Bàn về sự cao thâm của ý cảnh trong văn học truyền thống
Một phần bức “Thanh minh thượng hà đồ” của Trương Trạch Đoan (1085 – 1145) (Nguồn: Wikipedia, Public Domain)

Ý cảnh là phạm trù trung tâm của văn học và mỹ học truyền thống. Truy về cội nguồn, từ Chu Dịch, Đạo gia, Nho gia, đến sau này lại chịu ảnh hưởng của Phật gia, trong toàn bộ quá trình phát triển của văn học, ý cảnh có rất nhiều danh từ thay thế như: cảnh, cảnh giới, ý cảnh. Cái gọi là “Ý”, là bộc lộ tư tưởng, tư duy của tác giả trong tác phẩm. Cái gọi là “Cảnh” chính là cảnh giới đạt được mà “Ý” bộc lộ ra. “Ý cảnh” khiến quan niệm văn hóa truyền thống rộng lớn thâm sâu được giải phóng ra cuồn cuộn không ngừng, vượt lên cảnh tượng và cảnh vật cụ thể, hữu hạn, tiến vào thời gian và không gian vô hạn, khiến mọi người trong lúc thu được sự truyền cảm và niềm vui từ cái đẹp trong tác phẩm, thì đồng thời được giáo dục vô hình lặng lẽ, đạt được sự cảm nhận và lĩnh ngộ lý tính đối với toàn bộ nhân sinh, lịch sử và vũ trụ.

Văn nhân truyền thống coi Đạo là cảnh giới truy cầu tối cao, truy cầu sự tốt đẹp và vĩnh hằng, coi trọng trạng thái tự giác của quy phạm đạo đức, lý tính, là một loại tự nhiên làm theo lòng mong muốn mà không vượt ra ngoài phép tắc.

Lão Tử nói: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Thông qua phương thức biểu đạt tình cảnh giao hòa, kỹ pháp sáng tác hư thực tương sinh, ý cảnh luôn khiến tác phẩm văn học sinh ra cảnh giới mỹ học của vận vị bất tận. Vì vậy các loại ý tượng “núi sông cây cỏ”, “trời, trăng, tinh tú”, “khói mây biển biếc”, “chuông sáng trống chiều”… đều là cấu kiện quan trọng của ý cảnh, trải qua sự tinh luyện và thăng hoa của tác giả, tất cả thẩm thấu ý chỉ và nội hàm đạo đức phong phú.

Đặc trưng chủ yếu của ý cảnh là “cảnh ngoài cảnh, tượng ngoài tượng”, “ý chỉ ngoài vận, ý ngoài âm”, là “đại âm vô thanh, đại tượng vô hình”, có thể “nói lên chí hướng”, có thể “tải Đạo”. Các văn nhân và các nghệ thuật gia dốc sức truy cầu tác phẩm chất phác tự nhiên, cảnh vật dưới ngòi bút có đủ thần vận, tự có phong lưu. Về giá trị nhân sinh, từ định hướng sáng tạo đối với sự theo đuổi quan niệm giá trị nhân sinh và nhân cách lý tưởng, từ phong thái, văn vật, thiên nhiên cho đến việc con người phản bổn quy chân, đã đưa cái đẹp nâng cao lên cảnh giới cao hơn – “Thiên nhân hợp nhất” (Trời và con người hợp nhất).

Có một số cảnh giới thường thấy trong các tác phẩm văn học cổ đại.

Dĩ đức vi mỹ – Coi đức là đẹp

Khổng Tử ví núi sông với đức, ông nói: “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn. Trí giả động, nhân giả tĩnh” (Luận ngữ – Ung dã), nghĩa là: “Người trí tuệ vui thích sông nước, người nhân đức vui thích núi cao. Người trí tuệ thích hoạt động, người nhân đức thích trầm tĩnh.”

Con người trước tiên cảm nhận được niềm vui thẩm mỹ trực giác đối với núi sông, nhưng người nhân đức sao lại vui thích núi cao? Không Tử nói: “Núi cao tươi tốt, cao chót vót, thế thì sao lại vui thích… Vì núi sinh ra gió mây để câu thông giữa trời đất, âm dương hòa hợp, mưa sương tưới tắm, vạn vật sinh thành, bách tính dùng để làm thức ăn.”

Thế thì tại sao người trí tuệ lại vui thích sông nước? Khổng Tử nói: “Nguồn suối chảy rì rào, ngày đêm không ngừng nghỉ, nó như người có sức mạnh vậy. Nó vận động chảy xuống dưới, như là người có lễ vậy. Nó xông xuống vực sâu muôn trượng mà không nghi ngại, như người dũng cảm vậy. Trải qua chướng ngại ngăn trở mà vẫn trong, như người biết mệnh vậy. Thứ không trong sạch chảy vào nó, thì khi đi ra tươi mới sạch sẽ, như là người thiện hóa vậy.”

Đây là Khổng Tử chỉ ra mấy đức tính tốt đẹp của núi sông, ông cho rằng con người và thiên nhiên là nhất thể, đặc điểm của núi và sông phản ánh trong tố chất của con người. Nhân, trí, dũng là nhân cách quân tử mà Nho gia đề xướng. Người nhân đức và người trí tuệ bền bỉ vững chắc không lay chuyển nổi như núi vậy, dũng mãnh tiến lên như sông vậy, khoan dung nhân hậu, thiện lương với người khác và vạn vật, dùng đức để cảm hóa bốn phương.

Thanh cảnh – Trong sáng, thuần khiết

Đào Uyên Minh đời Tấn có thơ rằng:

Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến Nam Sơn.
Sơn khí nhật tịch giai,
Phi điểu tương dữ hoàn.
Thử trung hữu chân ý,
Dục biện dĩ vong ngôn.

Nghĩa là:

Dưới giậu đông hái cúc,
Xa thấy núi Nam Sơn.
Khí núi chiều thêm vẻ,
Chim bay về cùng đàn.
Bên trong bao ý đẹp,
Muốn nói lại quên luôn.

Núi Nam Sơn, chim bay ở đây cấu thành quang cảnh cuộc sống điền viên tự nhiên yên tĩnh, ý cảnh chất phác mà lại thuần mỹ, kết hợp với bối cảnh sáng tác thơ, chúng ta có thể cảm nhận được tiết tháo cao thượng của tác giả không vì 5 đấu gạo mà khom lưng, kiên quyết từ quan quy ẩn.

Trương Hiếu Tường đời Nam tống viết trong bài từ rằng:

Động đình thanh thảo,
Cận trung thu,
Cánh vô nhất điểm phong sắc…
Tố nguyệt phân huy ngân hà cộng ảnh,
Biểu lý câu trừng triệt

Nghĩa là:

Hồ Động Đình cỏ xanh tươi,
Gần tiết Trung thu,
Lặng không vẻ gió…
Trăng ngần tỏa sáng,
Ngân Hà chung ảnh,
Trong ngoài đều trong vắt.

Mấy câu từ này khiến người ta có cảm nhận như chính mình ở nơi đó: Nước mênh mông, trăng tỏa ánh sáng trong lành, quả là nước trong, trăng trong và người cũng trong. Khái quát là “trong ngoài đều trong vắt”.

Phương Hư Cốc đời Nguyên nói: “Trời không mây gọi là trong, nước không bùn gọi là trong, gió mát gọi là trong, trăng sáng trắng gọi là trong…”. Các thi nhân coi những âm điệu trong trẻo của núi sông làm cái đẹp để thưởng thức, điều truy cầu chính là cảnh trong sáng thấu triệt. Bản thân họ cũng không mảy may nhiễm bụi trần, hương thơm lan tỏa, ngày càng trong sạch hơn.

Tĩnh cảnh – Tự tại, vĩnh hằng

Tĩnh mịch cũng có thể nói là một loại cảnh giới, “Nhân sinh tĩnh, chính là thiên tính”. Tĩnh thì sinh trí huệ, trong tĩnh dưỡng dục những sinh cơ vô hạn. Khổng Tử nói: “Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vận hành, vạn vật sinh trưởng”. Câu này đã miêu tả cảnh tượng Trời sinh vạn vật, bốn mùa vận chuyển không ngừng, chim bay trên trời, cá nhảy vực sâu, khiến vạn vật phơi phới phồn vinh, thật là cảnh thì động mà ý lại tĩnh.

Vương Duy đời Đường đã viết trong bài thơ “Điểu minh giản” (Suối chim hót) rằng:

Nhân nhàn quế hoa lạc,
Dạ tĩnh xuân sơn không.
Nguyệt xuất kinh sơn điểu,
Thời minh xuân giản trung.

Nghĩa là:

Người nhàn hoa quế rụng rơi,
Đêm xuân thanh vắng núi đồi mênh mang.
Trăng lên chim núi bàng hoàng,
Giữa khe xuân thắm khẽ khàng chim kêu.

Bài thơ đã miêu tả vẻ đẹp tĩnh của núi xuân, vẻ đẹp tĩnh của suối xuân, thể hiện ra vẻ đẹp tĩnh của tâm hồn thi nhân. Vương Duy cả đời “thích Đạo”. Ông dùng tâm cảnh của người tu luyện đạm bạc siêu nhiên để cảm thụ “chân ý” của sinh mệnh và sự thần diệu của thế giới. Phong vận phiêu nhiên thế ngoại này, ý xuân xanh tươi, sức sống tràn đầy, khiến con người yêu thích mong mỏi. Khiến con người hòa nhập vào thiên nhiên tươi đẹp, giao lưu với tinh thần của Trời Đất, biểu hiện ra sự vĩnh hằng tự tại, thường hằng.

Lý cảnh – Trí huệ, lý tính

Lý Bạch đời Đường viết:

Đăng cao tráng quan thiên địa gian,
Đại giang mang mang khứ bất hoàn.

Nghĩa là:

Lên cao phóng mắt tha hồ ngắm trông,
Dòng sông lớn mênh mông xuôi chảy.

Tô Thức đời Bắc Tống viết:

Ai ngô sinh chi tu du,
Niệm thiên địa chi vô cùng.

Nghĩa là:

Buồn thay cuộc đời trong chốc lát,
Ngẫm trời đất vô cùng.

Hay:

Túng nhất vĩ chi sở tri,
Lăng vạn khoảnh chi mang nhiên.

Nghĩa là: Dùng tri thức cọng sậy mà ngạo nghễ nỗi mịt mùng vạn mẫu. Những câu khiến người đời sau thấy “mênh mang”, “mịt mùng” này, sẽ bất giác mang lại muôn ngàn cảm xúc đan xen.

Thi nhân mượn sông lớn, trăng sáng để biểu hiện sự vô cùng của vũ trụ, thở than đời người ngắn ngủi, thức tỉnh bản tính sinh mệnh, khiến người nghe phải suy nghĩ đến sinh mệnh, suy nghĩ đến giá trị của nhân sinh. Đây chính là bước đầu tiên để bước lên con đường “cầu Đạo”.

Lý cảnh cũng bao hàm sự quan sát, tìm tòi và thể nghiệm của nhà thơ đối với nhân sinh, xã hội và tự nhiên, như Chu Hy đời Nam tống có viết trong “Quan thư hữu cảm” rằng:

Bán mẫu phương đường nhất giám khai,
Thiên quang vân ảnh cộng bồi hồi.
Vấn cừ na đắc thanh như hứa?
Vị hữu nguyên đầu hoạt thủy lai.

Nghĩa là:

Nửa mẫu ao vuông gương mở soi,
Trời quang mây bóng cũng bồi hồi.
Hỏi ngôi sao được trong như vậy?
Có phải đầu nguồn mãi đổ đây?

Bài thơ này đã miêu tả bởi vì “đầu nguồn nước chảy” không ngừng, do đó ao mới vĩnh viễn sâu mà không bị khô cạn, vĩnh viễn không dơ bẩn, vĩnh viễn sâu và trong. Cái ao vuông trong bài thơ bao hàm tâm đắc đọc sách và cảm ngộ tu Đạo của tác giả, đem lại sự gợi mở cho con người.

Lo cho thiên hạ

Phạm Trọng Yêm đời Bắc Tống đã viết trong “Nhạc Dương lâu ký” rằng: “Người ở nơi cao trong miếu đường thì lo cho người dân. Người ở nơi xa xôi chốn giang hồ, thì lo cho vua… Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”. Mấy câu văn này đã thể hiện ra quan niệm chính trị thuần phác và cảnh giới tư tưởng chí công vô tư.

Tân Khí Tật đời Nam Tống viết trong “Bồ Tát man – Thư Giang Tây tạo khẩu bích” rằng:

Uất Cô đài hạ thanh giang thuỷ,
Trung gian đa thiểu hành nhân lệ.
Tây bắc vọng Trường An,
Khả liên vô số san.
Thanh san già bất trú,
Tất cánh đông lưu khứ.
Giang vãn chính sầu dư,
Sơn thâm văn giá cô.

Nghĩa là:

Dưới đài Uất Cô dòng thanh thuỷ,
Qua lại bao người đầm giọt lệ.
Tây bắc nhìn Trường An,
Tiếc thay núi bạt ngàn.
Non xanh không chắn xiết,
Nước chảy về xuôi miết.
Sông chiều buồn cho ta,
Núi sâu tiếng đa đa.

Tân Khí Tật trước sau luôn kiên trì chống quân Kim, thu hồi vùng đất đã mất, tuy nhiều lần bị giáng chức, đi đày, nhưng quyết chí không lay chuyển. Ông dùng cảnh tượng trước mắt để nói những chuyện trong tâm, dùng nước sông trong, vô số núi để nói lên cảm khái xưa nay. Hình tượng nhà thơ lòng ôm chí lớn, thương bách tính lầm than triển hiện lên trước mắt mọi người.

Các tác phẩm văn nghệ ưu tú xưa nay đều coi trọng ý cảnh, các hình thức nghệ thuật khác cũng như thế, ý cảnh là nhịp cầu mà nghệ thuật gia dùng để dẫn độc giả đến bờ bên kia của tư tưởng. Người xưa cho rằng, sự truy cầu không mệt mỏi đối với chân lý là chủ đề vĩnh hằng của nhân sinh và văn học, coi “văn dĩ tải Đạo” (văn để truyền tải Đạo), “văn dĩ minh Đạo” (văn để làm sáng tỏ Đạo), “văn dữ Đạo câu” (văn đi theo Đạo) là trách nhiệm của mình. Người trí thức là lương tri của xã hội, tinh thần trách nhiệm xã hội và dũng khí bảo vệ chân lý hàng trăm hàng ngàn năm nay được mọi người tôn trọng, bản thân họ chính là người thực hành và truyền bá đạo đức, đồng thời cũng đang cổ vũ thế nhân: Lấy đạo đức tiết tháo làm tiêu chuẩn xử thế lập thân, truy cầu chân lý, truy cầu cảnh giới cao thanh, cao khiết và cao viễn.

Đăng lại có chỉnh sửa từ “Bàn về ý cảnh trong văn học”
Đăng trên Minghui.org
Bản dịch thơ tham khảo trên Thivien.net
Tác giả: Trí Chân

Xem thêm:

Mời xem video: