Đời người nếu như cố chấp quá mức vào bất kể điều gì thì đều là khổ, “buông bỏ” mới là điều khiến người ta thoát khổ, mới là tiêu chí của sự thanh tỉnh và trưởng thành. Nếu một người có thể trải qua 4 loại buông bỏ dưới đây thì nhất định có thể trưởng thành.

4 điều cần buông bỏ để trưởng thành hơn
(Ảnh minh họa: Katyaaapower, Shutterstock)

Buông bỏ kỳ vọng quá cao

Một người sẽ không thể vui vẻ và hạnh phúc nếu như với bất kể điều gì họ cũng luôn kỳ vọng kết quả, hơn nữa còn là kết quả quá cao. Kỳ vọng quá cao sẽ khiến tâm tình con người bị thương tổn. Có đôi khi, hy vọng càng lớn lại đưa đến thất vọng càng lớn. Để tránh những thương tổn ấy, chúng ta cần học cách đặt mục tiêu, cố gắng hết mức làm việc và để kết quả thuận theo tự nhiên. Đương nhiên, một người vẫn có thể ôm giữ những kỳ vọng, nhưng sự kỳ vọng ấy cần phải hướng thiện hơn, và có mức độ hơn.

Chúng ta cần buông bỏ những kỳ vọng quá cao đối với cha mẹ, không trách cha mẹ đã cho chúng ta quá ít mà hãy dựa nhiều hơn vào nỗ lực của bản thân mình trong mọi việc.

Chúng ta cần buông bỏ những kỳ vọng quá mức đối với con cái, cần đặt ra những mục tiêu hợp lý và không nên để lại một bóng đen không thể phai mờ trong tuổi thơ của con.

Chúng ta cần buông bỏ những kỳ vọng quá mức đối với bạn bè. Bởi vì đối với chúng ta, sự giúp đỡ của bạn bè không phải là bổn phận mà là tình cảm. Cho nên, chúng ta không được oán trách bạn bè khi họ “khoanh tay đứng nhìn”.

Chúng ta cần buông bỏ những kỳ vọng quá cao đối với người bạn đời của mình. Bởi vì con người không ai là hoàn hảo cho nên khi chung sống cùng nhau nhất định sẽ có những mâu thuẫn, những điều không ưng ý xảy ra. Đôi bên cần quan tâm, thấu hiểu và bao dung lẫn nhau thì mới có thể chung sống hòa thuận cùng nhau hết cuộc đời.

Người xưa nói, “Nghiêm khắc với bản thân, khoan dung với người khác”. Con người thông thường lại không thế, kỳ vọng ở bên ngoài quá nhiều mà kỳ vọng ở bản thân lại quá ít. Ngay cả khi người ta kỳ vọng bản thân, thì thông thường cũng chọn kỳ vọng vào tài sản, sự nghiệp, hưởng thụ, mà không kỳ vọng vào đạo đức, tu dưỡng, kỷ luật, vị tha. Đây cũng chính là vì sao mà càng kỳ vọng càng cảm thấy không có điểm dừng.

Một niệm chấp nhất sẽ khiến người ta không có lối thoát, một niệm buông bỏ sẽ khiến người ta trở nên tự tại. Do vậy, mỗi người cần nuôi dưỡng cho mình một tâm bình thường, làm được tùy duyên, đó mới là tư thái tốt nhất để chung sống với mọi người, mới có thể đạt được sự trưởng thành và phong phú về nội tâm.

Buông bỏ thể diện vô nghĩa

Thích thể diện là một đặc tính vốn có của con người và mỗi người đều có. Nhưng thường thường lại có những người vì buông bỏ thể diện mà thể diện thêm đẹp, cũng có những người lại mất thể diện vì quá muốn giữ thể diện.

Người có tầm nhìn càng hạn hẹp thì càng cố chấp vào thể diện và sợ điều này điều khác, từ đó khiến họ khó đạt được thành công. Trái lại, những người có tầm nhìn xa thì không cố chấp vào thể diện. Ví như, Lưu Bị vì để được Gia Cát Lượng trợ giúp mà đã ba lần đến lều cỏ để mời. Việt Vương Câu Tiễn vì muốn phục hưng đất nước, diệt hẳn nước Ngô vốn là kẻ thù của nước Việt, mà không tiếc nằm gai nếm mật, chịu đựng gian truân vất vả, đồng cam cộng khổ với người dân.

Thể diện đương nhiên ai cũng cần phải giữ nhưng đừng để nó trở thành gánh nặng. Trong cuộc sống, rất nhiều khi cúi đầu không có nghĩa là chúng ta sợ hãi mà đó là lựa chọn dựa trên sự thông thấu và trí tuệ. Khi người ta biết nuốt vào trong nỗi ủy khuất, người ta mới có thể gánh vác trách nhiệm. Chỉ khi chúng ta biết buông bỏ thể diện vô nghĩa và làm phong phú thêm đời sống nội tâm của mình thì cuộc đời mới dần dần khai mở.

Buông bỏ mong muốn được thuận lợi

Trên thế gian, không có chuyện hết thảy mọi điều đều tốt đẹp. Đời người, những thứ không như ý thậm chí chiếm đến tám chín phần mười. Một người cho dù xuất sắc đến đâu đi nữa cũng sẽ có những lúc buồn rầu đau khổ, cũng có thời khắc hèn mọn tầm thường. 

Nếu một người cứ chấp nhất mãi vào sự hoàn mỹ của cuộc sống thì sẽ chỉ tiêu phí cuộc sống hiện tại mà thôi. Sự trưởng thành của một người bắt đầu từ việc chấp nhận những điều không hoàn hảo của cuộc sống.

Khi chúng ta có một thân thể đủ đầy, một sức khỏe tốt, một gia đình bình an, đủ ăn đủ mặc thì đó đã là điều hạnh phúc lớn lao rồi. Thay vì cầu sự hoàn hảo trong mọi việc, buồn bã với khó khăn của bản thân thì tốt hơn hết chúng ta nên sống làm sao để trở thành người không phải thẹn với lương tâm của mình. 

Chúng ta đều là những con người sống nơi trần tục, đều đang rèn luyện từ trong những việc nhỏ hàng ngày. Người bình thường làm tốt việc nhỏ hàng ngày cũng là thành tựu không hề tầm thường rồi. Không phải ai sinh ra trong cuộc đời cũng phải đạt được hào quang vạn trượng, không phải lúc nào đường đời cũng bằng phẳng hay thuận gió.

Thông qua thưởng thức cuộc sống ấm lạnh, thông qua sự trưởng thành của tâm linh thì dù người bình thường cũng sẽ cảm nhận được hương vị của cuộc đời.

Buông bỏ việc làm hài lòng người khác

Trong cuộc sống, có những người vì muốn được người khác yêu thích mình mà trở thành kẻ xu nịnh, luôn phải đi lấy lòng người khác. Trên thực tế, cố gắng làm hài lòng ai đó có thể nhất thời khiến mọi người tỏ ra hài hòa, nhưng những cảm xúc như vậy không thể chịu đựng được thử thách của thời gian và mối quan hệ sẽ ngày càng trở nên yếu ớt hơn.

Có một nhà văn từng nói: Nếu bạn cố tình làm hài lòng người khác, bạn sẽ chỉ đánh mất tôn nghiêm của chính mình”Những người thực sự hòa hợp với người khác sẽ luôn đánh giá cao thái độ độc lập và chủ kiến thay vì thái độ xu nịnh.

Sự trưởng thành của một người là buông bỏ việc cố chấp tận lực làm hài lòng và miễn cưỡng chiều theo ý người khác. Họ dù phải lựa chọn đơn độc một mình cũng không đi ngược lại với nội tâm của mình, dối lòng mình. Họ thà rằng có phải hối tiếc cũng không để bản thân sống theo ý muốn của người khác. Chỉ khi đôi bên cùng tôn trọng và trân quý lẫn nhau thì mới có thể ở bên nhau lâu dài. 

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Gia Huệ
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: