Viện Khổng Tử bị đóng cửa, Bắc Kinh mở Xưởng Lỗ Ban lôi kéo các nước đang phát triển
- Bình Minh
- •
Ngày nay, các Viện Khổng Tử của Trung Quốc đã bị đóng cửa ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng theo báo cáo của VOA, “Xưởng Lỗ Ban” – trung tâm đào tạo kỹ thuật và dạy nghề của Trung Quốc, đang tiến vào các quốc gia dọc theo “Vành đai và Con đường”.
Theo phân tích của các chuyên gia, Bắc Kinh đang muốn có thêm không gian chính trị bằng cách lôi kéo các nước đang phát triển.
Viện Khổng Tử thường xuyên bị cộng đồng quốc tế chất vấn, vì họ nhân danh quảng bá tiếng Trung, nhưng thực chất lại xuất khẩu tư tưởng của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ). Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu đã lần lượt ngừng hợp tác với họ.
Ngày 6/11, VOA đưa tin, khi Viện Khổng Tử ngừng hoạt động, một trung tâm đào tạo kỹ thuật và dạy nghề của Trung Quốc có tên “Xưởng Lỗ Ban”, được đặt theo tên của Lỗ Ban, một nghệ nhân nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, đã tiếp quản và mở cửa tại các nước dọc theo “Vành đai và Con đường”.
Ví dụ, ở Nam Á, sinh viên Thái Lan học về công nghệ điện tử ứng dụng từ các giáo viên của Học viện Dạy nghề và Kỹ thuật Bột Hải Thiên Tân ở Trung Quốc. Tại Mali, quốc gia ở Tây Phi, sinh viên học về y học cổ truyền Trung Quốc từ các giáo viên của Trường Cao đẳng Y tế Thiên Tân.
Tại Djibouti, quốc gia ở Đông Phi, các giáo viên từ Học viện Dạy nghề Đường sắt Thiên Tân, đã dạy cho sinh viên địa phương kiến thức về công nghiệp và thương nghiệp. Ở châu Âu, các đầu bếp Trung Quốc đã đến Anh để dạy sinh viên cách làm các món ăn Trung Quốc chính thống.
Báo cáo chỉ ra rằng kể từ khi Trung Quốc thành lập Xưởng Lỗ Ban đầu tiên tại Thái Lan vào năm 2016, đến nay nước này đã mở 25 xưởng tại 19 quốc gia trên thế giới.
Trên thực tế, phương thức mở cửa Xưởng Lỗ Ban và Viện Khổng Tử về cơ bản là giống nhau: Các trường dạy nghề và kỹ thuật của Trung Quốc tìm đối tác tại địa phương, họ sẽ mở các khóa học tại các trường địa phương, dạy các công nghệ liên quan theo tiêu chuẩn của Trung Quốc. Khi sinh viên tốt nghiệp sẽ vào làm việc trong các dự án tại đây.
Ví dụ, Xưởng Lỗ Ban ở Thái Lan đã mở 2 chuyên ngành: Công nghệ bảo trì đường sắt cao tốc và điều khiển tự động tín hiệu đường sắt, nhằm hợp tác với dự án đường sắt cao tốc “Vành đai và Con đường” mà Trung Quốc đầu tư 7 tỷ USD tại đây.
Tại Nước Cộng hòa Djibouti ở Đông Phi, Xưởng Lỗ Ban chuyên về quản lý và vận hành đường sắt, đồng thời phục vụ dự án “Vành đai và Con đường”, tức Đường sắt Châu Á- Djibouti do các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng.
Ngoài ra, dọc theo những tuyến đường sắt hợp tác với một trong các dự án “Vành đai và Con đường”, như đường sắt tiêu chuẩn Mombasa – Nairobi (SGR, nối từ thủ đô Nairobi đến thành phố cảng Mombasa dài 480km của quốc gia Đông Phi Kenya) và đường sắt Hungary-Serbia, Xưởng Lỗ Ban cũng cung cấp các khóa học về tự động hóa, rô bốt công nghiệp, đường sắt, ô tô, công nghệ bảo trì đường sắt cao tốc EMU, máy móc, thông tin điện tử và năng lượng mới ở các nước.
Xưởng Lỗ Ban do chính quyền Thiên Tân điều hành, nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại nhiều lần đề cập đến vấn đề này trong các dịp quốc tế.
Tại lễ khai mạc Diễn đàn hợp tác Trung – Phi năm 2018, ông Tập Cận Bình đã đề xuất thành lập 10 Xưởng Lỗ Ban tại Châu Phi. Năm nay khi gặp lãnh đạo nhiều nước Trung Á, ông Tập cũng đề cập đến việc xây dựng các Xưởng Lỗ Ban tại những nước này.
Xưởng Lỗ Ban cho phép Bắc Kinh lôi kéo các nước đang phát triển
Ông Dirk van der Kley, nhà nghiên cứu tại Học viện Quản lý Toàn cầu thuộc Đại học Quốc gia Úc, chỉ ra rằng Xưởng Lỗ Ban có thể định hình những câu chuyện về hành vi của nước chủ nhà Trung Quốc, giúp Trung Quốc có nhiều cơ hội hơn cho các hoạt động chính trị.
Mặc dù Xưởng Lỗ Ban do chính quyền Thiên Tân điều hành, nhưng trong cuộc gặp với các nguyên thủ nước ngoài, ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc cũng thường xuyên đề cập đến hệ thống đào tạo nghề này. Điều này cho thấy dường như chương trình này có sự hỗ trợ của chính quyền trung ương.
Ông Van der Kley cho biết, đây cũng là sự cân nhắc về địa kinh tế (đặc điểm địa lý ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế), khiến các dự án của Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn. Theo thời gian, Bắc Kinh đương nhiên sẽ trở thành đối tác được lựa chọn của các quốc gia sở tại này, và giúp sinh viên địa phương quen thuộc hơn với công nghệ Trung Quốc.
Ngoài ra, một số chuyên gia tin rằng Xưởng Lỗ Ban sẽ đưa Trung Quốc đến gần hơn với các nước đang phát triển, do đó họ có được lợi thế địa kinh tế.
Ông Jonathan Sullivan, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Trung Quốc đương đại, thuộc Đại học Nottingham của Anh, tin rằng không thể đổ lỗi cho các nước đang phát triển trong việc chấp nhận nguồn tài nguyên của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc là nhà cung cấp duy nhất, thì đương nhiên họ sẽ chấp nhận tài nguyên của Trung Quốc. Ông nói rằng cách tốt nhất là thế giới phương Tây có thể đưa ra một dự án tương tự như Xưởng Lỗ Ban để cạnh tranh lành mạnh.
Ngày 15/6, “Hiệp hội Các học giả Quốc gia Hoa Kỳ” đã công bố một báo cáo chỉ ra rằng trong 4 năm qua, trong 118 Viện Khổng Tử tại các trường đại học Mỹ, có 104 viện đã đóng cửa.
Tuy nhiên, các Viện Khổng Tử ở hầu hết các trường học đã được chuyển đổi thành các trung tâm học tiếng Trung trong các trường đại học, không có gì thay đổi, ngoại trừ cái tên.
Ngày 6/11, một blogger nổi tiếng ở Trung Quốc Đại Lục, nói với Epoch Times rằng dù Viện Khổng Tử có thay đổi tên gì đi nữa, thì đó cũng là một phần công khai của ĐCSTQ, và là công cụ để ĐCSTQ thâm nhập vào nền chính trị dân chủ của phương Tây.
Ông nói, do sự ngây thơ của các chính trị gia, đặc biệt là trí thức phương Tây, ĐCSTQ đã sử dụng văn hóa, con bài quyền lực mềm, để làm nhiều chuyện dơ bẩn và xấu xa, đe dọa nghiêm trọng đến lý tưởng giáo dục và các giá trị phổ quát của phương Tây.
Ngày 6/11, Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Chongyi Feng) thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Úc nói với Epoch Times rằng để mở rộng kế hoạch công khai của mình, ĐCSTQ đã trực tiếp mua chuộc các chức sắc của nước sở tại, và sử dụng một loạt các phương pháp tham nhũng để gây ô nhiễm thế giới.
“Họ đã gây ô nhiễm cả thế giới trên diện rộng bằng những hành vi tham nhũng. Lãnh đạo nhiều nước dọc ‘Vành đai và Con đường’ đều bị họ mua chuộc, như đưa con cái, người thân sang Trung Quốc du học với học bổng cao, ra trường vẫn được làm thuê với mức lương cao, và chuyên đầu tư một vài dự án ở quê hương của các vị tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng này.”
Ngày 7/11, Phó giáo sư Lý Nguyên Hoa tại Học viện Khoa học Giáo dục, thuộc Đại học Sư phạm Thủ Đô ở Úc, nói với Epoch Times rằng sự xâm nhập của ĐCSTQ có mặt ở khắp nơi. Ngoài các tổ chức hoặc doanh nghiệp như Viện Khổng Tử và Xưởng Lỗ Ban, Đại sứ quán Trung Quốc còn phân khu quản lý các hội đồng hương và thương mại người Hoa tại nước ngoài, đây là những tổ chức mở rộng của ĐCSTQ.
Phó giáo sư nói rằng ĐCSTQ trực tiếp xuất khẩu quyền lực chính trị ra nước ngoài, và phá hoại luật pháp của nước sở tại. Hiện nay một số nước đã nhận ra mối đe dọa của ĐCSTQ, nhưng một số nước thì không.
Từ khóa Viện Khổng Tử Tuyên truyền của ĐCSTQ Xưởng Lỗ Ban