Xuất hiện “làn sóng khóc vì thất nghiệp” trên mạng xã hội Trung Quốc
- Thái Tư Vân
- •
Gần đây, các chủ đề liên quan đến thất nghiệp đã trở nên phổ biến trên các nền tảng xã hội như Douyin và Xiaohongshu của Trung Quốc. Nhiều người chia sẻ trải nghiệm của họ về điều này. Có người khóc về những khó khăn của cuộc sống, có người phàn nàn về sự bất công ở nơi làm việc, có người bày tỏ sự bất lực và tức giận.
Gần đây, nhiều thanh niên Trung Quốc phàn nàn về việc bị sa thải và thất nghiệp trên các nền tảng xã hội như WeChat, Douyin, Kuaishou và Xiaohongshu.
Cách đây vài ngày, một phụ nữ khoảng 30 tuổi đã đăng video lên Douyin khóc rằng: “Tôi thất nghiệp rồi, có lẽ tôi không thể sống nổi nữa. Hôm nay tôi mới làm thủ tục từ chức. Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của tôi.
Người ta nói rằng năm 2024, nhiều công ty lớn sẽ sa thải nhân viên, không ngờ tôi cũng nằm trong số đó. Sáng nay tôi còn vui vẻ đi làm, nhưng đến chiều sếp lại họp khẩn và thông báo với mọi người, rằng công việc trong ngày đã kết thúc.”
Cô cũng cho biết: “Một đồng nghiệp nữ vừa mới sinh đứa con thứ hai, mọi người đều nói rằng tìm việc làm rất khó khăn. Tôi nghĩ đến những chi phí cố định hàng tháng của mình như trả tiền vay mua nhà, điện nước, đồ ăn và thanh toán thẻ tín dụng. Chi phí cố định hàng tháng hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 35,4 triệu VNĐ), đột nhiên thất nghiệp khiến tôi trở tay không kịp.”
Cư dân mạng Vương Hải Hoành cho biết: “Tôi năm nay 50 tuổi. Cách đây 27 năm, tôi từ một nơi nhỏ ở Giang Tô đến Thượng Hải làm việc. Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi đã mua được nhà xe và lập gia đình. Tôi nghĩ rằng sẽ có thể tiến lên một cách vững chắc trên con đường sự nghiệp ở tuổi trung niên.”
Không ngờ, công ty đột nhiên sa thải nhân viên, và mong muốn của ông đã tan thành mây khói. Ông nói: “Việc sa thải đang thực sự xảy ra với tôi. Tương lai bấp bênh giống như một ngọn núi đè nặng, không biết phải bắt đầu từ đâu.”
Vào tháng 9, một nữ sinh đại học khóc trên mạng: “Tôi thực sự không thể chịu đựng được nữa.”
“Điều hối tiếc nhất trong đời tôi từng làm là vào đại học. Tôi đã tiêu hết tiền tiết kiệm của gia đình để đi học đại học, lấy bằng tốt nghiệp, nhưng dường như nó chỉ là một tờ giấy.”
“Ba ngày rồi tôi không ăn gì, đói quá không ngủ được.”
🔥 2024届大学生哭诉「我真的挺不住了」|8月份中国失业率再创今年新高|「我这辈子做过最后悔的事就是上大学,掏空家里所有积蓄上大学,得到一张文凭却似废纸」|「三天没吃饭了,饿得睡不着」‼️ pic.twitter.com/Zgfz1mXMHV
— 海外爆料 (@zhihui999) September 29, 2024
Người đàn ông thất nghiệp ở Chiết Giang suy sụp và khóc trên đường
Vào tháng Tám NetEase đưa tin, một người đàn ông ở Chiết Giang đang lang thang trên đường vào lúc nửa đêm. Đang đi, anh đột nhiên gục xuống và khóc lớn. Những người tốt bụng đã đến bày tỏ sự quan tâm và chia buồn về những rắc rối mà anh gặp phải.
Người đàn ông cho biết có hai con, vợ anh ở nhà chăm con toàn thời gian. Trước đây, hàng tháng nhận lương anh đều chuyển chi phí sinh hoạt về nhà đúng hạn, gia đình anh cũng phải chi tiêu rất nhiều.
Thật bất ngờ, gần đây hiệu quả hoạt động của đơn vị rất kém và bắt đầu sa thải nhân viên, trong đó có anh. Sợ vợ lo lắng, anh không dám nói thật với cô, nên chỉ có thể nhanh chóng tìm việc làm. Tuy nhiên, hiện giờ tìm việc làm cũng rất khó khăn. Anh đã hơn 40 tuổi và không có kỹ năng gì, do đó luôn gặp khó khăn trong các cuộc phỏng vấn.
Hôm nay, anh đến một nhà máy ở xa để phỏng vấn. Đối phương yêu cầu đợi thông báo, nhưng trong thâm tâm anh biết khả năng nhận được thông báo là rất nhỏ.
Trên đường về trời đã tối, anh chưa ăn gì thì nhận được điện thoại của vợ giục chuyển tiền sinh hoạt. Anh không thể kể sự thật, nên chỉ nói rằng lát nữa sẽ chuyển.
Sau khi cúp điện thoại, anh không kiềm chế được cảm xúc, vừa đi vừa bật khóc. Anh cảm thấy mình không thể trụ được và không còn hy vọng gì.
Rất nhiều người đã mất việc và không tìm được việc làm trong nhiều tháng. Cuộc sống gia đình căng thẳng đến nghẹt thở. Một số người tự tử vì không thể chịu đựng được, trong khi những người khác trút giận bằng cách trả thù xã hội.
Thị trường trực tuyến ì ạch, Tencent và Alibaba sa thải hàng loạt nhân sự
Truyền thông Pháp RFI đưa tin, Tencent và Alibaba đã tiến hành sa thải quy mô lớn trong những năm gần đây. Từ năm 2022, Tencent đã bắt đầu sa thải nhân viên, tính đến năm 2024, công ty đã sa thải khoảng 10% nhân viên của mình.
Alibaba cũng sa thải 14.369 nhân viên trong quý đầu năm nay, và 6.729 nhân viên khác trong quý 2, nâng tổng số người sa thải trong năm nay lên hơn 20.000 người.
Năm nay, số lượng sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đạt 11,7 triệu người. Được biết, tỷ lệ có việc làm thực tế của sinh viên đại học năm nay là khoảng 50%, thấp hơn năm ngoái. Nhiều công ty đang sa thải nhân viên lớn tuổi.
Thất nghiệp dành thời gian trong thư viện
Những năm gần đây, một nhóm “người vô gia cư mới” xuất hiện tại các thành phố của Trung Quốc. Hầu hết họ đều thất nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mạng. Để giữ thể diện, họ dành cả ngày trong thư viện, sống dựa vào tiền tiết kiệm cho đến khi tìm được công việc mới.
Trong video WeChat, nhiều bạn trẻ không tìm được việc làm cho biết, họ thường đến Starbucks hoặc thư viện, tránh để gia đình biết mình đang thất nghiệp.
Thất nghiệp ở Trung Quốc chưa đến thời điểm nghiêm trọng nhất
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do, ông Thái Thận Khôn, một nhà bình luận tài chính cấp cao, cho biết vấn đề thất nghiệp hiện nay của Trung Quốc vẫn chưa đến mức tồi tệ nhất.
Ông nói: “Tôi nghĩ vấn đề thất nghiệp sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Hiện nay nhiều người đang khóc trên các nền tảng Douyin, Kuaishou và Xiaohongshu. Tất nhiên, một số người làm vậy để thu hút lưu lượng truy cập, nhưng một lượng lớn người dân đang phản ánh hiện trạng chân thực. Đây là sự phản ánh cơ bản về tình trạng thất nghiệp của Trung Quốc.”
Ông tin rằng số lượng thất nghiệp lớn không chỉ phản ánh tình trạng khó khăn hiện tại của thị trường lao động Trung Quốc, mà còn bộc lộ sự quan tâm và lo lắng của xã hội về tình trạng thất nghiệp.
Ông nói, hiện nay Chính phủ Cộng sản Trung Quốc không thể đầu tư tiền để kích thích nền kinh tế và cứu doanh nghiệp. Hiện các công ty không sẵn lòng đầu tư và không có kênh đầu tư nào tốt hơn.
Thái Tư Vân / Vision Times
Từ khóa Giới trẻ Trung Quốc Làn sóng thất nghiệp thất nghiệp ở Trung Quốc Thanh niên Trung Quốc