Đạo trị quốc: Trọng người tài đức thì an, mất người tài đức thì nguy
- An Hòa
- •
Trải qua rất nhiều triều đại trong lịch sử, cổ nhân đúc kết ra một nguyên tắc: “Đất nước trọng người tài đức thì an bình, đánh mất người tài đức thì loạn lạc”. Trong lịch sử, câu nói này ứng với không ít vị quân vương, hoàng đế. Thời đại của hoàng đế Đường Huyền Tông là một ví dụ nổi bật vì thời kỳ ông trị vì vừa được gọi là “Khai Nguyên thịnh thế” nhưng cuối cùng lại xảy ra “Loạn An Sử” khiến nhà Đường suy sụp.
Đất nước có người tài đức thì an bình, hưng thịnh
Đường Huyền Tông Lý Long Cơ khi còn nhỏ là người có chí lớn, từng lời nói từng việc làm đều rất có chủ kiến và sáng suốt. Ông được lập làm thái tử sau khi dẹp được cuộc nổi loạn của nhà họ Vi.
Sau khi lên ngôi hoàng đế, việc đầu tiền Đường Huyền Tông làm là diệt trừ thế lực chuyên quyền của Thái Bình công chúa. Ngoài ra, ông còn xử lại các nghi án để giải oan cho những người vô tội. Ông đổi niên hiệu thành Khai Nguyên để tỏ rõ mong muốn tự mình chăm lo việc nước, quyết tâm phục hưng sự nghiệp vĩ đại của triều nhà Đường.
Lúc ấy tác phong của quan lại triều đình rất hỗn loạn, triều chính suy sụp, Đường Huyền Tông liền tỏ ý muốn chọn người hiền tài làm tể tướng. Mọi người đều nói ông có “con mắt sắc sảo biết chọn người hiền đức”. Các vị tể tướng tài giỏi nổi tiếng thời kỳ này có thể kể tới là Diêu Sùng, Tống Cảnh, Trương Cửu Linh, Hàn Hưu đều do Đường Huyền Tông tự mình tuyển chọn và bổ nhiệm.
Diêu Sùng là người làm việc quyết đoán, tấu lên mười điều kiến nghị có ích cho đất nước nên được phong làm tể tướng.
Tống Cảnh cũng rất coi trọng việc tuyển chọn và bổ nhiệm nhân tài. Mặc dù ông nắm giữ quyền cao chức trọng trong triều đình, nhưng không bao giờ vì tình riêng mà làm trái pháp luật. Ngược lại, đối với người thân thích, ông có yêu cầu còn nghiêm khắc hơn nữa.
Mỗi lần gặp Diêu Sùng, Tống Cảnh, Đường Huyền Tông đều tự thân đứng dậy tiếp đón, lúc họ rời đi thì ông cũng đích thân ra tiễn biệt.
Trương Cửu Linh được người đời gọi là “tể tướng áo vải”, nhờ tài đức xuất chúng mà được trọng dụng, bất chấp xuất thân và gia thế. Ông cũng rất thẳng thắn khi khuyên can hoàng đế, không vì được sủng ái mà giấu giếm sự thật.
Trong sử sách có ghi chép lại vào những năm Khai Nguyên của Đường Huyền Tông, “Trong nước giàu có, giá gạo rất phải chăng. Trên đường cái có rất nhiều cửa tiệm phục vụ rượu thịt cho người đi đường. Bưu điện có nhiều con lừa chở thư, lính đưa thư đi hàng ngàn dặm mà không cần binh khí”.
Trong tác phẩm Ức Tích, nhà thơ Đỗ Phủ có viết: “Nhớ thời Khai Nguyên thịnh vượng ấy, một thị trấn nhỏ cũng có đến hàng vạn gia đình. Kho lương thực của công hay tư đều được chứa đựng đầy ắp”.
Đất nước mất người tài đức thì loạn lạc, suy vong
Vào cuối thời Khai Nguyên, Đường Huyền Tông càng ngày càng kiêu ngạo, càng ngày càng ưa thích nghe lời xu nịnh, ham thích hưởng lạc, trọng dụng gian thần Lý Lâm Phủ và Dương Quốc Trung.
Lý Lâm Phủ rất rành về suy đoán tâm ý của Đường Huyền Tông. Một lần Đường Huyền Tông muốn từ Lạc Dương về Trường An nhưng tể tướng Trương Cửu Linh vụ mùa còn chưa hoàn thành xong, nếu đi như thế sẽ làm quấy rối dân chúng. Thừa dịp Trương Cửu Linh rời đi, Lý Lâm Phủ nói rằng: “Bệ hạ muốn đi muốn về lúc nào tùy thích, không cần phải chờ đợi. Còn nếu gây trở ngại cho việc thu hoạch của người nông dân, thì chỉ cần miễn thu thuế của họ là được.”
Đường Huyền Tông cao hứng liền theo ý của Lý Lâm Phủ, cứ thế mà đi, lại còn càng ngày càng tin tưởng ông ta. Lý Lâm Phủ tìm cơ hội hãm hại các đại thần như Trương Cửu Linh, khiến Đường Huyền Tông bãi chức họ và đưa Lý Lâm Phủ lên thế chỗ.
Sau khi Lý Lâm Phủ lên cầm quyền thì đố kỵ người tài đức, kết bè kết đảng, bài trừ những người trái ý, hãm hại người tốt. Ông ta có lần còn đe dọa các quan rằng: “Các ngươi bình thường chắc cũng đã từng thấy con ngựa dùng để tế lễ rồi chứ? Chỉ cần ngoan ngoãn theo lệnh làm việc, thì có thể được ăn bổng lộc của quan tam phẩm. Còn nếu mà hí vang, thì lập tức sẽ bị loại bỏ, đến lúc đó có hối hận cũng không kịp”.
Sau khi Lý Lâm Phủ qua đời thì Đường Huyền Tông lại vì mê đắm Dương Quý Phi mà bỏ bê triều chính, trọng dụng Dương Quốc Trung. Dương Quốc Trung là đã là tể tướng lại kiêm thêm cả chục chức vụ khác nữa, nhà họ Dương làm hỗn loạn triều đình.
Quan viên bên dưới báo cáo tình hình thiên tai, Dương Quốc Trung cách chức, ra lệnh phải trừng trị nặng. Từ đó về sau không ai còn dám nói lời chân thực nữa.
Bởi vì quân đội nhà Đường có quá nhiều tướng lĩnh ngang ngược tàn ác, cho nên khi quân phiến loạn nổi lên, quân đội không có chút nhuệ khí nào, không đánh mà tự chạy. Quân phản loạn rất nhanh chóng chiếm được một vùng đất rộng lớn.
Lúc này Đường Huyền Tông vẫn tin tưởng Dương Quốc Trung, mà Dương Quốc Trung lại đố kỵ, làm hại tướng tài. Cuối cùng Dương Quốc Trung thật sự khiến cho quân Đường bại trận, triều đình phải chạy trốn khỏi kinh thành.
Trên đường đi, quân cấm vệ nổi loạn, yêu cầu Đường Huyền Tông phải hành quyết Dương Quốc Trung và Dương Quý Phi, tạ tội với đất nước. Đường Huyền Tông không còn cách nào khác, đành phải giết chết hai người. Lúc ấy triều Đường đã suy sụp, chiến loạn không ngừng, dân chúng lầm than cơ cực, đói khổ.
Nhìn lại lịch sử, việc trọng dụng những người hiền tài có quan hệ mật thiết đối với sự an nguy của quốc gia. Bất kể là trong thời cuộc nào, chỉ cần người cầm quyền kiêu căng, thất đức làm bừa, gần kẻ tiểu nhân, xa rời người quân tử, thì sớm muộn gì cũng đi đến diệt vong. Bởi vì vô đức chính là mối họa lớn nhất của một quốc gia.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Đạo trị quốc của cổ nhân: Nền bạo chính rồi sẽ bị đào thải
- Đạo trị quốc của cổ nhân: “Tự cho mình là đúng” khiến quốc gia nguy hại
Mời xem video:
Từ khóa Đọc chuyện xưa ngẫm chuyện nay Đường Huyền Tông hiền tài