5 người phụ nữ xấu nổi tiếng về đức hạnh trong lịch sử Trung Hoa
- Trần Hưng
- •
Trong lịch sử Trung Hoa có tứ đại mỹ nữ, cũng có ngũ xú nữ (người phụ nữ xấu xí). Tứ đại mỹ nữ là nói về 4 người phụ nữ có nhan sắc nổi danh bậc nhất, trong khi đó ngũ xú nữ là 5 người phụ nữ xấu xí, nhưng lại được hậu thế tôn vinh có nhiều phần hơn.
Trong “tứ đại mỹ nhân” thì Dương Quý Phi hủy mất sự thịnh vượng của nhà Đường, Tây Thi và Điêu Thuyền sử dụng nhan sắc để giúp quốc gia nhưng kết cục lại là điều bí ẩn, còn Vương Chiêu Quân mang nỗi buồn xa quê suốt cuộc đời. Bởi vậy có thể thấy người phụ nữ có nhan sắc thật khó mà có được cuộc đời bình an.
Còn “ngũ xú” thì sao? Họ đều là những người phụ nữ có tấm lòng nhân đức, thậm chí có người còn đóng vai trò quan trọng trong sự thịnh vượng của triều đại.
Mô Mẫu
Đứng đầu trong “ngũ xú” là Mô Mẫu. Cuốn “Tứ tử giảng đức luận” của Vương Tứ Uyên đời Hán miêu tả bà như sau: “Mô mẫu người lùn, dù hiền lành nhưng vẫn không giấu nổi xấu”. Dù xấu nhưng Mô Mẫu lại là vợ của Hiên Viên Hoàng Đế. Hoàng Đế kết hôn với Mô Mẫu bởi lòng nhân ái và đức hạnh của bà.
Sử sách có ghi lại lời Hiên Viên Hoàng Đế nói với Mô Mẫu rằng: “Nàng không được quên tu dưỡng đức hạnh. Ta trao cho nàng quyền quản lý hậu cung và giữ nàng bên cạnh”.
Các giai thoại, truyền thuyết từ xưa đều mô tả rằng Mô Mẫu góp công lao trong việc giúp Hoàng Đế đánh bại Viêm Đế, diệt Xi Vưu, thu phục các bộ lạc khác, dùng đức hạnh của bà để ổn định lòng người.
Trong “Cửu chương – Tích vãng nhật”, Khuất Nguyên đánh giá Mô Mẫu rất cao, là người có trí tuệ đức hạnh hoàn hảo.
Mạnh Quang
Trong “Liệt Nữ truyện” có kể về Lương Hồng vốn là một ẩn sĩ nổi tiếng tài danh thời Đông Hán. Có nhiều nhà danh giá muốn gả con gái xinh đẹp cho ông nhưng đều bị từ chối.
Cuối cùng Lương Hồng chọn lấy Mạnh Quang làm vợ. Mạnh Quang là một người phụ nữ xấu xí với dáng người to béo, da ngăm đen, bê nổi cả một cối đá.
Tuy nhiên Mạnh Quang là người hiền thục, đảm đang, sau khi lấy chồng thì bà ít trang điểm phấn son, ngày thường chỉ lấy một cành gỗ làm trâm cài đầu và dùng vải thô làm váy.
Mỗi lần Lương Hồng cày cấy trở về nhà thì Mạnh Quang đã chuẩn bị xong cơm canh đầy đủ. Hơn nữa mỗi lần đưa cơm canh cho chồng, Mạnh Quang thường giơ cao mâm cơm lên ngang lông mày và cúi đầu xuống một cách cung kính. Lương Hồng cũng cúi người và cung kính nhận lấy. Hai vợ chồng họ tương kính như vậy, dùng lễ mà đối đãi với nhau.
Sự hiền thục, đảm đang, giản dị của Mạnh Quang trở thành tấm gương truyền đời, cũng là nguồn gốc của câu thành ngữ: “Cử án tề mi” (Nâng mâm lên ngang lông mày, ý nói đức hạnh của người phụ nữ).
Chung Vô Diệm
Chung Ly Xuân là người họ Chung ở ấp Vô Diệm của nước Tề, nên được gọi là Chung Vô Diệm. Bà là Vương Hậu của Tề Tuyên Vương, vị quân chủ của nước Tề thời chiến quốc. Bà được mô tả là “cực kỳ xấu xí” nhưng cũng nổi tiếng bởi trí tuệ vô song.
“Liệt Nữ truyện” là tài liệu sớm nhất ghi về bà: “Chung Ly Xuân, người ấp Vô Diêm nước Tề, là Vương hậu của Tề Tuyên vương. Bà sinh ra trán cao, mắt sâu, bụng dài, chân thô, mũi hếch, xương cổ lòi ra, cổ to, tóc thưa, bụng phệ, lưng gù, da đen đúa. Người xấu xí như vậy, đến 40 tuổi vẫn không gả được, tự tiến cử lên Tuyên vương.”
Sách “Yến Tử xuân thu” kể về điển tích tự tiến cử mình của Chung Vô Diệm. Khi Chung Vô Diệm cầu kiến Tề Tuyên vương, thấy bà xấu xí, Vương toan đuổi đi, Chung Vô Diệm nói:
Nay quốc gia của Vương, phía Tây có loạn Tần bạo ngược, phía Nam lại có thù với Sở hùng mạnh. Bên ngoài đối phó với hai nước lớn, triều chính nghiêng lật, xã tắc bất an là một mối nguy. Người trong nước bỏ việc thường nhật chẳng chịu làm là cái nguy hiểm thứ hai. Người hiền về rừng núi, kẻ nịnh ở bên cạnh, đó là cái nguy hiểm thứ ba. Chìm đắm rượu chè, đêm cũng như ngày, bên ngoài không tu dưỡng lễ của chư hầu, trong không nắm được triều chính, đó là cái nguy thứ tư vậy.
Nhận thấy người phụ nữ này hiểu biết sâu xa hơn người, lại có chí khí nói lên cái sai của mình nên Tề Tuyên Vương quyết định nhận Chung Vô Diệm, phong bà làm Vương Hậu.
Nguyễn Thị
Nguyễn Thị là con gái Vệ úy Nguyễn Cung, được gả cho Hứa Doãn thuộc dòng dõi đại tộc ở Cao Dương thời Tam Quốc. Nguyễn Thị vốn là cô gái xấu xí nên sau khi phu thê giao bái, Hứa Doãn biết được thì không chịu vào phòng tân hôn.
Sau đó bạn của Hứa Doãn là Hoàn Phạm đến thăm nói rằng: “Nhà họ Nguyễn gả người con gái có tướng mạo xấu xí cho anh, nhất định họ có dụng ý sâu xa. Anh nên dụng tâm để ý, quan sát để hiểu rõ nguyên nhân”.
Hứa Doãn liền vào phòng vợ mới cưới, nhưng thấy xấu quá liền quay ra ngoài. Nguyễn Thị liền nắm tay áo kéo lại không cho đi. Hứa Doãn hỏi: “Người phụ nữ cần phải có tứ đức, vậy nàng có được mấy chứ?”. Nguyễn Thị trả lời: “Thiếp chỉ thiếu dung nhan. Kẻ sĩ có bách hạnh, chàng có được bao nhiêu?” Doãn Hứa trả lời: “Ta có đủ cả”. Nguyễn Thị nói: “Trong bách hạnh thì đức hạnh là đầu. Chàng ham sắc vậy có thể coi là đủ bách hạnh không?”
Hứa Doãn vốn là người có học, nghe xong cảm thấy rất xấu hổ, từ đó mà quý trọng vợ mình
Hoàng Nguyệt Anh
Hoàng Nguyệt Anh là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn thời Tam Quốc. Tương truyền bà là người phụ nữ xấu xí, có làn da đen đúa, mặt đầy mụn nhọt trông rất khó coi. Tuy nhiên bà lại thông thuộc binh thư, trên biết thiên văn dưới tường địa lý, đa mưu túc trí.
Khi Hoàng Thừa Ngạn biết Gia Cát Lượng muốn tìm người kết hôn, liền nói: “Ta có một đứa con gái da dẻ đen đúa, dung mạo xấu xí, nhưng có thể cùng ngươi xứng đôi.” Kết quả Gia Cát Lượng không để bụng dung mạo, lập tức nhận lời kết hôn.
Hoàng phu nhân cũng thật sự xứng với Gia Cát Lượng. Khi Khổng Minh bận việc quốc gia, bà trông nom nhà cửa, dạy dỗ con cái. Con trai của họ là Gia Cát Chiêm cũng là một nhân vật tài hoa nổi tiếng thời bấy giờ.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Hôn nhân truyền thống: Vợ chồng hoạn nạn có nhau
- Kinh Dịch: 3 đạo lý vợ chồng để gia đình hòa thuận, lâu bền
Mời xem video:
Từ khóa phụ nữ Đạo vợ chồng hôn nhân truyền thống