Bản lĩnh ngoại giao của tiền nhân trước họa xâm lăng phương bắc
- Trần Hưng
- •
Lịch sử bảo vệ đất nước trước phương bắc của các bậc tiền nhân không hề dễ dàng, bởi chúng ta phải đối phó với một thế lực lớn hơn mình nhiều lần, bất kể chuyện gì cũng có thể dẫn đến nạn binh đao. Tuy vậy, trong lịch sử cũng có rất nhiều sự kiện cho thấy bản lĩnh ngoại giao của Đại Việt.
Vua Lê Đại Hành thị uy sứ giả nhà Tống
Năm 981, tướng chỉ huy quân Tống là Hầu Nhân Bảo đưa quân sang định thôn tính nước ta, nhưng bị quân của vua Lê Đại Hành đánh bại, Hầu Nhân Bảo tử trận.
Sau khi đánh bại quân Tống vào năm 981, quan hệ Tống-Việt xấu đi, nhưng vua Lê Đại Hành lại tỏ ra không có gì phải e dè với nhà Tống cả. Khi sứ giả Tống sang, vua Lê cho nhìn thấy sức mạnh ba quân Đại Cồ Việt nhằm khủng bố tinh thần sứ nhà Tống.
Năm 982, vua Lê Đại Hành lại đưa quân tiến đánh Chiêm Thành vì dám bắt giữ sứ giả và khiêu chiến với Đại Cồ Việt. Vua Chiêm bị chém ngay giữa trận tiền, quân Chiêm thua to, từ đó Chiêm Thành quy thuận Đại Cồ Việt.
Vua Lê Đại Hành đưa sản vật lấy được từ Chiêm Thành dâng tặng hoàng đế Tống cùng thông tin đánh bại Chiêm Thành, những động thái ngoại giao này khiến nhà Tống rất e sợ Đại Cồ Việt.
Năm 990 hoàng đế Tống Thái Tông sai hai đại thần là Tống Cảo và Vương Thế Tắc đi sứ phong thêm cho Lê Đại Hành hai chữ “Đặc tiến”. Vua Lê Đại Hành sai Đinh Thừa Chính mang 9 chiến thuyền và 300 quân sang tận Liên Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) đón sứ, dùng quân tỏ rõ uy danh Đại Cồ Việt khiến sứ nhà Tống phải dè chừng.
Khi đến Kinh thành Hoa Lư, vua Lê bố trí sẵn đại quân trang phục chỉnh tề, gươm giáo sáng loáng tập trận trên các sườn núi, trống trận nổi lên sĩ khí reo hò dậy đất; phía dưới sông nhiều chiến thuyền với tinh kỳ bay rợp trời đất, khiến sứ thần nhà Tổng cả sợ.
Theo quy định thì vua Lê Đại Hành phải quỳ xuống khi nhận sắc phong của thiên triều, thế nhưng nhà vua nhất quyết không quỳ và giải thích rằng “đích thân đánh giặc Mán, ngã ngựa đau chân nên không quỳ được”. Sứ nhà Tống không làm gì được, lại vừa tận mắt thấy binh lực hùng hậu của Đại Cồ Việt nên bỏ qua.
Sau đó vua Lê Đại Hành nói rằng để tránh việc đón tiếp sứ giả tốn kém, thì sứ giả nước Tống chỉ cần đến địa giới đưa thư và báo tin là được, Đại Cồ Việt sẽ có người ở biên giới lấy thư, hoàng đế Tống chấp nhận điều này.
Để khẳng định thế mạnh của Đại Cồ Việt, vua Lê Đại Hành cũng cho quân tiến đánh nhà Tống. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi chép rằng, năm 996 hơn 100 chiến thuyền Đại Cồ Việt tiến đánh trấn Châu Hồng (Khâm Châu) của nhà Tống. Hoàng đế Tống được tin không những làm lơ mà còn sai sứ giả là Lý Nhược Chiếu mang chiếu thư và đai ngọc sang tặng cho vua Lê.
Đòi lại vùng đất Cao Bằng
Năm 1077, quân Tống đưa 30 vạn quân tiến đánh Đại Việt, nhưng thất bại, phải đồng ý ký nghị hòa rút quân về nước. Thế nhưng quân Tống rút đến Cao Bằng thì giữ luôn 6 huyện và 3 động không chịu trả lại với lý do các tù trưởng trước đó đã nhượng lại cho nhà Tống rồi.
Dù Triều đình nhà Lý đã dùng mọi cách đòi lại nhưng nhà Tống nhất định không chịu trả. Lúc này chỉ còn cách dùng vũ lực tấn công hoặc tiếp tục kiên trì dùng ngoại giao để đòi lại.
Lý Thường Kiệt nhận định nếu dùng vũ lực thì có thể lấy lại được, nhưng sẽ bị hao tổn nhân mạng quân sĩ. Đồng thời nhà Tống không phục sẽ lại cho quân tiến sang đánh để đòi lại dẫn đến chiến tranh liên miên. Vì thế ông quyết định tiếp tục kiên trì dùng ngoại giao để đòi lại.
Năm 1084, Lê Văn Thịnh dẫn đầu đoàn sứ bộ đến trại Vĩnh Bình (thuộc Cao Bằng ngày nay) để đòi lại các vùng đất bị mất. Phía Tống cho rằng: “Những đất mà quân ta chiếm thì đáng trả cho Giao Chỉ. Còn những đất mà các ‘người coi giữ mang nộp’ (chỉ các Tù trưởng trước đây dâng đất cho Tống) để theo ta thì khó mà trả lại”.
Lê Văn Thịnh cương quyết đòi lại: “Đất thì có chủ. Các viên quan coi giữ mang nộp mà trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Việc chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không thể tha thứ, mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay chúng lại mang đất trộm dâng để làm nhơ bẩn sách sổ nhà Vua (chỉ hoàng đế Tống)!”
Sự kiên trì của Đại Việt đã có kết quả. Sau cùng phía Tống đành trả lại vùng đất 6 huyện và 3 động.
Đòi lại vùng đất Tụ Long
Tụ Long là một xã thuộc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, phía Tây giáp phủ Khai Hóa (Trung Quốc), phía Bắc giáp với Ngưu Dương (Trung Quốc). Hai nước lấy con sông Đổ Chú làm biên giới.
Nơi đây ruộng đất màu mỡ, cũng có gỗ thông nổi tiếng mà người Trung Quốc rất thích, ngoài ra còn có tài nguyên khoáng sản quan trọng là mỏ bạc và mỏ đồng ở làng Nà Ngọ. Chính vì thế mà các quan nhà Thanh rất thích, luôn tìm cách để có được vùng đất này.
Năm 1687 quân nhà Thanh ở tỉnh Vân Nam tiến sang chiếm lấy khu vực mỏ đồng thuộc Tụ Long, với lý do là biên giới giữa hai nước không phải là sông Đổ Chú như trước nữa mà là sông Ninh Biên, đồng thời cho rằng trước đây Đại Việt lập bia mốc về phía bắc nên lấy mất phần đất của Trung Quốc, nên nay phía nhà Thanh lấy lại phần đất này.
Triều đình gửi thư kháng nghị đến Tuần phủ Vân Nam, nhưng ông ta trả lời là Đại Việt càn rỡ và yêu cầu phải có bản tấu khác để tạ tội.
Trong khi phía Đại Việt đang dùng ngoại giao để đòi lại đất, thì nhà Thanh tiếp tục cho quân tiến chiếm mỏ đồng làng Bán Gia và mỏ kẽm Khai Khôn.
Chúa Trịnh Cương cho quân chặn lại, đồng thời tiếp tục kiên trì dùng ngoại giao đòi lại đất. Nguy cơ xung đột quanh các mỏ khoáng sản là rất lớn.
Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục Cương mục ghi chép lại rằng: “Triều đình bèn hạ lệnh cho bọn Hồ Phi Tích và Vũ Công Tể hợp đồng với viên quan phái ủy nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn, hai bên vẫn giằng co không giải quyết được”.
Thế nhưng Thám hoa Vũ Công Tể bằng lập luận vững chắc khiến phía nhà Thanh đuối lý, phải trả lại vùng đất 40 dặm, nhưng vẫn giữ thái độ xem đây là “thưởng cho” Đại Việt: “Nay quốc vương đã cảm ơn hối lỗi, nhảy múa kính theo, nghĩ thưởng cho đất 40 dặm, đã cử đặc phái viên đại thần phụng sắc thư đi đường Quảng Đông. Vậy quốc vương (vua Lê) cần cử quan đại thần đón tiếp, đến phủ Khai Hóa nhận đất và lập địa giới”.
Chuyện Lãnh binh Thắng bảo vệ Hưng Hóa
Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” vào năm 1831 thời vua Minh Mạng, ở Hưng Hóa có một thổ tù là Đào Văn An vì phạm tội nên sợ hãi bỏ trốn sang Vân Nam của nhà Thanh.
Quan lại nhà Thanh vốn có ý muốn xâm lấn nước nam nhưng không có lý do, nên muốn nhân chuyện này nêu lý do cần tra cứu giúp đỡ người bị oan để cho quân áp sát biên giới, cho người mang thư sang Hưng Hóa dọa nạt.
Nắm giữ quân địa phương ở Hưng Hóa là Lãnh binh Thắng nhận được tin báo thì cho quân chuẩn bị ứng chiến, đồng thời viết bức thư trả lời cho quan lại nhà Thanh, trong thư sau khi kể rõ tội trạng của Đào Văn An, ông viết thêm rằng:
Các người đã vì nó mà đến để tra cứu làm việc, nay sự lý đã rõ ràng như thế, tự nên chỉ rõ cho nó để điều đình cho yên việc. Thế là không những chỉ bảo toàn được cho một mình Đào Văn An mà không đến nỗi phải gây động can qua, nhân dân không đến nỗi gặp tai họa, mới là tốt lại càng tốt đấy!… Chúng tôi vâng mệnh quan trên đến đây để giữ gìn đất đai bờ cõi, vốn không chịu đối trận giao binh với các người một cách dễ dàng, nhưng xưa nay muốn giữ được trọn vẹn hòa hảo thì trong lòng hai bên đều cần phải bỏ qua, thì mới trọn vẹn được.
Nay nhận được tờ trát đưa đến, nói các lời rằng: “Nếu đến nỗi gây động can qua thì chúng bay không khỏi người mệt, lương thiếu”, thật là đa tạ các người đã uổng phí lòng chiếu cố rồi đấy. Núi là đường của chúng tôi, ruộng là lương của chúng tôi, có gì là mệt với thiếu? Chỉ sợ các người xa thì thiếu thốn thôi.
Các người lại nói các lời rằng: “Đến nơi gần mà điều binh sẽ được ngay tám chín nghìn tên. Lấy người nhàn rỗi mà đối địch với kẻ mệt nhọc”. Các người vượt bờ cõi đến đây còn phải mất công triệu tập, chứ đây là trong nhà chúng tôi, cỏ cây đều là quân lính, một hai vạn cũng có chứ sao lại chỉ có tám chín nghìn? Thì ai là nhàn rỗi, ai là mệt nhọc?
… Nếu sau này xảy ra một việc không tốt lớn hoặc nhỏ, thì rõ ràng là không phải tự chúng tôi gây ra rồi. Chúng tôi lại sợ quan trên của các người sẽ đem cái tội lớn là “gây càn ra thù hằn nơi biên giới” mà đùn đẩy lên mình các người thì các người chịu đựng thế nào?… Trăm việc lấy hòa làm quý, thử đem lời nói của tôi mà ngẫm nghĩ kỹ xem! Nếu thu xếp xong được sớm, rút về không lưu lại một giờ nào thì tôi cũng không cần ở lâu để cai quản việc không cần thiết. Nếu để chậm đến cuối mùa Thu thì lam chướng ngày càng nặng, mưa lụt ngày càng nhiều, lính của tôi đã quen thuộc khí hậu còn cảm thấy khó nhọc, huống chi lính các người quen ở đất Bắc, nay ở lâu trong vùng lam chướng sợ không chịu nổi.
Vả chăng các người là bậc đại trí tuệ, đại kiến thức, mong hãy soi xét lời nói phải, sắp xếp hoàn thành việc rất tốt này cho cả hai bên, há không phải tay không mà tạo thành được tòa tháp bảy tầng, không những con cháu được hưởng công đức ấy vô cùng, mà tự mình trước đã hưởng điều rất vui sướng đấy.
Hơn nữa mảnh đất sỏi đá này có hay không thì có quan hệ gì? Việc đi lần này chắc chỉ vì lầm nghe bọn tiểu nhân nói những điều khách khí, nay thì điều khách khí đã thoải mái rồi, còn đòi gì nữa? Chúng tôi đi chuyến này vốn là bất đắc dĩ, mong các người tỏ lòng tốt. Nếu buổi sớm các người rút quân thì buổi chiều chúng tôi cũng cáo từ đấy, chúng tôi há có thích gì cái việc không vui sướng này đâu! Chúng tôi đã thành tâm khuyên nhủ, các người nên nhớ cho kỹ. Vậy đưa tờ trát này để trả lời các người biết.
Một vị lãnh binh nắm giữ quân địa phương mà có được lời lẽ đáng khâm phục, dù ở thế yếu nhưng vẫn phân rõ trắng đen, khẳng định rõ chủ quyền đất nước.
Lịch sử mấy ngàn năm giữ nước cho thấy, cha ông dù ở thế yếu so với phương bắc, đều có thể bản lĩnh ngoại giao mềm dẻo kiên quyết khẳng định chủ quyền, nhờ đó mà bảo vệ được lãnh thổ cho thế hệ con cháu sau này.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Lý Thường Kiệt nhà Nguyễn Lê Đại Hành chúa Trịnh ngoại giao lịch sử Việt Nam