9 đức tính của một người có hàm dưỡng cao
Các bậc hiền triết xưa nay đều cho rằng, đối với hành vi của một người, điều đáng ca ngợi nhất chính là “có giáo dưỡng”. Đối với nội tâm của một người thì điều đáng tán dương nhất chính là “có hàm dưỡng”.
Văn hóa truyền thống coi trọng tu thân, phẩm chất đạo đức của con người. Họ cho rằng, người không tu thân thì không làm được gì, thậm chí còn gây họa cho bản thân và xã hội. Bởi vậy, những người có hàm dưỡng luôn luôn được người đời tôn kính, xem trọng và là tấm gương để người khác noi theo. Những người ấy được lịch sử và hậu thế lưu danh muôn đời.
Hàm dưỡng (bao gồm tu dưỡng, biết kềm chế, tiết chế bản thân) là những điều phát ra từ trong nội tâm và thể hiện ra ở hành vi, lời nói của người ấy. Vậy người như thế nào được đánh giá là một người có hàm dưỡng? Dưới đây là 9 đức tính quan trọng của một người có hàm dưỡng.
1. Thủ thời
Thủ thời (đúng giờ), lớn hơn một chút chính là một loại thành tín. Cổ nhân giảng: “Nhân vô tín bất lập” (Người không có tín thì không làm được gì). Trong “Tư trị thông giám” cũng giảng: “Trượng phu nhất ngôn hứa nhân, thiên kim bất dịch”, ý nói lời hứa đã phát ra tựa như ngàn vàng, không thể thay đổi.
Thủ thời còn là một loại tôn trọng đối với người khác. Một người không thủ thời nghĩa là không tôn trọng người khác vậy thì đúng là một người không có giáo dưỡng, nói chi đến hàm dưỡng?
2. Quan tâm đến người khác
Quan tâm đến người khác là một loại thiện lương. Một người không chỉ phải quan tâm đến người thân trong gia đình, bạn bè, mà còn cần phải quan tâm đến những người xung quanh mình.
Một người có hàm dưỡng, gặp khi người khác cần giúp đỡ thì luôn chiếu cố, quan tâm họ. Đặc biệt là đối với những người yếu hơn mình, người già, trẻ con… phải có sự quan tâm nhiều hơn.
Thái độ đối xử với người nhà sẽ thể hiện ra phẩm cách của người ấy. Một người có hàm dưỡng cao, nhẫn nại, khoan dung sẽ giữ được sự bình tĩnh, hòa hoãn mà không tức giận với mọi người.
3. Ăn nói có lễ
Cách ăn nói như thế nào mới được gọi là có lễ? Ăn cơm là việc hàng ngày của mỗi người trong cuộc sống. Nhưng thông qua tướng ăn cũng có thể thấy được mức độ hàm dưỡng của một người. Những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy lại có thể hiển lộ ra phẩm chất con người.
Cơ bản nhất của cách nói chuyện có giáo dưỡng chính là phải biết nghiêm túc lắng nghe, không tùy tiện chen ngang lời của người khác, nghe người khác nói xong mới bày tỏ ý kiến của mình. Không nên thể hiện thái độ thờ ơ, lơ đãng khi nghe người khác nói và cắt đứt lời của người khác. Thái độ tốt nhất khi lắng nghe người khác nói và bày tỏ ý kiến của mình là mỉm cười, nhìn vào mắt người khác.
4. Thái độ hòa khí
Thái độ là diện mạo tinh thần căn bản của một người. Như thế nào là thái độ tốt? Chính là hòa khí, điềm đạm và nhã nhặn. Đằng sau hòa khí ẩn chứa sự tôn trọng người khác, có thiện chí giúp đỡ người khác.
Trong cuốn “Độc thư lục” viết: Cùng người khác nói chuyện nên giữ hòa khí, trầm tĩnh, phẫn nộ thì tất sẽ bất bình, sắc mặt dữ dằn thì tất sẽ thủ oán. Chỉ người có hàm dưỡng cao thâm mới có thể ở đâu, lúc nào cũng đều tỏa ra một loại hòa khí.
5. Ngữ khí thành thật
Người mà trong ngữ khí có thành ý sẽ phản ánh ra đó là người thật lòng nói chuyện với người khác. Trình Di – nhà triết học nổi danh thời Tống từng nói: “Người mà dùng thành để cảm động người thì người cũng sẽ thành mà đối lại.” Một lời nói thành ý sẽ trở thành nhịp cầu kết nối giữa mọi người, đây cũng là thái độ cần có trong kết giao bạn bè.
Cụ thể hơn, ngữ khí của một người cần phải thể hiện ra “tâm bình khí hòa”, lấy lý thu phục người, tránh nói với âm điệu cao, mang theo cảm xúc bất bình không tốt.
6. Không ngạo mạn
Nhà chính trị, nhà triết học nổi tiếng triều nhà Minh – Vương Dương Minh từng nói: “Bệnh nặng nhất trong cuộc đời chính là ngạo mạn”. Tăng Quốc Phiên, nhà nho lỗi lạc triều nhà Thanh cũng nói: “Người tài trong thiên hạ từ xưa đến nay đều bị thất bại bởi một chữ ‘ngạo’!”
Trong “Dịch Kinh” giảng rằng, hết thảy pháp tắc làm người và đạo lý đều là thiên địa âm dương biến hóa. Trong mỗi một quẻ hào đều có hung và cát. Quẻ hung là để cảnh giới con người bỏ ác hành thiện. Quẻ cát là động viên, khuyến khích con người phải mỗi ngày làm một việc thiện khác. Chỉ có quẻ khiêm (khiêm nhường) là mỗi một hào đều là cát tường, may mắn.
Một người kiêu căng, ngạo mạn sẽ luôn ở trước mặt người khác thể hiện ra những ưu điểm của mình, giễu cợt nhược điểm của người khác, trà đạp lên sự tôn nghiêm của người khác mà khiến người khác xa lánh, ác cảm. Một người có hàm dưỡng tuyệt đối sẽ không làm điều như vậy.
7. Tuân thủ lời hứa
Đây cũng là điều thuộc phạm trù thành tín nhưng lớn hơn và nặng hơn. Nhà tư tưởng của Trung Hoa thời Chiến Quốc, Tuân Tử cũng viết, người mà lời nói không có tín, hành vi không có nguyên tắc, thay đổi thất thường, chỉ quan tâm đến điều lợi thì chính là kẻ tiểu nhân. Người không tín, không giữ lời hứa thì chính là kẻ tiểu nhân.
Tục ngữ nói: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” (lời nói đã nói ra thì không thể thay đổi được). Người quân tử một khi đã hứa thì chắc chắn làm được, nếu không làm được thì không tùy tiện hứa. Có những người rõ ràng làm không được nhưng vì ba hoa, khoe khoang mà tùy tiện hứa hẹn, làm lỡ dỡ việc của người khác. Điều này đối với bản thân thì chính là sự lỗ mãng, đối với người khác thì chính là cô phụ họ. Cho dù có nguyên nhân đặc thù cũng cần phải thành thật giải thích với người mà mình đã hứa.
8. Độ lượng
Cổ ngữ có câu: “Cái trán của Tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, cái bụng của Tể Tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Ý nói, một người có tấm lòng rộng lớn mới có thể làm được việc lớn, mới có thể bao dung được những việc khó bao dung của thiên hạ.
Lâm Tắc Từ, một vị quan nổi tiếng thời xưa cũng viết: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”, ý nói rằng biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn, vách núi nghìn trượng sừng sững vì không mang dục vọng mới có thể giữ mình cương trực.
Những lời này đều là để nói rằng, làm người thì phải có sự độ lượng, có tấm lòng rộng mở, đặc biệt là người có hàm dưỡng. Mọi việc không nên tính toán quá chi li, lùi một bước, biển rộng trời cao. Làm người, không nên quá tính toán trước được mất của bản thân, hãy độ lượng đối đãi với những sự việc hay nguời từng khiến bản thân mình bị tổn thương. Đây là cảnh giới cao, cần phải tu dưỡng mới đạt được.
9. Đồng cảm
Sự đồng cảm thực sự là gì? Chính là “người nhân từ yêu thương người khác”, là tấm lòng từ bi, là lòng trắc ẩn. Trong “Nguyên đạo”, tác giả Hàn Dũ viết: “Bác ái thì được gọi là nhân từ, làm điều nên làm thì được gọi là nghĩa.” Một người giàu lòng thương cảm, đồng cảm với người khác thì chính là người nhân từ, là nghĩa sĩ.
Khi người khác ở vào lúc gian nguy, bất hạnh, cần sự giúp đỡ của người khác mà có thể ra tay cứu giúp thì đó chính là người có hàm dưỡng lớn nhất.
An Hòa (dịch và t/h)
Xem thêm:
Từ khóa tu dưỡng giáo dưỡng hàm dưỡng