10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ VII: Ngư tiều vấn đáp
- Cao Sơn
- •
Cổ nhạc Trung Hoa bao gồm những nhạc khúc cổ, tiêu biểu của nền văn hóa truyền thống, gắn liền với những điển tích, điển cố khác nhau. Đằng sau mỗi nhạc khúc đều là các giai thoại thú vị.
Nghe nhạc khúc mà không biết câu chuyện đằng sau, thì tất yếu không thể đi đến tận cùng cái đẹp của khúc ý, cũng không thể thưởng thức được trọn vẹn cái hay của khúc nhạc, nhất là đối với “Trung Hoa thập đại danh khúc” – 10 khúc nhạc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.
- Xem loạt bài tại đây
“Ngư tiều vấn đáp” là một danh khúc cổ cầm nổi tiếng của Trung Hoa. Tra cứu di phổ từ xưa thì có chỉ quyết (phương pháp ngón đàn) mà không có âm văn (lời ca), khảo cứu cầm sử thì có văn âm mà không có chỉ quyết. Người đời sau phối văn âm vào phổ để cho người đàn, người nghe biết được cái phong vị, vận điệu thanh cao ở trong khúc. Thích ngư tiều, vui với giang sơn, làm bạn với cá, tôm, hươu nai, đối với trăng thanh gió mát, cả ta và người cùng quên. Sự vi diệu ấy những kẻ tầm thường chết vì lợi lộc sao có thể biết được?
Trong “Cầm học sơ luật” có bàn về “Ngư tiều vấn đáp” như sau: “Ý nhạc thâm trường, tinh thần tiêu sái, mà lại có sự hùng vĩ của núi non, mênh mông của sông nước, tiếng chan chát của búa, tiếng sóng chèo thuyền, ẩn hiện dưới ngón tay.” Do sự chuẩn xác, sinh động của hình tượng âm nhạc, nên gần mấy trăm năm qua “Ngư tiều vấn đáp” vẫn được lưu truyền rộng rãi trong giới nghệ sĩ cổ cầm. Sau này Dương Biểu Chính đã hiệu đính nhạc phổ, phối thêm ca từ. Vào thời nhà Thanh các cầm gia lại lược bớt đi ca từ, đem giai điệu thay đổi đi một chút, trở thành khúc nhạc khí độc lập. Nhạc khúc này ưu mỹ thanh thoát, dựa vào giai điệu theo hình thức đối đáp, miêu tả cuộc đối thoại giữa ngư phu và tiều phu.
Nhạc khúc này khi lưu truyền qua các thời đại khác nhau có tới hơn 30 phiên bản, có bản còn có thêm cả ca từ. Bản nhạc tồn tại hiện nay được biết đến nhiều nhất từ cuốn “Hạnh Trang Thái Âm tục phổ” thời nhà Minh do Tiêu Loan biên soạn, còn bản phổ thì có nhiều loại.
Ngư tiều
Đại biểu cho “ngư” nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa là Nghiêm Tử Lăng thời Đông Hán. Vào thời còn trẻ ông là bạn học của Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú. Lưu Tú sau khi lên làm hoàng đế thì Nghiêm Tử Lăng đổi tên họ giấu mình ở ẩn. Quang Vũ Đế nhớ bạn là người hiền tài, nên cho người tìm khắp nơi. Sau một người nước Tề dâng thư báo rằng, có người bận áo lông dê câu cá, đoán chắc là Nghiêm Quang. Quang Vũ Đế cho xe đến đón, Nghiêm Tử Lăng ba lần từ chối, lần thứ tư Nghiêm Tử Lăng mới chịu về yết kiến. Hai người thân thiết nằm cùng giường nói chuyện, nhưng khi Quang Vũ Đế mời ra làm quan thì Nghiêm Tử Lăng vẫn không chịu mà từ tạ trở về cày ruộng ở núi Phú Xuân.
Đại biểu cho “tiều” lại là đại thần Chu Mãi Thần thời Hán Vũ Đế. Thuở hàn vi, ông vừa gánh củi vừa học. Vợ gánh củi theo sau lấy làm xấu hổ, xin bỏ đi lấy chồng khác. Ông cười bảo: “Ta đến 50 tuổi mới giàu sang được, nay đã hơn 40 tuổi rồi. Nàng chịu khổ đã lâu, nay hãy gắng đợi ta giàu sang, ta sẽ báo đáp công lao cho.” Vợ giận dữ nói: “Như cung cách của ông thì chỉ có chết đói ở cống rãnh mà thôi, sao lại dám mong giàu sang được.” Mãi Thần phải để vợ đi lấy chồng khác. Từ đó, ông một thân một mình đi gánh củi, vừa đi vừa học như trước. Về sau, thời Hán Vũ Đế, ông được người làng là Nghiêm Trợ tiến cử, nhà vua cho vào yết kiến, nói chuyện nghĩa lý về kinh Xuân Thu và Sở Từ. Vua rất hài lòng, mời ông giữ chức Trung Đại Phu, rồi sau giữ chức Thái thú đất Cối Kê. Khi đến Cối Kê nhậm chức, xe ngựa hơn trăm cỗ. Vào đất Ngô, ông thấy người vợ cũ cùng chồng đang gánh đất giữa đường liền cho dừng xe, bảo mời hai người lên xe sau đưa về dinh Thái Thú, cho ở một nơi và cấp lương ăn tử tế.
Dù là Nghiêm Tử Lăng có thể nằm cùng giường tâm tình với Hoàng Đế mà vẫn ẩn dật không ra làm quan; hay Chu Mãi Thần vừa gánh củi vừa học tập bền bỉ hàng chục năm ròng; họ đều cho thấy một bản sắc của bậc quân tử không vướng bận, không tham lam, vô tâm mà tự bao dung lấy cả trời đất.
Giai điệu
Giai điệu khởi đầu của “Ngư tiều vấn đáp” nhẹ nhàng khoan thai, biểu hiện ra một loại phong cách phiêu dật thanh thoát, sự hô ứng giữa câu trên câu dưới tạo thành niềm vui thú đối đáp giữa ngư tiều. Sự biến hóa phát triển của chủ đề âm điệu, lại không ngừng thêm vào những âm điệu mới, thêm vào đó là việc sử dụng kỹ thuật vê, cho đến đoạn thứ 7 thì hình thành cao trào. Đã khắc họa nên ẩn sĩ hào phóng không ràng buộc, tâm trạng tiêu sái. Trong đó vận dụng kỹ thuật vẩy và tam đàn tạo nên âm hưởng mạnh mẽ, đối ứng với tiết tấu cắt đoạn, khiến người ta cảm nhận được sự hùng vĩ của cao sơn, tiếng búa bổ thùng thùng của tiều phu. Chủ đề âm điệu được thể hiện ở cuối đoạn 1 thông qua sự dịch chuyển biến hóa lặp đi lặp lại xuyên suốt toàn khúc nhạc, đã lưu lại cho người nghe một ấn tượng sâu sắc…
“Ngư tiều vấn đáp” có một sắc thái ẩn dật nhất định, có thể dẫn khởi sự hướng vọng của người ta đối với cuộc sống ngư tiều, nhưng ẩn ý ở sâu bên trong khúc nhạc này, hẳn chính là “xưa nay bao nhiêu việc phó mặc nói cười suông” và “những được mất thị phi trong nghìn năm, cũng chỉ phó vào trong một lời của ngư tiều mà thôi”. Chủ đề lớn về hưng vong được mất trong nghìn năm, đã bị một đoạn đối thoại của lão ngư, lão tiều mổ xẻ đến không còn tung tích, đó mới là ý nghĩa chính của khúc nhạc.
Chiếu theo khúc ấy, những tưởng là tác phẩm của người quân tử ẩn cư như tiềm long vậy. Bởi thấy non xanh nước biếc, muôn đời luôn tươi mới, những bậc biết được cái thú của sơn thủy ở trong ấy, duy chỉ có ngư với tiều. Coi thường mũ miện quyền chức, công danh, vạch dấu vết nơi thâm sơn cùng cốc, vùi thanh âm nơi sóng lớn cuồn cuộn. Thiên tử không thể xuống làm thần, chư hầu không thể làm bạn, mà dựa vào kết nghĩa kim lan, bầu bạn nói chuyện, đoán xét thịnh trị loạn lạc, bàn luận hưng vong, được mất thị phi hàng nghìn năm.
Ca từ
Ca từ của “Ngư tiều vấn đáp” được Dương Biểu Chính phối thêm, ứng với 12 đoạn:
Đoạn thứ nhất
Bao tranh đua nhọc nhằn. Cõi đời chỉ toàn là hôi tanh của bụi bùn. Ai là hào kiệt, ai kẻ hiu hiu, ai là đồng thanh, hay là đồng bào, chỉ là tiều và ngư. Ngư và tiều. Ngộ nhập tiên giới, xuất khỏi cõi phàm.
Đoạn thứ hai
Ngư ngư ngư. Dựa mạn thuyền. Chỉnh lại dây câu. Trú nơi núi xanh. Lại ở bên dòng suối. Cưỡi chiếc thuyền con lui tới giang hồ. Nhạc tiếu ngạo mà cao quý. Tiều tiều tiều. Tay cầm chiếc búa cứng, lưng đeo dải tơ trắng. Ở dưới cây tùng với mây trắng. Thích nhất mây trắng với cây tùng. Đối lại lời của ngư ông. Thật là danh lợi đều không vướng bận.
Đoạn thứ ba
Ngư nói rằng. Trường Giang hạo đãng. Cỏ trắng cỏ hồng. Chỉ thấy hai bờ sắc thu. Đan xen hoa rơi rụng. Bằng hữu như cò vịt. Bạn bè như cá tôm. Hồng trần không nhiễm. Sinh nhai nơi giang nam hồ bắc. Tiếng chèo bập bẹ. Chìm nổi trong ráng khói.
Đoạn thứ tư
Tiều đáp rằng. Uống nước suối nghỉ trên đá ở trong núi. Giang sơn này không đổi với tam công. Chỉ thấy đường núi gập ghềnh cong quêu có đường thông. Dã khách cũng là người trong núi. Ngõ trúc cũng có dáng vẻ cây tùng. Hát lên khúc ca thái bình. Không biết Nam Bắc với Tây Đông. Ở trong núi không nhớ ngày tháng. Rét đến thì biết là đông.
Đoạn thứ năm
Ngư nói rằng. Lúc bắt được cá thì mua rượu. Cuối ngày thì cũng sướng vui. Dòng nước nông. Xướng lên khúc không lời. Cứ mặc ta nói lời buột miệng. Thổi khúc nhạc sáo không lời. Âm vận thong dong tự tại. Lui về nhàn nhã. Thị phi không quản. Không thẹn cũng không lo.
Đoạn thứ sáu
Tiều đáp rằng. Xa xa mây vờn đỉnh núi. Nhàn ngắm ván cờ kết thúc cành cây mục núi cao chót vót. Thật là khoái lạc. Tự mở tấm lòng hoài bão.
Đoạn thứ bảy
Ngư ngư ngư. Dựa mạn thuyền chỉnh lại dây câu. Trú nơi núi xanh. Lại ở bên dòng suối. Cưỡi chiếc thuyền con lui tới giang hồ. Nhạc tiếu ngạo mà cao quý. Tiều tiều tiều. Tay cầm chiếc búa cứng, lưng đeo dải tơ trắng. Ở dưới cây tùng với mây trắng. Thích nhất mây trắng với cây tùng. Đối lại lời của ngư ông. Thật là danh lợi đều không vướng bận.
Đoạn thứ tám
Ngư nói rằng, ngày này năm ngoái ở Giang Đầu, hôm nay cửa sông Tương hay Ba Khâu. Nón trúc áo tơi. Cạnh bãi cát xanh chỗ nước nông bãi sông Đinh. Bãi sông Đinh. Dây câu thả nhanh lâu thu về. Cầu được bình ổn. Báo táp chưa khởi. Đã sốt sắng mau chóng nghỉ ngơi.
Đoạn thứ chín
Tiều đáp rằng. Một vành mũ đôi vai gánh. Nhanh chóng thu gom. Bất kể nó là lá non hay còn cành nhỏ. Đổi gạo hay đổi rượu. Về sum họp với vợ con. Sống vậy là sướng. Qua mùa xuân mùa thu. Cảm thán đời người. Đời người. Thời gian có thể có được bao nhiêu. Tuế nguyệt như nước chảy. Tuế nguyệt như nước chảy. Ống sáo gài nơi tóc mai. Dù vàng kim đầy phòng vẫn khó lưu lại.
Đoạn thứ mười
Ngư nói rằng. Không cầu phú quý vinh hoa. Mặc nó treo ở dây thao tím. Mang tấm điêu vàng. Đông đúc náo nhiệt chẳng lọt tai. Chốn nổi tiếng trong tâm nào có. Mặc y phục đơn sơ. Bằng lòng với bữa cơm đạm bạc. Mặt trời vắt ngang mãi cho tới chiều tà. Cầm cần câu, mọi lúc nắm trong tay.
Đoạn thứ mười một
Tiều nói rằng. Nhà tranh cỏ bồng, còn hơn nhà cao cửa rộng của phú ông. Tùng trúc tứ thời xanh. Hoa nở đỏ thắm cũng nhiều loại. Núi sâu thường hay thấy hươu. Chùa xa mà không nghe tiếng chuông. Ngắm thác suối treo ở vách núi. Leo núi cao chót vót. Nhìn về đông nước biển mênh mông. Cười một tiếng trời đất bên ngoài. Thân lại ở trong mây ngũ sắc.
Đoạn thứ mười hai
Hôm nay nói chuyện ngư tiều. Ngày mai còn mong cầu chi. Trà thơm rượu ngon, trăng thanh gió mát. Muôn vạn đời sau. Bầu trời thăm thẳm. Nước xa núi cao. Chỉ có thiên địa trường cửu.
Xin mời độc giả cùng thưởng thức khúc “Ngư tiều vấn đáp”:
(Còn nữa)
Cao Sơn
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Âm nhạc thập đại danh khúc Trung Hoa cổ nhạc