rằng anh đã thử học Pháp Luân Công và thấy môn này rất có lợi. Charles, mặc dù lịch sự, đã thể hiện ý kiến phản đối gay gắt. “Anh ấy phản đối những điều mà anh ấy cho là ‘giáo lý’ của môn này. Nhưng tôi nhận ra khá rõ ràng rằng anh ấy chẳng hề biết gì về Pháp Luân Công. Anh ấy đã hoặc là có ý thức, hoặc là vô ý thức, mà tiếp nhận và tin vào những gì chính quyền Trung Quốc tuyên truyền về Pháp Luân Công.”
Không lâu sau đó, Charles đã thể hiện sự phản đối của anh rõ ràng hơn, lần này là trước toàn bộ nhân viên sàn giao dịch.
Kent đã bắt đầu cung cấp một tờ báo miễn phí tại công ty, một tờ báo báo cáo về các vấn đề của Trung Quốc, bao gồm cả cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Kent rất thích tờ báo này vì cách đưa tin của nó hết sức thẳng thắn.
Tuy nhiên Charles nhìn nhận hành động của Kent theo một cách khác. Anh đã tới bàn làm việc của Kent để đối đầu với đồng nghiệp.
“Anh ấy nghĩ rằng vì tờ báo đưa nhiều tin về Pháp Luân Công, nên đây là một âm mưu hay điều gì đại loại như thế. Anh ấy tiếp tục bày tỏ một loạt các ý kiến tiêu cực về Pháp Luân Công mặc dù chúng hoàn toàn không có cơ sở”, Kent nhớ lại.
Sự tức giận của Charles là hết sức rõ ràng, đến mức sau đó sếp phải gọi cả Kent và Charles vào để hỏi xem điều gì đã khiến Charles khó chịu đến thế.
“Vấn đề đã được giải quyết một cách thân thiện, nhưng câu chuyện này đã chứng minh mức độ tuyên truyền sâu rộng của chế độ cộng sản Trung Quốc…, chứng minh rằng chế độ có thể tác động đến suy nghĩ của người Trung Quốc về Pháp Luân Công ở cấp độ nào – điều đó đã xảy ra ngay cả ở thành phố New York”, Kent chia sẻ.
Hy vọng
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã truyền bá mạnh mẽ tuyên truyền thù hận của chế độ tại New York. Họ đã tổ chức các cuộc mít-tinh ở phố Tàu, tổ chức các cuộc hội thảo, dựng các màn hình tuyên truyền trong lãnh sự quán, mua lại và gây sức ép với các phương tiện truyền thông bằng tiếng Trung, và thậm chí gửi thư cho các quan chức chính quyền địa phương. Tất cả đều nhằm mục tiêu bôi nhọ Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, Anne Yang vẫn hy vọng.
Anne nói rằng cô nhìn thấy chính bản thân trong rất nhiều người Trung Quốc xung quanh, cô nhìn thấy bản thân của nhiều năm về trước.
“Họ giống hệt như tôi trước đây”, Anne nhận xét. Và mặc dù lần này chủ đề không phải là về sự kiện Thiên An Môn, Anne chia sẻ: “Cứ như thể chúng ta đang đi theo cùng một kịch bản đó, và tôi nghĩ rằng đó là âm mưu của Đảng Cộng sản.”
Anne hy vọng rằng những người đồng hương Trung Quốc của cô ở Hoa Kỳ có thể tiếp cận với nhiều thông tin hơn, những “thông tin bị chặn ở Trung Quốc”.
“Lời khuyên của tôi cho tất cả mọi người rất đơn giản: hãy tự mình tìm hiểu thay vì nghe tuyên truyền”, Anne nói. “Ở Mỹ, chúng ta có thể làm điều đó.”
Theo Faluninfo.net
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa cuộc sống sau bức hại đàn áp Pháp Luân Công