Bắc Ninh: Chiếc nôi văn minh, vùng đất của những lễ hội
- Trần Hưng
- •
Bắc Ninh là vùng đất thuộc châu thổ sông Hồng, có lịch sử lâu đời, là chiếc nôi của nền văn minh cổ. Vùng đất này lưu lại được nhiều di tích văn hóa, là nơi có nhiều lễ hội nhất trong cả nước như hội Lim, hội Gióng, hội chùa Bút Tháp, hội chùa Dâu, hội đền Kinh Dương Vương…
Bắc Ninh xưa kia gọi là Kinh Bắc, là chiếc nôi của văn minh người Việt. Nơi đây gắn liền với những truyền thuyết như Thánh Gióng đánh giặc Ân rồi bay về trời ở núi Vệ Linh, An Dương Vương xây thành Cổ Loa… Các nhà khảo cổ học tìm được ở đây nhiều di tích như đền thờ Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ, đền thờ các tướng thời Hùng Vương, Hai Bà Trưng. Nơi đây còn lưu lại rất nhiều lễ hội, tín ngưỡng thờ Phật “Thạch Quang”, “Tứ Pháp”…
Văn minh Luy Lâu
Vào thới Bắc Thuộc Đông Ngô, Sĩ Nhiếp được cử làm Thái thú quận Giao Chỉ, đồng thời là Tuy Nam trung lang tướng trông coi cả 7 quận của Giao Châu, tước Long Độ Đình Hầu.
Sĩ Nhiếp đóng đô ở Luy Lâu thuộc quận Giao Chỉ (sau này là vùng đất Kinh Bắc tức tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Luy Lâu thời bấy giờ là thủ phủ của cả một Giao Châu rộng lớn, là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất Giao Châu.
Lúc này Trung Quốc đang là thời kỳ Tam Quốc binh đao khói lửa, nhiều bậc văn sĩ đổ về phương nam tìm đến Luy Lâu truyền bá văn hóa khiến văn minh nơi đây càng có thêm nhiều nội hàm đặc sắc. Phật – Đạo – Nho cũng nhanh chóng được truyền vào nơi đây, biến nó trở thành trung tâm tín ngưỡng văn hóa lớn.
Vào thời nhà Lý, Quốc sư Thông Biện khi đàm đạo với Nguyên phi Ỷ Lan đã dẫn lại lời của pháp sư Đàm Thiên cho biết: “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có hai mươi bảo tháp, độ được năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”.
Là chiếc nôi của Phật Giáo, Kinh Bắc là nơi khởi phát triều đại nhà Lý, các vị Vua khai quốc nhà Lý cũng đều là người tu luyện theo Phật Pháp, vì thế mà Kinh Bắc có nhiều Chùa, Tháp, Đền, Đài, Lăng. Ngày nay thành cổ Luy Lâu nằm ở khu vực xã Thanh Khương với các di tích dinh thự, phố chợ, Đền đài, Chùa tháp.
Làn điệu dân ca Quan Họ
Với nguồn gốc như vậy, Bắc Ninh ngày nay trở thành vùng đất của đình chùa, lễ hội lớn nhất cả nước, hình thành nên nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, tiêu biểu có thể kể đến là dân ca quan họ Bắc Ninh nổi tiếng từ lâu, với nhiều làng quan họ, khiến nơi đây được xem là quê hương của dân ca quan họ.
Theo Thần tích làng Diềm, công chúa Nhữ Nam con vua Hùng khi đi du xuân gặp phải mưa to gió lớn nên đã dừng chân ở làng Diềm. Công chúa dạy dân trồng trọt cùng văn hóa lễ nghĩa. Những lúc nông nhàn, bà dạy dân các làn điệu hát đối đáp, gọi là hát Quan Họ. Khi công chúa mất, dân chúng lập đền thờ tôn là thủy tổ của làn điệu dân ca Quan Họ. Làng Diềm là nơi đầu tiên có làn điệu dân ca Quan Họ, sau đó lan truyền khắp vùng Kinh Bắc.
Vùng đất của những lễ hội
Với chiều dài lịch sử hấp thu nhiều tinh hoa văn hóa đặc sắc, Bắc Ninh hình thành nên nhiều lễ hội, có 547 lễ hội trong năm với rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống. Sau đây là một số lễ hội tiêu biểu:
Lễ hội làng Đồng Kỵ
Đầu năm tháng giêng là tháng của lễ hội, vào ngày mùng 4 tết dân chúng rủ nhau đi hội Đồng Kỵ (ở làng Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), lễ hội diễn ra suốt 3 ngày đến ngày mùng 7 tết.
Tại lễ hội này dân chúng được xem rước pháo vào đình, lễ hội này tưởng nhớ đến Thiên Cương – được tôn làm Thành Hoàng của làng. Tương truyền vào thời vua Hùng có ông Cương Công được Vua cử đi dẹp giặc, khi đến làng Đồng Kỵ thì ông dừng lại tuyển thêm quân, chọn tướng.
Đến mùng 4 tháng giêng Cương Công chia quân làm 4 cánh giao cho 4 tướng chỉ huy và xuất quân. Sau khi dẹp giặc xong, Cương Công cùng toàn quân trở về làng Đồng Kỵ ăn mừng.
Sau chiến thắng, Vua phong cho Cương Công là Thiên Cương. Dân làng Đồng Kỵ tôn ông làm Thành Hoàng, cứ vào ngày mùng 4 tết là làng tổ chức lễ hội rước pháo, tái hiện cảnh Thiên Cương xuất quân năm xưa.
Ngoài rước pháo, dân làng còn tổ chức nhiều trò chơi cổ truyền vui xuân như bịt mắt bắt dê, đua thuyền, đấu vật, đu tiên, chọi gà, cờ tướng… và không thể thiếu làn điệu quan họ.
Ngoài ra lễ hội còn có diễn tuồng ở sân đình, tái hiện nhiều câu chuyện cổ truyền mang ý nghĩa sâu sắc, nhắc lại truyền thống đạo lý của dân tộc. Lễ hội có người làng cùng hàng nghìn khách thập phương tham gia.
Lễ hội chùa Phật Tích
Ngày mùng 4 tết cũng diễn ra lễ hội Phật Tích ở chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), chùa này còn có tên chữ là “Vạn Phúc tự”, nằm ngang trên núi Tiên Du (còn gọi là Lạn Kha). Ngôi chùa này này mang dấu ấn văn hóa lịch sử, vì là nơi đầu tiên Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào nước ta vào thế kỷ thứ 2 thời văn minh Luy Lâu.
Lễ hội chùa Phật Tích gợi nhớ lời lời dạy của nhà Phật “làm việc thiện gặp thiện báo”. Lễ hội này cũng gắn liền với câu chuyện cổ tích “Từ Thức gặp tiên”, có nhiều trò chơi dân gian mang theo đạo lý truyền thống của người Việt.
Hội Lim
Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến ngày 14 tháng giêng tại huyện Tiện Du, là lễ hội truyền thống nổi tiếng nhất, đi vào giai điệu câu ca và Quan Họ vùng Kinh Bắc.
Lễ hội diễn ra rất trang nghiêm để tỏ lòng biết ơn thành kính đối với vị tổ của làn điệu dân ca Quan Họ. Ngoài hát Quan Họ còn có nhiều hoạt động tín ngưỡng tâm linh phong phú, cùng nhiều trò chơi sôi nổi như đấu vật, đấu cờ, đánh đu, thi dệt cửi, nấu cơm…
*
Ở Bắc Ninh hầu hết các làng xã đều có lễ hội riêng như hội Đền Bà Chúa Kho, hội Đền Đô, hội Chùa Phật Tích, hội đền làng Á Lữ, hội Đền Than, hội Thập Đình…
Hội làng mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh, là dịp để dân làng ôn lại văn hóa truyền thống dân tộc, biết ơn và tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, Thành Hoàng. Người dân tin rằng nếu làm theo những lời mà tổ tiên dạy bảo thì tổ tiên cũng sẽ phù hộ cho mình.
Với nhiều lễ hội truyền thống, người Kinh Bắc xưa không quên đi cội nguồn dân tộc, vì thế mà nơi đây cũng có nhiều người đỗ đạt nhất, chiếm ¼ số tiến sĩ trong cả nước. Riêng Văn Miếu Bắc Ninh đã thờ 600 tiến sĩ ở Kinh Bắc. Chẳng thế mà vùng Kinh Bắc vẫn lưu truyền câu phương ngôn: “Một giỏ ông Ðồ, một bồ ông Cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Luy Lâu: Trung tâm văn hóa, cái nôi của Phật giáo tại Giao Chỉ
- Chuyện Sĩ Nhiếp giúp Giao Châu bình yên sung túc, tránh nạn Tam Quốc
Mời xem video:
Từ khóa Bắc Ninh Kinh Bắc lễ hội truyền thống Luy Lâu nền văn minh